Tiêu chảy

Tiêu chảy có thể xảy ra với mọi người ở mọi lứa tuổi, được định nghĩa là đi phân lỏng thường xuyên. Hãy nhận biết triệu chứng bệnh tiêu chảy sớm để chữa trị kịp thời.

Tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy còn được gọi theo cách dân gian là 'ỉa chảy'. Triệu chứng bệnh tiêu chảy là tình trạng đại tiện nhiều lần trong ngày (từ 3 lần trở lên) và phân có thể chất lỏng, đôi khi chỉ là nước. Tiêu chảy chia ra làm 2 loại (căn cứ vào thời gian kéo dài của bệnh):
  • Tiêu chảy cấp tính: thường xảy ra và kéo dài trong vòng 2 tuần. Trường hợp này rất phổ biến.
  • Tiêu chảy mãn tính: kéo dài lâu hơn và có thể là dấu hiệu của một bệnh lý đường ruột nghiêm trọng.

Triệu chứng

  • Người bệnh có nhu cầu đi đại tiện nhiều lần trong ngày, đi phân lỏng không thành khuôn, có khi mỗi nước hoặc phân lổn nhổn và có mùi tanh hôi khác thường.
  • Đi ngoài kèm cảm giác đầy bụng, đau quặn bụng (cũng có trường hợp không thấy đau).
  • Buồn nôn và nôn.
  • Nếu nguyên nhân tiêu chảy là do tổn thương đường tiêu hóa (ví dụ khi nhiễm Salmonella) thì trong phân có thể có kèm theo máu và chất nhầy kèm triệu chứng sốt.
Lời khuyên: Nên đi khám bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng bệnh tiêu chảy kéo dài hoặc kèm theo sốt kéo dài hơn 24 giờ. Bạn cũng nên đi gặp bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng tiêu chảy kèm theo nôn mửa làm ngăn cản bạn uống các chất lỏng hay nước để thay thế chất dịch bị mất.

Các biến chứng do tiêu chảy gây ra

Mất nước là biến chứng phổ biến nhất ở người lớn bị tiêu chảy cấp tính
Sau đây là những biến chứng thường gặp nếu để tình trạng tiêu chảy kéo dài, không chữa trị:
  • Mất nước là biến chứng phổ biến nhất ở người lớn bị tiêu chảy cấp tính. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng và đến sớm hơn khi tiêu chảy kèm theo buồn nôn và nôn. Biểu hiện mất nước dễ nhận thấy nhất ở bệnh nhân bị tiêu chảy là cảm giác khát và khô miệng.
  • Mất nước có thể gây hạ huyết áp, ngất xỉu; nước tiểu ngày càng ít có thể dẫn đến vô niệu do huyết áp giảm dẫn đến giảm áp lực lọc, sau đó kéo theo hàng loạt tình trạng toàn thân nghiêm trọng khác như sốc, suy thận, lú lẫn, nhiễm toan (do quá nhiều acid trong máu), hôn mê…
  • Điện giải cũng bị mất cùng với nước khi tiêu chảy kéo dài hoặc tiêu chảy nặng. Thiếu hụt điện giải xảy ra thường là natri và kali, clorua và bicarbonate.
  • Tiêu chảy kích thích hậu môn gây khó chịu do các đoạn phân chảy nước có chứa các chất kích thích...
Hiện tượng tiêu chảy có thể xảy ra với tất cả mọi người. Vì vậy, ai cũng phải biết cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy để bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho mình.

Điều trị

Các nhóm thuốc ưu tiên sử dụng:
  • Nhóm bù nước và chất điện giải: ORESOL là một điển hình. Nước và chất điện giải đóng góp một vai trò quan trọng trong cơ thể chúng ta, chúng tạo ra sự cân bằng về sinh hoá trong cơ thể cho nên nếu thiếu hụt cơ thể sẽ có những rối loạn nhất định.
  • Men vi sinh: Đây thực ra là các vi khuẩn sống (tất nhiên là vi khuẩn có lợi) được đông khô, khi vào trong ruột chúng sinh sôi rất nhanh tạo ra một đội quân hùng hậu trấn áp các vi khuẩn có hại để lập lại trạng thái cân bằng.
  • Chất hấp thụ: Attapulgit, than hoạt tính chẳng hạn. Chúng có tác dụng hấp thụ các độc tố, khí hơi trong đường ruột.
  • Nhóm hỗ trợ: Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân thường có biểu hiện đau bụng, đau quặn thắt ở vùng rốn, tuy nhiên, bệnh nhân không nên tuỳ tiện sử dụng thuốc hỗ trợ giảm đau mà chỉ nên dùng cao xoa bóp, dầu gió, cao đắp rốn từ thảo dược hoặc cao dán rốn dạng hấp thu mạnh có hỗ trợ điều trị tiêu chảy và chữa đau bụng.
  • Cần lưu ý: Trong điều trị tiêu chảy không nên lạm dụng các thuốc làm giảm nhu động ruột như Loperamid, Opioid, v.v… vì lý do độc tố, vi khuẩn có hại cần được đưa ra khỏi cơ thể thông qua việc đi đại tiện mà loại thuốc này làm cản trở quá trình đi đại tiện. Bên cạnh đó, chúng cũng có một số tác dụng phụ mà ta cần phải thận trọng khi dùng nhất là đối với người lớn tuổi và trẻ em.
  • Tiêu chảy cấp tính: Nhóm thuốc chống tiêu chảy chính là các chất hấp phụ như attapulgit, kaolin, pectin và nhóm các thuốc làm giảm nhu động ruột như diphenoxylat, loperamid và codein. Các thuốc nhuận tràng tạo khối phân lớn cũng được dùng như methylcellulose do tính chất hấp thu của chúng. Chất ức chế calmodulin là zaldarid có hiệu quả làm giảm triệu chứng tiêu chảy.
  • Tiêu chảy mãn tính: Thường có liên quan đến một bệnh nào đó trên cơ thể, nên việc chữa triệu chứng tiêu chảy không thích hợp bằng chữa nguyên nhân gây bệnh, ví dụ như dùng cholestyramin chữa tiêu chảy liên quan đến sự hấp thu các acid mật kém. Trong trường hợp không loại trừ được bệnh đã gây ra tiêu chảy mạn tính thì có thể mới chữa triệu chứng, ví dụ như tiêu chảy của bệnh nhân đái tháo đường.

Cách phòng ngừa

Cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở người lớn

Bệnh tiêu chảy là bệnh có thể xảy ra quanh năm, mọi người cần biết cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân.
Bạn hoàn toàn có thể không bị tiêu chảy nếu thực hiện các cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy dưới đây:
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đại tiện bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; hạn chế ra vào vùng đang có dịch.
  • Đây là biện pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy được khuyến cáo đầu tiên dành cho tất cả mọi người, nếu không muốn bệnh tiêu chảy 'ghé thăm'.
  • Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách: Không sử dụng nước nhiễm khuẩn, không uống nước chưa đun sôi, rửa sạch rau củ quả trước khi sử dụng, nấu chín các thực phẩm trước khi dùng (đặc biệt là thịt), không ăn hải sản tươi sống, vệ sinh dao thớt và các dụng cụ nấu nướng khi thái các thực phẩm sống.
  • Khi bị tiêu chảy nên nghỉ ngơi tại nhà, tránh tiếp tục đi đến cơ quan, trường học.
  • Khi áp dụng chế độ ăn kiêng, phải tập cho cơ thể quen dần, tránh chuyển qua chế độ ăn kiêng đột ngột, đặc biệt là chế độ ăn có các loại rau quả, trái cây, ngũ cốc và các loại sản phẩm từ sữa.
  • Thực phẩm đã bị rơi xuống đất, tuyệt đối không được sử dụng.
  • Tránh các loại thực phẩm có chất sorbitol - một loại chất được tìm thấy trong các thực phẩm ăn kiêng.
  • Xử trí khi có người bị tiêu chảy cấp: phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.

Trường Giang

(Nội dung do Chuyên gia Bộ Y tế kiểm duyệt)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Áp xe phổi là một tình trạng nung mủ, hoại tử nhu mô phổi sau một quá trình viêm cấp, mà nguyên nhân chủ yếu là vi khuẩn, ký sinh trùng... Áp xe phổi thường được chia thành 2 loại: Áp xe phổi tiên phát: Là sự nung mủ cấp tính ở vùng phổi chưa có tổn
  • 28-05-2018
    Viêm nang lông là bệnh về da xảy ra khi các nang lông bị viêm. Bệnh thường ảnh hưởng các bộ phận của cơ thể như râu, cánh tay, lưng, mông và chân. Viêm nang lông ban đầu có thể nhìn giống như những nốt đỏ hay mụn. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh phát
  • 28-05-2018
    Loét đường tiêu hóa là sự hình thành một lỗ trên lớp niêm mạc lót bên trong dạ dày, tá tràng hoặc thực quản. Tùy vị trí mà ta có loét dạ dày, loét tá tràng và loét thực quản. Loét xảy ra khi lớp niêm mạc lót bên trong các cơ quan này bị mòn đi bởi dịch
  • 26-03-2019

    Khoảng 2-3 ngày sau sinh, vài phụ nữ bắt đầu cảm thấy lo âu, buồn bã. Họ dễ dàng nổi giận với đứa con mới sinh, chồng, và những đứa con khác. Họ còn có thể:

  • 28-05-2018
    Viêm đa cơ là một bệnh hiếm gặp gây viêm ở nhiều cơ. Đây là một dạng bệnh mô liên kết. Đặc điểm đáng chú ý nhất của bệnh là yếu cơ, nhất là những cơ gần thân người nhất, như cơ vùng bả vai và khớp háng.
  • 28-05-2018
    Thuật ngữ mù màu thường làm lầm lẫn. Thuật ngữ chính xác hơn là sự khiếm khuyết thị giác màu sắc (sắc giác) (CVD). Những người mà không thể nhìn thấy tất cả màu sắc nhưng vẫn thấy được mọi thứ khác như những người bình thường thì không phải bị mù màu.