Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý trong đó nội mạc tử cung (là lớp màng lót bên trong tử cung) lạc chỗ đến một vị trí khác bên ngoài tử cung.

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Nếu bạn bị lạc nội mạc tử cung, các mô trong tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung và lấn ra ống dẫn trứng. Những mô phát triển không đúng này vẫn hoạt động như các mô tử cung bình thường. Điều này có nghĩa là chúng sẽ phản ứng với sự thay đổi của nồng độ estrogen, bị bong ra và chảy máu trong chu kì kinh nguyệt. Tuy nhiên, do chúng phát triển bên ngoài tử cung, máu không thể chảy ra ngoài cơ thể mà bị tích lại, gây ra chảy máu bên trong và nhiễm trùng. Hiện tượng chảy máu của mô bệnh hàng tháng cũng có thể tạo ra mô sẹo, còn gọi là mô sẹo dính (adhesion). Đôi khi mô sẹo này khiến cho các cơ quan bị dính vào nhau. Hiện tượng chảy máu, viêm và hình thành mô sẹo có thể làm bệnh nhân thấy đau đớn, đặc biệt là trước và giữa kỳ kinh nguyệt.
Lạc nội mạc tử cung thường liên quan đến toàn bộ ống dẫn trứng, buồng trứng, ruột hoặc các mô trong sàn chậu. Các mô bao quanh có thể bị kích thích và gây đau đớn, hình thành mô sẹo và các túi chứa chất dịch khiến bạn khó mang thai.

Mối liên quan giữa vô sinh và lạc nội mạc tử cung

Khoảng 40% phụ nữ vô sinh bị lạc nội mạc tử cung. Hiện tượng viêm có thể gây hại cho tinh trùng hoặc trứng, hoặc cản trở việc di chuyển của chúng trong ống dẫn trứng và trong tử cung. Trong trường hợp bệnh nặng, các mô sẹo dính có thể làm tắc ống dẫn trứng.

Các triệu trứng của lạc nội mạc tử cung

Triệu chứng thông thường nhất của lạc nội mạc tử cung là đau bụng dưới kinh niên, đặc biệt là trước và trong khi hành kinh. Bệnh nhân cũng có thể bị đau khi quan hệ tình dục. Nếu mô bệnh lạc chỗ ở ruột, bệnh nhân có thể bị đau khi đại tiện. Nếu mô bệnh lạc chỗ ở bàng quang, bệnh nhân có thể bị đau khi đi tiểu. Máu kinh ra nhiều cũng là một triệu chứng của lạc nội mạc tử cung. Nhưng cũng có nhiều phụ nữ bị bệnh mà không có triệu chứng gì cả.

Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung

Bác sĩ phụ khoa có thể phát hiện lạc nội mạc tử cung thông qua khám phụ khoa tổng quát. Tuy nhiên chỉ có bằng phương pháp nội soi ổ bụng bác sĩ mới có thể chắc chắn là bạn bị bệnh này. Đôi khi bác sĩ sẽ lấy một phần mô bệnh khi nội soi ổ bụng để làm xét nghiệm. Quá trình này được gọi là sinh thiết (biopsy) bệnh phẩm.
lạc nội mạc tử cung
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Điều trị lạc nội mạc tử cung

Phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng của bệnh, và tùy thuộc vào việc bạn có muốn có con hay không. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc, hoặc phẫu thuật, hoặc cả hai. Nếu đau là vấn đề chính, phương pháp điều trị bằng thuốc sẽ được sử dụng đầu tiên.

Các thuốc dùng để điều trị lạc nội mạc tử cung

Các thuốc dùng để điều trị lạc nội mạc tử cung bao gồm thuốc giảm đau, ví dụ như thuốc kháng viêm nonsteriod; các thuốc nội tiết như thuốc viên tránh thai kết hợp, thuốc tránh thai chỉ chứa progestin, và chất đồng vận (chất có tác dụng tương tự) của hormone giải phóng gonadotropin. Thuốc nội tiết giúp làm giảm quá trình phát triển của mô bệnh và tránh hình thành mô sẹo mới. Tuy nhiên các thuốc này không thể làm tiêu mô bệnh vốn đã hình thành sẵn.

Phẫu thuật điều trị lạc nội mạc tử

Phẫu thuật có thể giúp giảm đau và tăng khả năng sinh sản. Trong quá trình phẫu thuật, mô bệnh sẽ được cắt bỏ đi.
Đa phần phụ nữ không thấy đau nữa sau khi được phẫu thuật. Tuy nhiên, khoảng 40-80% phụ nữ bị đau trở lại trong vòng 2 năm sau phẫu thuật. Mức độ đau càng nhiều thì khả năng tái phát càng cao. Việc sử dụng thuốc tránh thai hoặc các thuốc khác sau khi phẫu thuật có thể kéo dài khoảng thời gian không bị đau.
Nếu đau nhiều và cơn đau không thuyên giảm sau điều trị lạc nội mạc tử cung, phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể là biện pháp cuối cùng. Khả năng tái phát cũng thấp hơn nếu buồng trứng cũng bị cắt bỏ. Nếu bạn muốn giữ lại buồng trứng, khả năng tái phát sẽ thấp hơn nếu những mô bệnh lạc chỗ cũng bị cắt bỏ khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Có khả năng rất thấp là cơn đau không hết ngay cả khi đã cắt bỏ tử cung và buồng trứng. Nguyên nhân có thể do mô bệnh hình thành ở nơi không thể nhìn thấy được hoặc không thể bị cắt bỏ khi phẫu thuật.Chú giải

  1. Chất đồng vận của hormone giải phóng gonadotropin: là loại thuốc dùng để ngăn chặn ảnh hưởng của các hormone nhất định.
  2. Bàng quang: là túi cơ giữ nước tiểu trước khi thải ra ngoài.
  3. Lạc nội mạc tử cung: là sự lạc chỗ của mô nội mạc tử cung, lớp lót bên trong tử cung đến một vị trí khác bên ngoài tử cung, thường là ở buồng trứng, ống dẫn trứng, và các cơ quan khác trong vùng chậu.
  4. Buồng trứng: là hai tuyến nằm hai bên cạnh tử cung chứa trứng và sản xuất các hormone.
  5. Estrogen: là một loại hormone nữ do buồng trứng sản sinh ra.
  6. Hormone: là một chất do cơ thể sản sinh ra để điều khiển sự hoạt động của các cơ quan.
  7. Khám phụ khoa tổng quát: là phương pháp kiểm tra cơ quan sinh dục nữ.
  8. Mô sẹo dính: là mô sẹo mà khi hình thành làm dính các cơ quan vào với nhau.
  9. Niệu quản: là ống nối thận với bàng quang.
  10. Nội mạc tử cung: là lớp lót bên trong tử cung.
  11. Ống dẫn trứng: là ống dẫn trứng từ buồng trứng đến tử cung.
  12. Progestin: là dạng tổng hợp của progesterone, gần giống với dạng do cơ thể sản sinh.
  13. Sinh thiết: là quá trình lấy một phần nhỏ của mô để xét nghiệm bằng cách quan sát dưới kính hiển vi.
  14. Nội soi ổ bụng: là phương pháp phẫu thuật dùng một dụng cụ gọi là kính soi, được đưa vào vùng chậu qua những đường rạch da nhỏ trên thành bụng. Kính soi này được dùng để quan sát các cơ quan trong vùng chậu. Các dụng cụ khác được sử dụng cùng với kính soi để phẫu thuật.
  15. Trực tràng: là đoạn cuối cùng của cơ quan tiêu hoá.
  16. Tử cung: là một cơ quan nằm trong khung chậu nữ giới, chứa và nuôi dưỡng thai nhi trong quá trình mang thai.
  17. Viêm: là trường hợp các cơ quan bị đau, sưng tấy, đỏ lên.
  18. Vô sinh: là trường hợp không thụ thai sau 12 tháng quan hệ mà không dùng biện pháp tránh thai nào.

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 17-10-2018

    Viêm da tiếp xúc là phản ứng viêm da do tương tác giữa da và tác nhân tiếp xúc bên ngoài. Tỷ lệ bệnh viêm da tiếp xúc khác nhau giữa các vùng địa lý, thời gian trong năm, giới tính, nghề nghiệp, lứa tuổi của bệnh nhân. Tại Việt Nam, bệnh viêm da tiếp

  • 28-05-2018
    Tiểu đường thai kỳ là bệnh đái tháo đường được phát hiện lần đầu tiên ở những phụ nữ đang mang thai. Một số phụ nữ phát hiện tiểu đường thai kỳ có thể thực sự đã bị tiểu đường nhẹ trước khi mang thai mà không được chẩn đoán.
  • 28-05-2018
    Khi chúng ta nói, có những kích thích tác động vào các bộ phận cảm thụ của lưỡi, môi, má và thanh quản. Các kích thích đó theo cơ quan phân tích lời nói đến vùng phân tích vận động của lời nói (vùng Broca). Khi các bộ phận này không phối hợp được thật
  • 28-05-2018
    Đau thắt ngực không ổn định là cơn đau ở ngực do tình trạng máu và oxy không đủ để cung cấp cho tim.nĐau thắt ngực có thể là triệu chứng của bệnh mạch vành hoặc xơ vữa động mạch khi các mảng bám cấu tạo từ cholesterol và chất béo bám bên trong động mạch.
  • 28-05-2018
    Nhiễm herpes zoster, tên thường gọi: Zôna thần kinh, giời leo. Bệnh thường gặp vào mùa xuân - thu và mọi lứa tuổi (trừ trẻ sơ sinh), nhưng xảy ra ở người lớn nhiều hơn (3/4 số bệnh nhân zona trên 45 tuổi). Đặc biệt ở người suy giảm miễn dịch (có 8 -
  • 28-05-2018
    Cũng như các khớp chịu tải khác, khớp háng cũng có nguy cơ bị 'hao mòn' do quá trình thoái hóa. Thoái hóa khớp (hư khớp) là bệnh phổ biến nhất của khớp háng. Hậu quả của trình thoái hóa khớp háng là lớp sụn nhẵn bóng bao bọc đầu chỏm xương đùi và mặt