Nhiễm giun đũa

Giun đũa là một loại ký sinh trùng sống trong ruột non. Nhiễm giun đũa là bệnh rất phổ biến đặt biệt ở trẻ em. Có đến 1/4 dân số trên thế giới bị nhiễm giun, nhất là ở các nước đang phát triển. Người bị nhiễm bệnh khi ăn phải trứng giun đũa có trong

Nhiễm giun đũa là bệnh gì?

Giun đũa là một loại ký sinh trùng sống trong ruột non. Nhiễm giun đũa là bệnh rất phổ biến đặt biệt ở trẻ em. Có đến 1/4 dân số trên thế giới bị nhiễm giun, nhất là ở các nước đang phát triển.

Người bị nhiễm bệnh khi ăn phải trứng giun đũa có trong thức ăn và nước uống chưa nấu chín.

(Ảnh minh họa)

Trứng giun đũa có sức đề kháng cao với các yếu tố lý hóa của môi trường. Hóa chất ở các nồng độ thường dùng clo 2%, formol 2% không diệt được trứng giun đũa. Trứng có thể tồn tại được trong nước đến 5 - 7 năm trong đất vườn có bóng mát.

Triệu chứng của nhiễm giun đũa

Khi ấu trùng giun vào phổi: gây kích thích dị ứng trong phổi làm tổn thương mao mạch và phế nang, làm cho bệnh nhân bị sốt nhẹ, ho khan, khạc đờm lẫn máu, thở khò khè, khó thở và đau sau xương ức.

Khi vào ruột: Nếu chỉ có số lượng ít giun trưởng thành trong ruột thì không gây triệu chứng. Nhưng khi nhiễm nhiều giun, sẽ có các triệu chứng giống như loét dạ dày tá tràng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp nhiễm quá nhiều giun, các búi giun có thể gây tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột hoặc tử vong. Ở bệnh nhân bị mắc bệnh thương hàn, giun đũa có thể xuyên thủng thành ruột. Bệnh nhân có thể khạc hay nôn ra giun qua mũi, miệng hoặc giun chui ra từ hậu môn.

Nếu giun chui vào ống mật chủ, ống tuỵ gây viêm đường mật, viêm túi mật, áp-xe gan do vi khuẩn, viêm tụy hoặc vàng da tắc mật. Trẻ em bị nhiễm giun sẽ chậm lớn.

Nếu ấu trùng đi lạc vào não, thận, mắt, tủy sống... sẽ gây ra các triệu chứng liên quan đến các cơ quan này.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu xuất hiện các triệu chứng như: Sốt, dễ nổi cáu, khó ngủ về đêm, giun được tìm thấy trong phân, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đau bụng và đôi khi là tiêu chảy... thì rất có thể bạn đã nhiễm giun đũa. Hãy đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Nhiễm trên hệ thống khám từ xa Wellcare để được tư vấn và hướng dẫn điều trị.

Yếu tố nguy cơ gây nhiễm giun đũa

Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm giun đũa:

  • Tuổi: Trẻ em có nguy cơ nhiễm giun đũa nhiều hơn người lớn đặc biệt trẻ em vùng nông thôn.
  • Do ăn uống không đảm bảo vệ sinh đặc biệt hay gặp ở những người có thói quen ăn rau sống.
  • Xử lý phân nước rác không đúng quy trình.

Chẩn đoán nhiễm giun đũa

Chẩn đoán xác định bệnh

Có một trong các biểu hiện sau:

  • Thấy giun trưởng thành trong phân hoặc giun chui ra qua mũi, miệng.
  • Xét nghiệm phân tìm thấy trứng giun.

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh giun đũa cần phân biệt với một số bệnh như sau:

  • Giai đoạn nhiễm giun ở phổi cần phân biệt với bệnh hen, nhiễm nấm phổi, nhiễm giun lươn, giun móc, sán lá phổi…
  • Giai đoạn nhiễm giun ở ruột: cần phân biệt với loét tá tràng, loét dạ dày, bệnh túi mật hoặc tụy.

Điều trị nhiễm giun đũa

Điều trị nội khoa

  • Sử dụng thuốc diệt giun đũa: Dùng một trong các loại thuốc albendazol, pyrantel pamoat, mebendazol, levamisol, piperazin.
  • Sử dụng thuốc diệt giun đũa kết hợp với giun móc và giun tóc (vì trên thực tế, bệnh nhân thường bị nhiễm giun đũa kèm theo nhiễm giun móc và giun tóc): albendazol, mebendazol hoặc oxantel, pyrantel pamoat.
  • Nội soi kết hợp với sử dụng thuốc: Trong trường hợp giun chui ống mật có thể gắp lấy giun qua ống nội soi dưới siêu âm và điều trị dung dịch albendazol hoặc piperazin bơm vào ống mật chủ kết hợp với điều trị toàn thân.

Chú ý: (i) Sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ; (ii) Albendazole và Mebendazole chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận.

Điều trị ngoại khoa

Được áp dụng trong một số trường hợp nhiễm giun gây biến chứng như lồng ruột, tắc ruột, tắc ống dẫn mật, thủng ruột...

Phòng ngừa nhiễm giun đũa

Tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân cụ thể:

  • Không ăn rau sống, quả xanh; không uống nước lã, nước đá vì nước đá nhiều khi được làm từ nguồn nước không sạch.
  • Hướng dẫn trẻ em rửa tay trước khi ăn uống hay sau khi tiếp xúc với đồ chơi
  • Các vùng nông thôn, cha mẹ và người lớn không để trẻ chơi nơi đất cát. Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, tránh để móng tay dài dễ nhét đất cát và lây nhiễm trứng giun. Tắm rửa hàng ngày cho trẻ bằng nước sạch.
  • Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun định kỳ 2 lần/năm, cách nhau 4 - 6 tháng, đặc biệt là trẻ em từ 2 - 12 tuổi.
  • Không nên dùng phân tươi bón ruộng hay bón rau xanh.
  • Phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải. Có thể xử lý phân bằng vôi bột 150 - 200gam/kg phân, trứng chết sau 30 phút đến 1 giờ.

Theo Sức khỏe & Đời sống 

- 17-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    U mỡ là một lớp chất béo tích tụ dần dần dưới da, nằm giữa da và lớp cơ. Chúng thường xuất hiện nhất ở cổ, lưng, vai, cánh tay và đùi. Chúng cũng có thể phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể như ruột. U mỡ là các khối u lành tính thường gặp nhất ở
  • 28-05-2018
    Tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ dịch trong khoang màng phổi. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng phổi có thể làm bạn khó thở. Dịch màng phổi có thể được dẫn lưu nếu cần thiết. Điều trị chủ yếu nhằm vào
  • 28-05-2018
    Thai trứng là một khối u lành tính phát triển trong tử cung. Nguyên nhân của thai trứng là do trứng được thụ tinh và phát triển một cách bất thường. Mặc dù thai trứng không phải là một bào thai thật sự nhưng nó vẫn gây ra các triệu chứng giống như thai
  • 28-05-2018
    Viêm tai ngoài ác tính có thể là do nhiễm trùng, bệnh da (chàm hay tăng tiết bã nhờn), nấm, sự kích thích thường xuyên (ngoáy tai), dị ứng, chảy mủ mạn từ tai giữa, u (hiếm), hay có thể đơn thuần sau một thói quen như thường xuyên cào gãi tai. Hiện tượng
  • 28-05-2018
    Rối loạn đông máu di truyền, hay còn gọi là bệnh đông máu, là bệnh hiếm gặp. Bệnh khiến cho máu không đông lại được như bình thường. Có 2 loại rối loạn đông máu di truyền:
  • 28-05-2018
    Suy giảm thính lực bẩm sinh thường được gọi là điếc bẩm sinh xảy ra do tổn thương cơ quan thính giác ngay từ thời kỳ bào thai, nên ngay sau khi sinh ra trẻ đã bị giảm thính lực.