Cúm H1N1

Virut cúm A(H1N1) là gì? Tính đến ngày 12/5/2009, đã có hơn 30 quốc gia xác nhận có bệnh nhân nhiễm loại virut cúm này với số lượng là 5.251 người, trong đó có 61 trường hợp tử vong. Ban đầu người ta gọi virut mới này là virut cúm lợn vì các nhà khoa

Tổng quan về bệnh cúm H1N1

Virut cúm A(H1N1) là gì?

Tính đến ngày 12/5/2009, đã có hơn 30 quốc gia xác nhận có bệnh nhân nhiễm loại virut cúm này với số lượng là 5.251 người, trong đó có 61 trường hợp tử vong. Ban đầu người ta gọi virut mới này là virut cúm lợn vì các nhà khoa học tìm thấy nhiều gen của virut này giống với gen của loại virut cúm ở loài lợn.
Tuy nhiên, với những phân tích chi tiết hơn cho thấy loại virut này rất khác biệt với loại virut cúm lợn lưu hành ở khu vực Bắc Mỹ. Virut cúm A(H1N1) mới này là một loại lai có gen của 4 chủng virut gồm virut cúm người, cúm lợn, cúm gia cầm ở Bắc Mỹ và gen của cúm lợn ở châu Âu và châu Á.

Virut cúm A(H1N1) lây lan như thế nào?

Đây là loại virut có thể lây lan từ người sang người nhưng hiện nay chưa rõ mức độ của sự lây lan dễ dàng như thế nào. Sự lan truyền của virut cúm A(H1N1) mới này gần giống như sự lây lan của cúm mùa mà chúng ta thường thấy. Virut lan truyền từ người này sang người khác do ho hay hắt hơi, sổ mũi.
Đôi khi người ta mắc bệnh do tay bị vấy hay dính chất tiết có virut, sau đó đưa tay chạm lên miệng, mũi. Khi một người bị nhiễm virut cúm thì khoảng 7 ngày sau sẽ có triệu chứng. Một ngày trước khi có biểu hiện bệnh thì người bị nhiễm đã bắt đầu phát tán virut ra xung quanh cho đến 7 ngày sau đó.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có thời gian phát tán virut lâu hơn. Cúm A(H1N1) là bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp. Vì vậy mà ăn thịt lợn được nấu chín không bị mắc bệnh. Virut có thể tồn tại từ 2-8 giờ sau khi bám vào các bề mặt. Nước pha với chlorine 1-3 mg/L đủ khả năng diệt virut cúm, trong đó có cả virut cúm A(H1N1) mới.

Triệu chứng của cúm H1N1

Triệu chứng cúm H1N1

Triệu chứng bệnh cúm A(H1N1) giống như cúm mùa bao gồm: sốt, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng gần 50% bệnh nhân còn có đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy. Giống như cúm mùa, cúm H1N1 mới cũng gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở, chụp Xquang cho thấy có tổn thương phổi.
Một số bệnh nhân có triệu chứng của suy hô hấp cấp (ARDS), phù phổi và tử vong. Cũng cần nhắc lại là triệu chứng cúm A(H1N1) mới khác với cúm gia cầm A(H5N1). Cúm gia cầm không có các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi hay đau nhức cơ thể mà thay vào đó là bệnh cảnh của viêm phổi cấp sốt, ho, khó thở. Hiện nay người ta chưa biết mức độ trầm trọng của bệnh gây ra do virut cúm A(H1N1) mới này trên toàn thế giới.
Tuy nhiên tỉ lệ tử vong do cúm A(H1N1) vẫn thấp hơn so với cúm gia cầm A/H5N1 (tỉ lệ tử vong khi nhiễm cúm gia cầm là trên 50%). Các triệu chứng hô hấp báo động bệnh trở nên nặng là: thở nhanh (người lớn trên 30 lần phút), có cảm giác hụt hơi, chóng mặt đột ngột, ngộp thở, tím môi hay đầu chi, lơ mơ.
Những người sống trong vùng có dịch hay có đến vùng có dịch cúm A(H1N1) đang lưu hành trong vòng 7 ngày trước khi xuất hiện sốt hay có triệu chứng đau nhức mình, sổ mũi... cần phải được xét nghiệm xem có nhiễm virut cúm A(H1N1) hay không.
Do tình hình cúm trên toàn thế giới diễn tiến rất nhanh nên cần cập nhật danh sách các nước có bệnh cúm H1N1 mới. Lưu ý là thời gian rời từ vùng có dịch chỉ trong 7 ngày và cần đến khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Khi nghi ngờ bị cúm, người ốm nên ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác ngoại trừ đi khám bệnh. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm phát hiện cúm A(H1N1). Bệnh nhân sẽ được ngoáy mũi họng, các bệnh phẩm lấy được sẽ chuyển đến các phòng xét nghiệm của các bệnh viện như BV Bệnh Nhiệt đới, Nhi Đồng I và Nhi Đồng II. Những bệnh viện này đều có khả năng thực hiện kỹ thuật PCR tìm ra virut này.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cúm H1N1

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cúm H1N1

  • Cúm A(H1N1) có thể xâm nhập vào cơ thể, làm suy giảm hơn nữa sức đề kháng, tạo thuận lợi cho các loại virut, vi khuẩn khác tấn công, nguy cơ bội nhiễm là rất lớn. Các virut cúm cũng có thể kết hợp với các ổ nhiễm khuẩn mạn tính ở răng, lợi, miệng, tai mũi họng tấn công nhanh hơn đường hô hấp dưới.
  • Đối với nhóm bệnh mạn tính đường hô hấp hay gặp nhất là hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi... các tác nhân cúm sẽ tác động trực tiếp vào hệ hô hấp nên bệnh diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao.
  • Đối với những người có bệnh lý rối loạn chuyển hoá và tim mạch như đái tháo đường, xơ vữa động mạch, đau thắt ngực mạn tính... thì virut cúm cũng là nguy cơ thúc đẩy các bệnh lý này diễn biến nặng hơn, nhất là khi cúm có xuất hiện các biến chứng và bội nhiễm.
  • Đối với những người mang thai cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh vì bản thân khi có thai, cơ thể thai phụ bị giảm miễn dịch, khả năng chống đỡ với bệnh tật bị giảm nên dễ mắc bệnh hơn, nếu bị nhiễm virut cúm A(H1N1) thì càng nguy hiểm hơn, vì bệnh nặng hơn, khó điều trị và không chỉ ảnh hưởng đơn thuần đến thai phụ mà còn dẫn đến kết quả xấu cho thai nhi như sốt cao dễ làm sảy thai, đẻ non; khó thở do viêm phổi, thiếu ôxy làm cho thai nhi bị suy trong tử cung dẫn đến thai chết lưu, trẻ đẻ non, thiếu tháng, nhẹ cân, làm tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật.
  • Chính vì vậy, những người mắc bệnh mạn tính (tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), người già, trẻ em, thai phụ cần quan tâm tới sức khỏe, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra làm nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng cúm H1N1

Biến chứng cúm H1N1

Phát hiện sớm, phục hồi tốt:

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM cho biết, trường hợp bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm cúm A(H1N1) tại Việt Nam có biểu hiện bệnh rất nhẹ, chỉ là sốt, hắt hơi, sổ mũi như cúm thông thường.
Sau khi được điều trị, bệnh nhân đã xuất viện, sức khỏe hoàn toàn ổn định, không có biến chứng. Hay như trường hợp người mẹ 40 tuổi bị nhiễm cúm A(H1N1) được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Bệnh nhân này hầu như không có triệu chứng gì là nhiễm cúm.
Theo TS Châu, các ca bệnh nhiễm cúm biểu hiện đều nhẹ, có thể là do được phát hiện, điều trị sớm. Về các ca nhiễm cúm A(H1N1) trên thế giới, TS Châu cho biết theo thông báo của WHO, đa số bệnh nhân mắc đều biểu hiện nhẹ, hồi phục tốt.
Tuy nhiên, cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Nếu ở những đối tượng có suy giảm miễn dịch hay có bệnh lý đồng thời thì bệnh có thể diễn tiến nặng hơn.

Bệnh cúm diễn tiến nặng rất nguy hiểm

Về tính chất độc lực của virút cúm A(H1N1), PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, loại virút này tính chất lây lan mạnh, có thể tấn công mọi đối tượng, lứa tuổi. Tuy nhiên, về độc lực, nó không mạnh như lúc đầu người ta tưởng. Mức độ tử vong được xác định là từ 0 - 4%.
Mức độ tử vong này phụ thuộc nhiều vào chẩn đoán và điều trị sớm, chăm sóc y tế tốt. Tỷ lệ tử vong này cũng tương đương với tỷ lệ tử vong của cúm theo mùa. Vì thế, cũng như bệnh cúm thông thường, nếu phát hiện, điều trị sớm khi bệnh chưa diễn tiến nặng thì cũng sẽ ít nguy hiểm đến tính mạng.
Cùng quan điểm này, ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, người nhiễm virút cúm A(H1N1) có biểu hiện không khác gì với cúm thường. Với những người khỏe mạnh, sau vài ba ngày sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên, với những người có cơ địa yếu, người già, trẻ suy dinh dưỡng, bệnh nhân tiểu đường sẽ bị nặng nhanh, gây biến chứng viêm phổi, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.

Chẩn đoán bệnh cúm H1N1

Chẩn đoán bệnh cúm H1N1

Chẩn đoán dựa trên các yếu tố và triệu chứng sau:

Yếu tố dịch tễ:

Trong vòng 7 ngày:
  • Sống hoặc đến từ vùng có cúm A(H1N1).
  • Tiếp xúc gần với người bệnh, nguồn bệnh: nghi ngờ, có thể hoặc đã xác định mắc cúm A(H1N1).

Lâm sàng:

Bệnh diễn biến cấp tính và có một số biểu hiện sau đây:
  • Sốt.
  • Các triệu chứng về hô hấp:
    • Viêm long đường hô hấp.
    • Đau họng.
    • Ho khan hoặc có đờm.
  • Các triệu chứng khác:
    • Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy.
Nhiều trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí có suy hô hấp cấp và suy đa tạng.

Cận lâm sàng:

Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên:
  • Real time RT-PCR là xét nghiệm xác định virút cúm A(H1N1). Bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản (lấy càng sớm càng tốt).
  • Nuôi cấy virút: thực hiện ở những nơi có điều kiện.
  • Công thức máu: số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.
  • Xquang phổi: có thể có biểu hiện của viêm phổi không điển hình.
Tiêu chuẩn chẩn đoán:
  • Trường hợp nghi ngờ
    • Có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp.
  • Trường hợp xác định đã mắc bệnh
    • Có biểu hiện lâm sàng cúm.
    • Xét nghiệm dương tính khẳng định nhiễm virut cúm A (H1N1).
  • Người lành mang virút:
    • Không có biểu hiện lâm sàng nhưng xét nghiệm có cúm A (H1N1). Những trường hợp này cũng phải được báo cáo.

Phòng ngừa bệnh cúm H1N1

Phòng ngừa bệnh cúm H1N1

  • Tăng cường vệ sinh cá nhân:
    • Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi.
    • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
  • Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh:
    • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế.
    • Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp.
    • Không cho trẻ em dùng chung đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm.
  • Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh:
    • Hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt;
    • Đảm bảo nơi ở, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng, khí trời. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, nước Javel, cồn 70 độ;
    • Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng bảo vệ cơ thể.

(nguồn sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Xoắn tinh hoàn là tình trạng thừng tinh bị xoắn, làm ngừng trệ nguồn máu nuôi tinh hoàn, thời gian xoắn kéo dài làm thương tổn nhu mô tinh hoàn, thương tổn có thể không hồi phục, làm mất chức năng tinh hoàn, đặc biệt chức năng sinh tinh trùng. Xoắn tinh
  • 17-10-2018

    Loạn dưỡng cơ là một nhóm bệnh cơ di truyền hiếm gặp, trong đó các sợi cơ đặc biệt dễ bị tổn thương. Các cơ, chủ yếu là các cơ xương (cơ chủ động) bị yếu dần. Trong giai đoạn cuối của loạn dưỡng cơ, mỡ và mô liên kết thường thay thế các sợi cơ. Trong

  • 28-05-2018
    Hẹp môn vị nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn nước và điện giải, mất nhiều natri, kali và clo trong máu gây nên tăng dự trữ kiềm gọi là tình trạng nhiễm kiềm chuyển hóa. Điều trị hẹp môn vị chủ yếu là điều trị ngoại khoa,
  • 28-05-2018
    Sa trực tràng là bệnh được gây nên bởi trực tràng chui qua lỗ hậu môn ra nằm ở ngoài hậu môn. Đoạn ruột chui ra ngoài bao gồm tất cả các lớp của thành trực tràng hay chỉ có niêm mạc trực tràng, cả trực tràng và hậu môn hay chỉ có trực tràng hoặc chỉ
  • 28-05-2018
    Vết cắn thường do các loài như kiến, bọ chét, ruồi, muỗi gây nên. Vết đốt thường do ong vò vẽ, ong bắp cày tạo thành. Các vết cắn và đốt này thường chỉ gây khó chịu, nhưng một vài vết cắn và đốt lại có thể truyền bệnh hoặc gây dị ứng ở một số người.
  • 10-10-2018

    Giãn phế quản là tình trạng tăng khẩu kính phế quản liên tục, vĩnh viễn không hồi phục của một hoặc nhiều phế quản có đường kính trên 2mm. Giãn phế quản được chia thành: giãn phế quản hình túi, giãn phế quản hình trụ và giãn phế quản hình tràng hạt.