HIV / AIDS
Nếu HIV không được điều trị, bệnh nhân sẽ nguy cơ cao bị suy giảm miễn dịch trầm trọng trong vòng 10 năm. Khi đó, cơ thể không còn khả năng chống lại nhiễm trùng và ngăn chặn ung thư phát triển. Giai đoạn muộn này được gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
HIV và AIDS là gì?
Vi rút suy giảm miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus - HIV) là một loại vi rút gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Nó dần dần phá hủy các tế bào được gọi là tế bào CD4, là các tế bào thường giúp cơ thể khỏe mạnh bằng cách chống lại bệnh tật.
Nếu HIV không được điều trị, bệnh nhân sẽ nguy cơ cao bị suy giảm miễn dịch trầm trọng trong vòng 10 năm. Khi đó, cơ thể không còn khả năng chống lại nhiễm trùng và ngăn chặn ung thư phát triển. Giai đoạn muộn này được gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
Các triệu chứng của nhiễm HIV là gì?
Hầu hết mọi người không có triệu chứng hoặc chỉ giống như bị bệnh cúm nhẹ khi mới nhiễm, và có thể khó phân biệt được HIV với các bệnh nhiễm vi rút khác. Giai đoạn này, được gọi là giai đoạn sớm/đầu (SCI), thường xảy ra khoảng 10 đến 14 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Giai đoạn SCI có thể có một loạt các triệu chứng, bao gồm:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Đau cơ và khớp
- Viêm họng
- Sưng hạch cổ, dưới cánh tay, hoặc ở bẹn
- Phát ban
Sau lần phát bệnh ban đầu, người nhiễm HIV thường không có các triệu chứng khác. Tuy nhiên, vi rút vẫn còn trong cơ thể.
https://lh6.googleusercontent.com/nwfh-RlSrOgczmxkS-IYUE7wckCZcklhMasfuYTZun2HaqK1MYdhoulALqXRo-nxgHeFhVr21dkS6Ose39tkEgkxSl7uXH0PsV1oNV1ToL2624hpI0nMn9fM6lWZmMfYaW2b9UG07iT6-2KCGA
Tại sao một số người nhiễm HIV lại tiến triển thành bệnh AIDS?
Theo thời gian, nhiễm vi rút HIV nếu không được điều trị sẽ làm hỏng hệ thống miễn dịch và khiến khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng và ung thư trở nên khó khăn hơn.
Trước khi thế giới tìm ra phương pháp điều trị nhiễm HIV hiệu quả, tất cả những người bị nhiễm đều chuyển sang giai đoạn AIDS trong vòng khoảng 10 năm. Ngày nay, những người nhiễm HIV được điều trị hiệu quả sẽ không có khả năng tiến triển thành AIDS và sẽ có tuổi thọ như là chưa nhiễm. Điều này là nhờ những loại thuốc để giữ cho nồng độ vi rút trong máu được kiểm soát và bảo vệ hệ thống miễn dịch.
Hậu quả của bệnh AIDS là gì?
Hệ thống miễn dịch suy yếu làm tăng nguy cơ tiến triển của các bệnh lý khác. Bao gồm:
- Các bệnh nhiễm trùng như bệnh lao (TB), nhiễm virus cytomegalo, bệnh nấm candida, viêm màng não do cryptococcus, bệnh nhiễm ký sinh trùng toxoplasmosis và bệnh nhiễm cryptosporidiosis
- Các bệnh ung thư, chẳng hạn như Kaposi's sarcoma (là một dạng ung thư gây ra bởi virus HHV8 - human herpesvirus 8, hay còn được gọi là virus KSHV) và ung thư hạch
- Hội chứng suy mòn sức khỏe (sụt cân, thường kèm theo sốt và tiêu chảy)
- Các vấn đề hệ thần kinh
- Bệnh thận
Các đường lây nhiễm HIV
HIV có trong máu, tinh dịch, dịch âm đạo và sữa mẹ của người nhiễm bệnh. Bệnh do đó lây lan khi tiếp xúc với các chất dịch cơ thể qua:
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo không được bảo vệ, không dùng bao cao su
- Dùng chung dụng cụ tiêm chích ma tuý
- Xăm, xỏ lỗ và các thủ thuật khác với kim hoặc thiết bị không vô trùng
- Lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú
- Quan hệ tình dục bằng miệng, mặc dù hiếm
- Nhân viên y tế bị thương do kim tiêm
Cần nhớ, HIV không lây lan qua các hành động như hôn, dùng chung cốc và dao kéo, các tiếp xúc giao tiếp thông thường, ngồi toilet hoặc muỗi đốt.
Bạn sẽ có nguy cơ cao hơn nếu:
- Bạn là một người đàn ông, một người phụ nữ chuyển giới hoặc một người được xác định là đa dạng giới tính và có quan hệ tình dục với nam giới
- Bạn có quan hệ tình dục hoặc dùng chung kim tiêm với người có nguy cơ nhiễm HIV
- Bạn dùng chung đồ chơi tình dục
- Bạn có quan hệ tình dục với những người đến từ các quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao (bao gồm châu Phi cận Sahara, Caribe, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện và Papua New Guinea)
- Bạn tiêm chích ma tuý và dùng chung kim tiêm
- Bạn xăm trổ hoặc xỏ khuyên tai khác ở nước ngoài bằng các thiết bị không vô trùng
- Bạn bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Mọi người đều có thể bị nhiễm nhiều bệnh STI khác nhau cùng lúc. Các bệnh STI có thể khiến bạn dễ dàng bị nhiễm HIV và truyền bệnh cho bạn tình hơn.
- Bạn đã được truyền máu ở một quốc gia có nguồn máu không an toàn
https://lh5.googleusercontent.com/dCj2u0FbHX8H2JVafwA5exJCBSIH04yaoOMGRnxx-e345BIyYS54JvJ92R1MztWx-SMJP6qaB9wlLK8YGpehiqSCh4trx2Ol7nPQttNgqouzBKiUzllM9ckJNoRZOuRpdA-gC8PbBrsEgQKycQ
Một số người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn vì họ tiếp xúc với nhiều người nhiễm HIV hoặc tham gia vào các hoạt động nguy cơ cao hơn. Bao gồm:
- Người Thổ dân hoặc Cư dân trên eo biển Torres
- Những người từng đi tù
- Những người sử dụng ma túy (ngay cả khi không qua đường tiêm)
- Những người đã được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe nơi công tác kiểm soát nhiễm trùng kém
- Những người đến từ các quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao
Khi nào tôi nên đi xét nghiệm HIV?
Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị nhiễm HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV, hãy trò chuyện với bác sĩ về việc làm xét nghiệm. Một số người có nguy cơ cao cần được xét nghiệm thường xuyên.
https://lh3.googleusercontent.com/MQkqjsD0F4PT4EISVykMhTg7nhExUsjmUgy3jsLICCpuToRmqC5lJkscNog2AYOLRtBN6VySgP6tsqswxoQYGND3Ds08bhVxgcEXZBO3ppG2jFBUgdgePEIqHhUV-stQ3QWIuuNXAvNFlW56Zg
Bạn nên đi xét nghiệm HIV nếu:
- Bạn đã quan hệ tình dục không an toàn (âm đạo hoặc hậu môn) với bạn tình mà bạn không rõ tình trạng nhiễm HIV, đôi khi một số người nhiễm HIV nhưng không có một lượng vi rút có thể đo lường được trong máu nên không thể phát hiện.
- Bạn đã quan hệ tình dục không an toàn (âm đạo hoặc hậu môn) với một người từ một quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao
- Bạn tình của bạn gần đây đã đi du lịch đến quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao và có thể đã quan hệ tình dục không an toàn ở đó
- Bạn đã quan hệ tình dục không an toàn với một gái mại dâm ở Châu Phi, Đông Âu, Đông Nam Á hoặc Papua New Guinea
- Bạn đã từng dùng chung dụng cụ tiêm chích
Chẩn đoán sớm rất quan trọng và nhờ đó có thể cải thiện tình trạng sau này của bệnh.
Bạn nên nói chuyện với bác sĩ để đề nghị kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác cùng lúc.
Thông tin cá nhân sẽ được giữ bí mật trừ khi có những lo ngại lớn về sự an toàn của bạn hoặc của người khác.
Chẩn đoán HIV?
Xét nghiệm máu
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để tìm HIV. Máu được gửi đến phòng thí nghiệm và có thể mất vài ngày mới có kết quả.
Các xét nghiệm nhanh
Bác sĩ có thể sử dụng một loại xét nghiệm nhanh, bao gồm một mũi chích vào ngón tay hoặc nước bọt. Kết quả có thể có trong vòng 10 đến 20 phút, nhưng sau đó vẫn luôn cần được xác nhận lại bằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Tự xét nghiệm HIV
Sử dụng công nghệ tương tự như xét nghiệm nhanh, đây là xét nghiệm chích ngón tay bạn có thể thực hiện tại nhà hoặc bất cứ nơi nào bạn cảm thấy thoải mái. Kết quả chỉ mất chưa đầy 15 phút.
Điều quan trọng là chỉ sử dụng các phương pháp tự xét nghiệm HIV đã được cơ quan nhà nước phê duyệt, để yên tâm rằng kết quả nghiệm là chính xác và an toàn khi sử dụng.
Nếu kết quả dương tính, bạn cần đến gặp bác sĩ để làm thêm xét nghiệm nhằm xác nhận lại.
Tuy nhiên, cơ thể cần đến 24 ngày sau khi phơi nhiễm (đôi khi lâu hơn) thì xét nghiệm máu mới có thể cho ra kết quả dương tính HIV một cách chính xác.
Có nghĩa là bạn có thể nhận được kết quả âm tính khi bạn thực sự ĐÃ bị nhiễm HIV. Đây được gọi là "âm tính giả". Vì vậy, bạn có thể cần nhiều hơn một lần xét nghiệm để biết chắc chắn mình có bị nhiễm HIV hay không.
Do đó, bạn nên sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục và tiêm chích an toàn trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Tiếp tục như vậy sau khi xét nghiệm, và ngay cả khi bạn đã nhận được kết quả âm tính, nhằm làm giảm nguy cơ phơi nhiễm và lây nhiễm trong tương lai.
HIV được điều trị như thế nào?
Không có vaccine ngừa hoặc cách chữa khỏi nhiễm HIV. Tuy nhiên, có những phương pháp điều trị hiệu quả có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV và mức độ tiến triển thành AIDS, đồng thời giúp đảm bảo tuổi thọ gần như bình thường.
Những phương pháp điều trị này được gọi là liệu pháp kháng vi rút (antiretroviral therapy - ART). Cách này ngăn không cho vi rút tự sinh sản, dẫn đến giảm nồng độ vi rút. Việc điều trị bao gồm sự phối hợp của các loại thuốc với nhau.
Những người dương tính với HIV dùng liệu pháp ART hàng ngày - đúng theo chỉ định - và đạt được (và duy trì) nồng độ vi rút đủ ít đến mức không thể phát hiện được sẽ không thể truyền vi rút qua đường tình dục cho bạn tình chưa nhiễm HIV.
Nhờ những cải tiến trong điều trị, nhiễm HIV hiện là một căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được đối với nhiều người ở một số đất nước phát triển.
Làm cách nào để tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm HIV?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm HIV là:
- sử dụng bao cao su và chất bôi trơn gốc nước để quan hệ tình dục qua đường hậu môn và âm đạo
- không bao giờ dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích khác
- đảm bảo tất cả các thủ thuật xăm, xỏ lỗ và các thủ thuật khác đều sử dụng dụng cụđã được khử trùng
https://lh3.googleusercontent.com/qHuqn4fEQ108b-NrMbpp4tjFHeq3Gv-2XMlTTCLyoRG4JObn-3RRfz-eRReLyV3nFXgO7_qOfq1w3-TPb9HOOySB_cM_N7JmRoB4kL2q3Z1ZJJXmEFQUsmnRXe5mjRGM9DJqyndBZ-b3jHsDlQ
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm
PrEP (thuốc dự phòng trước phơi nhiễm) là viên uống hàng ngày dành cho những người có nhiều nguy cơ bị nhiễm HIV. Thuốc có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV, nhưng thuốc không ngăn bạn mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
PrEP hàng ngày được khuyến cáo cho tất cả những người có nguy cơ nhiễm HIV.
PrEP cũng chỉ có thể được sử dụng vào những thời điểm bạn có khả năng tiếp xúc (được gọi là 'theo nhu cầu'), thay vì hàng ngày, nhưng điều này không phù hợp với tất cả mọi người và mức độ hiệu quả vẫn đang được thử nghiệm.
Bạn có thể thảo luận thêm với bác sĩ về nhu cầu sử dụng PrEP.
Phòng ngừa sau phơi nhiễm
Thuốc đôi khi có thể ngăn không cho HIV lây nhiễm từ người đã bị phơi nhiễm. Đây được gọi là PEP (dự phòng sau phơi nhiễm). Bạn cần uống thuốc điều trị HIV này trong 4 tuần sau khi phơi nhiễm. Tốt nhất là bắt đầu sủ dụng PEP càng sớm càng tốt, và trong vòng 72 giờ (3 ngày) kể từ khi tiếp xúc với nguồn lây.
Một số bác sĩ có thể kê PEP. Bạn cũng có thể nhận PEP ở phòng cấp cứu tại bệnh viện.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về PEP bằng cách nói chuyện với bác sĩ hoặc gọi cho đường dây nóng HIV tại địa phương.
Phòng tránh lây lan HIV cho người khác
Nếu bạn bị nhiễm HIV, cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm HIV cho người khác là:
- uống thuốc đúng chỉ định - có rất ít nguy cơ lây truyền HIV nếu tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát tốt (được gọi là 'nồng độ vi rút không đủ để nhận biết được')
- sử dụng bao cao su và chất bôi trơn gốc nước để quan hệ tình dục qua đường hậu môn và âm đạo
- không bao giờ dùng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ tiêm chích khác
Nếu bạn bị nhiễm HIV, bạn phải thông báo cho bất kỳ ai có nguy cơ bị phơi nhiễm với bạn:
- Nói với những người mà bạn đã từng quan hệ tình dục hoặc dùng ma túy. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn ai có thể gặp rủi ro và giúp bạn liên hệ với họ một cách ẩn danh.
- Nói với bất kỳ ai mà bạn có ý định quan hệ tình dục về tình trạng nhiễm HIV của mình (ngay cả khi bạn sử dụng bao cao su). Đây là quy định.
Nếu bạn đang mang thai, hãy tư vấn với bác sĩ về việc điều trị bằng thuốc kháng vi-rút để ngăn ngừa lây truyền sang em bé khi mang thai, sinh con hoặc cho con bú.
Sống chung với HIV
Nếu bạn bị nhiễm HIV hoặc AIDS, điều quan trọng là phải tuân theo kế hoạch điều trị một cách nghiêm ngặt. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để không lây nhiễm cho bất kỳ ai khác.
Giữ sức khỏe bằng cách tuân theo một chế độ ăn uống bổ dưỡng, tránh thịt và trứng sống. Bởi vì nếu mắc bệnh do thực phẩm gây ra, thì bệnh sẽ có nhiều nguy cơ trở nên trầm trọng hoặc kéo dài hơn với những người nhiễm HIV, vì HIV làm tổn thương hệ thống miễn dịch.
Bạn cũng cần tránh xa khỏi những động vật dễ gây nhiễm trùng, bao gồm cả mèo và chim. Hãy rửa tay thật kỹ lưỡng và giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Nguồn: Healthdirect Australia
Biên tập bởi đội ngũ Wellcare