Sơ cứu Đau ngực

Đau ngực thường do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do những vấn đề nhỏ chẳng hạn như khó tiêu hoặc căng thẳng hay nghiêm trọng hơn là các vấn đề cần điều trị y tế khẩn cấp, ví dụ như đau tim hoặc thuyên tắc động mạch phổi. Nguyên nhân cụ thể gây đau ngực thường rất khó giải thích.
Thường khó để xác định nguyên nhân gây đau ngực, đặc biệt nếu bạn chưa từng có dấu hiệu nào trước đây. Ngay cả bác sĩ cũng có thể gặp khó khăn để quyết định xem liệu đau ngực có phải là dấu hiệu của cơn đau tim hay một tình trạng nào đó ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như khó tiêu.
Nếu bạn bị đau ngực kéo dài hơn vài phút mà không rõ nguyên nhân, tốt hơn là nên gọi cho bác sĩ thay vì tự chẩn đoán.
Cũng như những cơn đau đột ngột, không rõ nguyên nhân khác, đau ngực có thể là dấu hiệu cho bạn biết cần đến bệnh viện. Sử dụng các thông tin sau để giúp xác định xem liệu cơn đau của bạn có cần phải đến gặp bác sĩ hay không.

Đau tim

Đau tim xảy ra khi động mạch cung cấp oxy cho cơ tim bị tắc nghẽn. Đau tim có thể gây đau thắt ngực kéo dài 15 phút hoặc hơn, hay nó có thể diễn tiến âm thầm và không có biểu hiện gì.
Người bị đau tim thường có các dấu hiệu cảnh báo trước vài giờ, vài ngày hay vài tuần. Dấu hiệu cảnh báo sớm nhất có thể là những cơn đau ngực liên tục bắt đầu khi bạn hoạt động thể chất và ngay cả khi nghỉ ngơi.
Sơ cứu Đau ngực
(Ảnh minh họa)

Người bị đau tim có thể có hoặc không có một hay tất cả các triệu chứng sau:
  • Áp lực không thoải mái, đầy hơi hoặc đau thắt ở giữa ngực kéo dài hơn vài phút.
  • Đau lan ra vùng vai, cổ, hàm hoặc cánh tay.
  • Lâng lâng, ngất xỉu, đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc khó thở.

Nếu bạn hoặc một người nào đó có thể bị đau tim:

  • Gọi 115 hoặc gọi cho bác sĩ. Đừng chịu đựng các triệu chứng đau tim quá 5 phút. Nếu bạn không thể kết nối với dịch vụ y tế khẩn cấp, nhờ hàng xóm hoặc bạn bè đưa bạn đi. Đừng tự mình lái xe đến bệnh viện, trừ khi không có lựa chọn khác. Vì tự mình lái xe có thể gây nguy hiểm cho bạn cũng như người khác nếu tình trạng đột ngột diễn biến xấu.
  • Nhai một viên aspirin regular strength. Aspirin làm giảm đông máu, có thể giúp máu lưu thông dễ dàng qua động mạch bị hẹp gây ra cơn đau tim. Tuy nhiên không dùng aspirin nếu bạn dị ứng với nó, có vấn đề chảy máu hay đang dùng thuốc giảm loãng máu, hoặc nếu bác sĩ khuyên không nên dùng aspirin.
  • Dùng thuốc nitroglycerin, nếu được kê toa. Nếu bạn nghĩ mình đang bị đau tim và bác sĩ đã kê toa nitroglycerin trước đó, hãy trực tiếp uống nó. Không dùng thuốc nitroglycerin của người khác.
  • Nếu được hướng dẫn, tiến hành hồi sức tim phổi trên người bị đau tim. Nếu người đó bất tỉnh, các bác sĩ có thể khuyên bạn nên thực hiện hồi sức tim phổi (CPR). Nếu bạn chưa được hướng dẫn hồi sức tim phổi, bác sĩ đề nghị bỏ qua bước hà hơi thổi ngạt và chỉ cần ép ngực (khoảng 100 cái trên 1 phút). Điều phối viên có thể hướng dẫn bạn các bước thích hợp cho đến khi nhân viên y tế đến.
  • Nếu có sẵn máy khử rung tim bên ngoài tự động (AED) và người đó vẫn còn ý thức, bắt đầu hồi sức tim phổi trong khi máy được khôi phục lại và cài đặt. Gắn nối thiết bị và làm theo những hướng dẫn sẽ được cung cấp trong máy (AED) sau khi đã đánh giá tình trạng người bệnh.

Chứng đau thắt ngực

Chứng đau thắt ngực là cơn đau ngực hay tình trạng khó chịu do giảm lưu lượng máu đến cơ tim gây ra.Thông thường thuật ngữ 'đau thắt ngực' được sử dụng khi bạn đã được chẩn đoán bệnh tim liên quan đến xơ vữa động mạch. Đau thắt ngực có 2 dạng là ổn định hoặc không ổn định
  • Đau ngực ổn định - đau ngực kéo dài, tái phát nhiều lần thường xuất hiện do người bệnh hoạt động gắng sức và có thể dự đoán được .
  • Đau ngực không ổn định - cơn đau mới, xảy ra đột ngột, hoặc tăng về cường độ của những cơn đau ngực ổn định lúc trước. Đau ngực không ổn định có thể là dấu hiệu sớm của đau tim.
Đau thắt ngực tương đối phổ biến, nhưng khó có thể phân biệt với các loại đau ngực khác, chẳng hạn như đau hoặc khó chịu do khó tiêu.
Sơ cứu Đau ngực
(Ảnh minh họa)

Nếu bạn bị đau thắt ngực và có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào sau đây, thì tình trạng của bạn có thể nghiêm trọng, chẳng hạn như cơn đau tim:
  • Đau ở cánh tay, cổ, hàm, vai hoặc lưng kèm theo đau ngực
  • Buồn nôn
  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Lo lắng
  • Toát mồ hôi
  • Chóng mặt
Mức độ nghiêm trọng, thời gian và loại đau thắt ngực có thể khác nhau. Nếu bạn có cơn đau ngực mới hoặc khác lạ, những triệu chứng này có thể cảnh báo một dạng đau thắt ngực nguy hiểm hơn (đau thắt ngực không ổn định) hoặc đau tim. Nếu tình trạng đau thắt ngực diễn tiến xấu đi hoặc thay đổi, hãy lập tức đến bệnh viện.

Thuyên tắc động mạch phổi

Thuyên tắc phổi xảy ra khi các cục máu đông, thường là từ các tĩnh mạch của chân hoặc khung chậu di chuyển vào động mạch phổi. Các mô phổi phục vụ bởi động mạch không nhận đủ lượng máu, gây chết mô. Việc này khiến phổi cung cấp oxy cho các phần còn lại của cơ thể khó khăn hơn.
Dấu hiệu và triệu chứng thuyên tắc phổi có thể bao gồm:
  • Đau ngực đột ngột thường kèm theo khó thở.
  • Khó thở đột ngột, không rõ nguyên nhân thậm chí không gây đau.
  • Ho. Các cơn ho có thể có đờm lẫn máu.
  • Nhịp tim nhanh đi kèm với khó thở.
  • Ngất xỉu.
  • Lo lắng trầm trọng.
  • Đổ mồ hôi không rõ nguyên nhân.
Thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng. Nếu nghi ngờ bị đau tim, ngay lập tức gọi 115 hoặc số hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Bóc tách thành động mạch chủ

Bóc tách thành động mạch chủ là một tình trạng nghiêm trọng, xảy ra do rách lớp trong của động mạch chủ (mạch máu lớn xuất phát từ tim). Máu tràn qua lớp rách này chảy vào lớp giữa động mạch chủ, làm cho lớp trong và lớp giữa tách ra (phân chia). Nếu ống máu đầy làm thủng thành động mạch ngoài, thì thường dẫn đến tử vong.
Sơ cứu Đau ngực
(Hình minh họa)

Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình gồm:
  • Đau ngực đột ngột hoặc đau lưng trên, thường có cảm giác bị rách toạc ra, lan ra vùng cổ hoặc dọc vùng lưng.
  • Mất ý thức (ngất xỉu).
  • Khó thở.
  • Đột ngột khó nói, mất thị lực, suy nhược, hoặc tê liệt một bên cơ thể, chẳng hạn như bị đột quỵ.
  • Đổ mồ hôi.
  • Mạch 1 bên tay đập yếu hơn so với bên còn lại.
Nếu bạn có các dấu hiệu hay triệu chứng trên, chúng có thể là nguyên nhân gây tách thành động mạch chủ hay một tình trạng nghiêm trọng khác. Bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức.

Viêm phổi kèm sưng màng phổi

Viêm phổi thường có các dấu hiệu và triệu chứng như đau ngực kèm ớn lạnh, sốt và ho, ho có thể kèm máu hoặc đàm có mùi hôi. Khi viêm phổi kèm theo viêm màng bao quanh phổi (màng phổi), bạn có thể thấy khó chịu ở ngực khi thở hoặc ho. Tình trạng này được gọi là viêm màng phổi.
Một dấu hiệu của viêm màng phổi là cơn đau thường tạm thời nhẹ đi bằng cách nín thở hoặc gây áp lực lên vùng ngực bị đau. Dấu hiệu này không hẳn là dấu hiệu đau tim. Nếu gần đây bạn được chẩn đoán bị viêm phổi và bắt đầu có dấu hiệu viêm màng phổi, hãy gọi bác sĩ hoặc ngay lập tức đến bệnh viện để tìm ra nguyên nhân gây đau ngực. Viêm màng phổi đơn thuần không phải là trường hợp khẩn cấp về y tế, nhưng bạn không nên tự mình chẩn đoán.

Đau thành ngực

Một trong những loại đau ngực vô hại phổ biến nhất là đau thành ngực. Một trong các loại đau thành ngực là viêm sụn sườn. Nó gây đau và mềm bên trong và xung quanh sụn, nơi kết nối xương sườn với xương ngực (xương ức).
Sơ cứu Đau ngực
(Nguồn: Research Gate)

Ở viêm sụn sườn, ấn vào vài điểm dọc rìa xương ức thường dẫn đến sự nhạy cảm đáng kể ở những khu vực nhỏ. Nếu áp lực của một ngón tay gây những cơn đau ngực tương tự nhau, một tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như đau tim, có thể không phải là nguyên nhân gây đau ngực.
Các nguyên nhân khác gây đau ngực bao gồm:
  • Căng cơ ngực do lạm dụng hay ho nhiều
  • Cơ ngực bị bầm tím do chấn thương nhẹ
  • Lo lắng đột ngột kèm thở nhanh xảy ra trong một thời gian ngắn
  • Bệnh viêm loét dạ dày
  • Đau do đường tiêu hóa, ví dụ như trào ngược thực quản, đau loét dạ dày hoặc đau túi mật, có cảm giác tương tự các triệu chứng đau tim
  • Viêm màng ngoài tim


(Nguồn: Mayo Clinic)

- 28-05-2018 -