Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư âm hộ

Ung thư âm hộ giai đoạn sớm thường không triệu chứng, đi khám nếu da vùng này có biểu hiện bất thường, ngứa, xuất huyết, cảm giác căng tức...

Ung thư âm hộ giai đoạn sớm thường không triệu chứng, đi khám nếu da vùng này có biểu hiện bất thường, ngứa, xuất huyết, cảm giác căng tức...

Hình minh họa (Nguồn: Mayo Clinic)

Ung thư âm hộ là ung thư xảy ra trên mặt ngoài của bộ phận sinh dục nữ. Âm hộ là vùng da bao quanh niệu đạo và âm đạo, bao gồm âm vật và môi lớn, môi bé.

Ung thư âm hộ thường biểu hiện như một nốt hoặc một vết loét gây ngứa, vị trí thường gặp nhất là ở môi lớn. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Các tế bào bất thường có thể phát triển ở da âm hộ trong nhiều năm. Bệnh lý này được gọi là tân sinh trong biểu mô âm hộ. Các tổn thương này sẽ phát triển thành ung thư âm hộ nên cần được điều trị sớm.

Triệu chứng của ung thư âm hộ

Ung thư âm hộ ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng lâm sàng. Nên đi khám nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

- Bướu ở âm hộ.

- Da âm hộ có biểu hiện bất thường như thay đổi màu sắc, có mụn cóc hay loét không lành.

- Ngứa âm hộ kéo dài.

- Xuất huyết âm đạo bất thường không liên quan chu kỳ kinh.

- Cảm giác căng tức vùng âm hộ.

Chẩn đoán ung thư âm hộ

Khám phụ khoa và soi âm hộ, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng âm hộ hoặc sử dụng kính soi để phát hiện các bất thường ở vùng này.

Sinh thiết: bác sĩ sẽ lấy một phần mô bướu hay vết loét ở âm hộ để khảo sát dưới kính hiển vi để xem có hay không có tế bào ung thư.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ

Lớn tuổi: nguy cơ mắc bệnh gia tăng với tuổi, mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Độ tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 65.

- Có tổn thương tân sinh trong biểu mô âm hộ. Đây là những tổn thương tiền ung. Hầu hết phụ nữ có tổn thương này sẽ không phát triển thành ung thư, nhưng một số ít tiếp tục phát triển thành ung thư âm hộ xâm lấn. Vì thế nên điều trị để loại bỏ những vùng có tế bào bất thường và theo dõi định kỳ sau đó.

- Nhiễm virus gây u nhú ở người (thường là HPV type 6,11..). Đây là virus lây lan qua đường tình dục và yếu tố nguy cơ của một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung và âm hộ. Thường gặp ở những người quan hệ tình dục sớm hoặc có nhiều bạn tình. Đa số trường hợp nhiễm virus HPV sẽ tự khỏi, tuy nhiên nhiều trường hợp nhiễm kéo dài, virus có thể gây biến đổi tế bào. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến các thương tổn tiền ung thư và cuối cùng tiến triển đến ung thư.

- Hút thuốc lá.

- Tình trạng suy giảm miễn dịch như ở các bệnh nhân ghép tạng cần xài thuốc ức chế miễn dịch hay nhiễm HIV.

- Sự thay đổi của da như bệnh Lichen phẳng làm da mỏng và ngứa cũng làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ.

Điều trị

Việc điều trị ung thư âm hộ tùy thuộc vào loại mô bướu, giai đoạn bệnh, sức khỏe và mong muốn của bệnh nhân. Cách điều trị thường là phẫu thuật lấy đi khối bướu và một ít mô lành xung quanh. Đôi khi cần phải cắt âm hộ toàn bộ nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, khối bướu lớn. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.

Xạ trị thường được dùng để thu nhỏ bướu trước khi mổ, hoặc dùng để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại sau khi mổ. Đối với những trường hợp giai đoạn trễ, bệnh đã lan rộng đến các khu vực khác của cơ thể, hóa trị có thể là một lựa chọn. Đôi khi hóa trị được kết hợp với xạ trị để thu nhỏ bướu âm hộ lớn, giúp phẫu thuật dễ dàng hơn.

Sau khi hoàn tất điều trị, nên định kỳ theo dõi để phát hiện sự tái phát ung thư. Ngay cả sau khi điều trị thành công, ung thư âm hộ có thể trở lại. Bác sĩ sẽ xác định lịch trình theo dõi phù hợp, thường là hai lần mỗi năm trong năm năm đầu tiên sau khi điều trị ung thư âm hộ.

Phòng ngừa

Thực hành tình dục an toàn có thể làm giảm nguy cơ ung thư âm đạo. Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hạn chế số bạn tình để giảm nguy cơ nhiễm HPV.

Tiêm vắcxin phòng ngừa HPV có thể giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo.

Khám phụ khoa định kỳ có thể giúp chẩn đoán âm đạo và ung thư phụ khoa khác.

Ung thư âm hộ là căn bệnh thầm lặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Cần chú ý những thay đổi tại vùng này, đi khám phụ khoa định kỳ và khám ngay khi có các triệu chứng báo động. Trong quá trình điều trị, nên kết hợp cùng các bác sĩ chuyên khoa và thực hiện đúng phác đồ điều trị.

Bệnh viện Ung Bướu TP HCM hiện có đủ các phương tiện chẩn đoán sớm và điều trị ung thư âm hộ, có thể thực hiện các phương pháp phẫu thuật như cắt âm hộ, nạo vét hạch bẹn hai bên, tạo hình âm hộ sau khi cắt...

BsCK2. Nguyễn Văn Tiến
Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM

- 10-12-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Sụn khớp là mô trơn nhẵn bao bọc các đầu xương cho phép các xương trượt qua nhau trong ổ khớp và làm giảm sốc khi vận động. Tuy nhiên, khi khi bị viêm xương khớp, lớp trên của sụn bị vỡ và mòn đi. Điều này làm cho các xương dưới sụn cọ xát vào nhau.
  • 28-05-2018
    là loại nhiễm trùng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Loại nhiễm trùng này có thể dẫn đến các vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do các triệu chứng có thể không rõ ràng, bé hoặc cha mẹ khó nhận ra nên đôi khi bệnh không được điều trị. Sau đây là thông
  • 17-10-2018

    Giun đũa là một loại ký sinh trùng sống trong ruột non. Nhiễm giun đũa là bệnh rất phổ biến đặt biệt ở trẻ em. Có đến 1/4 dân số trên thế giới bị nhiễm giun, nhất là ở các nước đang phát triển. Người bị nhiễm bệnh khi ăn phải trứng giun đũa có trong

  • 28-05-2018
    Viêm bờ mi gồm nhiều tổn thương cấp tính và mạn tính. Đây là một bệnh thường gặp, gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân, việc điều trị có khi rất dai dẳng vì khó xác định được nguyên nhân. Tỷ lệ bệnh nhân bị viêm bờ mi hiện nay tương đối cao. Tuy chưa có
  • 28-05-2018
    Tinh hoàn là tuyến sinh dục nam có nhiệm vụ sản xuất và chứa tinh dịch, đồng thời cũng là nơi sản xuất chính của các hormon nam. Các hormon này kiểm soát sự phát triển của các cơ quan sinh sản và các đặc tính nam. Tinh hoàn nằm trong bìu ở dưới dương
  • 28-05-2018
    Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là một dạng thiếu hụt máu ở hệ thần kinh kéo dài dưới 24 giờ, thông thường chỉ trong khoảng vài phút. Bệnh còn được gọi là đột quỵ nhẹ. Bệnh xảy ra khi một phần của não không được cung cấp đủ lượng máu. Bạn sẽ có nguy