Tủy răng

Tủy răng là mô liên kết có mạch máu, bạch mạch và thần kinh, nằm trong khoang tủy, giới hạn xung quanh bởi mô ngà cứng bao gồm hai phần: tủy buồng và hệ thống ống tủy. Tủy răng đảm nhiệm chức năng dẫn truyền thần kinh và nuôi dưỡng răng. Bệnh lý tủy

Tìm hiểu chung

Tủy răng là mô liên kết có mạch máu, bạch mạch và thần kinh, nằm trong khoang tủy, giới hạn xung quanh bởi mô ngà cứng bao gồm hai phần: tủy buồng và hệ thống ống tủy. Tủy răng đảm nhiệm chức năng dẫn truyền thần kinh và nuôi dưỡng răng.
Bệnh lý tủy răng chủ yếu là bệnh viêm các thành phần mô học tủy răng, thường tiến triển một chiều gây nên các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh.

Các bệnh của tủy răng

Hiện nay bệnh lý tủy răng là một bệnh hay gặp và khá phổ biến. Vì vậy điều trị tủy là công việc hằng ngày của bác sỹ răng hàm mặt chuyên sâu. Hiểu rõ về bệnh lý tủy răng sẽ giúp cho nha sỹ thực hành điều trị cũng như phòng ngừa những nguy cơ gây ra cho tủy răng trong quá trình thực hành nội nha. Diễn biến bệnh lý tủy qua 3 giai đoạn sau: viêm tủy có hồi phục; viêm tủy không hồi phục và hoại tử

Triệu chứng, biểu hiện

Triệu chứng, biểu hiện bệnh tủy răng

Viêm tủy có hồi phục

Là tình trạng viêm nhẹ của mô tủy có khả năng hồi phục về trạng thái bình thường nếu các yếu tố bệnh nguyên được loại bỏ. Viêm tủy có hồi phục có thể không biểu hiện triệu chứng.
Nếu có thì thường là triệu chứng đặc thù như nhạy cảm với các kích thích nóng, lạnh hoặc không khí. Các kích thích này thường gây cảm giác ê buốt thoáng qua, thường chỉ kéo dài vài giây hoặc vài chục giây sau khi loại bỏ kích thích.
Thực tế lâm sàng, giai đoạn viêm tủy có hồi phục rất ít gặp do bệnh nhân khi đến khám thường bệnh đã tiến triển nặng hơn.

Viêm tủy không hồi phục

Có thể là viêm tủy đau hoặc không đau, với viêm tủy không hồi phục thể đau. Cơn đau tủy điển hình: là cơn đau tự nhiên, thường đau lan tỏa lên nửa đầu nửa mặt cùng bên, bệnh nhân thường chỉ khu trú được vùng đau chứ không xác định được chính xác răng đau. Các cơn đau có thể kéo dài hàng giờ hoặc ngắn trong vài phút và nặng lên khi có các kích thích như: nóng, lạnh hoặc thay đổi tư thế.
Ổ viêm tủy không hồi phục thể không đau, trên lâm sàng có thể thấy lỗ sâu hở tủy hay một khối màu đỏ sẫm, lốm đốm vàng nhô ra khỏi buồng tủy. Bệnh nhân thường không có cảm giác đau.

Hoại tử tủy

Bệnh nhân không có triệu chứng đau, đau chỉ xuất hiện khi có viêm lan rộng tới chân răng. Trên lâm sàng thấy có tổn thương tổ chức cứng, có thể có tiền sử đau buốt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân bệnh tủy răng

Viêm tủy thường bắt đầu từ sâu răng, sâu răng gây ê buốt khi có nóng, lạnh, chua, ngọt. Nếu trong giai đoạn này răng sâu được chữa trị kịp thời thì sẽ tránh được bệnh tủy răng.
Ngoài ra bệnh tủy răng còn có thể do các nguyên nhân khác như vỡ hay mẻ răng, do chấn thương làm đứt mạch máu nuôi tủy răng, mòn răng quá nhiều, viêm tủy do viêm quanh răng.

Biến chứng

Biến chứng bệnh tủy răng

Bệnh lý tủy với khởi phát là viêm tủy có hồi phục nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra viêm tủy cấp, sau đó tủy sẽ bị hoại tử dần đưa đến viêm tủy mãn rồi đến tủy chết, thối.
Những chất hoại tử của tủy có thể thoát qua lỗ chóp chân răng gây nên những bệnh lý vùng quanh chóp, viêm tổ chức liên kết, viêm xương hàm..., hoặc tụ lại ở chân răng tạo nên u hạt, nang chân răng... Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất răng.
Ngoài ra, vi khuẩn có thể gây những biến chứng ở xa như viêm xoang hàm, viêm nội tâm mạc (Osler)...

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh tủy răng, có thể thực hiện chẩn đoán xác định hoặc chẩn đoán phân biệt tùy theo tình trạng bệnh cụ thể.

Chẩn đoán xác định

Dựa vào triệu chứng lâm sàng.

Chẩn đoán phân biệt

  • Viêm quanh chóp cấp (răng trồi và lung lay, gõ dọc đau dữ dội): khác với viêm tủy cấp (răng bình thường gõ ngang đau).
  • Sâu ngà (khoan răng có cảm giác ê buốt), viêm quanh chóp mãn (trên phim có một vùng thấu quang ở chóp chân răng) khác với hoại tử tủy (chóp chân răng bình thường, khoan răng không có cảm giác ê buốt).

Điều trị

Điều trị bệnh tủy răng

Các phương pháp điều trị tủy với kĩ thuật hiện đại

Điều trị bảo tồn răng luôn luôn là một thách thức lớn, không chỉ với bác sỹ răng hàm mặt nói chung mà còn với các bác sỹ chuyên sâu về nội nha. Công việc đòi hỏi bác sỹ điều trị ngoài chuyên môn sâu cần có những trang thiết bị tiên tiến hiện đại.
Trong suốt quá trình phát triển, những quan điểm về điều trị tủy răng đã có nhiều thay đổi. Công việc điều trị tủy được thực hiện tuần tự từ lấy sạch mô tủy bệnh lý, tạo hình hệ thống ống tủy, làm sạch và dùng vật liệu trơ về mặt sinh học để hàn kín hệ thống ống tủy theo không gian ba chiều. Theo quan điểm hiện đại, giai đoạn tạo hình là vô vùng quan trọng. Kết quả điều trị tủy thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc đã loại bỏ được hết vi khuẩn hay chưa.
Quá trình tạo hình có sử dụng hệ thống file máy và file tay Protaper giúp rút ngắn thời gian làm việc đồng thời tạo độ thuôn lớn tăng hiệu quả làm sạch loại bỏ vi khuẩn. Tỷ lệ thành công sau điều trị rất cao.
Điều trị bệnh tủy răng - ảnh 1

Phương pháp điều trị tủy với kĩ thuật hiện đại có tỷ lệ thành công cao (ảnh: Internet)

Hệ thống file Protaper máy, Pathfile

Trong quá trình sửa soạn, các ống tủy được bơm rửa và làm sạch bởi dung dịch Natri hypochloride 2,5%, Glyde… Giữa các lần hẹn, bệnh nhân được đặt thuốc Canxi hydroxide trong ống tủy nhằm diệt sạch mọi vi khuẩn gây bệnh.
Đồng thời trong giai đoạn sửa soạn hệ thống ống tủy, các bác sỹ sử dụng máy định vị chóp Propex II để xác định một cách chính xác chiều dài ống tủy. Việc sửa soạn theo đúng chiều dài giúp loại trừ khả năng đẩy vi khuẩn xuống sâu hơn, từ đó tăng khả năng thành công của điều trị.

Máy đo chiều dài ống tủy

Trong quá trình điều trị, hệ thống đầu siêu âm nội nha giúp xác định chính xác ống tủy đồng thời làm sạch tới tận cùng các ống tủy bên, ống tủy phụ, giúp loại trừ phần lớn lượng vi khuẩn.
Điều trị bệnh tủy răng - ảnh 2

Hệ thống đầu siêu âm nội nha giúp xác định chính xác ống tủy và làm sạch tới tận cùng các ống tủy (ảnh: Internet)

Hệ thống siêu âm nội nha

Kết thúc quá trình, ống tủy được hàn kín khít theo cả 3 chiều trong không gian bằng nhiều phương pháp hiện đại chuẩn quốc tế như lèn ngang, lèn dọc sử dụng hệ thống Thermafil, Obtura….

Hệ thống Thermafil, Obtura

Cần lưu ý rằng nếu không áp dụng đúng quy trình kĩ thuật đã nêu thì hậu quả tất yếu sẽ dẫn đến thất bại. Khi đó việc điều trị tủy lại là vô cùng khó khăn, tỉ lệ thành công không cao và thậm chí có thể phải nhổ bỏ răng.

Phòng ngừa

Phòng ngừa bệnh tủy răng

Để phòng tránh bệnh viêm tủy răng, mỗi người nên đi kiểm tra răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và chữa kịp thời.
Nếu có bệnh viêm lợi và viêm quanh răng thì nên chữa trị ngay.
Tránh nhai vật cứng như xương, vỏ cua biển.

(Nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    1. Các dấu hiệu của cơn hen nặng: Khó thở liên tục không nằm được (phải ngồi ngả ra trước để thở). Nghe phổi có nhiều ran rít hai phổi, cả khi hít vào và thở ra. Nói từng từ (khó nói, khó ho). Tình trạng tinh thần kích thích. Vã mồ hôi. Tím rõ. Co kéo
  • 28-05-2018
    Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn làm cho hệ miễn dịch hoạt hoá các tế bào bạch cầu và các chất hoá học để đề kháng. Trong “cuộc chiến” đó nhiều tế bào vi khuẩn và bạch cầu bị chết tạo thành một chất lỏng đặc còn gọi là mủ. Một số vi khuẩn như vi khuẩn
  • 28-05-2018
    U sợi thần kinh là một bệnh thuộc dạng di truyền. Bệnh biểu hiện bằng nhiều u dạng sợi mềm mọc ra từ dây thần kinh, cùng nhiều đốm màu nâu nhạt xuất hiện trên da thân người và vùng chậu. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện được ít nhất 8 typ của
  • 28-05-2018
    Nhức đầu là tình trạng đau ở vùng đầu và đau không chỉ là sự khó chịu về mặt cảm giác mà còn liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm.
  • 03-10-2018

    U dây thần kinh thính giác hay còn gọi là u dây thần kinh số VIII hoặc u dây thần kinh tiền đình-ốc tai. Đây là một u lành tính (không gây ung thư), bắt đầu từ dây thần kinh sọ thứ tám của não, còn được gọi là dây thần kinh tiền đình. Các tế bào thần

  • 17-10-2018

    Bệnh nấm lưỡi (còn gọi là tưa lưỡi) hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Nấm lưỡi là một trong những nguyên nhân chính gây chứng biếng ăn ở trẻ nhưng lại ít được chú ý. Bệnh khá phổ biến, dễ tái phát và chữa lâu khỏi. Bệnh nấm lưỡi có liên quan