​Mẹ cần chuẩn bị gì để có thể duy trì sữa mẹ khi đi làm?

Mẹ cần chuẩn bị gì để có thể duy trì sữa mẹ khi đi làm? Dưới đây là một số điều mẹ cần chú ý: Tập bé bú bình. Quá trình tập bé bú bình cần kiên nhẫn, không được ép bé, không làm bé sợ... Chuẩn bị thiết kế lịch sinh hoạt gần giống với lịch đi làm và thực hiện trước đó khoảng 1 tháng...

sua me di lam

(Ảnh minh họa)

Dưới đây là một số điều mẹ cần chú ý:

1. Tập bé bú bình:

Thường sẽ mất 1 - 3 tháng. Quá trình tập cho bé bú bình cần kiên nhẫn, không được ép bé, không làm bé sợ, đừng để bé mỗi khi nhìn thấy bình là khóc ngất lên. Giới thiệu bé bú bằng bình vào mỗi cữ bú, bú được bao nhiêu thì bú. Theo thời gian, bé sẽ bú khá hơn. Nếu thất bại (do mẹ không đủ kiên nhẫn, tập bú bình trễ, hay mẹ áp dụng sai tinh thần từ đầu) chấp nhận đút thìa hay ly.

2. Chuẩn bị thiết kế lịch sinh hoạt gần giống với lịch đi làm và thực hiện trước đó khoảng 1 tháng

Nguyên tắc cần nhớ: nên làm trống ngực trung bình mỗi 4 tiếng khi đi làm, việc để sữa trong ngực quá lâu thường xuyên sẽ làm cơ thể hiểu là dư sữa. Lúc đó sữa sẽ càng ngày càng giảm.

3. Tập hút sữa

Nếu mẹ phải hút sữa khi đi làm thì mẹ cần thời gian để làm quen với máy.

Thời gian mẹ làm quen với một cái máy mới hoàn toàn: khoảng 1 - 2 tuần, nghĩa là mới tập hút mẹ chưa quen nên có khi không hút được nhiều như ý muốn, hoặc mẹ còn hơi căng thẳng, chưa được thoải mái. Sau khi đã quen lượng sữa hút được sẽ nhiều hơn.

Xem thêm bài: Kỹ thuật hút sữa bằng máy

4. Mẹ có thể kích cho sữa của mình hơi nhiều hơn một tí

Mẹ hút sữa sau mỗi lần cho con bú, để kích sữa.

Một ngày dư khoảng 150 - 200ml thì khi đi làm cho dù áp lực, căng thẳng có làm cho sữa mẹ sẽ có xu hướng giảm đi nhưng sẽ không ảnh hưởng tới lượng sữa cho bé.

5. Trước khi đi làm 1 - 2 tuần, cần áp dụng thử y chang lịch như khi đi làm

Mục đích: xem có vấn đề gi khó khăn hay không và cũng để xem trong khi mẹ không ở nhà, bé cần bao nhiêu sữa.

6. Cách để dành sữa cho bé bú

 Thường thì sữa hút ở cơ quan ngày hôm nay sẽ được dùng cho bé bú vào ngày hôm sau tại nhà trong khi mẹ đang đi làm.

7. Một số bé không chịu bú sữa rã đông

Lý do: Sữa sau khi vắt để đông rồi rã đông sẽ có mùi xà phòng, do một số phản ứng xảy ra (không có hại cho bé).

Nếu bé vẫn chịu bú thì mẹ cứ cho bú sữa rã đông khi cần thiết.

Nếu bé không chịu bú, mẹ có thể thực hiện như sau:

  • Khi sớt sữa vào bình chuẩn bị cho bé bú, hãy trộn lẫn sữa rã đông với sữa chưa cấp đông theo tỉ lệ 1:1 để bớt mùi (có thể cho tỉ lệ sữa tươi của mẹ chưa cấp đông nhiều hơn nếu bé vẫn không hợp tác). Khi bé quen, mẹ có thể giảm bớt tỉ lệ sữa chưa cấp đông đi, từ từ tiến tới bú sữa rã đông hoàn toàn.
  • Nếu làm vậy mà bé vẫn không hợp tác, mẹ sẽ làm như sau: sau khi hút sữa ra, mẹ sẽ đun lửa nhỏ trên bếp. Khi sữa bắt đầu sủi tăm ở rìa thì tắt bếp để nguội rồi đem cấp đông như thường. Cách này giúp giảm mùi rõ rệt. Khi theo cách này, một số chất trong sữa cũng sẽ ảnh hưởng, nhưng vẫn tốt hơn so với việc dùng sữa công thức.

Khuyến khích cho bé bú sữa mẹ mà không cần đun như vậy.

Nếu mẹ dự kiến có dùng sữa rã đông thì nên thỉnh thoảng tập bé bú sữa rã đông. Đừng chủ quan là mình có sữa rã đông thì không cần lo gì.

Muốn đi đường dài, mẹ cần tính toán duy trì hút sữa khi đi làm để sữa không bị giảm.

Xem thêm: 

>>> Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ sau khi vắt khoa học

BS Lê Ngọc Anh Thy

Chuyên viên tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan