Sốt ở trẻ

Nhiệt độ ở miệng hoặc núm ngậm cao su trên 100 °F (37,8 °C).

Sốt ở trẻ em là gì?

Sốt là nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường. Con bạn bị sốt nếu:

  • Nhiệt độ đo ở trực tràng, tai, hoặc động mạch thái dương trên 38,0 °C
  • Nhiệt độ ở miệng hoặc núm ngậm cao su trên 37,8 °C
  • Nhiệt độ ở nách trên 37,2 °C

Phương pháp đo nhiệt độ ở tai (màng nhĩ) thường không đáng tin cậy cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.
Cảm thấy nóng khi chạm vào trẻ cho biết con bạn bị sốt. Kiểm tra sốt theo cách này là chính xác hơn bạn nghĩ. Tuy nhiên, khi bạn gọi bác sĩ, hãy sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ cho bé.
Nhiệt độ trung bình của cơ thể khi đo ở miệng là 36,5 °C. Nhiệt độ ở miệng có thể dao động từ mức thấp là 35,5 °C vào buổi sáng lên mức cao 37,5 °C vào buổi chiều. Thân nhiệt có thể tăng nhẹ từ 38 đến 38,5 °C khi tập thể dục, mặc quần áo dày, tắm nước nóng, hoặc thời tiết nóng. Đồ ăn và nước uống nóng cũng có thể làm tăng nhiệt độ ở miệng. Nếu nghi ngờ các yếu tố trên gây ảnh hưởng đến nhiệt độ của bé, hãy đo nhiệt độ của trẻ một lần nữa sau nửa giờ.

Nguyên nhân gây sốt ở trẻ em là gì?

Sốt là một triệu chứng, không phải là một bệnh. Đó là phản ứng bình thường của cơ thể với nhiễm trùng. Sốt giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hầu hết sốt ở trẻ em là hữu ích, không có hại. Nguyên nhân là do các bệnh do vi rút như cảm lạnh hoặc cúm. Một số là do vi khuẩn như viêm họng Streptococcus (Strep) hoặc nhiễm trùng bàng quang. Mọc răng không gây sốt.

Sốt ở trẻ em sẽ kéo dài bao lâu?

Hầu hết sốt do vi rút kéo dài 2-3 ngày. Nói chung, mức độ sốt cao không liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Con bạn có biểu hiện bệnh như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Sốt không gây ra bất kỳ tác hại vĩnh viễn nào. Tổn thương não xảy ra chỉ khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 108 °F (42 °C).
Trong số tất cả trẻ em bị sốt, chỉ có 4% bị co giật cơn ngắn. Loại co giật này nói chung là vô hại, nhưng khi trẻ co giật do sốt thì nên đến gặp bác sĩ. Nếu con bạn bị sốt cao mà không co giật, thì khả năng lần sau bị sốt cao co giật là không có.

Nên làm gì để chăm sóc khi trẻ bị sốt?

* Uống nhiều nước và mặc quần áo thoáng

Khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Kem đá và nước uống lạnh là hữu ích. Cơ thể bị mất nước khi bị sốt vì thoát nhiều mồ hôi.
Mặc quần áo thoáng bởi vì phần lớn bị mất nhiệt qua da. Đừng trùm kín con bạn, vì sẽ gây sốt cao hơn. Khi trẻ cảm thấy lạnh hoặc run (ớn lạnh), đắp cho trẻ một tấm mền mỏng.
Khi sốt 38-39 °C thì chỉ cần xử trí như vậy thôi. Thuốc hạ sốt ít khi cần thiết. Sốt ở mức này thường không gây khó chịu cho trẻ, nhưng sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

* Thuốc giảm sốt

Hãy nhớ rằng sốt giúp trẻ chống lại nhiễm trùng. Chỉ uống thuốc hạ sốt khi sốt làm trẻ khó chịu. Thường là khi sốt trên 39 °C.
Thuốc hạ sốt bắt đầu có tác dụng trong khoảng 30 phút và 2 giờ sau khi dùng thuốc, những loại thuốc này sẽ làm giảm sốt 1 °C đến 1,5 °C. Thuốc không giảm nhiệt độ xuống mức bình thường trừ khi nhiệt độ trước khi dùng thuốc không cao quá. Cần lặp lại liều thuốc vì sốt sẽ tăng và giảm cho đến khi khỏi bệnh. Nếu con bạn đang ngủ, không đánh thức trẻ dậy để uống thuốc.
Acetaminophen: Trẻ em trên 3 tháng tuổi có thể uống acetaminophen (Tylenol). Liều lượng thuốc cho đúng theo cân nặng của con bạn, uống thuốc mỗi 4-6 giờ. Không bao giờ cho trẻ uống hơn 5 liều trong vòng 24 giờ.
Ibuprofen: Ibuprofen (Advil, Motrin) được cho phép dùng ở trẻ trên 6 tháng tuổi. Một ưu điểm của ibuprofen so với acetaminophen là tác dụng kéo dài lâu hơn (6-8 giờ thay vì 4-6 giờ). Liều thuốc uống đúng theo cân nặng của trẻ, uống thuốc mỗi 6-8 giờ.
LƯU Ý: Ống nhỏ giọt kèm theo hộp thuốc không nên sử dụng với các loại thuốc khác.
Chú ý: Không sử dụng acetaminophen và ibuprofen cùng nhau trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Điều đó là không cần thiết và có thể gây nhầm lẫn.
Tránh dùng aspirin: Các bác sĩ khuyên rằng trẻ em không được dùng aspirin để hạ sốt. Khi nhiễm vi rút, chẳng hạn như thủy đậu hoặc cúm, uống Aspirin có liên quan đến một căn bệnh nghiêm trọng được gọi là hội chứng Reye. Nếu nhà bạn có thiếu niên, cảnh báo về việc tránh dùng aspirin.

* Dùng khăn lau

Dùng khăn lau thường là không cần thiết để hạ sốt. Không bao giờ lau con bạn mà không cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen trước. Chỉ dùng khăn lau cho trẻ khi bị sốt trên 40 °C, và đã uống acetaminophen hoặc ibuprofen mà 30 phút sau vẫn chưa hạ sốt.
Nếu bạn lau cho trẻ, nên dùng nước 29-32 °C. Lau hiệu quả nhanh hơn nhiều so với ngâm, vì vậy cho con bạn ngồi trong 5 cm nước và tiếp tục lau ướt bề mặt da. Cách làm giảm nhiệt này là do sự bốc hơi nước. Nếu con của bạn run, hãy tăng nhiệt độ nước hoặc ngừng lau cho đến khi acetaminophen hoặc ibuprofen có hiệu lực. Đừng mong đợi nhiệt độ xuống dưới 38,3 °C. Đừng thêm cồn vào nước; trẻ có thể hít vào và bị hôn mê.

Khi nào tôi nên gọi điện thoại bác sĩ nếu trẻ bị sốt?

Gọi NGAY LẬP TỨC nếu:

  • Con bạn nhỏ hơn 3 tháng tuổi và bị sốt.
  • Sốt trên 40 °C và không cải thiện 2 giờ sau khi cho thuốc hạ sốt.
  • Con bạn có biểu hiện bệnh nặng (sốt kèm với nhức đầu dữ dội, lú lẫn, cứng cổ, khó thở, phát ban, hoặc không chịu uống).

Gọi trong vòng 24 giờ nếu:

  • Con bạn 3-6 tháng tuổi (trừ trường hợp sốt là do tiêm chủng).
  • Con bạn đã bị sốt hơn 24 giờ mà không có một nguyên nhân rõ ràng hoặc vị trí nhiễm trùng và con bạn dưới 2 tuổi.
  • Con bạn bị sốt hơn 3 ngày.
  • Con bạn đã hết sốt hơn 24 giờ và sau đó sốt lại.
  • Bạn có điều quan tâm hoặc thắc mắc.

Biên dịch - Hiệu đính:

Nguồn: Y học cộng đồng

- 13-04-2024 -

Bài viết liên quan

  • 20-04-2021
    Chấn thương cơ gân kheo thường được gọi là “cơ kéo” hoặc chấn thương gân kheo. Đây là tình trạng cơ bắp bị kéo căng và rách. Có ba mức độ chấn thương:nCấp độ 1: bị căng cơ, vết rách rất nhỏ.nCấp độ 2: rách một phần cơ.
  • 28-05-2018
    U mềm lây là một bệnh nhiễm trùng da do vi rut mà biểu hiện bằng các thương tổn da đứng riêng rẽ, rời rạc và lõm ở trung tâm. Bệnh lây lan rộng do tự lây nhiễm, bởi các vết cào xước hoặc sờ mó vào thương tổn.U mềm lây thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh cũng
  • 28-05-2018
    Viêm gan tự miễn là một bệnh mãn tính, khi mắc bệnh này hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tấn công các tế bào bình thường của gan, gây ra viêm nhiễm và làm tổn thương gan.
  • 28-05-2018
    Thuật ngữ y học gọi ọc sữa là “trào ngược dạ dày thực quản”, hoặc “trào ngược”. Nó xảy ra khi sữa hoặc thức ăn rắn trong dạ dày trào trở lại vào thực quản của bé (thực quản là ống nối giữa miệng và dạ dày).
  • 28-05-2018
    Viêm xoang cấp tính (hay viêm mũi xoang cấp) là tình trạng các khoang xung quanh mũi (gọi là xoang) bị viêm và sưng lên. Điều này làm cho xoang tích tụ nhiều dịch nhầy, gây trở ngại cho việc thoát ra ngoài.
  • 18-09-2018

    Đau nhức toàn thân là một chứng bệnh khá thường gặp. Ước tính cứ 100 người thì có 2-8 người mắc căn bệnh này. Người bệnh thường xuyên thấy đau nhức toàn cơ thể, mệt mỏi, khó ngủ, và thêm các triệu chứng khác nữa. Bệnh này làm cho cơ thể luôn trong tình