Buerger

Bệnh Buerger là nguyên nhân gây viêm các mạch máu ở chân và tay, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân. Bệnh này làm thu hẹp và tắc nghẽn các mạch máu nên lưu lượng máu đến bàn tay và bàn chân giảm. Đây là nguyên nhân gây đau và các triệu chứng khác, và cuối cùng có thể dẫn đến tổn thương và gây chết mô (hoại tử) ở tay và/hoặc chân.

Bệnh Buerger là gì?

Bệnh Buerger là nguyên nhân gây viêm các mạch máu ở chân và tay, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân. Bệnh này làm thu hẹp và tắc nghẽn các mạch máu nên lưu lượng máu đến bàn tay và bàn chân giảm. Đây là nguyên nhân gây đau và các triệu chứng khác, và cuối cùng có thể dẫn đến tổn thương và gây chết mô (hoại tử) ở tay và/hoặc chân.
Bệnh Buerger thường ảnh hưởng đến động mạch, nhưng đôi khi nó có thể ảnh hưởng đến cả tĩnh mạch. Các đoạn mạch bị viêm gây hẹp các mạch máu. Nó cũng có thể gây ra sự hình thành các cục máu đông nhỏ dẫn đến tắc nghẽn hoàn toàn các mạch máu. Máu không thể lưu thông qua những đoạn mạch bị thu hẹp và tắc nghẽn để đến tất cả các bộ phận của bàn tay và bàn chân như bình thường. Điều này gây đau cộng với các triệu chứng khác, và cuối cùng có thể làm mô ở tay và/hoặc chân bị tổn thương và chết (hoại tử).

Bệnh Buerger
Bệnh Buerger làm hẹp và tắc mạch máu gây tổn thương và hoại tử ở tay chân. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng của bệnh Buerger

Như đã đề cập ở trên, các triệu chứng xảy ra vì máu là không thể đi tới tất cả các bộ phận của bàn tay và/hoặc chân. Bàn tay và bàn chân có thể cảm thấy lạnh và hơi sưng. Tay chân có thể tái nhợt, hoặc trở nên đỏ, xanh hoặc tím nhạt. Đau ở bàn tay, bàn chân là một trong những triệu chứng chính của căn bệnh và đôi khi người bệnh thấy bỏng rát ở những vùng đó. Cơn đau có thể xảy ra ở chân hoặc bàn chân khi đi bộ và được gọi là đau cách quãng (intermittent claudication, khi nghỉ ngơi thì hết đau).
Khi bệnh nặng hơn, cơn đau có thể xảy ra ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Đau thường nặng hơn vào ban đêm. Người bệnh có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở bàn chân và bàn tay. Thời tiết lạnh thường sẽ làm cho các triệu chứng trở nên nặng hơn.

Ngón tay hoại tử vì bệnh Buerger
Hoại tử xuất hiện trên bàn tay người bệnh Buerger. (Ảnh minh họa)

Khi bệnh Buerger trở nên nặng hơn, các vết loét trên bàn tay và bàn chân sẽ hình thành và gây đau. Nhiễm trùng da cũng có thể xuất hiện. Hoại tử có thể tiến triển nếu các mô ở tay và chân chết do thiếu nguồn máu nuôi dưỡng. Khi đó da và các mô dưới da sẽ có màu đen.

Thông thường, căn bệnh sẽ ảnh hưởng tới ít nhất là 3 nơi trong tổng số 2 bàn chân và 2 bàn tay. Tuy nhiên, người bệnh có thể chỉ nhận ra các triệu chứng trên một ngón tay hoặc một ngón chân của mình.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video với bác sĩ chuyên khoa Lồng ngực - Mạch máu trên hệ thống khám từ xa Wellcare khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên để được tư vấn, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh Buerger

Người ta vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh Buerger. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra ở những người hút thuốc. Hút thuốc đóng vai trò như một nguyên nhân kích hoạt và gây bệnh Buerger. Việc tiếp tục hút thuốc cũng làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Việc nhai thuốc lá cũng được chứng minh là nguyên nhân gây ra bệnh.
Người ta cho rằng hệ miễn dịch có liên quan đến sự hình thành bệnh Buerger theo một cách nào đó. Bệnh Buerger có thể là một loại bệnh tự miễn được kích hoạt bởi nicotine. (Thông thường, khi chúng ta bị bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh hoặc viêm họng thì cơ thể tạo ra kháng thể giúp tiêu diệt các tác nhân gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, ở các bệnh tự miễn, cơ thể lại tạo ra kháng thể để tấn công các tế bào bình thường của chính mình).

Điều trị bệnh Buerger

Không có cách nào chữa khỏi hẳn bệnh Buerger. Vì vậy, mục đích của điều trị là ngăn chặn căn bệnh tiến triển thêm và kiểm soát các triệu chứng. Các biện pháp sau đây có thể là hữu ích:

Ngưng hút thuốc lá

Điều đơn giản và quan trọng nhất khi bị chẩn đoán mắc bệnh Buerger là ngừng hút thuốc. Thậm chí hút một điếu thuốc một ngày cũng có thể làm bệnh Buerger duy trì hoạt động, tiến triển và làm nặng thêm các triệu chứng. Ngừng hút thuốc là cách điều trị duy nhất được biết là có hiệu quả. Bệnh Buerger có thể trở nên ”yên lặng” khi bỏ thuốc lá. Ngoài ra còn có một số bằng chứng từ các nghiên cứu gợi ý rằng bệnh nhân nên tránh khói thuốc lá (hút thuốc thụ động).

Thuốc

Với bệnh nhân Buerger thì bất cứ nhiễm trùng da bàn tay và bàn chân nào cũng cần được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh. Nhiễm trùng da có thể xảy ra do loét da hoặc sau một chấn thương nhỏ. Thuốc giảm đau bao gồm các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), hoặc đôi khi là các loại thuốc mạnh hơn như thuốc chứa codeine có thể được sử dụng khi cần thiết.

Phẫu thuật

Việc phẫu thuật nhằm thay thế các động mạch bị tắc thường rất khó thực hiện. Tuy nhiên, các kỹ thuật mới nhằm khai thông động mạch riêng lẻ ở các ngón tay hoặc ngón chân cho thấy có nhiều triển vọng.
Nếu người bệnh tiếp tục hút thuốc, sự tắc nghẽn mạch máu sẽ nghiêm trọng hơn. Loét và hoại tử sẽ hình thành và tiến triển, đòi hỏi phải phẫu thuật để cắt bỏ ngón tay hoặc ngón chân. Một số người cần phải cắt cụt cao hơn (ví dụ, toàn bộ bàn chân, hoặc cẳng chân). Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định để kiểm soát cơn đau ở một số bệnh nhân. Việc cắt dây thần kinh chi phối các khu vực bị ảnh hưởng (surgical sympathectomy, phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm) có thể giúp kiểm soát cơn đau. Kỹ thuật này vẫn chưa thành công lắm nên một phương pháp khác – cắt các dây thần kinh xung quanh các động mạch nuôi dưỡng các ngón tay hoặc ngón chân – đã được phát triển.

Những phương pháp điều trị trong giai đoạn thử nghiệm

Một số phương pháp điều trị bệnh Buerger đã và đang được sử dụng trong nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng nên chưa được phổ biến rộng rãi. Chúng bao gồm điều trị bằng một loại thuốc có tên là Iloprost tiêm qua đường tĩnh mạch. Thuốc này làm giãn các mạch máu và do đó cải thiện lưu lượng máu. Nó cũng được cho là làm hạn chế hình thành các cục máu đông. Trên một số người bị bệnh Buerger vừa bỏ hút thuốc và những người bị thiếu máu đến bàn tay và/hoặc chân nghiêm trọng, Iloprost đã được chứng minh là có tác dụng:

  • Cải thiện triệu chứng.
  • Làm chậm tiến triển của bệnh.
  • Giảm nguy cơ cần phẫu thuật cắt bỏ tay chân.
  • Một số nghiên cứu khác đang xem xét sử dụng các loại thuốc làm tan cục máu đông và liệu pháp gen.
  • Các biện pháp để tự giúp bản thân

Có nhiều biện pháp có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng cho những bệnh nhân bệnh Buerger bao gồm:

  • Mặc ấm và tránh nơi lạnh vì nhiệt độ thấp có thể làm cho các triệu chứng nặng hơn.
  • Đi giày dép vừa vặn để giúp ngăn ngừa chấn thương. Không đi chân đất.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện sự lưu thông máu ở tay và chân.
  • Massage nhẹ nhàng và làm ấm cũng có thể giúp tăng cường lưu thông máu trong cơ thể.
  • Tránh ngồi hoặc đứng ở một vị trí trong thời gian dài.
  • Tránh mặc quần áo bó sát.

Tiên lượng của bệnh Burger

Ở người mắc bệnh Buerger, việc tiếp tục hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ phải phẫu thuật cắt cụt một hoặc nhiều ngón tay hoặc ngón chân do loét hoặc hoại tử. Nguy cơ cao nhất thường ở những người hút thuốc trên 20 năm. Trong số những người bị bệnh Buerger mà bỏ hút thuốc lá, 94 trong tổng số 100 sẽ tránh được phẫu thuật cắt bỏ tay chân.

Theo Y học cộng đồng

- 17-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Ung thư tuỵ hình thành khi có sự gia tăng các tế bào bất thường ở tuỵ. Tuỵ là một tuyến nằm sau dạ dày, ngay trước cột sống. Đây là nơi tiết ra dịch tuỵ có vai trò giúp tiêu hóa thức ăn, đồng thời tạo ra hormone, bao gồm insulin giúp kiểm soát đường
  • 28-05-2018
    Bình thường khối V.A phát triển đến 6 - 7 tuổi thì teo hết, cá biệt có thể thấy ở người trưởng thành. Tỷ lệ viêm V.A ở nước ta chiếm khoảng 30% trẻ em, lứa tuổi nhiều nhất là 2 - 5 tuổi. Viêm V.A cấp tính: Là viêm nhiễm
  • 28-05-2018
    Lãnh cảm là tình trạng suy yếu tình dục ở nữ giới, biểu hiện từ việc né tránh đụng chạm xác thịt cho đến mất hoàn toàn khoái cảm tình dục. Phụ nữ bị lãnh cảm thực hiện quan hệ tình dục vì trách nhiệm trong hạnh phúc gia đình chứ không phải vì hứng thú
  • 28-05-2018
    Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006, hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 950.000 người mắc ung thư dạ dày, và có khoảng 700.000 bệnh nhân chết vì ung thư dạ dày. Khu vực dễ mắc ung thư dạ dày là các nước Đông Á, châu Nam Mỹ và Đông Âu.
  • 17-10-2018

    Sa dạ dày là hiện tượng dạ dày không nằm đúng vị trí của nó. Đây là một trong những chứng bệnh sa nội tạng rất thường gặp. Bình thường, dạ dày nằm chủ yếu ở phần xương sườn thứ 11 bên trái, một phần khác nằm ở phần bụng trên. Khi mắc chứng bệnh này,

  • 13-05-2022

    Bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi có nguy hiểm không? Làm thế nào để phát hiện sớm căn bệnh này? Cách điều trị cho trẻ bị bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi? Câu trả lời sẽ được giải đáp ở bài viết này.