Wellcare hướng dẫn đọc & hiểu biểu đồ tăng trưởng của bé

Mỗi lần khám sức khỏe, bé sẽ được cân và đo. Các chỉ số này sẽ được nhập vào hệ thống để ứng dụng vẽ biểu đồ tăng trưởng, nhằm giúp các bác sĩ theo dõi sự phát triển của trẻ theo thời gian. Mặc dù bác sĩ nhi khoa có thể nhận thấy có sự tăng hoặc giảm trên bách phân vị của trẻ trong một khoảng thời gian ngắn, cha mẹ không nên lo lắng, trẻ vẫn có thể hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường ngay cả khi có bách phân vị rất xa đường trung bình.

Thực ra cha mẹ không nhất thiết cần phải xem biểu đồ mới biết con mình đang khôn lớn mạnh khỏe dường nào. Biểu đồ tăng trưởng chủ yếu là dạng tài liệu tham khảo để bác sĩ nhi theo dõi cho con mà thôi.

Mỗi lần khám sức khỏe, bé sẽ được cân và đo. Các chỉ số này sẽ được nhập vào hệ thống để ứng dụng vẽ biểu đồ tăng trưởng, nhằm giúp các bác sĩ theo dõi sự phát triển của trẻ theo thời gian. Mặc dù bác sĩ nhi khoa có thể nhận thấy có sự tăng hoặc giảm trên bách phân vị của trẻ trong một khoảng thời gian ngắn, cha mẹ không nên lo lắng, trẻ vẫn có thể hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường ngay cả khi có bách phân vị rất xa đường trung bình.

Biểu đồ tăng trưởng đánh giá các chỉ số nào?

Biểu đồ tăng trưởng của trẻ sơ sinh đo lường:

  • Cân nặng
  • Chu vi vòng đầu
  • Chiều cao, còn gọi là chiều dài khi nằm thẳng

Bác sĩ nhi khoa sẽ xem và theo dõi biểu đồ tăng trưởng, kênh tăng trưởng của bé - đó là các đường cong tăng trưởng cần được theo dõi theo dòng thời gian.

Trên biểu đồ tăng trưởng, "Bách phân vị" có nghĩa là gì ?

Các bách phân vị là các đường trên biểu đồ chiều cao, cân nặng và chu vi vòng đầu. Bách phân vị được nghiên cứu và đưa ra áp dụng bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dựa trên khảo sát 19.000 trẻ em bú mẹ (ở năm thành phố khác nhau ở năm quốc gia, những trẻ lớn lên trong điều kiện tối ưu). Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đều khuyến nghị các bác sĩ nhi sử dụng biểu đồ của WHO cho trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi, và tiếp tục sử dụng bộ biểu đồ thứ hai do CDC xây dựng cho trẻ từ 2 đến 20 tuổi. Cả hai bộ biểu đồ đều khác nhau đối với trẻ em trai và trẻ em gái, vì nam giới có xu hướng to lớn hơn và phát triển nhanh hơn.

Sau khi cân đo, bác sĩ sẽ nhập số liệu lên hệ thống để ứng dụng vẽ biểu đồ, và chỉ ra bách phân vị của bé trên biểu đồ. Ví dụ: nếu một bé gái ở bách phân vị thứ 75 về cân nặng, nghĩa là bé nặng hơn 75 phần trăm các bé gái khác cùng tuổi.

Để có một cái nhìn toàn cảnh về sự tăng trưởng, bác sĩ cũng sẽ xem xét mối liên hệ giữa cân nặng và chiều cao. Nếu chiều cao là phân vị thứ 85 nhưng cân nặng là phân vị thứ 15, thì con bạn có thể trạng cao và gầy.

Thế nào được coi là một bách phân vị "bình thường" và khi nào thì nên lo lắng?

Đừng lo lắng nếu bé cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình - một em ở bất kỳ chiều cao nào cũng có thể là một em bé hoàn toàn khỏe mạnh, cho dù là bách phân vị thứ 90 hay thứ 10. Bác sĩ sẽ xem xét rất nhiều yếu tố khác nữa để xác định bé đang phát triển bình thường hay không, bao gồm:

  • Tốc độ phát triển theo thời gian
  • Kết quả khám thể chất
  • Bé có đạt được các mốc phát triển thần kinh và vận động hay không
  • Bé có giấc ngủ và ăn uống bình thường hay không (so với chính bé, phù hợp với nhu cầu của chính bé)
  • Bé có đang hạnh phúc và giao tiếp tốt với cha mẹ hay không
  • Bé nhảy vọt, hoặc rớt khỏi kênh tăng trưởng của chính bé hay không

Nếu bác sĩ lo ngại sau khi xem xét các yếu tố trên, bác sĩ sẽ nói cho cha mẹ biết.

Bách phân vị trên biểu đồ tăng trưởng càng cao thì càng tốt?

Bách phân vị trên biểu đồ tăng trưởng cao, không đồng nghĩa với tốt hay xấu. Thể trạng của bé chủ yếu phụ thuộc vào di truyền - có nghĩa là nếu bạn và / hoặc chồng (vợ) của bạn cao hoặc có khung xương to hoặc kích thước vòng đầu lớn hơn mức trung bình, thì bé cũng sẽ có nhiều khả năng giống mẹ (cha) của mình.

Nên làm gì nếu chỉ số cơ thể bé thay đổi đột ngột?

Sau khi được phân tính và đánh giá cùng với các yếu tố khác, thì việc đôi khi một em bé đột ngột nhảy sang bách phân vị cao hơn (hoặc thấp hơn) có thể gợi ý một vài vấn đề. Các bác sĩ nhi sẽ biết cần phải hỏi cha mẹ thêm một số thông tin để tìm lời giải đáp.
Tuy nhiên, hầu hết những sự thay đổi kênh tăng trưởng đột ngột này chỉ là bắt nguồn từ kỹ thuật đo sai (hoặc thay đổi cách đo). Hoặc do trẻ đã vặn vẹo người trong khi đo, vì điều đó rất dễ ảnh hưởng lên kết quả.

Ngoài ra, sự biến động trong tốc độ tăng trưởng thông thường chỉ đơn giản là bởi trẻ sơ sinh lúc chào đời có kích thước lớn hơn kênh của chính trẻ hoặc bởi trẻ đã lớn quá nhanh trong những tháng đầu đời, nên đang điều chỉnh chậm lại khi đã gần tiến đến kích thước đã được xác định trước theo di truyền của mình.

Tìm hiểu biểu đồ tăng trưởng cân nặng

Trẻ em tăng cân nhanh nhất trong giai đoạn sơ sinh. Hầu hết trẻ sơ sinh tăng gấp đôi trọng lượng lúc chào đời trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng, và tăng gấp ba khi được 1 tuổi. Mọi thứ bắt đầu chậm lại từ 1 đến 2 tuổi. Trẻ sơ sinh có xu hướng chỉ tăng khoảng 450 gram trong thời gian này, vì chúng hoạt động nhiều hơn và không ăn thường xuyên. Và sẽ tiếp tục tăng cân với tốc độ này trong khoảng thời gian từ 2 đến 5 tuổi.

  • Nếu bé cân nặng ở bách phân vị cao: Có thể em bé đã tăng cân rất nhanh kể từ khi ra đời - hoặc mẹ hoặc ba (hoặc cả ba và mẹ) cũng có tạng người to. Tuy nhiên, cũng không có gì đáng lo ngại. Bác sĩ nhi khoa của bé sẽ tìm kiếm các dấu hiệu bất thường trong quá trình khám. Nếu không xác định được vấn đề nào, thì bác sĩ sẽ tiếp tục chú ý đến cân nặng của bé trong những lần khám sau.
  • Nếu bé vẫn tiếp tục tăng cân nhanh chóng sau vài lần khám sau nữa: Tất nhiên chúng ta không muốn bắt trẻ ăn kiêng (trẻ cần calo và chất béo), nên bác sĩ sẽ cố gắng xác định xem chế độ ăn của bé có vấn đề nào không. Mục tiêu không phải để giảm cân của bé, mà chỉ là để bé không tăng cân quá nhiều. Bác sĩ sẽ thảo luận về lượng và tần suất bú của bé, đồng thời tìm giải pháp ngăn ngừa việc cho bé ăn quá nhiều.
  • Nếu bé sụt cân “nhiều” kể từ lần khám trước: Bác sĩ sẽ hỏi về chế độ ăn uống của trẻ (trẻ ăn gì và bao nhiêu), liệu trẻ có vấn đề sức khỏe nào khác không (như nôn ói hoặc tiêu chảy mãn tính), và đồng thời cũng sẽ kiểm tra thể chất con. Nếu phát hiện nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ cách giải quyết vấn đề.

Tìm hiểu biểu đồ chu vi vòng đầu

Bác sĩ nhi muốn đảm bảo rằng não của bé đang phát triển bình thường, nên chu vi vòng đầu là một yếu tố quan trọng để xác định điều đó. Các bác sĩ nhi thường chỉ đo chu vi vòng đầu ở trẻ em dưới 2 tuổi, vì đầu không phát triển nhiều sau khi thóp (điểm mềm) đóng lại vào khoảng 18 tháng. Nên nhớ, kích thước đầu chủ yếu là do di truyền - vì vậy nếu ba hoặc mẹ của bé có đầu nhỏ, bé cũng có thể có đầu nhỏ, và ngược lại.

Để đo chu vi vòng đầu của bé, y tá vòng một sợi thước dây mềm quanh phần nhô ra nhất của trán bé, ngay trên tai và vòng qua điểm giữa ở phía sau đầu. Hầu hết các em bé không thích hành động này (đặc biệt là khi biết sợ người lạ lúc khoảng 9 tháng tuổi) và thường sẽ bật khóc để cho mẹ biết điều đó. Nhưng các cô làm nhanh thôi và sẽ không đau một chút nào.

  • Nếu vòng đầu của bé lớn hơn hoặc nhỏ hơn đáng kể so với lần khám trước, bác sĩ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của sự chậm phát triển hoặc bệnh lý trong quá trình khám. Nếu mọi thứ đều bình thường, bác sĩ nhi có thể sẽ không làm gì vội mà chỉ tiếp tục theo dõi ở cuộc khám tiếp theo. Tuy nhiên, nếu bách phân vị ở lần khám tiếp theo vẫn bất thường, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra xác định thêm về các trường hợp (hiếm gặp) sau:
    • Nếu đầu của bé có kích thước rất lớn: Bác sĩ nhi có thể yêu cầu chụp CT hoặc siêu âm để kiểm tra não úng thủy (chất lỏng dư thừa bao quanh não).
    • Nếu đầu của bé nhỏ hoặc không phát triển: Bác sĩ có thể lo lắng về việc không thể phát triển (nếu trẻ không hấp thụ đủ calo hoặc không thể tiêu hao calo và kết quả là không phát triển bình thường). Nhưng nhiều khả năng bác sĩ nhi sẽ nhận thấy sự sụt giảm về cân nặng và chiều cao trên biểu đồ tăng trưởng của con bạn trước khi nhận thấy sự sụt giảm bách phân vị của vòng đầu.Trong một số trường hợp hiếm hoi, kích thước đầu nhỏ hoặc không phát triển có thể báo hiệu dị tật não - mặc dù một lần nữa, xin nhắc lại là trường hợp đó khá hiếm gặp.

Tìm hiểu biểu đồ chiều cao

Trẻ sơ sinh phát triển nhanh nhất trong năm đầu tiên - tăng trung bình 25 cm. Chiều dài tăng chậm lại sau 1 tuổi, và từ 2 tuổi cho đến tuổi vị thành niên trẻ tăng khoảng 6cm mỗi năm.

Y tá sẽ đặt bé nằm xuống bàn khám và nhẹ nhàng duỗi chân bé ra để đo chiều dài của bé từ đỉnh đầu đến gót chân. Bởi vì bé có thể không thoải mái hoặc co chân lại trong quá trình đo, nên chiều dài là khó đo nhất.

  • Nếu bé đều tăng chiều cao ở mỗi đợt khám và cân nặng cũng ở mức hợp lý: Bé đang hấp thụ đủ lượng calo và đang phát triển hoàn toàn bình thường.
  • Nếu bé rất dài người và đồng thời đang tăng cân nhanh chóng: Có khả năng bé bú quá nhiều mỗi lần và / hoặc quá nhiều lần. Bác sĩ sẽ thảo luận với mẹ về thói quen ăn uống của bé và nếu cần thiết, sẽ tư vấn cho mẹ cách tránh cho trẻ bú quá nhiều (ví dụ: bằng cách học cách đọc các dấu hiệu đói của trẻ và không cho trẻ ngậm vú mẹ như ngậm núm vú giả để ngủ).
  • Nếu lần nào khám bé cũng tăng cân ít: Có thể do mẹ hoặc ba bé (hoặc cả hai) đều nhỏ con, bách phân vị trên biểu đồ chiều cao của bé vì thế cũng ở dưới thấp.
  • Nếu bé không tăng chiều cao hoặc cân nặng (hoặc tăng rất chậm): Bé có thể có bệnh lý chậm phát triển, do không nhận đủ calo hoặc cơ thể bé không thể sử dụng lượng calo cần thiết để tăng trưởng. Việc không phát triển có thể còn có nhiều nguyên nhân khác nữa, vì vậy nếu bác sĩ nghi ngờ điều gì, họ sẽ xác định nguyên nhân trước khi tiến hành điều trị.

Các bước đặt Khám từ xa

  • Bước 1 đăng ký khám: Chọn bác sĩ và thời gian khám: https://khamtuxa.vn/bac-si/kho...
  • Bước 2 thanh toán phí: Wellcare hỗ trợ các hình thức thanh toán trực tuyến và tiền mặt tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Sau khi thanh toán hoàn tất, bạn sẽ nhận được xác nhận qua tin nhắn kèm hồ sơ bệnh án điện tử của bé.
  • Bước 3 bổ sung bệnh án: Bác sĩ hoặc trợ lý y khoa của Wellcare sẽ hướng dẫn bạn bổ sung thêm các thông tin, hình ảnh, video… cần thiết.
  • Bước 4 khám đúng giờ: đến giờ hẹn, bạn gọi thoại hoặc gọi video với bác sĩ.

Cần hướng dẫn thêm, vui lòng liên hệ zalo: https://zalo.me/wellcare để được hỗ trợ.

- Biên soạn bởi Wellcare, cập nhật lần cuối 26/10/2021 -

- 27-10-2021 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018

    "Ăn gì nhiều sữa" là câu hỏi của hầu hết các mẹ khi bắt đầu cho con bú. Tuy nhiên, cơ chế tạo sữa là sữa sẽ sản xuất theo nhu cầu, cho nên ăn uống chỉ đóng vài trò thứ yếu. Để có nhiều sữa, mẹ cần cho con bú thật nhiều theo nhu cầu của con, mẹ nào hút sữa thì phải hút nhiều lần trong ngày. Càng bú/hút thì càng nhiều sữa.

  • 28-05-2018

    Trẻ em bị sốt cao co giật thì gia tăng nguy cơ tái phát chứng sốt giật về sau cũng như là co giật mà không kèm sốt, điều này gợi ý vai trò trong viêc điều trị phòng ngừa bằng các thuốc chống có giật mạn tính. Tuy nhiên, với tính chất tự nhiên và lành tính của của sốt cao co giật, có những đồng thuận chung rằng các nguy cơ của thuốc thì vượt trội so với tiềm năng lợi ích của chúng ở hầu hết các bệnh nhân.

  • 28-05-2018
    Trẻ em bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phốt pho (là những chất cần thiết cho sự phát triển của xương). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ánh sáng