Tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus (siêu vi) gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi loét miệng và nổi hồng ban trên bàn tay, bàn chân. Nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm virus coxsackie.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus (siêu vi) gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi loét miệng và nổi hồng ban trên bàn tay, bàn chân. Nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm virus coxsackie.

Không có điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay chân miệng. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng bằng cách thực hành vệ sinh tốt, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên.

Tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng của tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng có thể biểu hiện một số hoặc tất cả các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Sốt
  • Đau họng
  • Cảm giác không khỏe (mệt mỏi)
  • Tổn thương loét đỏ đau ở lưỡi, nướu răng và bên trong má
  • Hồng ban không ngứa, đôi khi có bóng nước, ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và có thể ở mông, khuỷu tay, đầu gối
  • Trẻ nhỏ thường quấy khóc
  • Biếng ăn.

Thời gian từ lúc mới nhiễm virus đến khi khởi phát triệu chứng (thời gian ủ bệnh) thường là 3 - 7 ngày. Sốt thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tay chân miệng, sau đó là đau họng, đôi khi chán ăn và mệt mỏi. Một hoặc hai ngày sau khi sốt, loét miệng có thể xuất hiện. Hồng ban ở lòng bàn tay, bàn chân và có thể ở mông thường xuất hiện trong vòng một hoặc hai ngày.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Bệnh tay chân miệng thường nhẹ, chỉ xảy ra trong vài ngày với sốt và các dấu hiệu, triệu chứng tương đối nhẹ. Tuy nhiên, hãy gọi bác sĩ nhi nếu loét miệng hoặc đau họng làm trẻ không uống được, hoặc khi các dấu hiệu và triệu chứng của con bạn xấu đi.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng là nhiễm virus coxsackie A16. Virus coxsackie thuộc nhóm nonpolio enterovirus. Đôi khi các enterovirus khác cũng gây ra bệnh tay chân miệng.
Ăn uống là đường lây truyền chính của bệnh. Bệnh lây từ người qua người do tiếp xúc với người bệnh:

  • Dịch tiết mũi họng
  • Nước bọt
  • Dịch tiết ở mụn nước
  • Phân
  • Giọt hô hấp bắn vào không khí sau khi ho hoặc hắt hơi.

Bệnh tay chân miệng thường gặp nhất ở các nơi giữ trẻ do phải tập ngồi bô và thay tã thường xuyên, và vì trẻ nhỏ thường cho tay vào miệng.
Bệnh lây lan nhiều nhất trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên, virus có thể vẫn còn trong cơ thể của trẻ trong vài tuần sau khi các dấu hiệu và triệu chứng đã hết. Điều đó có nghĩa là trẻ vẫn có thể lây nhiễm cho người khác.
Một số người, đặc biệt là người lớn, có thể lây truyền virus mà không có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh.
Ở Mỹ và các nước ôn đới, dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè và mùa thu. Ở các nước nhiệt đới, dịch xảy ra quanh năm.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 10 tuổi. Tại các trung tâm chăm sóc, trẻ em đặc biệt dễ bị dịch bệnh tay chân miệng vì nhiễm trùng lây lan do tiếp xúc giữa người với người. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Trẻ thường có miễn dịch với bệnh tay chân miệng khi chúng lớn lên do đã tạo ra các kháng thể sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Tuy nhiên, thanh thiếu niên và người lớn vẫn có thể mắc bệnh.

Biến chứng của bệnh tay chân miệng

Biến chứng thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng là mất nước. Các vết loét miệng làm trẻ đau và khó nuốt. Thường xuyên đút nước hay sữa cho trẻ bằng từng muỗng nhỏ. Nếu mất nước nặng, trẻ cần được truyền dịch.
Bệnh tay chân miệng thường nhẹ và chỉ kéo dài vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể có biến chứng thần kinh:

  • Viêm màng não do siêu vi: là tình trạng viêm ở màng não và dịch não tủy bao quanh não và tủy sống. Viêm màng não siêu vi thường nhẹ và tự khỏi.
  • Viêm não (viêm nhu mô não) do siêu vi: đây là biến chứng nặng và đe dọa tính mạng. Viêm não tương đối ít gặp.

Chẩn đoán bệnh tay chân miệng

Bác sĩ có thể phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh nhiễm siêu vi khác bằng cách đánh giá:

  • Tuổi của người bị bệnh
  • Đặc điểm của các dấu hiệu và triệu chứng
  • Dấu hiệu hồng ban hoặc loét miệng
  • Phết họng và xét nghiệm phân có thể xác định được virus gây bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ của bạn có thể chẩn đoán bệnh tay chân miệng mà không cần xét nghiệm.

Điều trị bệnh tay chân miệng

Không có điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay chân miệng. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường hết trong vòng 7 - 10 ngày.
Thuốc tê tại chỗ có thể giúp giảm đau cho vết loét miệng. Các loại thuốc giảm đau khác aspirin, như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp làm giảm khó chịu nói chung.

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng:

  • Rửa tay: rửa tay thường xuyên và thật kỹ, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã, trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn. Khi không có sẵn nước và xà phòng, sử dụng khăn lau tay hoặc gel có tẩm cồn diệt khuẩn.
  • Khử trùng các khu vực chung. Tập thói quen vệ sinh các khu vực và bề mặt thường qua lại. Đầu tiên vệ sinh bằng xà phòng và nước, sau đó là dung dịch thuốc tẩy chlorine pha loãng, khoảng 60ml thuốc tẩy cho 3,8 lít nước. Các trung tâm chăm sóc trẻ nên có kế hoạch vệ sinh và khử trùng định kỳ tất cả các khu vực chung, bao gồm cả đồ chơi, vì virus có thể sống trên những vật dụng này trong nhiều ngày. Thường xuyên làm sạch núm vú giả của trẻ.
  • Dạy trẻ vệ sinh tốt. Dạy trẻ cách thực hành vệ sinh tốt và cách giữ bản thân sạch sẽ. Giải thích cho trẻ lý do tại sao chúng không nên cho ngón tay, bàn tay hay bất kỳ vật gì khác vào miệng.
  • Cách ly người bị bệnh. Do bệnh tay chân miệng rất dễ lây, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với những người khác trong thời gian có triệu chứng. Trẻ mắc bệnh cần nghỉ học ở nhà cho đến khi hết sốt và lành vết loét miệng. Nếu bạn mắc bệnh, hãy nghỉ làm và ở nhà.

Chăm sóc người bệnh tay chân miệng

Một số thực phẩm và đồ uống có thể gây kích ứng các vết loét miệng. Hãy thử những lời khuyên dưới đây để giúp làm giảm đau và ăn uống dễ hơn:

  • Uống đồ uống lạnh, chẳng hạn như sữa lạnh hoặc nước lạnh
  • Tránh những thức ăn và đồ uống có tính axit, như trái cây hay nước trái cây chua và thức uống có gas.
  • Tránh thức ăn mặn hoặc cay
  • Ăn thức ăn mềm lỏng
  • Súc miệng bằng nước ấm sau bữa ăn
  • Có thể súc miệng bằng nước muối loãng và ấm. Trộn 1/2 muỗng cà phê (2,5 ml) muối với 1 cốc (237 ml) nước ấm. Súc miệng nhiều lần trong ngày sẽ giúp giảm đau và giảm viêm miệng.

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 04-07-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Vào những năm 1980, đột tử về đêm không giải thích được là một hội chứng có tần suất cao ở các nước Đông Nam Á... Người ta phát hiện những người đàn ông trẻ di cư từ các nước Đông Nam Á sang Mỹ bị chết đột ngột trong lúc ngủ nhưng trước đó hoàn toàn
  • 28-05-2018
    Nhiễm Giardia là bệnh nhiễm trùng ruột non phổ biến gây ra bởi ký sinh trùng Giardia lamblia, đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiêu chảy. Bệnh này thường biến mất sau vài tuần và không gây nghiêm trọng gì. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ
  • 18-09-2018

    Da nổi bóng nước là một rối loạn tự miễn hiếm gặp. Bệnh này gây ra các nốt mụn nước xuất hiện trên da hoặc trong miệng. Những bóng nước lớn dần, vỡ ra và tạo sẹo.

  • 04-07-2018
    Trứng cá là một bệnh của nang lông tuyến bã được biểu hiện với nhiều hình thái tổn thương đa dạng như nhân, sẩn, mụn mủ, cục, nang trứng cá. Bệnh có thể để lại hậu quả sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo quá phát. Bệnh xuất hiện nhiều nhất ở nam, nữ tuổi dậy thì cho
  • 18-09-2018

    Niêm mạc là màng che khắp thành trong của những bộ phận thuộc các bộ máy hô hấp, tiêu hóa, sinh dục, mặt phủ một chất nhày có chức năng chống vi trùng hoặc chống tác dụng có hại của những dịch do cơ thể tiết. Niêm mạc miệng là lớp bao phủ khoang miệng.

  • 28-05-2018
    Nước tiểu từ thận được dẫn vào bàng quang thông qua một ống gọi là niệu quản. Lớp phía ngoài của thành bàng quang là một lớp cơ, khi bàng quang đầy nước tiểu lớp cơ này sẽ co bóp để tống nước tiểu ra ngoài qua một ống nhỏ khác gọi là niệu đạo. Lớp niêm