Điếc

1. Thế nào là điếc? Người điếc là người không có khả năng nghe như người có sức nghe bình thường. Có nhiều mức độ điếc khác nhau : + Nghe bình thường: có thể nghe được cả lời nói thầm. + Điếc nhẹ: chỉ nghe được lời nói bình thường khi đứng cách 1 mét.

Thế nào là điếc?

Người điếc là người không có khả năng nghe như người có sức nghe bình thường.
Có nhiều mức độ điếc khác nhau :
  • Nghe bình thường: có thể nghe được cả lời nói thầm.
  • Điếc nhẹ: chỉ nghe được lời nói bình thường khi đứng cách 1 mét.
  • Điếc trung bình: Chỉ có thể nghe nói lớn khi đứng cách 1 mét.
  • Điếc nặng: chỉ có thể nghe khi được hét sát vào tai.
  • Điếc sâu (rất nặng): Không nghe được cả những từ hét sát tai.

Điếc mức độ nào được coi là tàn tật?

Người lớn: khi chỉ nghe được tiếng nói lớn hoặc các từ thét lên.
Trẻ em: Khó khăn nghe khi giao tiếp bình thường.
Vì sao mức độ điếc được coi là tàn tật của trẻ em so với người lớn lại nhẹ hơn? vì trẻ em cần nghe tốt để học nói và phát triển ngôn ngữ.

Phân loại điếc

Điếc dẫn truyền:

  • Nguyên nhân: bệnh tích nằm ở tai ngoài và tai giữa, ngăn cản đường truyền của âm thanh đến tai trong như nút ráy tai, viêm tai giữa.
  • Mức độ điếc: từ nhẹ đến vừa, có thể điếc tới 60-70 dB.
  • Một số trường hợp có thể chỉ bị điếc tạm thời.
  • Điều trị: Nhiều trường hợp tùy theo nguyên nhân, có thể bằng thuốc hay phẫu thuật. Máy nghe đối với dạng điếc này rất tốt.

Điếc tiếp nhận ốc tai:

  • Nguyên nhân: bệnh tích nằm ở tai trong làm âm thanh truyền đến tai trong không biến đổi được thành các xung điện ví dụ như điếc do quá trình lão hóa (lão thính), điếc nghề nghiệp (các tế bào của ốc tai bị hư hại do tiếng ồn), điếc do nhiễm vi khuẩn hoặc virus (quai bị, viêm màng não, giang mai…)
  • Mức độ điếc: nhẹ, vừa, nặng, sâu, thậm chí điếc hoàn toàn.
  • Thường là điếc vĩnh viễn.
  • Điều trị: Tùy theo nguyên nhân, một số trường hợp có thể điều trị thuốc. Giải phẫu không tác dụng. Máy nghe có thể giúp trong các trường hợp điếc nhẹ đến nặng. Cấy điện ốc tai rất tốt trong các trường hợp điếc nặng và sâu.

Điếc thần kinh sau ốc tai: Rất hiếm

  • Nguyên nhân: dây thần kinh thính giác không có hoặc bị hư hại vì thế tín hiệu không thể đưa lên não (u dây thần kinh thính giác), tổn thương ở thân não (tắc mạch, u, nhiễm khuẩn, xơ cứng rải rác), tổn thương ở vỏ não (viêm não, viêm màng não, chấn thương, xuất huyết, tắc mạch, u, thiếu máu…).
  • Máy nghe: có tác dụng rất ít.
  • Cấy điện ốc tai: không ích lợi gì.
  • Cấy điện thân não: có thể giúp ở vài trường hợp.
  • Điếc hỗn hợp: thường hay gặp
  • Nguyên nhân: có thương tổn tai ngoài, hoặc tai giữa, hoặc cả tai ngoài và tai giữa với thương tổn tai trong.
  • Đặc điểm: có cả đặc điểm của điếc dẫn truyền lẫn đặc điểm của điếc thần kinh ốc tai.

Triệu chứng, biểu hiện bệnh điếc

Triệu chứng, biểu hiện bệnh điếc

Các dấu hiệu và triệu chứng của giảm thính lực có thể gồm:
  • Tính chất của tiếng nói và những âm thanh khác bị bóp nghẹt.
  • Khó hiểu từ ngữ, nhất là ở chỗ ồn ào hoặc đông người.
  • Đòi người khác phải nói chậm, rõ và to hơn.
  • Cần vặn to âm thanh của ti vi hoặc đài.
  • Không muốn giao tiếp (lánh mặt khỏi một số dịp hội họp, đông người, ngày lễ tết...).

Nguyên nhân bệnh điếc

Nguyên nhân bệnh điếc

Các nguyên nhân trước và trong sinh

  • Di truyền.
  • Trong thời gian mang thai:
    • Mẹ bị bệnh: sởi hoặc các bệnh virút khác, giang mai...
    • Mẹ dùng thuốc có hại cho tai: quinin, streptomycin,
  • Trong sinh và ngay sau sinh:
  • Sinh non, thiếu tháng
  • Sinh khó: hút, mổ
  • Sau sinh: ngạt, vàng da

Các nguyên nhân sau sinh

  • Bệnh trẻ em: Sởi, quai bị, viêm màng não
  • Nhiễm trùng tai: Viêm tai ngoài, viêm tai giữa, nhiễm trùng tai trong
  • Dùng thuốc có độc tính tai: Thuốc kháng sinh: streptomycin, gentamycin...
  • Thuốc chống sốt rét: quinin, chloroquin
  • Tiếng ồn: sống hoặc làm việc trong môi trường ồn liên tục, trong tiếng nhạc lớn, hoặc tiếp xúc các tiếng nổ lớn
  • Tai nạn: Chấn thương đầu, chấn thương tai
  • Tuổi già: Khi tuổi càng lớn, hệ thống thính giác cũng bị lão hóa và gây điếc
  • Nút ráy tai: Cản trở đường truyền âm thanh có thể gây điếc ở bất cứ tuổi nào
  • Tai có dịch: Viêm tai giữa thanh dịch là nguyên nhân thường gặp gây nghe kém ở trẻ em.

Các yếu tố nguy cơ gây điếc

Các yếu tố nguy cơ gây điếc

Các yếu tố có thể làm tổn thương hoặc dẫn tới mất các sợi lông chuyển và các tế bào thần kinh ở tai trong gồm:
  • Tuổi tác: Quá trình lão hóa bình thường có thể làm tổn thương các tế bào của tai trong.
  • Tiếng ồn lớn: Tiếng ồn nghề nghiệp, như nghề xây dựng hoặc nhà máy, và tiếng ồn giải trí, như nghe nhạc to, động cơ của xe trượt tuyến hoặc xe máy, hoặc tiếng nổ hỏa khí, có thể góp phần gây tổn thương tai trong.
  • Di truyền:Cấu tạo gen có thể làm cho bạn dễ bị tổn thương tai.
  • Một số thuốc: Kháng sinh gentamicin có thể gây tổn thương tai trong. Ảnh hưởng tạm thời tới thính lực – như ù tai hoặc điếc – có thể xảy ra nếu bạn dùng aspirin liều rất cao.
  • Một số bệnh: Những bệnh có sốt cao, như viêm màng não, có thể làm tổn thương ốc tai.

Điều trị điếc

Điều trị điếc

Khi bị điếc, cần phải được can thiệp sớm. Muốn can thiệp sớm thì phải phát hiện được sớm. Can thiệp càng sớm bao nhiêu thì tác hại của điếc giảm đi bấy nhiêu. Tùy theo từng loại điếc và nguyên nhân gây ra mà chúng ta can thiệp.

Điều trị bằng thuốc hoặc thủ thuật, phẫu thuật

  • Tai ngoài: Có nhiều bệnh nhân sau khi đi tắm biển về hoặc sau khi tắm gội bị điếc luôn một hoặc hai tai, đó là do ráy tai bị nở ra bít kín đường truyền âm thanh đến màng nhĩ. Đối với những trường hợp này chỉ cần lấy ráy tai ra bệnh nhân sẽ nghe lại bình thường.
  • Tai giữa: tắc vòi nhĩ hoặc viêm tai giữa thanh dịch nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tai giữa thủng nhĩ. Lúc này muốn tăng sức nghe lên không chỉ điều trị bằng thuốc mà còn phải thực hiện phẫu thuật vá nhĩ.
  • Tai trong: Điếc đột ngột, bệnh nhân thường bị điếc sau một đêm ngủ dậy. Đây là bệnh không gây tử vong ngay như các bệnh cấp cứu khác nhưng cũng là một trong các bệnh cấp cứu tai mũi họng, vì kết quả điều trị rất khác nhau nếu ngay 1 ngày sau điếc hay 1 tuần sau mới điều trị.
Sau điều trị thuốc và phẫu thuật mà sức nghe đã cải thiện vẫn không đáp ứng được giao tiếp bình thường thì phải có thêm trợ thính bằng máy nghe hay cấy điện ốc tai.

Cho bệnh nhân mang máy nghe

Tất cả các trường hợp điếc nhẹ và điếc trung bình, thậm chí điếc nặng và điếc sâu mà không có đủ khả năng kinh tế để cấy điện ốc tai đều nên mang máy nghe càng sớm càng tốt. Những người điếc nhẹ và điếc vừa nếu không can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và công tác hàng ngày vì không giao tiếp tốt. Nếu để lâu không can thiệp, tiếng nói có thể bị méo. Không nghe được tốt và hiểu người khác cũng không tốt, dần dần họ trở nên cô lập, tâm sinh lý thay đổi và sức khỏe cũng ảnh hưởng.

Cấy điện ốc tai

Bệnh nhân điếc nặng và sâu, máy nghe cũng không giúp được cho họ nữa thì có chỉ định cấy điện ốc tai. Đối với trẻ điếc bẩm sinh và điếc trước ngôn ngữ, thời gian bắt đầu mang máy nghe hoặc cấy điện ốc tai rất quan trọng, muốn đạt kết quả tốt nhất phải thực hiện trước 5 tuổi, tuổi thích hợp nhất là từ 2 đến 3 tuổi vì đây là giai đoạn học nói của trẻ.
Đối với người điếc nặng và sâu, sau khi có ngôn ngữ nếu không được can thiệp sớm dây thần kinh thính giác 15 - 10 năm không hoạt động khi có âm thanh trở lại nó cũng không truyền tải thông tin tốt đến vỏ não vì vậy dù có được cấy điện ốc tai kết quả cũng kém xa những người được cấy ốc tai sau 1, 2 năm điếc.
Tại bệnh viện Tai Mũi Họng, trong 3 năm qua có thực hiện 9 trường hợp cấy điện ốc tai, kết quả khả quan. Trẻ nghe được tốt và đang trong thời gian tập nói.

Phòng ngừa bệnh điếc

Phòng ngừa bệnh điếc

  • Ăn uống để phòng bệnh điếc
Khi ngoài 60 tuổi, thính lực của con người bắt đầu giảm dần, trường hợp nặng thì điếc hẳn. Theo thống kê, tỷ lệ điếc ở người trên 65 tuổi là 30- 50%.
Đây hoàn toàn là kết quả của sự biến đổi sinh lý, có liên quan đến sự thoái hóa của các vi huyết quản bên trong tai người cao tuổi, sự phát bệnh ở ốc tai (một bộ phận của nội nhĩ) và chức năng sinh lý toàn thân giảm sút. Ngoài ra, còn có liên quan đến việc ăn uống không hợp lý.
  • Ăn thức ăn chứa nhiều chất sắt
Các thầy thuốc Anh phát hiện thấy ở người chuyển sang tuổi già, hàm lượng sắt trong máu thấp hơn rõ rệt so với người bình thường, hệ thống máu biến đổi, các vi huyết quản ở tai bị hẹp đi, mất tính đàn hồi, máu khó chảy qua, các tế bào hồng cầu dần dần trở nên cứng hơn.
Tế bào hồng cầu cứng sẽ dễ làm tắc các vi huyết quản, gây khó khăn cho tuần hoàn máu trong tai, cộng thêm sự thiếu chất sắt trong cơ thể, năng lực chuyên chở ôxy của tế bào hồng cầu bị giảm sút, làm cho tế bào thính giác trong tai thiếu chất dinh dưỡng, qua đó sinh bệnh điếc.
Nếu bổ sung thêm chất sắt thì có thể làm giãn mạch máu, làm mềm các tế bào hồng cầu, bảo đảm tai được cung cấp đủ máu, qua đó ngăn chặn tình trạng giảm thính lực ở người cao tuổi. Các thầy thuốc đề nghị, ngay từ tuổi trung niên trở đi, nên ăn thêm các thức ăn giàu chất sắt như: mộc nhĩ đen, gan động vật, thịt nạc, rau cần, rau chân vịt…
  • Ăn nhiều thức ăn chứa chất kẽm
Nguyên tố kẽm có tác dụng vô cùng quan trọng đối với thính lực. Hàm lượng kẽm ở ốc tai cao hơn hẳn so với bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể; nhưng khi ngoài 60 tuổi thì giảm đi rõ rệt, gây trở ngại cho hoạt động chức năng của ốc tai. Bởi vậy, khi sang tuổi trung niên nên ăn cá, đậu nành, rau cải, cà rốt, các loại hải sản, là thực phẩm chứa nhiều kẽm.
  • Bổ sung vitamin D
Vitamin D có ảnh hưởng trực tiếp kỳ lạ đến thính lực của người cao tuổi. Các chuyên gia Hoa Kỳ theo dõi 56 người mắc bệnh điếc tuổi già, phát hiện thấy hàm lượng canxi trong máu của họ thấp hơn hẳn mức bình thường, mà nguyên nhân căn bản là do cơ thể thiếu vitamin D.
Khi dùng vitamin D điều trị cho các bệnh nhân này trong thời gian 6-10 tháng, thính lực của họ khá lên rõ rệt. Trong vitamin D chủ yếu có vitamin D2 và D3. Các loại nấm và mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) đều chứa vitamin D2. Gan cá biển có hàm lượng vitamin D3 cao nhất; gan gia cầm, gia súc và trứng cũng chứa vitamin D3. Trong các mô da và mỡ người có chứa một chất dehydrocholesterol, sau khi được chiếu bởi tia cực tím trong ánh nắng mặt trời nó có thể hình thành vitamin D3. Bởi vậy, người cao tuổi cần thường xuyên ra nắng.
  • Hạn chế khẩu phần ăn
Hạn chế hợp lý khẩu phần ăn không những có thể kéo dài tuổi thọ mà còn có tác dụng rõ rệt ngăn ngừa chứng điếc ở người cao tuổi. Đó là do sau khi bớt khẩu phần ăn, cơ thể cố hết sức thải các chất độc ra ngoài.
  • Ăn nhiều thức ăn hạ mỡ máu
Một nhóm chuyên gia quan sát 341 người cao tuổi, kết quả thấy ở người có mỡ máu cao thì tỷ lệ mắc chứng điếc do tuổi già cao hơn rõ rệt so với người có mỡ máu bình thường. Vì vậy, cần thay đổi các thói quen không tốt về ăn uống và ăn nhiều rau quả tươi sẽ có ích cho việc dự phòng chứng điếc ở người cao tuổi.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Block tim hoàn toàn, hay còn gọi là block nhĩ thất hoàn toàn hoặc block nhĩ thất cấp 3, là một trong ba mức độ rối loạn xung điện ở tim. Đây là trường hợp nặng nhất khi xung điện hoàn toàn bị chặn ở nút nhĩ thất nên không có xung điện nào được truyền
  • 17-10-2018

    Sỏi thận có thể hình thành trong thận, trong ống thoát nước tiểu từ thận (niệu quản) hoặc trong bàng quang. Chúng có thể có nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau. Sỏi thận có kích thước rất nhỏ như tinh thể cho đến lớn như củ khoai tây.

  • 28-05-2018
    Sẩy thai liên tiếp được định nghĩa là khi bị sẩy thai hơn 2 lần. Phụ nữ sau 3 lần sẩy thai nên đi khám toàn diện.
  • 28-05-2018
    Tán huyết – tăng ure máu, hay còn gọi là HUS, xảy ra khi hệ thống tiêu hóa bị nhiễm trùng. Dẫn đến hình thành những chất độc hại có thể hủy hoại hồng cầu. Khi hồng cầu bị phá hủy, quá trình lọc thận bị tắc nghẽn và dẫn đến suy thận. Đây là một dạng bệnh
  • 28-05-2018
    Bệnh U hạt (hay còn gọi là bệnh Sarcoidosis) là tình trạng sự tăng trưởng quá mức của các tế bào viêm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, dẫn đến các bệnh viêm cơ quan – thường gặp nhất là ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da.
  • 18-09-2018

    Niêm mạc là màng che khắp thành trong của những bộ phận thuộc các bộ máy hô hấp, tiêu hóa, sinh dục, mặt phủ một chất nhày có chức năng chống vi trùng hoặc chống tác dụng có hại của những dịch do cơ thể tiết. Niêm mạc miệng là lớp bao phủ khoang miệng.