Ung thư tinh hoàn

Tinh hoàn là tuyến sinh dục nam có nhiệm vụ sản xuất và chứa tinh dịch, đồng thời cũng là nơi sản xuất chính của các hormon nam. Các hormon này kiểm soát sự phát triển của các cơ quan sinh sản và các đặc tính nam. Tinh hoàn nằm trong bìu ở dưới dương

Ung thư tinh hoàn là gì?

Tinh hoàn là tuyến sinh dục nam có nhiệm vụ sản xuất và chứa tinh dịch, đồng thời cũng là nơi sản xuất chính của các hormon nam. Các hormon này kiểm soát sự phát triển của các cơ quan sinh sản và các đặc tính nam.

Tinh hoàn nằm trong bìu ở dưới dương vật.

Ung thư tinh hoàn có thể phân thành hai loại chính: u tinh và không phải u tinh. U tinh chỉếm khoảng 30% các trường hợp ung thư tinh hoàn.

Ung thư tinh hoàn không phải u tinh là một nhóm các loại ung thư trong đó có ung thư biểu mô màng đệm, ung thư biểu mô dạng bào thai, u quái và u túi noãn. Ung thư tinh hoàn có thể phối hợp cả hai loại u này.

Ung thư tinh hoàn là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới trẻ ở độ tuổi từ 15 - 35. Bệnh thường gặp ở nam giới da trắng hơn nam giới da đen.

Triệu chứng của ung thư tinh hoàn

Triệu chứng, biểu hiện ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn. (Ảnh minh họa)

Mọc u bướu nhỏ không đau ở vùng tinh hoàn.

  • Tinh hoàn to hơn bình thường.
  • Đau bên trong tinh hoàn.
  • Ngực và núm vú nam giới to hơn bình thường.
  • Máu và chất lưu nhiều bất thường ở vùng bìu dái.

Tự kiểm tra tinh hoàn: Tự kiểm tra tinh hoàn là phương pháp nam giới tự kiểm tra tinh hoàn của mình để đảm bảo chắc rằng không có dấu hiệu gì bất thường của ung thư.

Ung thư tinh hoàn có thể lan rộng ra các cơ quan gần đó vì thế phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường rất quan trọng.

Cách kiểm tra:

  • Kiểm tra vùng tinh hoàn ngay sau khi tắm bằng nước ấm khi da vùng bìu đang mềm.
  • Đặc biệt chú ý đến kích cỡ, hình dáng và độ lớn của tinh hoàn.
  • Dùng hai tay nhẹ nhàng đưa đi đưa lại các viên tinh hoàn.
  • Phát hiện mào tinh hoàn là để xem có u bướu gì bất thường không.
  • Nên cảnh giác với những cục nhỏ dưới da như mụn cơm trước hoặc dọc theo tinh hoàn.
  • Nếu tinh hoàn bị sưng, có u cục nên đi kiểm tra chuyên khoa để có những tư vấn kịp thời vì ung thư tinh hoàn được phát hiện sớm thì thành công trong điều trị rất lớn.

Nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn. (Ảnh minh họa)

Các nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn bao gồm:

  • Gia đình có tiền sử bị ung thư tinh hoàn.
  • Bị chấn thương ở vùng tinh hoàn.
  • Bị viêm tinh hoàn do bị quai bị trong tuổi dậy thì.
  • Những người có tinh hoàn ẩn: đây là tình trạng tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ổ bụng (thông thường ở giai đoạn bào thai hay trong 3 tháng đầu sau sinh, tinh hoàn của các bé trai sẽ di chuyển từ ổ bụng xuống bìu).
  • Có tinh hoàn nhỏ hay tinh hoàn không có hình dạng bình thường.
  • Những người bị hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể giới tính (thông thường nam giới nhận một nhiễm sắc thể X từ người mẹ và một nhiễm sắc thể Y từ người cha, nhưng những người bị rối loạn nhiễm sắc thể giới tính thì lại có một nhiễm sắc thể Y và từ hai nhiễm sắc thể X trở lên.
  • Nam giới da trắng có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn gấp 5 lần so với nam giới da đen. Bệnh thường gặp ở thanh niên các nước Bắc Âu hơn là Nam và Trung Âu.
  • Người ít chơi thể thao cộng với lối sống lười vận động cũng liên quan đến tăng nguy cơ bị bệnh ung thư tinh hoàn.

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư tinh hoàn

Những trường hợp có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn:

Tinh hoàn ẩn

Trường hợp có nguy cơ mạnh nhất và bị coi là nguy cơ rõ rệt nhất là tình trạng tinh hoàn ẩn. Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không nằm trong bìu như bình thường, tức là bìu trống rỗng và tinh hoàn thì nằm ở chỗ khác.

Đây là nguy cơ cần được lưu ý hàng nhất. Tỉ lệ ung thư tinh hoàn do nó gây ra là dao động từ 2,5 - 14%. Nghĩa là cứ trong 100 trẻ em bị tinh hoàn ẩn mà không được xử trí đúng và kịp thời thì 3 - 14 trong số chúng bị chứng bệnh ung thư tinh hoàn. Nếu tinh hoàn ở trong bụng thì nguy cơ cao hơn những 4 lần so với ở trên thành bụng.

Do vậy mà tất cả những em bé trai mà có tinh hoàn ẩn, chúng ta phải đưa ngay tinh hoàn trở về vị trí bằng phẫu thuật. Ngay cả khi đã phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, chúng ta vẫn phải theo dõi tinh hoàn trong tối thiểu là 3 - 5 năm sau đó. Bởi nguy cơ ung thư tinh hoàn vẫn có thể xảy ra.

Tuổi

Người ta cho rằng, ung thư tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng lứa tuổi từ 15 - 35 bị ung thư tinh hoàn nhiều nhất. Có tới trên 50% trường hợp gặp ở độ tuổi trong giai đoạn này, còn các giai đoạn lứa tuổi khác, mỗi giai đoạn chỉ chiếm có vài phần trăm đến 10%. Do vậy mà tất cả những nam giới trong độ tuổi này cần hết sức chú ý.

Di truyền

Nếu một bé trai có bố bị ung thư tinh hoàn thì đứa bé có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 4 lần so với em bé đồng trang lứa. Còn nếu anh em trai cùng một thế hệ bị bệnh thì tỉ lệ mắc bệnh em bé cao hơn gấp 8 lần.

Môi trường sinh hoạt

Những người thợ mỏ, công nhân dầu khí, lái xe vận tải là những người dễ bị ung thư tinh hoàn. Với những tài xế lái xe đường dài, người ta cho là nhiệt độ quá nóng chính là nguyên nhân gây ra bệnh. Bởi thế mà chúng ta vẫn thường được khuyên là không mặc quần lót quá chật, nhất là những trang phục bó sát của nam giới.

Ngoài ra, ung thư tinh hoàn còn gặp trong một số trường hợp khác: sắc tộc, bị nhiễm HIV, Klinefelter, chàm da bẩm sinh, u sắc tố da, tinh hoàn bị chấn thương, viêm tinh hoàn do quai bị sau tuổi dậy thì, người mẹ sử dụng hormon trước khi sinh…

Chẩn đoán ung thư tinh hoàn

Nếu phát hiện khối u tinh hoàn trong khi khám thường quy, bác sĩ sẽ khám thực thể và yêu cầu xét nghiệm để xem đó là do nhiễm trùng hay do các nguyên nhân khác. Bạn cũng có thể được siêu âm.
Xét nghiệm không gây đau, phát sóng âm đi qua bìu và cho thấy hình ảnh của tinh hoàn.
Tinh hoàn gồm nhiều tế bào và mỗi loại lại phát triển thành những týp ung thư khác nhau. Mỗi týp phát triển và di căn theo cách khác nhau. Điều trị và tiên lượng cũng khác nhau tuỳ theo týp.
Bác sĩ phân loại ung thư tinh hoàn thành một hoặc hai týp:

  • U tinh. Đây là týp ung thư tinh hoàn hay gặp nhất, chiếm khoảng 60% số trường hợp. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, gần như tất cả bệnh nhân đều khỏi bệnh.
  • U không tinh. Nhóm ung thư này gồm chorio carcinoma, carcinom phôi, u quái và u túi noãn hoàng. Những loại ung thư này có xu hướng đưa ra sớm hơn u tinh, thường xảy ra ở nam giới tuổi gần 20 đến gần 40.

Đôi lúc chẩn đoán là không rõ. Nếu vậy, bác sĩ bệnh học có thể kiểm tra mô được lấy từ tinh hoàn bị bệnh. Việc này được tiến hành để xem liệu có tế bào ung thư hay không. Nếu khối u không phải ung thư, thường không cần cắt bỏ tinh hoàn. Nếu khối u là ác tính, bác sĩ bệnh học cũng sẽ xác định týp tế bào ung thư có mặt.
Sau khi đã xác định được týp ung thư, bạn có thể phải xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) và các xét nghiệm khác để xác định liệu ung thư đã di căn đến những nơi khác hay chưa.
Với những kết quả xét nghiệm này, bác sĩ sẽ phân loại ung thư theo giai đoạn. Những giai đoạn này gồm:

  • Giai đoạn I: Ung thư tinh hoàn khu trú ở tinh hoàn.
  • Giai đoạn II: Ung thư tinh hoàn đã di căn tới hạch lympho trong ổ bụng.
  • Giai đoạn III: Ung thư tinh hoàn đã di căn vượt khỏi hạch lympho tới các nơi khác trong cơ thể như gan hoặc phổi.

Nếu ung thư được khẳng định, phẫu thuật viên có thể cắt bỏ tinh hoàn bị bệnh qua đường rạch ở bẹn. Phẫu thuật viên không cắt một phần tinh hoàn để xét nghiệm. Làm như vậy sẽ khiến tế bào ung thư di căn đến những nơi khác, bởi vậy tinh hoàn bị cắt bỏ toàn bộ.

Điều trị ung thư tinh hoàn

Thông thường, bác sĩ dùng 4 cách điều trị ung thư tinh hoàn:

  • Cắt bỏ tinh hoàn tận gốc qua bẹn. Phẫu thuật này gồm cắt bỏ một hoặc cả hai tinh hoàn qua đường rạch ở bẹn. Hạch lympho trong bụng cũng có thể được cắt bỏ. Nếu chỉ cắt bỏ một tinh hoàn bị ung thư, có khả năng tinh hoàn còn lại sẽ bị ung thư vào một lúc nào đó. Kết quả là bác sĩ sẽ khuyên nên khám theo dõi thường xuyên ở chuyên khoa tiết niệu.
  • Chiếu trị ngoài. Cách điều trị này dùng tia X liều cao hoặc tia xạ năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư. U tinh thường rất nhạy cảm với xạ trị, nhưng u không tinh thì không.
  • Hóa trị liệu. Hóa trị liệu được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư bên ngoài tinh hoàn. Các thuốc hóa trị liệu thường được truyền tĩnh mạch tại bệnh viện vài ngày mỗi tháng. Ở một số trường hợp, hóa trị liệu có thể được tiêm bắp hoặc ở dạng viên.
  • Ghép tuỷ xương. Trong thủ thuật này, tuỷ xương được lấy từ cơ thể bạn, xử lý bằng các thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư và sau đó làm lạnh. Sau đó, bạn được điều trị hóa trị liệu, cùng hoặc không cùng tia xạ để phá huỷ những tế bào ung thư còn lại trong cơ thể. Hóa trị liệu cũng phá huỷ tuỷ xương còn lại của bạn. Sau đó tuỷ xương đông lạnh được làm tan đông và tiêm trở lại cơ thể qua đường tĩnh mạch.

Cách điều trị khá mới này cho ung thư tinh hoàn và đã có một số kết quả hứa hẹn ban đầu. Tuy vậy, các bác sĩ thường không khuyên điều trị theo cách này vì điều trị hóa trị liệu truyền thống thường rất thành công.

Phẫu thuật có thể phối hợp với xạ trị hoặc hóa trị liệu hoặc cả hai. Điều này phụ thuộc vào týp và giai đoạn ung thư. Tuổi và sức khỏe nói chung cũng là những yếu tố trong chọn lựa cách điều trị. Bạn có thể băn khoăn không biết việc điều trị ung thư tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến dáng vẻ và cuộc sống tình dục của bạn ra sao. Hãy nhớ những điều sau đây:

  • Cấy tinh hoàn nhân tạo. Sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, bạn có thể cấy tinh hoàn nhân tạo vào trong bìu. Tinh hoàn nhân tạo có trọng lượng và cảm giác của tinh hoàn bình thường.
  • Phẫu thuật và đời sống tình dục. Phẫu thuật cắt bỏ hạch lympho không ảnh hưởng đến khả năng cương cứng hoặc cực khoái. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể gây vô sinh vì cản trở xuất tinh. Một số nam giới phục hồi khả năng xuất tinh mà không cần điều trị; một số khác cần dùng thuốc. Nếu bạn phải phẫu thuật, hãy hỏi về các kỹ thuật đặc thù có thể bảo vệ khả năng xuất tinh.
  • Xạ trị và đời sống tình dục. Xạ trị có thể không làm thay đổi khả năng tình dục của bạn. Tuy nhiên, xạ trị thường cản trở sản sinh tinh trùng. Tác động này thường chỉ tạm thời và hầu hết nam giới có lại khả năng sinh sản sau vài tháng. Để đề phòng, nhiều nam giới giữ tinh trùng ở ngân hàng tinh trùng trước khi điều trị để dùng sau đó.
  • Hóa trị liệu và đời sống tình dục. Hóa trị liệu không cản trở đời sống tình dục bình thường. Tuy nhiên hóa trị liệu gây mệt mỏi, có thể làm giảm ham muốn tình dục trong khi điều trị.

Một số thuốc chống ung thư ảnh hưởng đến sản sinh tinh trùng. Mặc dù tác động này có thể vĩnh viễn, nhiều bệnh nam hồi phục khả năng sinh sản sau đó. Những người lo ngại về khả năng sinh sản có thể đông lạnh và giữ tinh trùng trong ngân hàng trước khi điều trị hóa trị liệu.

Phòng ngừa ung thư tinh hoàn

Phòng ngừa ung thư tinh hoàn
Tự kiểm tra tinh hoàn. (Ảnh minh họa)

Bắt đầu từ tuổi trung niên và trong suốt cuộc đời hãy thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn. Thời điểm tốt nhất để kiểm tra tinh hoàn là sau khi tắm nước nóng. Nước nóng làm giãn bìu, giúp bạn dễ phát hiện bất thường ở tinh hoàn. Hãy làm việc này mỗi tháng 1 lần.

Để kiểm tra tinh hoàn hãy làm theo các bước sau đây:

  • Đứng trước gương. Tìm chỗ sưng ở da bìu.
  • Khám từng tinh hoàn bằng cả hai tay. Đặt ngón trỏ và ngón giữa dưới tinh hoàn trong khi đặt ngón cái ở trên.
  • Nhẹ nhàng lăn tinh hoàn giữa các ngón cái và ngón trỏ. Hãy nhớ rằng tinh hoàn thường nhẵn, hình trứng và hơi chắc. Bình thường một bên tinh hoàn hơi lớn hơn bên kia. Cũng vậy, ống dẫn tinh đi lên từ đỉnh tinh hoàn (mào tinh) là một phần bình thường của bìu.

Bằng cách kiểm tra thường xuyên, bạn sẽ quen thuộc hơn với tinh hoàn và nhận ra bất cứ thay đổi nào có thể gây lo ngại. Tự khám thường xuyên là một thói quen sức khỏe quan trọng. Nhưng nó không thể thay thế cho việc khám của bác sĩ. Bác sĩ cần kiểm tra tinh hoàn khi bạn đi khám. 

Nếu bạn thấy có khối u, hãy đi khám bác sĩ hoặc gọi ngay bác sĩ Nam khoa trên hệ thống Khám Từ Xa của Wellcare để được tư vấn và chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt. Ung thư tinh hoàn có thể điều trị thành công, đặc biệt khi phát hiện sớm.

Nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Hộp sọ của người chứa 4 cặp khoang rỗng chứa khí được gọi là các xoang, chúng thông nối với khoảng không nằm giữa 2 lỗ mũi và thành mũi. Xoang giúp bảo vệ hộp sọ, giảm trọng lượng hộp sọ và cho phép âm thanh cộng hưởng bên trong chúng. Có 4 cặp xoang
  • 28-05-2018
    Thiếu máu bất sản là hiện tượng thiếu máu do rối loạn chức năng tủy xương. Tủy xương là mô mềm trong xương có nhiệm vụ sản sinh tế bào máu bao gồm: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Khi bị thiếu máu bất sản, tủy không thể tạo thêm tế bào máu, gây thiếu
  • 28-05-2018
    Cường giáp hay còn gọi là cường giáp trạng hoặc cường chức năng tuyến giáp. Đây là bệnh gây ra do tuyến giáp hoạt động quá mức cần thiết. Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng nằm ở cổ, tiết ra hormone tuyến giáp kiểm soát rất nhiều hoạt động của cơ
  • 28-05-2018
    Bìu thường lỏng lẻo, mềm và dày. Bìu chứa hai tinh hoàn. Thông thường bạn sẽ dễ dàng chạm được tinh hoàn trong hai bìu. Một ống dẫn sẽ đưa tinh trùng từ mỗi tinh hoàn đến dương vật. Thường thì một tinh hoàn bên này sẽ
  • 28-05-2018
    Tuyến cận giáp có hình bầu dục và kích thước bằng hạt lúa được nằm ở cổ. Các tuyến cận giáp sản xuất hoóc-môn giúp duy trì sự cân bằng thích hợp của canxi trong máu và trong các mô. Cường cận giáp là có quá nhiều hoóc-môn trong máu do hoạt động quá mức
  • 28-05-2018
    Hemoglobin là chất quan trọng trong các tế bào hồng cầu giúp chúng chuyên chở oxy. Lượng hemoglobin thấp và số tế bào hồng cầu thấp có thể gây ra thiếu máu làm bệnh nhân mệt mỏi.