Mụn trứng cá

Trứng cá là một bệnh của nang lông tuyến bã được biểu hiện với nhiều hình thái tổn thương đa dạng như nhân, sẩn, mụn mủ, cục, nang trứng cá. Bệnh có thể để lại hậu quả sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo quá phát. Bệnh xuất hiện nhiều nhất ở nam, nữ tuổi dậy thì cho

Mụn trứng cá là gì ?

Trứng cá là một bệnh của nang lông tuyến bã được biểu hiện với nhiều hình thái tổn thương đa dạng như nhân, sẩn, mụn mủ, cục, nang trứng cá. Bệnh có thể để lại hậu quả sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo quá phát. Bệnh xuất hiện nhiều nhất ở nam, nữ tuổi dậy thì cho đến 30 - 40 tuổi. Một số trường hợp trứng cá giảm dần, nhưng còn rất nhiều bệnh nhân tiến triển dai dẳng, từng đợt phát triển. Bệnh trứng cá nếu không được điều trị kịp thời, phù hợp có thể để lại sẹo vĩnh viễn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng, biểu hiện mụn trứng cá

Triệu chứng, biểu hiện mụn trứng cá

Thương tổn mụn trứng cá có thể chia thành 2 nhóm chính là mụn không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen) và mụn viêm (sẩn, mụn mủ, nang, nốt):

  • Mụn đầu đen hình thành khi chất bã nhờn và tế bào chết làm tắc lỗ nang lông nhưng bề mặt da hở nên nhân mụn bị không khí oxy hóa tạo màu đen. Nhìn vào nang lông thấy màu đen nên gọi là mụn đầu đen hay 'nhân mở'.
  • Mụn đầu trắng hình thành khi có quá nhiều chất dầu và tế bào chết gây bít tắc lỗ nang lông và không hở ra da, nên còn gọi là 'nhân đóng'.

Vi khuẩn gây mụn thường trú trên da khi gặp điều kiện thuận lợi có chất bã nhờn sẽ 'sinh sôi nảy nở'. Vi khuẩn nhân lên trong nang lông bị bít tắc làm cho nang lông viêm nhiều với biểu hiện là mụn trở nên nóng, đỏ, sưng. Khi mụn viêm sâu đi xuống da sẽ hình thành nên các mụn nang, nốt. Đây là những mụn nặng nhất, gây đau đớn và khi lành để lại sẹo xấu.
Dựa vào những thương tổn này, người ta phân loại mụn trứng cá thành 3 mức độ nhẹ, nặng và trung bình. Mụn trứng cá nhẹ thương tổn là một vài mụn đầu trắng, mụn đầu đen. Mụn trứng cá trung bình, thương tổn gồm nhiều mụn đầu trắng, mụn đầu đen đồng thời có thêm sẩn, mụn mủ. Mụn trứng cá nặng thương tổn gồm nhiều mụn mủ, nang, nốt, sẹo.
Vị trí hay gặp của mụn trứng cá
Những vùng da hay bị mụn trứng cá là: mặt, cổ, ngực, vai, phía trên cánh tay, lưng…

Nguyên nhân mụn trứng cá

Nguyên nhân mụn trứng cá

Nguyên nhân của bệnh trứng cá cũng khá phức tạp, có liên quan tới nhiều yếu tố như nội tiết, tiêu hoá đặc biệt là tuyến sinh dục…Vai trò của các tạp khuẩn trên da, trong đó tụ cầu, liên cầu và nhất là Corinebacterium cũng được đề cập đến. Các vi khuẩn này thường ở trong nang lông, có khả năng thuỷ phân chất bã thành acid béo, gây kích thích và gây viêm tổ chức nang lông.
Ngoài ra, trứng cá có thể do dị ứng một số thức ăn, thuốc (Bromua, corticosteroid, thuốc bôi goudron…) hoặc do tiếp xúc với một số hoá chất (Dầu, mỡ, nhựa đường…) hoặc do thiếu vitamin B2.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây bệnh, nhưng đại đa số các tác giả đều nêu ra 3 cơ chế chính gây nên trứng cá:
Sự tăng tiết bã nhờn
Sự hoạt động của tuyến bã có sự biến đổi liên quan với các hormon, đặc biệt là hormon sinh dục nam và trong đó Testosteron là hormon có hiệu lực chủ yếu ở da đối với tế bào tuyến bã. Testosteron có tác dụng kích thích sự phát triển và bài tiết chất bã, đồng thời làm giãn rộng và làm tăng thể tích tuyến bã, nhất là các tuyến bã ở mặt. Vì vậy, người ta coi trứng cá là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất của tuổi thành niên khi cơ thể nam có sự tăng tiết Testosteron.
Sừng hoá cổ nang lông tuyến bã
Sự sản xuất quá mức các chất bã kết hợp với dầy sừng ở phễu nang lông gây nên hiện tượng ứ đọng chất bã. Nguyên nhân của sự dầy sừng này là do tác dụng kích thích của chất bã lên thành nang lông và sự thay đổi trong bản mẫu của quá trình sừng hoá trong lòng nang lông. Ngoài ra, một số yếu tố ngoại cảnh như nóng ẩm, khói bụi … hay các chất như sinh diêm, mỹ phẩm có nhiều chất béo tạo ra sự ứ đọng chất bã, làm bít tắc lỗ chân lông.
Vai trò của vi khuẩn trong nang lông
Trong nang lông có trực khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes) còn gọi là Corynebacterium acnes có tính chất đa dạng và kỵ khí. Ngoài các vi khuẩn trên người ta còn thấy một số nấm men Pityrosporum ovale ở một số nang tuyến bã.
Trực khuẩn P. acnes có khả năng phân huỷ lipid, giải phóng acid béo tự do gây viêm mạnh.
Chất bã bị ứ đọng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển ở phần dưới cổ nang lông tuyến bã: P.acnes, P. Grannulosum, S. Blans, và nấm P. ovale. Những vi khuẩn này tiết ra men: hyaluronidase, protease, lipase lecitinase có khả năng gây viêm và các yếu tố hoá ứng động bạch cầu. Các yếu tố hoá ứng động bạch cầu sẽ giải phóng hydrolase thấm vào thành và làm yếu thành nang lông gây viêm và vỡ cùng nhân trứng cá vào lớp trung bì, phản ứng viêm hình thành trứng cá sẩn, mụn mủ, cục và nang.

Yếu tố nguy cơ gây mụn trứng cá

Yếu tố nguy cơ gây mụn trứng cá

Tuy không nắm rõ cơ chế và nguyên nhân cụ thể của mụn trứng cá, người ta cũng xác định được một số yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Yếu tố gen và di truyền.
  • Các thay đổi hormon kết hợp với tuổi thiếu niên, thai kỳ và chu kỳ kinh nguyệt (mụn trứng cá có khuynh hướng bùng phát trong tuần lễ trước lúc hành kinh).
  • Một số thuốc, như corticoid, androgen, thuốc ngừa thai, lithium, isoniazid, phenytoin, phenobarbital.
  • Tăng sản vỏ thượng thận, hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Một số mỹ phẩm và pommat bôi tóc.
  • Đổ mồ hôi, cọ xát (do băng đô giữ tóc, ba lô, mũ bảo hộ, cổ áo khít…).
  • Nặn mụn.

Điều trị mụn trứng cá

Điều trị mụn trứng cá

Đối với mụn trứng cá nặng nếu như không biết chăm sóc và điều trị đúng cách thì có thể để lại sẹo xấu, gây ảnh hưởng tâm sinh lý vĩnh viễn. Do đó cần nắm rõ các yếu tố sau nhằm góp phần đem lại hiệu quả tối ưu trong việc giải quyết các trường hợp này.
Điều trị mụn trứng cá là một quá trình liên tục. Tất cả những điều trị mụn trứng cá cần làm là phải ngăn những đợt mụn mới. Những vết tích do mụn trứng cá gây ra cần phải được chữa lành và được cải thiện theo thời gian. Nếu mụn trứng cá không có cải thiện sau 2 - 3 tháng điều trị, cần phải thay đổi phác đồ khác theo chỉ định của bác sĩ da liễu.

Các loại thuốc thường dùng

Thuốc thoa
Khá nhiều dung dịch hay kem bôi gây ra mụn trứng cá nhẹ hoặc làm da trở nên khô hơn, do đó cần đọc chỉ dẫn sử dụng một cách cẩn thận.
Các loại kem, gel, hay dung dịch bôi có chứa chất giống vitamin A, benzoyl peroxide, hay kháng sinh nhằm hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông và sự phát triển của vi khuẩn. Những chế phẩm này có thể gây khô da và tróc vẩy. Bác sĩ da liễu sẽ cho bạn những lời khuyên về cách sử dụng thuốc an toàn và làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ.
Lưu ý: Không dùng các loại kem trộn tự pha chế, các loại thuốc bôi có chứa chất corticoides như celestoderm, synalar, cortibion... vì sẽ làm tình trạng mụn nặng thêm sau thời gian ngắn thuyên giảm lúc đầu.
Nếu bạn dự định sẽ mang thai, hay đang có thai hoặc cho con bú, nên thông báo cho bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ một thuốc trị mụn nào (kể cả thuốc bôi).
Đường uống
Kháng sinh: Những kháng sinh dùng bằng đường uống như: tetracycline, doxycycline, minocycline hay erythromycine thường được kê toa. Đối với mụn trứng cá nặng có thể dùng thêm sulfamethoxazol/trimethoprime hoặc dapsone
Thuốc viên ngừa thai: Thuốc viên ngừa thai có thể cải thiện đáng kể tình trạng mụn trứng cá và được dùng theo một cách riêng trong điều trị mụn trứng cá. Điều quan trọng là cần phải biết những kháng sinh dùng bằng đường uống nào có thể làm giảm hiệu quả của thuốc ngừa thai uống. Vì thế, cần theo dõi một cách thận trọng tác dụng phụ khi dùng thuốc này.

Tiểu phẫu

Can thiệp phẫu thuật đối với mụn trứng cá có thể được thực hiện bởi bác sĩ da liễu, nhằm loại bỏ những mụn mủ, mụn bọc, mụn đầu đen hay đầu trắng.
Bào da vi phẫu có thể được dùng để loại bỏ những lớp trên cùng của da nhằm làm cải thiện những bất thường trên bề mặt da.
Lột da nhẹ bằng hóa chất như: salicylic acid hay glycolic acid sẽ giúp giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, mở những mụn đầu đen và đầu trắng, cũng như kích thích sự tạo da mới.
Tiêm corticosteroids có thể được sử dụng trong điều trị những mụn trứng cá nốt cục; cách này có thể giúp chúng biến mất nhanh hơn.
Trong những trường hợp mụn trứng cá nặng không đáp ứng với điều trị, isotretinoin có thể được dùng. Những bệnh nhân dùng isotretinoin cần phải biết những tác dụng phụ của thuốc này. Theo dõi thường xuyên trong những lần tái khám là cần thiết. Khi đang dùng thuốc này không được có thai, vì thuốc có thể gây quái thai.

Phòng bệnh mụn trứng cá

Phòng bệnh mụn trứng cá

Tâm trạng thoải mái

Tinh thần bất an, căng thẳng, sẽ làm tăng lượng hormon, khiến da tiết nhiều dầu, gây hiện tượng tắc lỗ chân lông và mụn đầu trắng. Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu Richard Fried tại Yardley, Pennsylvania: 'Bạn hãy làm bất kì điều gì giúp cơ thể được thư giãn một cách tốt nhất. Nó sẽ giúp bạn giảm thiểu tối đa mụn trứng cá

Chăm tập thể thao

Vận động thường xuyên không chỉ giúp lưu thông máu, cung cấp ôxy tốt hơn cho các tế bào da; mà việc toát mồ hôi trong quá trình tập còn giúp cơ thể bài tiết chất độc, làm sạch lỗ chân lông. Do đó, tập thể dục được xem là giải pháp tuyệt vời ngăn ngừa mụn trứng cá và các vấn đề liên quan đến da.

Chú ý chế độ dinh dưỡng

Những bạn da dầu và da hỗn hợp cần hạn chế ăn đồ cay nóng, thịt bò, rượu, các thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ và đồ ăn ngọt như sôcôla, kẹo... Thay vì thế, bạn hãy ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cơ thể bài tiết thuận tiện, tốt cho làn da.

Giữ da mặt sạch sẽ

Rửa mặt hàng ngày (đặc biệt là sau khi ra ngoài về) là bước vô cùng quan trọng giúp ngăn ngừa sự hình thành mụn trứng cá. Nếu làn da không được rửa sạch, lỗ chân lông sẽ bị bít kín bởi mô hôi, mỹ phẩm, chất dầu và bụi bẩn. Từ đó hơi ẩm trong da kết hợp với các chất bẩn bám ở lỗ chân lông tạo nên môi trường lý tưởng cho vi khuẩn gây mụn và các bệnh viêm da.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên để tóc mái quá dài che hết khuôn mặt, tránh tình trạng vi khuẩn, chất nhờn và hóa chất từ tóc lan sang da mặt, gây mụn trứng cá, đặc biệt là vùng trán.

Không thức khuya

Từ 10 giờ tối tới 6 giờ sáng là khoảng thời gian tuyệt nhất cho giấc ngủ, bởi khoảng thời gian từ 10 giờ đêm tới 2 giờ sáng là thời điểm trao đổi chất tốt nhất cho da - cách tuyệt vời để cải thiện tình trạng mụn trứng cá.

Chữa bệnh liên quan đến gan (nếu có)

Người có bệnh viêm gan, gan nhiễm mỡ cần điều trị kịp thời, nếu không trao đổi chất ở gan kém sẽ thúc đẩy da tiết nhiều bã nhờn, gây mụn trứng cá.

Uống nhiều nước

Nếu cơ thể bạn không đạt đủ lượng nước cần thiết, da sẽ bị khô, nhiều dầu, mọc mụn trứng cá. Để có làn da mịn màng, không 'đèn pin', bạn nên duy trì thói quen uống 6-8 cốc nước mỗi ngày.

Khuyến cáo của bác sĩ

  • Trị mụn trứng cá cần có sự kiên trì và tự tin, càng vội vàng mụn sẽ càng lâu hết.
  • Quá trình trị liệu cần có sự chỉ dẫn, tư vấn của chuyên gia, bác sĩ.
  • Cẩn thận khi sử dụng estrogen trị mụn trứng cá.
  • Mụn trứng cá cần trị liệu kịp thời, nếu không, sẽ rất khó để tiêu diệt tận gốc.

Chế độ chăm sóc mụn trứng cá

Chế độ chăm sóc mụn trứng cá

Chăm sóc da đúng cách

  • Vấn đề không phải chỉ bác sĩ da liễu của bạn đã dùng thuốc gì để điều trị mụn trứng cá, mà là việc bạn tiếp tục chăm sóc da trong và sau điều trị có đúng cách không.
  • Điều trị đúng cách sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn và có thể ngăn ngừa được tình trạng sẹo mụn.

Chăm sóc da đúng cách khi bị mụn trứng cá nặng

  • Bỏ thói quen sờ tay lên mặt, nặn, hút, hoặc lể mụn vì sẽ gây đỏ và tạo sẹo da.
  • Hạn chế các yếu tố gây bít tắc lổ chân lông như dùng mỹ phẩm, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt, đổ mồ hôi nhiều.
  • Chọn lựa các sản phẩm tẩy rửa, dưỡng da phù hợp: Các sản phẩm rửa êm dịu da, không chứa cát nhám; các sản phẩm dưỡng có ghi chú 'non-acnegenic' (không tạo mụn) hoặc 'non-conmedogenic' (không tạo cồi).
  • Nên rửa mặt 2 – 3 lần mỗi ngày. Chỉ rửa bằng nước sạch khi da khô, đỏ, ngứa do tác dụng của thuốc đang điều trị bệnh. Có thể dùng thêm sản phẩm rửa thích hợp 1 lần vào buổi tối khi da nhờn. Khi rửa không nên dùng bông hoặc khăn chà xát vì sẽ làm trầy xướt da mà chỉ nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng gạc sạch.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 04-07-2018 -

Bài viết liên quan

  • 04-07-2018
    Trong bệnh bạch biến, sắc tố ở da bị rối loạn do sự phá hủy và mất đi tế bào sinh sắc tố, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ. Bệnh chiếm 1-2% dân số, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, nhưng hay gặp nhất ở tuổi thanh niên. Bạch biến có thể
  • 20-04-2021
    Bệnh Celiac hay còn gọi là bệnh nhạy cảm với gluten hoặc bệnh không dung nạp gluten. Đây là một căn bệnh dị ứng với một dạng protein gọi là gluten, không cho phép cơ thể hấp thu gluten. Gluten được tìm thấy trong nhiều loại bột, ngũ cốc,
  • 28-05-2018
    Bệnh Chagas đã được nhà khoa học Chagas phát hiện và mô tả. Bệnh do loại ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, còn gọi là Schizotypanum cruzi gây nên và lưu hành phổ biến ở vùng Nam Mỹ, cận nhiệt đới như các nước Brasil, Argentina, Bolivia, Paraguay, Uraguay..
  • 20-04-2021
    Là tình trạng ngón chân cái vẹo vào trong phía các ngón chân khác, khớp bàn ngón chân cái sẽ biến dạng gồ lên. Trọng lực cơ thể khi đứng và bước đi sẽ dồn lên khớp bàn ngón chân cái nên có thể gây ra tình trạng đau đớn tại khớp này mỗi khi bước đi,
  • 28-05-2018
    Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng động mạch chủ bị hẹp bất thường. Chỗ hẹp thường nằm ở vị trí các mạch máu nhánh đến đầu và hai cánh tay. Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất nằm bên trái tim. Từ động mạch chủ, các động mạch nhánh nhỏ hơn dẫn máu và
  • 28-05-2018
    Khô âm đạo xảy ra khi âm đạo bị mất độ ẩm thông thường (hoặc chất bôi trơn tự nhiên), làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu và đau. Bệnh còn khiến sinh hoạt tình dục trở nên không thoải mái.nNhững ai thường bị khô âm đạo?