Bệnh Tự kỷ ở trẻ em

Tự kỷ là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có khởi phát sớm từ khi trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài. Biểu hiện chung của tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Bên cạnh đó trẻ thường có rối loạn cảm giác, nhiều trẻ có kèm theo tăng động và chậm trí tuệ.

Tự kỷ là gì?

Tự kỷ là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có khởi phát sớm từ khi trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài. Biểu hiện chung của tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Bên cạnh đó trẻ thường có rối loạn cảm giác, nhiều trẻ có kèm theo tăng động và chậm trí tuệ.
Tỉ lệ chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên với tần xuất gặp 1 trên 100 trẻ, trong đó tự kỷ điển hình chiếm 16,8% .Trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái từ 4 đến 6 lần.
Tự kỷ được cho là bệnh lý của não do rối loạn sinh học thần kinh. Nhưng nếu gia đình ít giành thời gian dạy trẻ, cho trẻ xem tivi quá nhiều và ít cho trẻ được tiếp xúc chơi với những trẻ khác sẽ làm mức độ tự kỷ nặng lên.

chứng tự kỷ
Ảnh: Clipartmountain

Phân loại hội chứng tự kỷ

Tự kỷ là một hội chứng gồm nhiều các triệu chứng kết hợp lại với nhau.

  • Tự kỷ điển hình: trẻ có nhiều các dấu hiệu trong 3 lĩnh vực về kém tương tác xã hội, giảm giao tiếp và hành vi bất thường.
  • Tự kỷ nhẹ, tự kỷ không điển hình: trẻ chỉ có một số dấu hiệu thuộc 1 hoặc 2 trong 3 lĩnh vực kể trên.
  • Tự kỷ chức năng cao, hội chứng Asperger: trẻ nói được, có trí tuệ hoặc có một số khả năng đặc biệt nhưng có những dấu hiệu bất thường về tương tác xã hội.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tự kỷ

1. Thiếu hụt những kỹ năng tương tác xã hội

chứng tự kỷ
  • Trẻ ít giao tiếp bằng mắt, gọi tên trẻ ít quay đầu đáp ứng;
  • Muốn thứ gì trẻ không chịu chỉ tay mà kéo tay người khác;
  • Có ít cử chỉ giao tiếp;
  • Trẻ thường chỉ chơi một mình mà không biết hợp tác và không biết chia sẻ với bạn, thấy thích đồ chơi gì thì cho đó là của mình nên giằng giật lấy;
  • Luôn chỉ làm theo ý thích riêng mà không cần biết đến người khác;
  • Không biết khoe những thứ trẻ thích với người thân;
  • Chỉ gắn bó với một vài người thân hoặc với một giáo viên mà trẻ thích, không để ý đến thái độ và tình cảm của người khác...
  • Trẻ thường quan tâm tới đồ vật nhiều hơn là để ý tới mọi người.

2. Bất thường về giao tiếp và ngôn ngữ

chứng tự kỷ
Ảnh: Internet
  • Trẻ chậm nói, hoặc đã nói được nhưng sau lại không nói;
  • Rất hay phát ra những âm vô nghĩa;
  • Dạy trẻ không nói theo;
  • Một số trẻ đã nói được lại thường nhại lời người khác, nhại quảng cáo, chỉ nói khi có nhu cầu thiết yếu như đòi ăn, đòi đi chơi…
  • Ngôn ngữ thụ động bảo mới nói theo, không biết đặt câu hỏi, hay hỏi một câu nhiều lần, dùng sai đại từ sai ngữ pháp...
  • Không biết đối đáp hội thoại, không biết kể chuyện những gì đã chứng kiến;
  • Giọng nói khác thường như nói lơ lớ không tròn rõ, thiếu diễn cảm, nói nhanh, nói ríu lời, nói rất to...
  • Trẻ không biết chơi giả vờ tưởng tượng mang tính xã hội (ví dụ như chơi dạy học, khám bệnh, bán hàng, trận giả...), không biết luật của trò chơi.

3. Những bất thường về hành vi, thói quen và ý thích thu hẹp

 

chứng tự kỷ
Ảnh: Internet
  • Hành vi định hình: đi kiễng gót, đi giậm mạnh chân, xoay tròn người, ngắm nhìn tay, cử động vặn các ngón tay, nhìn ngiêng, lắc lư người, nhảy chân sáo, chạy vòng quanh…
  • Những thói quen rập khuôn theo một kiểu lặp lại: đi về theo đúng một đường, ngồi đúng một chỗ, nằm đúng một vị trí, thích mặc đúng bộ quần áo đó, luôn làm một việc theo một trình tự...
  • Ý thích thu hẹp, cách chơi đơn điệu kéo dài: đập, gõ, ném, bóc nhãn mác, quay bánh xe, ngắm nhìn và đẩy đi đẩy lại ô tô, nhìn quạt quay...
  • Cuốn hút nhiều giờ xem ti vi quảng cáo, băng hình, điện thoại, quay bánh xe…
  • Tay luôn cầm theo một thứ không thông dụng như bút, que, tăm, giấy, chai lọ, đồ chơi có mầu ưa thích hoặc có độ cứng mềm khác nhau…
  • Nhiều trẻ ăn vạ khóc lăn ra nếu không vừa ý do trẻ không biết nói và do thiếu kiềm chế. Có khoảng trên 70% trẻ tự kỷ có biểu hiện tăng động, không phản ứng với nguy hiểm.

4. Rối loạn cảm giác

  • Cảm giác quá nhạy cảm như: sợ khi nghe tiếng động to nên khóc thét hoặc bịt tai, che mắt hoặc chui vào góc do sợ ánh sáng, sợ một số mùi vị, thính tai với âm thanh quảng cáo, sợ cắt tóc, sợ gội đầu, không thích ai sờ vào người, đi kiễng gót, ăn không nhai, rất kén ăn…
  • Ngược lại có những trẻ kém nhạy cảm như: thích sờ đồ vật, thích được ôm giữ thật chặt, giảm cảm giác đau, quay tròn người, gõ hoặc ném các thứ tạo ra tiếng động, nhìn vật chuyển động hoặc phát sáng…

5. Trí tuệ

  • Có khoảng 60 - 70% trẻ tự kỷ có chậm phát triển trí tuệ kèm theo;
  • Một số trẻ lại có khả năng đặc biệt như bắt chước làm theo đúng những gì trẻ nhìn thấy bố mẹ làm, trí nhớ thị giác rất cao (nhớ số điện thoại, nhớ các loại xe ô tô, nhớ vị trí đồ vật hoặc nơi chốn...), bấm trò chơi trên máy rất giỏi, thuộc lòng nhiều bài hát, đọc số hoặc chữ rất sớm, làm toán cộng nhẩm nhanh… nên dễ nhầm tưởng là trẻ quá thông minh.

6. Có 5 dấu hiệu sớm cảnh báo nguy cơ của tự kỷ

  • Khi 12 tháng trẻ không nói bập bẹ;
  • Khi 12 tháng trẻ vẫn chưa biết chỉ ngón tay hoặc không có những cử chỉ điệu bộ giao tiếp phù hợp;
  • 16 tháng chưa nói từ đơn;
  • Khi 24 tháng chưa nói được câu 2 từ hoặc nói chưa rõ;
  • Trẻ bị mất đi kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội đã có ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

khi trẻ xuất hiện các triệu chứng nêu trên, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video khám từ xa với bác sĩ chuyên khoa NhiTâm lýtrên hệ thống khám từ xa Wellcare để được tư vấn, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị.

Diễn biến của tự kỷ

Khi trẻ lớn lên thường đi học muộn, ít hòa nhập với bạn, khó khăn ngôn ngữ giao tiếp, không hiểu nghĩa bóng của từ ngữ, khó khăn về học tập nhất là những môn xã hội. Hành vi định hình hoặc ý thích thu hẹp có thể thay đổi từ thứ này sang thứ khác. Nhiều trẻ hung tính, tăng động, một số lại thu mình. Một số trẻ có lo âu, ám ảnh sợ hãi.

chứng tự kỷ
Ảnh: iancommunitu.org

Một số trẻ tự kỷ mức độ nhẹ - trung bình được can thiệp sớm có thể ra học hòa nhập được ở các trường phổ thông. Những trẻ có ngôn ngữ giao tiếp và có trí tuệ sau này lớn lên có thể sống tự lập, có việc làm phù hợp với năng lực, tuy nhiên vẫn thường sống khép kín.
Có khoảng 50% trẻ tự kỷ thể nặng điển hình có thể không nói được hoặc chỉ nói được rất ít ở tuổi trưởng thành. Nếu không được can thiệp trẻ tự kỷ lớn lên sống phụ thuộc vào gia đình, không hòa nhập thích nghi được với cuộc sống.

ThS.BS. Quách Thúy Minh

- 19-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • Nhân cách phụ thuộc: có thể có thể chất yếu đuối, già, hoặc bị khuyết tật, nhưng ngay cả khi họ không có khó khăn ở cơ thể, thì họ cũng có thể sở hữu một nhân cách như vậy, họ có một tâm trí khiến họ cảm thấy thiếu niềm tin vào chính mình khi giải quyết cá vấn đề và tìm kiếm sự phụ thuộc vào người khác để thỏa mãn nhưng nhu cầu thể chất và cảm xúc. Những người gọi là có rối nhiễu nhân cách kiểu phụ thuộc.

  • Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống. Nếu không được điều trị, ở người lớn bệnh sẽ gây mất khả năng làm việc, trẻ em thì bị tăng động hoặc mất tập trung, học tập kém. Khám trực tuyến với bác sĩ chuyên khoa Tâm lý - Thần kinh trên kênh Khám Từ Xa của Wellcare để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị rối loạn lo âu.

  • Hầu hết những stress đến từ nhà trường đều phát sinh từ ba lĩnh vực: những vấn đề về học tập, áp lực từ bạn bè, và mâu thuẫn với thầy, cô giáo. 

  • Nếu bạn có những biểu hiện trên, đừng tuyệt vọng. Bạn đã biết mình đang bị gì rồi, phải không? Anxiety không thể làm hại bạn hoặc gây ra bất cứ tổn thương lâu dài nào về sức khỏe hay thể chất. Chìa khóa của sự hồi phục nằm ở kiến thức và sự thấu hiểu tại sao bạn lại đang cảm thấy như vậy – cái gì khiến bạn tiếp tục ở trong vòng luẩn quẩn đó.

  • Thị dâm là một hội chứng lệch lạc tình dục, bao gồm khẩu dâm (thích đề cập, thích nói chuyện tình dục cho người khác nghe), thính dâm (thích nghe, rình mò, lén nghe người khác tán tỉnh nhau), ngoài ra còn có nhiều loại khác như ý dâm, ác dâm, khổ dâm... Người mắc chứng thị dâm là người chỉ cảm thấy thỏa mãn tình dục hoặc chỉ đạt được cực khoái khi nhìn thấy đối tượng đang khỏa thân, đang âu yếm hay làm tình... Những người này thích nhìn trộm và chỉ có thể đạt được kích thích tình dục qua hành vi nhìn trộm.

  • “Rối loạn dạng cơ thể” là một dạng bệnh được chẩn đoán là do nguyên nhân tâm lý. Nhưng hầu hết bệnh nhân cho rằng do thầy thuốc chưa đủ giỏi hoặc y học chưa đủ tiến bộ để tìm ra nguyên nhân cụ thể.