Túi phình mạch não

Túi phình mạch não là chỗ phồng hay phình ra của mạch máu não, nhìn giống như quả dâu treo trên cuống. Túi phình có thể dò hay vỡ, gây chảy máu trong não (đột quỵ xuất huyết). Hầu hết túi phình vỡ xảy ra trong khoảng giữa não và lớp mô mỏng bao quanh

Túi phình mạch não là gì?

Túi phình mạch não

Túi phình mạch não là chỗ phồng hay phình ra của mạch máu não, nhìn giống như quả dâu treo trên cuống.
Túi phình có thể dò hay vỡ, gây chảy máu trong não (đột quỵ xuất huyết). Hầu hết túi phình vỡ xảy ra trong khoảng giữa não và lớp mô mỏng bao quanh não. Kiểu đột quỵ xuất huyết này gọi là xuất huyết khoang dưới nhện (hay xuất huyết dưới nhện). Vỡ túi phình đe doạ tính mạng rất nhanh và cần sớm được can thiệp y khoa.
Tuy nhiên, hầu hết túi phình không vỡ, không gây vấn đề hay triệu chứng gì. Những túi phình như vậy thường được phát hiện khi khám những bệnh khác. Một số trường hợp túi phình chưa vỡ này nên được điều trị để tránh vỡ sau này.

Triệu chứng của túi phình mạch não

Triệu chứng chính của vỡ túi phình là đau đầu dữ dội và đột ngột. Cơn đau thường được bệnh nhân tả là “đau nhất” mà họ từng bị.
Các triệu chứng thường gặp của vỡ túi phình bao gồm:
Đau đầu dữ dội đột ngột
Buồn nôn và nôn ói
Cứng gáy
Nhìn mờ hoặc nhìn đôi (nhìn một thành hai)
Nhạy cảm ánh sáng (cảm giác đau khi nhìn ánh sáng mạnh)
Co giật
Sụp mi
Mất ý thức
Lú lẫn<

“Dò” túi phình

Trong một số trường hợp, túi phình dò ra một lượng máu nhỏ. Hiện tượng dò này (còn gọi là chảy máu cảnh báo) có thể chỉ gây: một cơn đau đầu dữ dội và đột ngột. Túi phình hầu như luôn luôn vỡ sau đó.

Túi phình chưa vỡ

Một túi phình chưa vỡ có thể không gây triệu chứng, nhất là khi nó nhỏ. Tuy nhiên, túi phình chưa vỡ nếu lớn có thể đè ép não hay các dây thần kinh, và có thể gây ra:
Đau phía trên hay sau mắt
Dãn đồng tử
Nhìn đôi hay bất thường thị giác khác
Tê, yếu hay liệt một bên mặt
Sụp mi
Khi nào cần đi khám bác sĩ
Vỡ túi phình là một cấp cứu y khoa. Khoảng 30% bệnh nhân vỡ túi phình tử vong ngay.
Hãy đi khám ngay nếu bạn bị đau đầu đột ngột và dữ dội.
Nếu bạn ở cạnh một người đột ngột than đau đầu dữ dội hay mất ý thức (hôn mê) hoặc bị động kinh thì hãy gọi cấp cứu ngay.

Nguyên nhân gây túi phình mạch não

Túi phình mạch não hình thành do thoái hoá hay mỏng thành động mạch. Nó thường xảy ra ở ngã ba hay chỗ chia của động mạch vì những chỗ nào mạch máu thường yếu hơn. Túi phình có thể xảy ra bất kỳ nơi nào trong não nhưng hay gặp nhất ở động mạch vùng đáy não.

Ai có nguy cơ bị túi phình mạch não?

Một số yếu tố góp phần làm yếu thành động mạch và làm tăng nguy cơ túi phình mạch não.
Túi phình hay gặp ở người trưởng thành hơn là trẻ em, ở nữ nhiều hơn nam giới.
Một số yếu tố nguy cơ xảy ra khi lớn lên (mắc phải), một số đã có khi sinh ra (bẩm sinh) .
Những yếu tố nguy cơ mắc phải bao gồm:
Cao tuổi
Hút thuốc lá
Tăng huyết áp
Xơ cứng động mạch
Nghiện ma tuý, đặc biệt là cocaine
Chấn thương đầu
Nghiện rượu nặng
Một số bệnh nhiễm trùng máu
Sút giảm estrogen sau mãn kinh
Những yếu tố nguy cơ bẩm sinh bao gồm:
Bệnh mô liên kết di truyền, như hội chứng Ehlers-Danlos, gây yếu tất cả thành mạch máu.
Bệnh thận đa nang, bệnh di truyền gây nhiều nang dịch trong thận và thường kèm tăng huyết áp.
Hẹp bất thường động mạch chủ, mạch máu lớn dẫn máu giàu oxy từ tim đi khắp cơ thể.
Dị dạng động tĩnh mạch não, là thông nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch trong não ngắt dòng lưu thông máu bình thường giữa 2 hệ này.
Tiền sử bị túi phình mạch não trong gia đình, nhất là thân nhân bậc một, như cha mẹ, anh chị em ruột.

Biến chứng của túi phình mạch não

Khi túi phình vỡ, máu thường chỉ chảy trong vài giây. Máu có thể gây tổn thương trực tiếp những tế bào xung quanh, và chảy máu cps thể làm tổn thương hay chết những tế bào khác. Nó còn làm tăng áp lực bên trong sọ. Nếu áp lực này quá cao, máu và dưỡng khí đến nuôi não có thể bị ngắt dẫn đến hôn mê hay thậm chí tử vong.
Những biến chứng có thể xảy ra sau vỡ túi phình bao gồm:
Chảy máu lại. Một túi phình đã vỡ hay dò có nguy cơ chảy máu lại. Chảy máu lại sẽ gây thêm tổn thương lên tế bào não.
Co thắt mạch máu. Sau khi túi phình vỡ, mạch máu não có thể co hẹp thất thường (co thắt mạch). Tình trạng này làm làm giới hạn lưu lượng máu đến nuôi tế bào não (đột quỵ thiếu máu) và gây tổn thương hay chết thêm tế bào não.
Đầu nước (não úng thủy). Khi túi phình vỡ gây chảy máu vào khoang giữa não và màng bao xung quanh (xuất huyết dưới nhện) – gặp trong hầu hết trường hợp – máu có thể làm tắc dòng lưu thông quanh não và tuỷ sống (dịch não tủy). Tình trạng này có thể gây ra đầu nước, là tình trạng thừa dịch não tuỷ làm tăng áp lực lên não và có thể gây tổn thương mô não.
Hạ natri máu. Xuất huyết dưới nhện từ túi phình vỡ có thể làm mất cân bằng natri trong máu. Hiện tượng này có thể do tổn thương hạ đồi, là một vùng gần đáy não. Natri máu giảm nhanh có thể làm phù tế bào não và gây tổn thương não vĩnh viễn.
CHUẨN BỊ KHI ĐẾN KHÁM
Hầu hết túi phình mạch não được phát hiện khi chúng vỡ và khi đó là cấp cứu.
Tuy nhiên, túi phình có thể được phát hiện tình cờ khi được chụp vùng đầu vì bệnh khác.
Nếu những kết quả hình ảnh học cho thấy bạn có túi phình, bạn cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về não và hệ thần kinh (bác sĩ nội thần kinh hay ngoại thần kinh) về nó.
Để thời gian khám bệnh của bạn hiệu quả nhất, bạn cần chuẩn bị một số câu hỏi, như là:
Xin cho biết về vị trí và kích thước của túi phình?
Kết quả chụp có cho thấy bằng chứng túi phình sẽ dễ vỡ không?
Bác sĩ đề nghị điều trị gì lúc này?
Nếu chúng ta đợi, thì tôi phải tái khám theo dõi thế nào?
Tôi có thể làm gì để giảm nguy cơ túi phình vỡ không?
Bác sĩ (nội hoặc ngoại thần kinh) có thể hỏi bạn những câu hỏi sau để giúp chọn phương án xử trí tốt nhất.
Bạn có hút thuốc không?
Bạn uống rượu bia ở mức nào?
Bạn có dùng thuốc kích thích, gây nghiện không?
Bạn có đang điều trị tăng huyết áp, tăng cholesterol, hay bệnh khác có nguy cơ tim mạch hay không?
Bạn có uống thuốc được kê toa không?
Trong gia đình bạn có ai bị túi phình không?

Xét nghiệm và chẩn đoán túi phình mạch não

Nếu bạn đột ngột đau đầu dữ dội hay những triệu chứng khác liên quan tới túi phình, bạn sẽ được làm cách xét nghiệm hoặc một lô các xét nghiệm để khẳng định có chảy máu vào khoang giữa não và mô bao quanh não (xuất huyết dưới nhện) hay là một dạng đột quỵ khác. Nếu có chảy máu, bác sĩ cấp cứu sẽ tìm xem có phải do túi phình hay không.
Nếu bạn có những triệu chứng của một túi phình chưa vỡ – như đau sau mắt, thay đổi thị giác hay liệt một bên mặt – bạn cũng sẽ được làm những xét nghiệm như vậy. Các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:
Chụp cắt lớp điện toán (CT) . CT là một kỹ thuật chụp X-quang chuyên biệt, thường là xét nghiệm đầu tay để xác định chảy máu trong não. Kỹ thuật này sẽ tạo ảnh là những “lát cắt” hai chiều của não. Khi chụp, bạn có thể được tiêm một thuốc nhuộm để dễ quan sát lưu thông máu trong não hơn và giúp xác định vị trí của túi phình vỡ. Cách chụp này gọi là mạch não đồ CT.
Xét nghiệm dịch não tuỷ. Nếu bạn có xuất huyết dưới nhện, khả năng rất cao là sẽ có hồng cầu trong dịch bao quanh não và tuỷ sống (dịch não tuỷ). Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm dịch não tuỷ nếu như bạn có triệu chứng của túi phình vỡ nhưng CT không có bằng chứng chảy máu. Thủ thuật để lấy dịch não tuỷ bằng kim ở lưng gọi là chọc dò thắt lưng.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) . Máy cộng hưởng từ dùng một từ trường mạnh và sóng vô tuyến (radio) để ghi hình chi tiết của não, cả hai và ba chiều. Thuốc tương phản có thể được dùng ( chụp MRI mạch máu hay mạch não đồ MRI ) để thấy mạch máu và vị trí vỡ túi phình rõ hơn. Kỹ thuật này có thể cho hình ảnh rõ hơn so với CT scan.
Chụp mạch não đồ. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ luồn một ống mảnh và dẻo (catheter – ống thông) vào một mạch máu lớn của bạn – thường là ở bẹn – đưa nó qua tim đến các mạch máu não. Một chất cản quang đặc biệt sẽ được bơm qua ống thông vào động mạch và toàn bộ não. Mạch máu sẽ hiện hình trên X-quang và được ghi hình lại để khảo sát chi tiết tình trạng của mạch máu và điểm vỡ phình. Xét nghiệm này xâm lấn hơn các cái trên nên thường được dùng khi không có đủ thông tin từ các xét nghiệm hình ảnh khác.

Tầm soát túi phình mạch não

Nhìn chung, dùng chẩn đoán hình ảnh để tầm soát túi phình không được khuyến cáo.
Tuy nhiên, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về khả năng tầm soát là hưu ích cho bạn nếu:
Bạn có cha mẹ hay anh chị em bị túi phình, nhất là khi bạn có hai người thân bậc một bị như vậy.
Bạn có bệnh bẩm sinh làm tăng nguy cơ bị túi phình mạch não.

Phẫu thuật túi phình mạch não

Có hai lựa chọn điều trị thường áp dụng cho túi phình mạch não vỡ.
Mổ kẹp túi phình là thủ thuật đóng kín túi phình. Phẫu thuật viên thần kinh sẽ mở một phần sọ để đến được túi phình, định vị mạch máu nuôi túi phình. Khi đó, phẫu thuật viên sẽ đặt một cái kẹp kim loại nhỏ (clip) vào cổ túi phình và ngắt dòng máu chảy vào nó.
Thả coil nội mạch hay can thiệp nội mạch gây tắc là thủ thuật ít xâm lấn hơn mổ kẹp túi phình. Phẫu thuật viên sẽ luồn một ống plastic rỗng (catheter – ống thông) vào một động mạch, thường là ở bẹn, và luồn nó đến túi phình. Sau đó, phẫu thuật viên sẽ dùng một qua dẫn để đẩy một dây bằng bạch kim mềm qua ống thông vào túi phình. Dây này sẽ cuộn lại bên tring túi phình, ngắt dòng máu và gây đông máu. Máu đông sẽ hoàn tất việc đóng kín túi phình khỏi mạch máu.
Cả hai biện pháp đều mang nguy cơ tai biến, nhất là chảy máu vào trong não hay tắc dòng máu đến nuôi não. Can thiệp nội mạch ít xâm lấn hơn và có thể an toàn hơn lúc đầu nhưng lại có nguy cơ chảy máu lại cao hơn, và có thể cần can thiệp thêm. Bác sĩ sẽ dựa vào kích thước, hình dạng túi phình, tình trạng sức khoẻ của bạn có thể chịu đựng mổ xẻ và nhiều yếu tố khác để đề nghị lựa chọn điều trị phù hợp cho bạn.
Các điều trị khác
Các điều trị khác nhắm vào cải thiện triệu chứng và xử lý biến chứng.
Thuốc giảm đau, như Acetaminophen (Panadol hay thuốc khác), có thể được dùng để trị đau đầu.
Thuốc ức chế kênh can-xi ngăn can-xi vào tế bào ở thành mạch máu. Các thuốc này có thể làm giảm hiện tượng co thắt mạch máu, một biến chứng hay gặp của vỡ túi phình. Một trong những thuốc này là nimodipine, đã được chứng minh giảm nguy cơ tổn thương não muộn gây ra do thiếu máu nuôi não sau xuất huyết dưới nhện từ túi phình vỡ.
Phòng ngừa đột quỵ từ thiếu máu nuôi bằng cách bơm thuốc co mạch vào tĩnh mạch, làm tăng huyết áp để vượt qua sức cản của những mạch máu hẹp. Một cách can thiệp khác để phòng đột quỵ là tạo hình mạch máu. Trong thủ thuật này, bác sĩ cũng dùng ống thông (catheter) để bơm một bóng nhỏ nong rộng đoạn mạch máu não bị co hẹp. Ống thông cũng có thể được dùng để bơm thuốc dãn mạch trực tiếp vào não, làm mạch máu dãn ra.
Các thuốc chống động kinh như levetiracetam (Keppra), phenytoin (Dihydan), hay valproic acid (Depakene) có thể được dùng để trị động kinh gây ra do túi phình vỡ.
Dẫn lưu não thất , dẫn lưu thắt lưng hay phẫu thuật đặt shunt có thể làm giảm áp lực lên não do ứ dịch não tuỷ (não úng thuỷ) hay đi kèm vỡ túi phình. Dẫn lưu não thất là kỹ thuật đặt một ống thông mềm vào não thất (khoang chứa dịch não tuỷ bên trong não) và dẫn ra một túi đựng bên ngoài. Với dẫn lưu thắt lưng thì ống đặt vào khoang dịch bao quanh não và tuỷ sống. Đôi khi, có thể cần phải đặt một hệ thống shunt (đường nối tắt) – gồm một ống silicon mềm (dây shunt) và có van – để tạo kênh dẫn lưu dịch não tuỷ từ não vào ổ bụng.
Phục hồi chức năng. Tổn thương não do xuất huyết dưới nhện để lại thường gây những khiếm khuyết cần những liệu pháp phục hồi chức năng để học lại những kỹ năng vận động, ngôn ngữ hay nghề nghiệp. ​

Điều trị túi phình chưa vỡ

Có thể mổ kẹp túi phình hay can thiệp nội mạch để đóng kín một túi phình chưa vỡ. Tuy nhiên, những nguy cơ của ca mổ có thể lớn hơn lợi ích mong đợi.
Bác sĩ Nội và Ngoại thần kinh sẽ giúp bạn xác định điều trị phù hợp cho mình. Những yếu tố để cân nhắc quyết định điều trị gồm:
Kích thước và vị trí túi phình
Tuổi và tình trạng sức khoẻ chung của bạn
Tiền sử vỡ túi phình trong gia đình
Những bệnh bẩm sinh làm tăng nguy cơ vỡ túi phình
Nếu bạn có cao huyết áp, hãy trao đổi với bác sĩ về thuốc cho bệnh này. Nếu bạn coa túi phình mạch não, kiểm soát huyết áp tốt có thể có thể giảm nguy cơ vỡ.
ĐIỀU CHỈNH LỐI SỐNG
Nếu bạn có một túi phình chưa vỡ, bạn có thể giảm nguy cơ vỡ của nó bằng cách điều chỉnh những việc như sau:
Không hút thuốc và dùng thuốc tạo ảo giác hay ma tuý. Nếu bạn hút thuốc lá hay dùng các thuốc đó, hãy bàn với bác sĩ về chương trình cai thuốc.
Ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Bạn có thể hạ huyết áp bằng cách thay đổi chế độ ăn và tập thể dục. Hãy hỏi bác sĩ những điều chỉnh nào phù hợp với bạn.
Hạn chế uống cafe. Caffeine là một chất kích thích có thể làm tăng huyết áp đột ngột.
Tránh gắng sức. Kiểu gắng sức nhiều, đột ngột và phải duy trì như khi bạn nâng một vật nặng có thể làm tăng vọt huyết áp.
Thận trọng khi dùng aspirin. Hãy tham vấn bác sĩ trước khi uống aspirin hay các thuốc ức chế đông máu khác, vì nó sẽ khiến máu chảy nhiều hơn nếu như có vỡ túi phình.

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Bệnh giả gút thường xảy ra ở người lớn tuổi và phổ biến nhất là ảnh hưởng đến đầu gối. Các khớp khác cũng có thể bị ảnh hưởng, bao gồm mắt cá chân, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay và vai.. Những đợt đau có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Còn được
  • 28-05-2018
    Xơ gan mật nguyên phát hay còn gọi là xơ gan mật hoặc PBC. Đây là tình trạng khi các ống dẫn mật trong gan bị viêm nhiễm và tắc nghẽn. Mật là một chất dịch được sản sinh ra trong gan. Mật đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn, lọc những
  • 28-05-2018
    Bệnh khớp Charcot còn có tên khác là bệnh thần kinh – cơ. Đây là bệnh lý mãn tính chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp ở chi chịu lực như bàn chân và mắt cá chân. Người mắc bệnh khớp Charcot sẽ bị mất cảm giác hoặc khó có cảm giác ở các khớp.
  • 28-05-2018
    Hầu hết các khối u đại tràng lành tính vô hại, theo thời gian một số trở thành ung thư.Bất cứ ai cũng có thể phát triển khối u đại tràng. Nhưng nguy cơ cao hơn nếu bạn ở tuổi 50 trở lên, thừa cân hoặc người hút thuốc, chế độ ăn uống chất béo và chất
  • 28-05-2018
    Bệnh do vi rút Ebola (trước đây gọi là sốt xuất huyết Ebola) là một bệnh nhiễm trùng nặng, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 90%. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với mô, máu và dịch cơ thể của động vật hoặc người nhiễm bệnh, có thể bùng phát thành dịch.
  • 28-05-2018
    Thiếu glucose-6-phosphatase dehydrogenase (G6PD) là bệnh lý về men thường gặp nhất ở người. Với gen gây bệnh nằm trên nhiễm sắc thể X, thiếu G6PD gây bệnh cho khoảng 400 triệu người trên thế giới. Bệnh rất đa dạng với hơn 300 biến thể đã được báo cáo.