Chậm phát triển tâm thần ở trẻ (Mental Retardation: MR)

Chậm phát triển tâm thần ở trẻ hay còn gọi là chậm phát triển trí tuệ ở trẻ hoặc trẻ chậm khôn. Chậm phát triển tâm thần không phải là vấn đề thuộc tâm bệnh học nhưng trẻ chậm phát triển tâm thần có nguy cơ cao 3-4 lần mắc các vấn đề về tâm bệnh lý so với các thành viên trong dân số chung, hơn nữa trẻ chậm phát triển tâm thần thường hay bị lạm dụng về thể chất và tình dục.

Trẻ chậm phát triển tâm thần
Ảnh: Byanking.net

Chậm phát triển tâm thần ở trẻ là gì?

Chậm phát triển tâm thần ở trẻ hay còn gọi là chậm phát triển trí tuệ ở trẻ hoặc trẻ chậm khôn.
Chậm phát triển tâm thần không phải là vấn đề thuộc tâm bệnh học nhưng trẻ chậm phát triển tâm thần có nguy cơ cao 3-4 lần mắc các vấn đề về tâm bệnh lý so với các thành viên trong dân số chung, hơn nữa trẻ chậm phát triển tâm thần thường hay bị lạm dụng về thể chất và tình dục. Tất cả những yếu tố đóng vai trò trong sự phát triển tâm bệnh lý đều có thể thấy ở trẻ chậm phát triển tâm thần như yếu tố sinh học, cảm xúc, nhận thức, mối quan hệ trong gia đình, bạn bè và văn hoá xã hội, những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân có chẩn đoán là chậm phát triển tâm thần.

Trước năm 1959, chậm phát triển tâm thần được gọi là trí thông minh dưới mức trung bình (Subaverage intelligence). Điểm IQ (Intelligence quotient) hơn 2 độ lệch chuẩn thấp hơn so với trung bình thì được xem là độ lệch có ý nghĩa so với trí tuệ trung bình. IQ 70 thì được xem như là điểm giới hạn đối với chậm phát triển tâm thần.

Năm 1959, hành vi đáp ứng được thêm vào như một tiêu chuẩn chẩn đoán. Nếu một người có đáp ứng thích nghi đầy đủ với môi trường thì tại sao lại xem người đó có rối loạn về chức năng hay bất thường khi chỉ dựa vào chỉ số thông minh được đánh giá dưới mức trung bình? Ví dụ, có một nhóm trẻ được gọi là “ 6 giờ chậm chạp” những trẻ này rất kém ở trường học (khoảng 6 giờ ở trường) nhưng lại sinh hoạt rất tốt trong môi trường nông thôn hay trong thành phố. Vậy cho nên điểm mấu chốt để chẩn đoán không chỉ là điểm đánh giá của test trí tuệ mà là cách thức mà cá nhân đó thực hành chức năng hằng ngày.

Chẩn đoán chậm phát triển tâm thần

Chẩn đoán theo Hiệp hội Chậm Phát Triển Tâm Thần Hoa Kỳ (AAMR)

Trẻ đáp ứng tốt hay kém với môi trường là điều quan trọng hơn mức độ trí tuệ. Thực hành chức năng có hai yếu tố: Năng lực và môi trường.

Năng lực hay sự thành thạo

Có thay đổi trong bối cảnh cá nhân. Có 2 loại năng lực là trí tuệ và kỹ năng đáp ứng:

  • Trí tuệ: bao gồm cả nhận thức và học tập, AAMR định nghĩa chỉ số IQ là 75 hay thấp hơn là tiêu chuẩn ngưỡng cho chậm phát triển tâm thần.
  • Các kỹ năng đáp ứng: được hình thành bởi trí thông minh xã hội và thực hành. Trí thông minh thực hành liên quan đến những kỹ năng cần để duy trì sự độc lập của cá nhân trong việc xử trí các sinh hoạt thông thường hằng ngày (như tắm, mặc quần áo, tự múc ăn). Trí thông minh xã hội liên quan đến khả năng hiểu được hành vi xã hội phù hợp, các kỹ năng xã hội, các quyết định về đạo đức tốt đẹp trong những tình huống quan hệ với cá nhân khác.

Môi trường

Môi trường được quan niệm như một nơi đặc biệt mà ở đó trẻ sống, học tập, chơi, làm việc, hoà nhập xã hội và tương tác.Môi trường phải điển hình với các bạn cùng trang lứa và phù hợp với nền tảng kinh tế xã hội của trẻ. Trẻ có khả năng thực hiện chức năng tốt trong cộng đồng mà không cần trợ giúp đặc biệt thì không thể là trẻ chậm phát triển được, trái lại trẻ cần những trợ giúp đặc biệt hay những dịch vụ như công việc được nâng đỡ hay chăm sóc trong trại đặc biệt, trẻ này có thể xem là trẻ có chậm phát triển tâm thần.
AAMR cần thêm chẩn đoán rõ ràng về mức độ suy kém của trẻ bằng cách chỉ ra phạm vi các dịch vụ trợ giúp mà có thể cần thiết cho phép trẻ thực hành chức năng trong môi trường.

Chẩn đoán chậm phát triển tâm thần theo DSM

Tiêu chuẩn của DSM-IV-TR(2000) bao gồm 3 tính chất:

  • Trí tuệ dưới mức trung bình: IQ< 70;
  • Suy kém trong hành vi đáp ứng;
  • Khởi phát sớm dưới 18 tuổi.

DSM cũng sử dụng điểm IQ để phân loại mức độ nặng nhẹ của chậm phát triển tâm thần:

  • Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ: IQ từ 55-70. Có khoảng 85% người chậm phát triển tâm thần nằm ở mức độ này. Những cá nhân này có kỹ năng học tập ở khoảng mức lớp 6 khi trẻ ở giai đoạn cuối của tuổi vị thành niên và có thể sống được trong cộng đồng một cách độc lập hay ở môi trường có giám sát.
  • Chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình: IQ từ 40-54. Hầu hết các cá thể đều cần sự trợ giúp trong suốt cuộc đời, có một số các thể trong nhóm cần ít dịch vụ trợ giúp. Các cá thể đáp ứng tốt với đời sống cộng đồng trong môi trường có giám sát.
  • Chậm phát triển tâm thần mức độ nặng: IQ từ 25-39. Những cá thể này bị giới hạn trong khả năng đạt được những kỹ năng học tập, mặc dầu trẻ có thể học đọc một số từ “ sống còn” như ăn, uống... Khi ở tuổi trưởng thành, chúng có thể thực hiện được những nhiệm vụ đơn giản dưới sự giám sát và đáp ứng với cộng đồng bằng cách sống với gia đình hay sống trong nhà tập thể.
  • Chậm phát triển tâm thần mức độ rất nặng.
Trẻ chậm phát triển tâm thần
Ảnh: thedevelopingchild.wordpress

Hành vi đáp ứng (Adaptive behavior)

Trong tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-IV-TR, cá thể có chậm phát triển tâm thần cần phải có tiêu chuẩn là không có khả năng thực hiện chức năng như giao tiếp, tự chăm sóc và các kỹ năng xã hội so với cá thể bình thường cùng lứa tuổi trong cùng nền văn hoá của trẻ.

Chẩn đoán chậm phát triển tâm thần theo ICD 10

Từ F70-F79, phân loại từ chậm phát triển tâm thần nhẹ đến rất nặng, chậm phát triển tâm thần khác: do đánh giá mức độ khó khăn vì các yếu tố đi kèm như suy kém về cảm giác, thể chất như: mù, câm điếc, xáo trộn về hành vi nặng nề…; chậm phát triển tâm thần không biệt định: có bằng chứng về chậm phát triển tâm thần nhưng không đủ thông tin để xếp theo các phân loại trên. Chỉ số IQ ngưỡng là 70.

Sự khác biệt về mức độ phát triển ở người chậm phát triển tâm thần và hội chứng Down

Chậm phát triển nhẹ

  • Tuổi trước khi đến trường (từ mới sanh-5 tuổi): Có thể phát triển kỹ năng xã hội và ngôn ngữ; ít bị chậm hơn trong lãnh vực cảm giác vận động;hiếm khi phân biệt được với bình thường cho đến khi lớn hơn.
  • Tuổi đến trường (Từ 6-21 tuổi): Có thể học các kỹ năng ở trường đến khoảng mức lớp 6 khi ở giai đoạn trễ của tuổi vị thành niên;không thể học các môn học ở trường trung học; cần giáo dục đặc biệt; đặc biệt là ở giai đoạn cấp 2.
  • Tuổi trưởng thành(>21 tuổi): Có đủ khả năng xã hội và nghề nghiệp nếu có giáo dục và huấn luyện đúng cách; thường xuyên cần hướng dẫn khi bị các căng thẳng nặng về kinh tế và xã hội.

Chậm phát triển trung bình

  • Tuổi trước khi đến trường (từ mới sanh-5 tuổi): Có thể nói hoặc học giao tiếp; ý tức về xã hội kém; phát triển vận động khá; có thể tự giúp mình; có thể xoay sở được khi có giám sát ở mức trung bình.
  • Tuổi đến trường (Từ 6-21 tuổi): Có thể học được các kỹ năng ở trường học đến khoảng mức lớp 4 ở giai đoạn trễ của tuổi vị thành niên nếu được đặt trong môi trường giáo dục đặc biệt.
  • Tuổi trưởng thành(>21 tuổi): Có khả năng duy trì được những nghề nghiệp không cần kỹ năng hay bán kỹ năng; cần giám sát và hướng dẫn khi bị các căng thẳng nhẹ về kinh tế xã hội.

Chậm phát triển nặng

  • Tuổi trước khi đến trường (từ mới sanh-5 tuổi): Phát triển vận động kém; âm ngữ tối thiểu; nhìn chung không có khả năng nhận được ích lợi từ việc huấn luyện tự trợ giúp; có ít hoặc không có kỹ năng giao tiếp.
  • Tuổi đến trường (Từ 6-21 tuổi): Có thể nói hoặc học giao tiếp; có thể huấn luyện được theo những thói quen về sức khoẻ cơ bản; không thể học được các kỹ năng ở trường; có thể có lợi ích từ việc huấn luyện thói quen theo hệ thống.
  • Tuổi trưởng thành(>21 tuổi): Có thể góp một phần vào tự trợ giúp dưới sự giám sát toàn bộ; có thể phát triển những kỹ năng tự bảo vệ đến một mức độ có thể sử dụng tối thiểu trong môi trường có kiểm soát.

Chậm phát triển rất nặng

  • Tuổi trước khi đến trường (từ mới sanh-5 tuổi): Chậm rõ rệt, có ít khả năng trong lãnh vực vận động cảm giác; cần chăm sóc liên tục.
  • Tuổi đến trường (Từ 6-21 tuổi): Một vài phát triển vận động hiện diện; không thể mang lại lợi ích từ việc huấn luyện tự trợ giúp; cần chăm sóc toàn bộ.
  • Tuổi trưởng thành(>21 tuổi): Một vài phát triển vận động và âm ngữ; không có khả năng hoàn toàn trong việc chăm sóc bản thân; cần chăm sóc và giám sát toàn bộ.

Theo BS.Phan Thiệu Xuân Giang

- 23-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • Rối loạn nhân cách ái kỷ (hay còn gọi là bệnh ái kỷ hoặc chứng yêu bản thân thái quá) là bệnh lý tâm thần hiếm gặp. Người bệnh chỉ quan tâm đến bản thân, tầm quan trọng của mình bị thổi phồng lên, muốn người khác ngưỡng mộ và tôn trọng mình nhưng lại thiếu đồng cảm với người khác. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời. 

  • Chữa lành vết thương tâm lý cũng quan trọng như vết thương trên thân thể vậy. Đừng coi thường bất kỳ vết thương nào, vết thương tâm lý cũng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng.

  • Nhạy cảm là hoàn toàn bình thường, nhưng nhạy cảm quá mức lại trở nên có hại. Quá nhạy cảm có thể làm bạn tin rằng những điều bạn tưởng tượng hoặc những hành động không cố ý là đúng. Giải nghĩa sai những tương tác xảy ra hàng ngày có thể ngăn bạn có một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh.  Kiểm soát sự nhạy cảm với những kiến thức cơ bản, sự tự tin và khả năng tự phục hồi sẽ giúp bạn không phản ứng thái quá với những sự kiện hàng ngày trong cuộc sống.

  • Đặc điểm chính của rối loạn nhân cách ái kỷ là những xu hướng ảo tưởng qua suy nghĩ hay qua hành động, sự cần thiết được người khác ngưỡng mộ và không có khả năng thấu cảm với người khác. Những người này thường phóng đại tầm quan trọng của họ đối với người khác. Họ tin rằng họ có những kỹ năng đặc biệt, có một không hai mà chỉ có những người có vị trí cao trong xã hội mới hiểu được. Bản thân họ chỉ quan tâm và chú ý đến khả năng và những gì họ đạt được. 

  • Hầu hết người phụ nữ thường phàn nàn về vấn đề giảm hoặc thiếu hụt ham muốn và cực khoái trong chuyện “phòng the”. Ấy vậy, lại có một trường hợp hoàn toàn ngược lại, đó là trường hợp của chứng “Rối loạn liên tục kích thích bộ phận sinh dục” (Persistent Genital Arousal Disorder - PGAD) một rối loạn khiến cho người mắc phải luôn có cảm giác hưng phấn, mặc dù không hề có bất kì suy nghĩ gì về tình dục.

  • Dựa trên các dấu hiệu nhận biết và mức độ nguy cơ về hành vi tự sát, chúng ta sẽ có các cách phòng ngừa khác nhau.