9 bài học giúp phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ

Hành vi xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây tổn thương về mặt thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của trẻ.

Các ông bố bà mẹ có con em bị xâm hại thường muốn chia sẻ trải nghiệm của mình để những phụ huynh khác có thể học hỏi từ đó và có thể phòng tránh cho con em mình không bị xâm hại.

Những ông bố bà mẹ này cảm thấy rất có lỗi – nhưng trong một thế giới mà việc phòng tránh xâm hại nhận được quá ít sự quan tâm và tài trợ, hầu hết các phụ huynh không được tạo cơ hội để học hỏi về nạn xâm hại tình dục, nhất là ở trẻ em. Vậy nên họ thường rất bàng hoàng và giận dữ khi nhận ra có quá nhiều trẻ em đang bị xâm hại tình dục trong khi có quá ít biện pháp phòng tránh.

Ảnh: Kristen Marie

Dưới đây là một số bài học dành cho các phụ huynh để phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ:

1. Nói về an ninh cơ thể (body safety) càng sớm càng tốt

Nhiều phụ huynh cho rằng việc học hỏi hoặc nói chuyện với trẻ nhỏ về xâm hại tình dục là không cần thiết hoặc quá đáng sợ, và cố gắng trì hoãn để họ không phải nghĩ về nó. Nhưng thực tế là có rất nhiều trẻ em bị xâm hại trước cả khi chúng đi học mẫu giáo.

Khi nào là phù hợp để bắt đầu nói về việc này? Trước khi bạn sinh con thì sao nhỉ? Hãy nói chuyện với bạn đời của mình về nó. Tìm hiểu những chính sách tập huấn và thủ tục phòng tránh xâm hại ở các nhà trẻ. Nói chuyện với gia đình bạn về nạn xâm hại để xem họ biết đến đâu và nghĩ gì về nó. Sẽ không ích lợi gì khi bạn cố gắng khuyến khích an ninh cơ thể khi đại gia đình của bạn thường ôm nhau không xin phép, sử dụng sai từ chỉ cơ quan sinh dục, hay làm như việc xâm hại là “không thể xảy ra được” trong phạm vi gia đình. Trẻ em sẽ được bảo vệ tối đa khi xung quanh chúng là những người lớn có hiểu biết, cảnh giác và sẵn sàng hành động.

Bạn sẽ thấy không có gì là đáng sợ hay quá sức nếu bạn bắt đầu sớm và từ từ dạy cho con em mình theo đúng độ tuổi của chúng.

2. Sử dụng đúng từ ngữ là rất quan trọng

Các cơ quan sinh dục là những bộ phận cơ thể duy nhất mà mọi người tránh dùng những từ ngữ chuẩn để nói về chúng. Điều này có thể gây bối rối, hay khiến những bộ phận đó trở nên buồn cười hoặc thú vị – tức là khi một người dùng một từ không chuẩn để chỉ bộ phận sinh dục của con em bạn, có thể con em bạn cũng sẽ nghĩ chúng rất hay ho. Và nếu con em bạn có bao giờ cần phải kể với bạn hay bất kì người nào khác rằng có kẻ đã đụng vào “bánh nướng” thay vì âm đạo của chúng, bạn và những người lớn khác có thể sẽ không nhận ra chúng đang nói về việc bị xâm hại.

3. Tránh xa người lạ không đồng nghĩa với việc phòng tránh xâm hại tình dục

Trừ phi chúng ta biết chắc ai đó đáng ngờ, chúng ta thường sẽ không muốn nghĩ đến hay nghi ngờ rằng con em mình có thể bị xâm hại tình dục bởi một người thân trong gia đình hay một người đáng tin cậy nào khác. Nhưng trên thực tế, chỉ có 5% các vụ xâm hại trẻ em có liên quan tới người lạ. Nhiều phụ huynh sẽ nói “nếu ai đó động vào chỗ kín của con thì họ là kẻ xấu”. Nhưng chúng ta cần nói trực tiếp với con em mình rằng không một ai – kể cả là chúng ta, anh chị em của chúng, bạn bè chúng, ông bà chúng, người trông trẻ, các thầy cô giáo, thậm chí bác sĩ của chúng cũng không được nhìn hay động vào vùng kín của chúng, hoặc để chúng thấy vùng kín của họ. Giải thích cho chúng những ngoại lệ (ví dụ: thay tã – tất nhiên là cho tới khi chúng đủ lớn, khi chúng đau, hoặc khi đi khám bác sĩ với sự giám sát của phụ huynh để đảm bảo rằng bác sĩ đang tôn trọng vùng kín của chúng).

Nên cảnh giác với nạn xâm hại tình dục giữa trẻ em với nhau. Phải đến 40% các vụ xâm hại gây ra bởi các anh chị em lớn tuổi và khoẻ mạnh hơn, hay bạn bè – và không chỉ là sự tò mò khi chơi trò bác sĩ, mà là sự lợi dụng và điều khiển trẻ với động cơ tình dục.

Khi chúng ta nhắc tới việc những người chạm vào cơ quan sinh dục của trẻ là “kẻ xấu”, trẻ có thể sẽ bị bối rối – hầu hết những kẻ xâm hại tình dục trẻ em là những người trẻ biết, tin tưởng và yêu quý. Chúng thiếu sự chuẩn bị và không ngờ được rằng người mình quen biết lại có thể hành động như thế, và điều này có thể khiến việc chúng tìm cách thoát ra và kể với người khác khó khăn hơn.

4. Tôi cứ tưởng xâm hại luôn luôn gây đau đớn

Các phụ huynh thường nói với con em mình rằng, “nếu ai đó làm con đau thì phải kể với bố mẹ”. Trẻ em thường tạo mối liên hệ giữa xâm hại và sự đau đớn. Nhưng xâm hại tình dục thường không gây đau. Trẻ em thường không được dạy rằng khi vùng kín của chúng được chạm vào thì có thể (và đúng là sẽ) gây khoái cảm. Vậy nên chúng có thể sẽ cảm thấy bối rối và xấu hổ. Nhưng điều tệ hại nhất là chúng có thể sẽ không nói cho ai biết vì chúng không nhận ra đó là xâm hại.

Hãy nói cho con em mình biết rằng việc động chạm vào vùng kín có thể sẽ gây khoái cảm, nhưng chỉ có bản thân chúng mới được chạm vào vùng kín của mình và chỉ khi không có ai khác nhìn – trong phòng tắm hoặc trên giường một mình chẳng hạn. Đừng để sự thiếu hiểu biết chống lại con em mình.

Anja Deckers

Xâm hại tình dục ở trẻ. (Ảnh: Anja Deckers)

5. Tôi chỉ bảo con mình phải hét lên và mách với người lớn thôi

Rất nhiều chương trình khuyến khích trẻ em phải hét lên và nói với người khác khi bị xâm hại. Sẽ rất tốt nếu mọi trẻ em đều có thể hét lên khi có sự việc bất thường nào đó xảy ra – nhưng chúng ta cũng đang sống trong một xã hội dạy trẻ em không được hét lớn và phải tôn trọng người lớn tuổi hơn. Phần lớn trẻ em sẽ không hét vào mặt ông bà, thầy cô, huấn luyện viên… của mình. Hãy cho con em mình quyền được la lớn, nhưng cùng lúc đó cũng hãy cho chúng lựa chọn thoát ra một cách im ắng, ví dụ như lấy cớ đi vệ sinh, hay bị ốm. Dạy chúng biết rằng làm thế nào để thoát ra không quan trọng bằng việc chúng có thể làm vậy, và cũng không sao nếu chúng không thể chạy thoát được.

Trẻ em không nên phải thấy tội lỗi vì đã quá sợ hãi để có thể chạy trốn khỏi kẻ xâm hại chúng. Nhiều người lớn khi bị xâm hại cũng như vậy – họ quá sợ hãi và sốc khi một kẻ họ cho rằng có thể tin tưởng được lại trở thành kẻ xâm hại họ.

Để con em bạn biết rằng việc phòng tránh hay chống lại xâm hại tình dục không phải việc của chúng – việc của chúng chỉ đơn thuần là KỂ LẠI. Dù chúng có bị xâm hại một hay nhiều lần, chúng chỉ cần phải kể thôi, và việc bị xâm hại không phải lỗi của chúng.

6. Tôi không biết phải dựa vào những dấu hiệu nào. Tôi đã không nghĩ việc này có thể xảy ra với con tôi

Rất nhiều chương trình giáo dục trong quá khứ khuyến khích việc dạy trẻ về an ninh cơ thể và đặt trách nhiệm tự bảo vệ bản thân và kể với người khác lên trẻ. Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều thông tin về việc làm thế nào để các phụ huynh có thể nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo về những kẻ xâm hại và các triệu chứng khi trẻ em bị xâm hại. Điều quan trọng nhất là việc hạn chế trẻ em tương tác một mình với người khác lại là cách tốt nhất để bảo vệ chúng.

Dạy cho con em về an ninh cơ thể là cần thiết. Nhưng tự học hỏi và giáo dục tất cả những người lớn khác xung quanh trẻ cũng quan trọng không kém.

7. Tôi tưởng các chuyên gia đang làm hết sức để bảo vệ trẻ em

Nếu con em bạn đang đi học, đi nhà trẻ, hay đang tham gia một chương trình dành cho thanh thiếu niên nào đó, đừng nghĩ rằng họ nghiễm nhiên đã được huấn luyện hay có các thủ tục cần thiết để phòng tránh, phát hiện và tố cáo xâm hại tình dục. Hãy tìm hiểu trước về các khoá huấn luyện và thủ tục của họ để xem xét xem họ có thể bảo vệ con em của bạn hay không.

8. Tôi cứ nghĩ việc tố cáo sẽ giải quyết được vấn đề

Tố cáo xâm hại tình dục hoặc nghi ngờ xâm hại tình dục là việc nên làm, nhưng điều này không có nghĩa kẻ thủ ác sẽ bị kết án. Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác thường để lại rất ít hoặc không có bằng chứng cụ thể. Lời khai của đứa trẻ thường là bằng chứng duy nhất và, tuỳ theo độ tuổi của trẻ hoặc quyết định của phụ huynh hay công tố viên, đứa trẻ đó có thể sẽ không đứng ra làm chứng trước toà.

Hơn nữa, khi một ông bố hay bà mẹ tố cáo người còn lại đã xâm hại con em của họ, và kẻ thủ ác đã có quyền hoặc có thể tranh quyền nuôi con, các dịch vụ bảo vệ trẻ em và thẩm phán của toà án gia đình có thể sẽ nghi ngờ rằng đơn tố cáo được đưa ra với mục đích xấu và đứa trẻ có thể đã bị “huấn luyện” để nói rằng chúng bị xâm hại.

Những phụ huynh làm đơn tố cáo thường sẽ phá sản, mất quyền nuôi con và thậm chí đi tù vì đã không rút đơn tố cáo.

Mỗi vụ việc sẽ khác nhau, và không có câu trả lời đúng chung cho tất cả. Nhưng lời khuyên tốt nhất mà chúng tôi có thể đưa ra cho bạn là hãy đến gặp một tổ chức hỗ trợ tư nhân hay trung tâm chống xâm hại tình dục để tìm lời khuyên trước khi đâm đơn tố cáo, và tìm hiểu về nạn xâm hại tình dục trẻ em trong toà án gia đình tại nơi ở của bạn.

 9. Tôi đã nghĩ mọi người sẽ ủng hộ chúng tôi

Mọi người thường không muốn chấp nhận sự thật rằng những người được ưa thích và tôn trọng lại có thể đi xâm hại tình dục trẻ em. Chúng ta thường nghĩ mình có thể nhận biết và tránh xa những kẻ xâm hại, nhưng điều đó là không thể. Chúng ta cần chấp nhận rằng mình có thể bị tổn thương và chuẩn bị tinh thần rằng có thể người nào đó mà chúng ta tin tưởng sẽ phá vỡ lòng tin đó. Chúng ta không hề ngu ngốc khi cố gắng hết sức để bảo vệ con em mình sau khi bị xâm hại – kẻ thủ ác mới là người nên bị kết tội và lên án.

Rất nhiều nạn nhân bị xâm hại hoặc người thân yêu của họ đã chia sẻ nỗi đau đớn khi bị từ chối bởi chính những người thân không chịu tin lời họ hoặc nổi giận vì họ đã dám tố cáo vụ việc. Đây là điểm yếu của những người đó và họ sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ cái thực tế mà họ tưởng tượng ra. Nếu bạn chưa phải trải qua điều này thì bạn là người rất may mắn. Nhưng nếu bạn đã trải qua rồi thì hãy biết rằng bạn không hề đơn độc.

Nguồn tham khảohttp://themamabeareffect.org/blog/my-child-was-sexually-abused-what-i-wish-i-knew-before

Link bài gốc: https://beautifulmindvn.com/20...

*** Hành vi xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây tổn thương về mặt thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Gọi thoại - Gọi video khám ngay với bác sĩ trực tuyến chuyên khoa Tâm thần họcTâm lý trên kênh Khám Từ Xa của Wellcare để được tư vấn, chia sẻ về cách xử trí và phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em.

Biên dịch: Thu Trang

Theo Beautifulmindvn.com

- 17-10-2018 -

Bài viết liên quan

  • Chứng rối loạn tự kỉ (Asperger) là chứng rối loạn thần kinh mà có thể là một dạng rối loạn phổ tự kỷ. Trẻ em mắc hội chứng Asperger có những biểu hiện đặc trưng có thể gây ra những khiếm khuyết từ nhẹ đến nghiêm trọng. Hội chứng Asperger đôi khi được coi là tự kỷ chức năng cao và được đặt theo tên của một bác sỹ người Áo Hans Asperger. 

  • Chứng rối loạn cực khoái là một tình trạng xảy ra khi một người khó đạt cực khoái, ngay cả khi đang có kích thích tình dục. Khi xảy ra ở phụ nữ, bệnh được gọi là rối loạn cực khoái nữ. Tương tự, nam giới cũng có thể gặp rối loạn cực khoái nhưng ít phổ biến hơn.

  • Bắt nạt qua mạng là gì? Bắt nạt qua mạng là khi bất cứ một cá nhân nào bị đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm mất mặt/xấu hổ hoặc bị tra tấn tinh thần qua tin nhắn, mạng Internet, các trang mạng xã hội và qua các thiết bị điện tử.

  • Tài liệu thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần DSM IV đã xếp kleptomanie (ăn cắp từ góc độ rối loạn hành vi) là rối loạn kiểm soát xung năng. Đó là một rối loạn không phổ biến và thường thấy ở phụ nữ, để lại các hậu quả liên quan tới gia đình, công việc xã hội và cả pháp lý

  • Mặc dù những nguyên nhân chính xác của tự kỷ chúng ta vẫn chưa biết, tuy nhiên hiểu biết của chúng ta về những cơ chế có thể gây ra rối loạn này ngày càng rõ ràng hơn. Những tiến bộ này là bằng chứng giúp chúng ta xem xét lại quy kết trước đây người ta cho rằng tự kỷ là do cha mẹ lạnh lùng, không yêu thương.

  • Điều đầu tiên bạn cần biết rằng bạn không phải là người duy nhất bị rối loạn lo âu. Có khoảng 40 triệu người ở Mỹ và 3 - 4% dân số toàn thế giới (khoảng 250 triệu người) mắc rối loạn này. Hơn nữa, rối loạn lo âu hoàn toàn có thể chữa được. Trên thực tế, nó là một trong những chứng rối loạn tâm lý hay cảm xúc dễ chữa khỏi nhất. Khám trực tuyến với bác sĩ chuyên khoa Tâm lý - Thần kinh trên kênh Khám Từ Xa của Wellcare để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị rối loạn lo âu.