Dị ứng sữa

Dị ứng sữa thường xảy ra vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng sữa. Các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng sữa thay đổi từ nhẹ đến nặng bao gồm khò khè, nôn ói, phát ban và các vấn đề tiêu hóa khác. Dị ứng sữa hiếm khi gây ra sốc phản vệ – phản ứng gây

Dị ứng sữa là gì?

Dị ứng sữa
Hình ảnh minh họa

Dị ứng sữa là một phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch cơ thể với sữa và các sản phẩm có sữa. Sữa bò thường là nguyên nhân gây dị ứng sữa, nhưng sữa cừu, dê và trâu cũng có thể gây ra phản ứng tương tự. Một số trẻ bị dị ứng với sữa bò cũng có thể bị dị ứng với sữa đậu nành. Dị ứng sữa là một trong những dị ứng thức ăn phổ biến nhất ở trẻ em.
Tránh sử dụng sữa là biện pháp điều trị chính cho tình trạng dị ứng sữa. May mắn thay, hầu hết các bé đều sẽ hết dị ứng sữa trước lúc 3 tuổi.
Dị ứng sữa thường xảy ra vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng sữa. Các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng sữa thay đổi từ nhẹ đến nặng bao gồm khò khè, nôn ói, phát ban và các vấn đề tiêu hóa khác. Dị ứng sữa hiếm khi gây ra sốc phản vệ – phản ứng gây đe dọa tính mạng nghiêm trọng.

Trẻ bị dị ứng sữa có những triệu chứng gì?

Triệu chứng dị ứng sữa ở mỗi bé rất khác nhau, có thể xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi uống sữa hoặc sử dụng các sản phẩm từ sữa.
Ngay sau khi sử dụng sữa, các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng sữa bao gồm:
  • Phát ban
  • Khò khè
  • Nôn ói
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra muộn hơn bao gồm:
  • Tiêu phân lỏng, có thể có máu
  • Tiêu chảy
  • Căng cứng bụng
  • Ho hoặc khò khè
  • Chảy nước mũi
  • Chảy nước mắt
  • Phát ban trên da gây ngứa ngáy, thường ở xung quanh miệng
  • Cơn đau bụng không lý do ở trẻ nhỏ

Bé bị dị ứng sữa hay không dung nạp sữa?

Việc phân biệt dị ứng sữa với tình trạng không dung nạp đạm hoặc không dung nạp đường lactose trong sữa rất quan trọng. Không giống như dị ứng sữa, tình trạng không dung nạp sữa không liên quan đến hệ miễn dịch. Không dung nạp sữa sẽ gây ra các triệu chứng khác và cần phải được điều trị theo một cách khác so với dị ứng sữa thực sự. Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của tình trạng không dung nạp đạm hoặc lactose trong sữa bao gồm các vấn đề về tiêu hóa chẳng hạn như đầy hơi hoặc tiêu chảy sau khi sử dụng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa.

Sốc phản vệ

Dị ứng sữa hiếm khi gây ra sốc phản vệ – một phản ứng đe dọa tính mạng gây co thắt đường thở khiến trẻ không thở được. Nếu bạn hoặc bé có phản ứng khi dùng sữa, hãy nói với bác sĩ về nó cho dù đó chỉ là phản ứng nhẹ. Các xét nghiệm kiểm tra có thể giúp xác nhận tình trạng dị ứng sữa, từ đó bạn có thể thực hiện các bước để tránh phản ứng có thể tồi tệ hơn trong tương lai. Sốc phản vệ là một tình trạng cấp cứu đòi hỏi phải điều trị bằng cách tiêm epinephrine (adrenaline) và chuyển đến phòng cấp cứu ngay. Các dấu hiệu và triệu chứng sốc phản vệ xuất hiện ngay sau khi sử dụng sữa bao gồm:
  • Đường thở bị co thắt và cổ họng sưng lên gây ra khó thở
  • Đỏ bừng mặt
  • Ngứa
  • Sốc tụt huyết áp

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Hãy đi khám bác sĩ hoặc chuyên gia dị ứng nếu bạn hoặc bé có triệu chứng dị ứng ngay sau khi dùng sữa. Nếu có thể, hãy gặp bác sĩ ngay khi các phản ứng dị ứng xảy ra. Điều này sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng trong việc chẩn đoán. Tìm cách điều trị khẩn cấp nếu bạn hoặc bé xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của sốc phản vệ.

Nguyên nhân nào gây dị ứng sữa ở trẻ?

Tất cả các tình trạng dị ứng thực phẩm thực sự được gây ra bởi sự rối loạn trong hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của bạn cho rằng một số loại đạm nhất định trong sữa là có hại, do đó sản xuất các kháng thể miễn dịch E (IgE) có tác dụng trung hòa các chất đạm (chất gây dị ứng). Khi bạn tiếp xúc với các chất đạm này ở những lần tiếp theo, kháng thể IgE nhận ra chúng và báo hiệu cho hệ thống miễn dịch giải phóng ra histamin và các hóa chất khác. Histamin và các hóa chất này gây ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng. Histamin sẽ khiến bạn chảy nước mũi, ngứa mắt, khô họng, phát ban, nổi mề đay, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở và sốc phản vệ.
Có hai loại đạm chính trong sữa bò có thể gây ra phản ứng dị ứng:
  • Đạm Casein, được tìm thấy trong phần chất rắn sau khi sữa lắng lại
  • Đạm Whey, được tìm thấy trong phần chất lỏng của sữa còn lại sau khi sữa lắng
Bạn hoặc bé có thể bị dị ứng chỉ với một loại hoặc với cả hai loại casein và whey. Những chất đạm này không chỉ có mặt trong sữa, chúng ta cũng có thể tìm thấy chúng trong thực phẩm đã chế biến. Ngoài ra, hầu hết những người dị ứng với sữa bò cũng sẽ dị ứng với sữa cừu, dê và trâu. Ít phổ biến hơn, người dị ứng với sữa bò cũng bị dị ứng với sữa đậu nành.

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị dị ứng sữa:
  • Các dị ứng khác: nhiều trẻ em bị dị ứng với sữa cũng bị dị ứng với các thứ khác. Tuy nhiên, dị ứng sữa thường xuất hiện trước tiên.
  • Viêm da dị ứng: trẻ em bị viêm da dị ứng – một tình trạng viêm mãn tính thường gặp của da – rất có khả năng bị dị ứng thức ăn sau này.
  • Tiền sử gia đình: nguy cơ bị dị ứng thức ăn của một người tăng lên nếu một hoặc cả hai cha mẹ đều bị dị ứng thức ăn hoặc bị một loại dị ứng khác, chẳng hạn như bệnh sốt mùa hè, hen, phát ban hoặc chàm.
  • Tuổi: dị ứng sữa thường gặp ở trẻ em hơn. Khi bạn lớn lên, hệ thống tiêu hóa của bạn trưởng thành và cơ thể sẽ ít có khả năng phản ứng với sữa.

Biến chứng

Trẻ em bị dị ứng với sữa rất có khả năng xuất hiện một số vấn đề sức khỏe khác bao gồm:
  • Dị ứng với thực phẩm khác, chẳng hạn như trứng, đậu nành, đậu phộng hoặc thậm chí thịt bò
  • Sốt mùa hè – một phản ứng đối với lông vật nuôi, bụi, phấn hoa cỏ và các chất khác.
dị ứng sữa
Hình minh họa. (Nguồn: Wiki visual)

Các xét nghiệm và chẩn đoán

Nếu như nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng là thực phẩm thì thật không dễ dàng để xác định chính xác loại thực phẩm nào đã gây dị ứng. Để đánh giá liệu bạn hoặc bé có bị dị ứng sữa không, bác sĩ của bạn có thể:
  • Hỏi chi tiết về các dấu hiệu và triệu chứng
  • Khám bệnh
  • Yêu cầu bạn có một cuốn nhật ký ghi chi tiết các loại thực phẩm bạn hoặc bé đã ăn
  • Yêu cầu bạn loại bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn uống, sau đó sử dụng trở lại xem chúng có gây ra phản ứng dị ứng không.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị một hoặc cả hai xét nghiệm sau đây:
  • Xét nghiệm da . Trong xét nghiệm này, da của bạn được tiêm vào một lượng nhỏ chất đạm được tìm thấy trong sữa. Nếu bạn bị dị ứng, da bạn sẽ xuất hiện một vết sưng tấy tại chỗ tiêm. Các chuyên gia dị ứng thường có chuyên môn tốt để thực hiện và giải thích các xét nghiệm dị ứng da. Hãy lưu ý rằng loại xét nghiệm này không phải lúc nào cũng chính xác để phát hiện dị ứng sữa.
  • Xét nghiệm máu . Xét nghiệm máu có thể đo lường phản ứng của hệ miễn dịch đối với sữa bằng cách đo lượng kháng thể trong máu của bạn, được gọi là kháng thể miễn dịch E (IgE). Mẫu máu sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm, nơi nó có thể được kiểm tra để tìm bằng chứng nhạy cảm với sữa. Tuy nhiên, xét nghiệm này không phải lúc nào cũng chính xác trong việc xác định dị ứng sữa.
Nếu việc khám và kết quả xét nghiệm không thể xác nhận bệnh dị ứng sữa, bác sĩ có thể cho bạn làm một xét nghiệm bằng đường uống, trong đó bạn được cho ăn các loại thực phẩm khác nhau có thể chứa hoặc không chứa sữa với số lượng ngày càng tăng để xem bạn phản ứng với chúng không.
Nếu bác sĩ nghi ngờ các triệu chứng có thể gây ra bởi nguyên nhân khác hơn là dị ứng thức ăn, bạn có thể cần xét nghiệm khác để xác định – hoặc loại trừ – các vấn đề bệnh lí khác.

Điều trị dị ứng sữa

Các duy nhất để tránh bị dị ứng là không dùng sữa và các chế phẩm từ sữa. Điều này có thể khó khăn vì sữa vốn là một thành phần thường có trong nhiều loại thực phẩm.
Bất kể nỗ lực của bạn, bạn và bé vẫn có thể tiếp xúc với sữa. Nếu điều này xảy ra, các thuốc kháng histamine sẽ làm giảm các triệu chứng gây ra do dị ứng với sữa. Những thuốc này có thể uống sau khi dùng sữa để kiểm soát phản ứng dị ứng và giảm tình trạng khó chịu. Hãy nói cho bác sĩ biết những thuốc có tác dụng tốt với bạn.
Nếu bạn hoặc bé có những phản ứng phản vệ nặng nề hơn, bạn cần được tiêm epinephrine (adrenaline) và đến bệnh viện cấp cứu ngay. Nếu bạn hoặc bé có nguy cơ cao bị những phản ứng phản vệ nặng nề như vậy, cần phải có bút tiêm epinephrine sẵn trong người. Hãy yêu cầu bác sĩ hay dược sĩ hướng dẫn cách sử dụng bút tiêm này phòng cho các trường hợp khẩn cấp.
Liệu pháp miễn dịch chưa chứng minh được hiệu quả trong việc điều trị dị ứng thức ăn, tuy nhiên phương pháp này vẫn đang được nghiên cứu thêm.

Phòng ngừa dị ứng sữa

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa việc bị dị ứng thực phẩm, nhưng bạn có thể ngăn chặn các dấu hiệu và triệu chứng bằng cách tránh các thực phẩm gây ra chúng. Nếu bạn biết bạn hoặc bé bị dị ứng sữa, cách duy nhất để tránh bị dị ứng là không dùng các sản phẩm từ sữa. Hãy biết rõ những gì bạn hoặc bé đang ăn uống. Hãy chắc chắn rằng bạn đã đọc nhãn các thực phẩm cẩn thận. Casein, một loại đạm sữa, có thể được tìm thấy rất bất ngờ trong một số loại thực phẩm, chẳng hạn như trong một số loại cá ngừ hoặc các loại thịt đóng hộp khác. Hãy hỏi về các thành phần có trong thức ăn khi gọi món tại nhà hàng.

Các sản phẩm có n guồn gốc từ sữa

Đây rõ ràng là nguồn gốc gây ra các dị ứng đạm sữa, bao gồm:
  • Sữa nguyên chất, sữa ít béo, sữa không béo
  • Sữa chua
  • Kem, gelato
  • Pho mát và bất cứ thứ gì có chứa pho mát
  • Kem sữa
Sữa có thể xác định khó khăn hơn vì nó được sử dụng như một thành phần trong các sản phẩm thực phẩm chế biến, bao gồm cả bánh nướng, thịt chế biến và ngũ cốc ăn sáng. Nguồn thức ăn ẩn chứa sữa bao gồm:
  • Whey
  • Casein
  • Thành phần có tiền tố ” lact ” – chẳng hạn như lactose và lactate
  • Kẹo, chẳng hạn như sô cô la, kẹo nuga và caramel
  • Các sản phẩm thay thế chất béo, chẳng hạn như Simplesse
  • Bột protein
  • Hương bơ nhân tạo
  • Hương pho mát nhân tạo
  • Hydrosolate
Ngay cả khi thực phẩm được dán nhãn “không có sữa” hoặc “không có nguồn gốc từ sữa” vẫn có thể gây phản ứng dị ứng với đạm sữa. Vì vậy bạn phải đọc nhãn cẩn thận. Khi nghi ngờ, hãy liên hệ với nhà sản xuất để đảm bảo đây là sản phẩm không chứa các thành phần sữa.
Khi ăn ở ngoài, hỏi làm các loại thực phẩm đã được chuẩn bị thế nào. Bít tết của bạn có bơ tan chảy trên đó không? Hải sản của bạn có nhúng vào sữa trước khi nấu không?
Trong khi không có cách nào chắc chắn để ngăn chặn phản ứng dị ứng với sữa, hãy đọc nhãn các loại thực phẩm và thận trọng khi ăn uống, sử dụng các sản phẩm ít gây dị ứng hoặc không có sữa có thể giúp bạn hoặc bé tránh bị phản ứng khó chịu, nguy hiểm.
Nếu bạn có nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nói chuyện với bác sĩ về việc mang theo và sử dụng epinephrine khẩn cấp (adrenaline). Nếu bạn đã từng bị dị ứng nghiêm trọng, hãy đeo một chiếc vòng tay hoặc vòng cổ cảnh báo cho phép người khác biết rằng bạn bị dị ứng thực phẩm.

Sản phẩm thay thế sữa cho trẻ sơ sinh

Một số nghiên cứu cho thấy rằng cho con bú trong thời gian bốn tháng đầu đời của bé thay vì cho bú sữa công thức có thể giúp ngăn ngừa tình trạng dị ứng sữa. Ở những trẻ bị dị ứng sữa, bú sữa mẹ và các loại sữa có công thức ít gây dị ứng sẽ giúp ngăn chặn phản ứng dị ứng.
  • Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Hãy cho con bú ít nhất là trong 4-6 tháng đầu đời nếu có thể được, nhất là khi trẻ sơ sinh của bạn có nguy cơ cao bị dị ứng sữa.
  • Sữa công thức ít gây dị ứng được sản xuất bằng cách sử dụng các enzym để phá vỡ (thủy phân) đạm sữa casein hoặc whey. Các quá trình xử lí tiếp theo có thể bao gồm sử dụng nhiệt và lọc. Tùy thuộc vào mức độ xử lí, các sản phẩm được phân loại thành dạng thủy phân một phần hoặc toàn phần. Chúng cũng có thể được gọi là sữa có công thức nguyên tố. Một số sữa có công thức ít gây dị ứng không làm từ sữa mà thay vào đó là các axit amin. Cũng như các sản phẩm sữa thủy phân toàn phần, sữa công thức amino acid ít có khả năng gây ra phản ứng dị ứng.
  • Sữa công thức đậu nành được sản xuất dựa trên dựa trên đạm đậu nành thay vì sữa. Sữa công thức đậu nành được bổ sung thêm dưỡng chất để hoàn chỉnh về mặt dinh dưỡng. Tuy nhiên không may là một số trẻ bị dị ứng sữa cũng bị dị ứng với đậu nành.
Sữa từ động vật khác chẳng hạn như dê hoặc cừu không phải là một thay thế tốt cho sữa bò, vì những loại sữa này cũng chứa các loại đạm tương tự như các loại đạm gây dị ứng trong sữa bò.
Nếu bạn đang cho con bú và bé bị dị ứng sữa, có thể đó là do đạm protein sữa bò đã đi qua sữa mẹ và gây ra dị ứng. Trong trường hợp này, bạn cần phải loại trừ tất cả các sản phẩm có chứa sữa khỏi chế độ ăn uống của bạn. Hãy đi gặp bác sĩ nếu bạn biết hoặc nghi ngờ bé bị dị ứng sữa và có các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra sau khi bé bú.
Nếu bạn hoặc bé đang có một chế độ ăn uống không có sữa, bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng có thể giúp bạn lập kế hoạch để có được bữa ăn cân bằng dinh dưỡng hơn. Bạn hoặc bé có thể cần phải dùng thuốc bổ sung để thay thế canxi và các chất dinh dưỡng có trong sữa, chẳng hạn như vitamin D và riboflavin.

Làm sao để đối phó với tình trạng dị ứng sữa nặng?

Nếu bạn có những phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc bạn là cha mẹ của một đứa trẻ bị dị ứng có khả năng đe dọa tính mạng, ắt hẳn bạn sẽ rất căng thẳng. Hãy nói chuyện với những người khác để chia sẻ tình hình của bạn. Bên cạnh việc hỗ trợ và khuyến khích bạn, họ cũng có thể cung cấp lời khuyên hữu ích để đối phó với dị ứng sữa, chẳng hạn như làm thế nào bàn bạc với các nhân viên nhà trường để đáp ứng nhu cầu sức khỏe của con bạn. Hãy hỏi bác sĩ xem có bất kỳ nhóm hỗ trợ nào ở nơi bạn sống không.

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 17-10-2018

    Viêm quanh móng là một bệnh nhiễm trùng phổ biến dưới vùng da xung quanh móng tay. Bệnh có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mãn tính (kéo dài một thời gian dài). Các loại mụn nhọt, mụn mủ có thể hình thành nếu bệnh không được điều trị hiệu quả.

  • 28-05-2018
    “Loạn dưỡng móng” dùng để chỉ chung nhóm bệnh có những bất thường trên bề mặt phiến móng hoặc bị hư móng. Các rối loạn về móng là tình trạng thường gặp, được nhiều người quan tâm. Việc chẩn đoán và trị liệu nhóm bệnh này rất hóc búa, thường gây nản
  • 28-05-2018

    Bỏng nắng tình trạng bỏng ở vùng da sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có cường độ mạnh. Thời gian hay gây bỏng nắng là khoảng từ 11 – 14 giờ, thời điểm mà cường độ ánh nắng mạnh nhất, có nhiều tia cực tím nhất.

  • 17-10-2018

    Trật khớp háng bẩm sinh (hình 1) là dị tật trong đó đầu trên xương đùi không khớp một cách chính xác với ổ khớp trên xương chậu hoặc nằm trật ra phía ngoài ổ khớp. Khớp háng có thể bị trật bên đùi trái hoặc phải.

  • 07-01-2019

    Nứt hậu môn là bệnh được đặc trưng bởi một vết loét nông giống như một vết rách nằm ở ống và rìa ống hậu môn. Bệnh được Edouard Quesnu mô tả từ năm 1895. 

  • 28-05-2018
    Hội chứng Sjogren là bệnh gây ra do viêm các tuyến tiết nước mắt (tuyến lệ), nước bọt và các chất khác. Viêm khớp, phổi, thận, mạch máu, dây thần kinh và cơ cũng có thể xảy ra.nHội chứng Sjogren là một rối loạn của hệ thống miễn dịch được xác định bởi