Suy hô hấp

Suy hô hấp là một tình trạng bệnh lý thường gặp, là một hội chứng có thể do nhiều bệnh lý tại cơ quan hô hấp hoặc tại các cơ quan khác gây ra. 1. Thế nào là suy hô hấp và suy hô hấp cấp? Quá trình hô hấp được chia thành hai giai đoạn. Ở giai đoạn hô

Suy hô hấp là gì ?

Suy hô hấp là một tình trạng bệnh lý thường gặp, là một hội chứng có thể do nhiều bệnh lý tại cơ quan hô hấp hoặc tại các cơ quan khác gây ra.

(Ảnh minh họa)

Quá trình hô hấp được chia thành hai giai đoạn: 

  • Ở giai đoạn hô hấp ngoài: ôxy sẽ được thông khí đưa vào trong phế nang, rồi khuếch tán qua màng phế nang mao mạch vào máu, ngược lại cacbonic từ máu khuếch tán qua màng phế nang mao mạch để vào phế nang, rồi lại được thông khí đưa ra ngoài.
  • Ở giai đoạn hô hấp trong: ôxy tiếp tục được hồng cầu vận chuyển theo hệ thống động mạch - mao mạch dẫn đến mô, rồi khuếch tán vào tế bào; ngược lại cacbonic được khuếch tán từ tế bào vào máu, rồi lại được hồng cầu vận chuyển theo hệ thống mao mạch - tĩnh mạch về tuần hoàn phổi.

Quá trình đó còn gọi là quá trình trao đổi khí giữa mô tế bào và môi trường. Do chưa thể khảo sát được khí trong tế bào nên trên thực tế quá trình hô hấp được coi là trao đổi khí giữa máu và môi trường.

Cơ quan hô hấp bao gồm bơm hô hấp (trung tâm hô hấp, hệ thống dẫn truyền thần kinh, cơ hô hấp và khung xương thành ngực) giúp cho quá trình thông khí (đưa không khí đi vào và đi ra khỏi phế nang) và đơn vị hô hấp (phế nang, mao mạch phổi, đường dẫn khí) nơi trực tiếp xảy ra quá trình trao đổi khí.
Suy hô hấp cấp được định nghĩa là tình trạng cơ quan hô hấp đột nhiên không bảo đảm được chức năng trao đổi khí, gây ra thiếu ôxy máu, có hoặc không có kèm theo tăng cacbonic (CO2) máu, được biểu hiện qua kết quả đo khí máu động mạch.

Suy hô hấp có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân bị suy hô hấp cấp hoặc suy hô hấp mạn thường khác nhau hoàn toàn. Trong khi suy hô hấp cấp được đặc trưng bởi những rối loạn về nội môi (khí máu, kiềm toan...) đe dọa tính mạng thì suy hô hấp mạn thường kín đáo, có vẻ chịu được, thậm chí có thể không có biểu hiện trên lâm sàng. Suy hô hấp cấp là một trong những cấp cứu thường gặp nhất tại các khoa phòng trong bệnh viện.

Phân loại suy hô hấp cấp

Có nhiều cách phân loại suy hô hấp cấp: theo nguyên nhân, theo bệnh sinh, theo lâm sàng...

Phân loại theo nguyên nhân

Suy hô hấp cấp do những nguyên nhân tại phổi (tại đơn vị hô hấp):

  • Các rối loạn đường hô hấp: các bệnh lý tắc nghẽn đường hô hấp trên (bạch hầu, hít phải dị vật, viêm phù thanh môn, hẹp thanh quản...) hoặc đường hô hấp dưới (COPD, hen phế quản, ...).
  • Các tổn thương phế nang và mô kẽ phổi: viêm phổi, phù phổi cấp, ARDS, ngạt nước, đụng dập phổi, viêm kẽ phổi, tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi...
  • Các bất thường tại mao mạch phổi: thuyên tắc mạch phổi.

Suy hô hấp cấp do các nguyên nhân ngoài phổi:

  • Tổn thương trung tâm hô hấp: tai biến mạch não, chấn thương sọ não, ngộ độc thuốc, hôn mê chuyển hóa...
  • Rối loạn dẫn truyền thần kinh - cơ: bệnh nhược cơ, hội chứng Guillain-Barré, viêm đa rễ thần kinh, chấn thương cột sống, tủy sống, ...
  • Bất thường về cơ xương thành ngực: gãy nhiều xương sườn, gù vẹo cột sống, gãy xương ức, mệt mỏi cơ hô hấp, bệnh cơ chuyển hoá, dùng thuốc dãn cơ, phẫu thuật vùng bụng cao, ...

Phân loại theo bệnh sinh

Theo cơ chế bệnh sinh, suy hô hấp cấp được đặc trưng bởi sự ôxy hóa máu hoặc sự loại bỏ cacbonic không đầy đủ, thể hiện qua kết quả khí máu động mạch và có thể chia thành hai loại: suy hô hấp cấp tăng cacbonic (hypercapnia) và suy hô hấp cấp giảm ôxy máu (hypoxemia).
Trong nhiều trường hợp, suy hô hấp cấp tăng cacbonic và suy hô hấp cấp giảm ôxy máu cùng tồn tại. Những rối loạn ban đầu gây giảm ôxy máu có thể là biến chứng của suy hô hấp và tăng cacbonic.

Suy hô hấp cấp giảm ôxy máu

Được gọi là suy hô hấp cấp thể giảm ôxy máu khi PaO2 < 0,6. Có 4 cơ chế bệnh sinh gây ra giảm ôxy máu:(1)Shunt; (2) Bất tương hợp thông khí-tưới máu; (3) Giảm thông khí phế nang; (4) Rối loạn khuếch tán khí.

Suy hô hấp cấp tăng cacbonic

Được gọi là suy hô hấp cấp thể tăng cacbonic khi PaCO2 >45mmHg. Tất cả các nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng sản xuất cacbonic, suy giảm thông khí phút hoặc tăng tỉ lệ khoảng chết đều có thể gây ra tăng cacbonic.

Phân loại theo lâm sàng

Trên lâm sàng, đặc biệt trong công tác hồi sức cấp cứu, việc phân loại suy hô hấp cấp theo nhóm nguyên nhân hay theo bệnh sinh thường không giúp ích đáng kể cho can thiệp cấp cứu. Giáo sư Vũ Văn Đính đã phân suy hô hấp cấp thành hai loại:

Suy hô hấp cấp loại nặng

Bệnh nhân có bệnh cảnh suy hô hấp cấp nhưng chưa có các dấu hiệu đe dọa sinh mạng, can thiệp bằng thuốc và ôxy liệu pháp là chủ yếu, có thể giải quyết được bằng thuốc hoặc bằng một số thủ thuật không đáng kể.

Suy hô hấp cấp loại nguy kịch

Bệnh nhân có bệnh cảnh suy hô hấp cấp nặng và có thêm những dấu hiệu đe dọa sinh mạng như:

  • Rối loạn nhịp thở nghiêm trọng: thở >40 lần/phút hoặc
  • Rối loạn huyết động rõ: tụt huyết áp.
  • Rối loạn ý thức rõ: vật vã hoặc lơ mơ thậm chí hôn mê.

Phải can thiệp ngay bằng các thủ thuật, sau đó mới dùng thuốc hoặc sử dụng song song (đặt ống nội khí quản, bóp bóng, thở máy...)

Triệu chứng của bệnh suy hô hấp

Triệu chứng lâm sàng

Khó thở:

  • Là triệu chứng báo hiệu quan trọng và nhạy.
  • Khó thở nhanh (>25 lần/phút) hoặc chậm.

Tím: là biểu hiện nặng.

  • Sớm: quanh môi, môi, đầu chi.
  • Nặng, muộn: tím lan rộng ra toàn thân.
  • Không có hoặc xuất hiện muộn nếu gây ngộ độc CO.
  • Vã mồ hôi.

Rối loạn tim mạch:

  • Mạch nhanh, có thể rối loạn nhịp.
  • Huyết áp tăng, nếu nặng có thể tụt huyết áp.
  • Thường kết hợp triệu chứng suy hô hấp + suy tuần hoàn quan trọng là chẩn đoán phân biệt suy hô hấp, là nguyên nhân hay hậu quả.

Rối loạn thần kinh và ý thức: là triệu chứng nặng của suy hô hấp:

  • Nhẹ: lo lắng, hốt hoảng, thất điều…
  • Nặng: Vật vã hoặc ngủ gà, lờ đờ, hôn mê, co giật…

Cận lâm sàng

Khí máu:

  • PaO2 giảm dưới 60 mmHg (bình thường 95 - 96 mmHg)
  • Lưu ý PaO2 có xu hướng giảm dần theo tuổi
  • PaO2 sinh lý = 109 - 0,43 x tuổi (năm) ở người không hút thuốc
  • SaO2 giảm < 85% (bình thường 95- 97%)
  • PaCO2: có thể giảm, bình thường hoặc tăng (bình thường = 35-45 mmHg).

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi xuất hiện các triệu chứng như khó thở, nổi vết bầm tím khắp người, vã mồ hôi, mạch đập nhanh, rối loạn nhịp tim, người vật vã, ngủ gà, co giật, lờ đờ... hãy đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video khám từ xa với bác sĩ chuyên khoa Nội hô hấp trên hệ thống Khám từ xa Wellcare để được tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân suy hô hấp

Bệnh lý phổi và màng phổi - thành ngực

  • Viêm phổi
  • Xẹp phổi, u phổi
  • Tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi
  • Hen phế quản
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
  • Suy hô hấp tiến triển ở người lớn
  • Chấn thương phổi - màng phổi - thành ngực

Bệnh lý tim mạch

  • Phù phổi cấp huyết động
  • Suy tim nặng
  • Tắc mạch phổi.

Bệnh lý thần kinh - cơ

  • Liệt cơ hô hấp (liên sườn, hoành): hội chứng Guillain - Barries: nhược cơ, rắn độc cắn.
  • Phù phổi do cơ chế thần kinh.

Các yếu tố nguy cơ gây suy hô hấp

Yếu tố nguy cơ gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh:

Di truyền

Ở một bà mẹ từng sinh con non tháng bị suy hô hấp, nguy cơ này ở lần sinh sau lên đến 90%. Căn bệnh suy hô hấp sơ sinh chiếm tỷ lệ cao ở người da trắng; trẻ nam dễ bị và bị nặng hơn trẻ nữ (vì androgen ức chế việc sản xuất surfactant).

Mẹ bị tiểu đường

Mức đường huyết cao của mẹ khiến hàm lượng insulin của thai cao hơn bình thường. Insulin kìm hãm sự trưởng thành tế bào phế nang sản xuất surfactan, khiến tỷ lệ sinh con mắc suy hô hấp của các bà mẹ tiểu đường cao gấp 6 lần những phụ nữ khác.

Tổn thương chu sinh

Ngạt và xuất huyết trước sinh làm tăng nguy cơ suy hô hấp. Tình trạng thiếu ôxy máu và axit máu, tụt huyết áp sẽ ức chế sự tổng hợp surfactant, phá hủy tế bào phế nang chuyên làm nhiệm vụ trao đổi khí và mao mạch phổi, dẫn đến phù phổi, suy giảm chức năng surfactant. Ngoài ra, trẻ bị hạ thân nhiệt khi sinh cũng gây thiếu ôxy máu và axit máu, ức chế chức năng surfactant.

Sinh mổ

Quá trình chuyển dạ phóng thích các hoóc môn nhóm catecholamin và steroid, kích thích sản xuất và phóng thích surfactant, dẫn đến tăng tái hấp thu dịch phổi qua hệ bạch huyết phổi. Nếu được sinh mổ lúc bà mẹ chưa chuyển dạ, trẻ dễ bị thiếu surfactant và có lượng dịch trong phổi cao.

Điều trị suy hô hấp

Nguyên tắc xử trí suy hô hấp cấp:

Xác định mức độ trầm trọng của suy hô hấp cấp và quyết định trình tự xử trí

Dựa vào:

  • Tính chất tiến triển của suy hô hấp cấp.
  • Mức độ của giảm ôxy máu, tăng cacbonic và axít máu.
  • Mức độ của các rối loạn sinh tồn xuất hiện cùng với suy hô hấp cấp: tim mạch, thần kinh...

Quyết định chọn lựa: Dùng thuốc hay thông khí cơ học ngay?

Nếu bệnh nhân chỉ bị suy hô hấp cấp mức độ nặng (chưa có các rối loạn huyết động và thần kinh nghiêm trọng) thì chỉ cần đảm bảo đường thở, sử dụng thuốc, ôxy liệu pháp và theo dõi sát sự tiến triển.
Nếu bệnh nhân bị suy hô hấp cấp mức độ nguy kịch thì cần nhanh chóng thiết lập đường thở cấp cứu và tiến hành thông khí cơ học ngay, sau đó mới dùng thuốc hoặc phải sử dụng song song.

Đảm bảo đường thở

Là 'chìa khóa', là công việc đầu tiên phải làm, phải xem xét cho tất cả các bệnh nhân cấp cứu, đặc biệt đối với suy hô hấp cấp ngay từ giây phút đầu tiên khi tiếp xúc.
Đặt bệnh nhân ở tư thế thuận lợi cho việc hồi sức và lưu thông đường thở:

  • Nằm nghiêng an toàn cho bệnh nhân hôn mê chưa được can thiệp.
  • Nằm ngửa cổ ưỡn cho bệnh nhân ngưng thở ngưng tim.
  • Nằm Fowler cho bệnh nhân phù phổi, phù não và phần lớn các bệnh nhân suy hô hấp cấp.

Khai thông khí đạo hay thiết lập đường thở cấp cứu:

  • Nghiệm pháp Heimlich cho bệnh nhân bị dị vật đường hô hấp trên.
  • Đặt canun Guedel hay Mayo cho bệnh nhân tụt lưỡi.
  • Móc hút đờm rãi, thức ăn ở miệng họng khi bệnh nhân ùn tắc đờm hay ói hít sặc.
  • Đặt ống nội khí quản hay mở khí quản, thậm chí chọc kim lớn qua màng giáp nhẫn.

Điều trị giảm ôxy máu và tăng cacbonic

Tiếp theo, sau khi đã đảm bảo đường thở, cần phải điều trị giảm ôxy máu bằng 'Ôxy liệu pháp'. Mục tiêu của ôxy liệu pháp là đảm bảo cung 60 mmHg, cấp ôxy cho mô một cách thích hợp, thường đạt được khi PaO2 90% (với điều kiện hematocrite và cung lượng tim hay SaO2 bình thường). Ôxy liệu pháp qua thông khí tự nhiên (sử dụng canun, catheter mũi, mask Venturi, mask không thở lại...) giúp tăng nồng độ ôxy trong khí hít vào (từ 24% đến xấp xỉ 90%) nếu không đạt được mục tiêu đề ra thì có chỉ định thông khí cơ học (nhân tạo) không xâm lấn (qua mask) hay xâm lấn (qua nội khí quản, mở khí quản).
Sử dụng ôxy liệu pháp điều trị giảm ôxy máu ở bệnh nhân bị suy hô hấp cấp thể hypercapnia cần hết sức thận trọng, đặc biệt đối với nhóm bệnh nhân đợt cấp mất bù của suy hô hấp mạn vì có thể làm nặng thêm tình trạng toan hô hấp. Do vậy, nên bắt đầu từ lưu lượng thấp nhất rồi tăng dần có đánh giá, theo dõi khí máu trước khi quyết định gia tăng lưu lượng ôxy hít vào, nếu toàn trạng xấu dần hoặc pH< 7,30 thì cần xem xét chỉ định thở máy.
Việc dùng bicacbonat (NaHCO3) để sửa chữa tình trạng nhiễm toan trong suy hô hấp cấp C cũng cần hết sức thận trọng và không được khuyến cáo, vì NaHCO3 không có tác dụng điều chỉnh nhiễm toan lâu dài trong khi có thể gây nhiễm toan nội bào và đặc biệt có thể gây nặng thêm tình trạng thiếu ôxy cho mô tế bào do làm tăng ái lực gắn kết của hemoglobin với ôxy.
Ngược lại việc dùng một số thuốc antidote trong suy hô hấp cấp nghi ngờ do ngộ độc Heroin-Morphin (Naloxon) hay Benzodiazepine (Anexate) lại được khuyến cáo do tính vô hại và tác dụng ngoạn mục của thuốc nếu chẩn đoán là chính xác.

Điều trị nguyên nhân gây suy hô hấp cấp

Cần tiến hành điều trị nguyên nhân gây suy hô hấp cấp song song cùng với việc sửa chữa tình trạng giảm ôxy máu, tăng cacbonic gây nhiễm toan hô hấp nếu có thể nhằm rút ngắn thời gian điều trị (như trong suy hô hấp cấp do ngộ độc Heroin-Morphin hay Benzodiazepine, máu tụ ngoài màng cứng…), giảm thiểu những biến chứng của suy hô hấp cấp cũng như của việc kéo dài điều trị suy hô hấp cấp gây ra.

Phòng ngừa suy hô hấp

Để phòng ngừa, cha mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tránh suy dinh dưỡng, chủng ngừa đủ, uống vitamin A.
Cần bảo vệ trẻ khi thay đổi của thời tiết, trẻ nên được mặc quần áo mát mẻ khi trời nóng và giữ ấm khi trời lạnh; không để trẻ nằm gần quạt máy, nằm phòng máy lạnh quá lâu, không cho trẻ đi chơi dưới trời mưa, trời nắng gắt hay ngoài trời quá khuya; tắm trẻ bằng nước ấm khi trời lạnh; giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
Không cho trẻ tiếp xúc với người có bệnh, nhất là người đang bị bệnh về đường hô hấp và tránh để trẻ hít khói bếp, khói than, khói thuốc lá. Nếu trẻ bị ho, bị sổ mũi cần sớm đưa trẻ đi khám bệnh, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, để phát hiện sớm viêm phổi cũng như các biến chứng khác…
Các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý tăng cường miễn dịch tự nhiên cho trẻ thông qua dinh dưỡng. Ngoài việc bổ sung một số chất quen thuộc như sắt, kẽm, DHA, omega 3, Betaglucan1,3/1,6 tự nhiên trong men bánh mì, một số loại nấm, hạt ngũ cốc như: yến mạch, đại mạch, thậm chí là tảo…
Đây là những chất có khả năng giúp tăng cường hàng rào miễn dịch tự nhiên ở người, tiêu diệt các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài một cách hiệu quả.

Theo Sức khỏe đời sống

- 18-09-2018 -

Bài viết liên quan

  • 17-10-2018

    Nang gan hay những tổn thương dạng nang ở gan là một nhóm những rối loạn khá phức tạp, tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ phổ biến và những đặc tính lâm sàng. Hầu hết các nang gan đều được phát hiện một cách tình cờ qua những chẩn đoán hình ảnh và thường

  • 28-05-2018
    Rubella, còn được gọi là bệnh sởi Đức hay sởi ba ngày, là một bệnh virus truyền nhiễm và dễ nhận ra qua loại ban (đốm hoặc nhọt) đỏ đặc trưng. Rubella từng là bệnh rất phổ biến ở trẻ em trước khi nhà nước và Bộ Y tế khuyến cáo mọi trẻ em phải được tiêm
  • 05-10-2018

    Ngủ ngáy xảy ra khi đường thở bị hẹp, luồng khí đi nhanh qua chỗ hẹp gây rung mô mềm với tần số cao phát ra âm thanh trong lúc ngủ tạo ra tiếng ngáy. Chỗ hẹp này có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng, một số ca do sự bất thường về giải phẫu, còn đa phần là do nhược trương lực họng chức năng.

  • 05-10-2018

    Giãn phế quản là tình trạng mà các ống phế quản nằm trong phổi bị tổn thương vĩnh viễn và lớn ra một cách bất thường. Những đường dẫn khí bị tổn thương làm cho vi khuẩn và chất nhầy có cơ hội tuyệt vời để ứ lại trong phổi.

  • 28-05-2018
    Dị ứng xảy ra khi cơ quan giúp cơ thể chống lại bệnh tật (hệ thống miễn dịch) phản ứng quá mức/quá mẫn khi ăn, hít thở, bị tiêm/chích/đốt hoặc sờ vào một chất mà bình thường vốn không gây hại (còn gọi là một dị nguyên/chất gây dị ứng). Dị ứng không phải
  • 18-09-2018

    Bệnh Herpes môi, đôi khi được gọi là mụn nước sốt (sốt vỉ), là đám vết phồng rộp nhỏ trên môi và xung quanh miệng. Vùng da xung quanh chỗ phồng thường đỏ, sưng lên và đau nhức. Chỗ phỏng có thể vỡ, dịch trong chảy ra và sau đó đóng vảy sau vài ngày.