Trẻ bị nổi hạch nách sau khi tiêm ngừa lao

Việc chủng ngừa vắc-xin phòng lao cho trẻ em (vắc-xin BCG) là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, điều đáng lo là sau khi chích ngừa, một số trẻ bị nổi hạch phản ứng với vắc-xin phòng lao ở nách.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Trẻ bị nổi hạch ở nách sau tiêm phòng lao. (Ảnh minh họa)

Vào một ngày đẹp trời trong khi đang chơi đùa với con hay tắm cho con các bậc cha mẹ giật mình khi phát hiện một khối tròn tròn to to ngay nách trái bé. Và vội vàng đem con tới gặp bác sĩ. Có bác sĩ nói để theo dõi, có bác sĩ lại dùng kháng sinh, có bác sĩ lại bảo chọc kim hút, có bác sĩ lại bảo rạch ra dẫn lưu, thậm chí có bác sĩ còn bảo gây mê toàn thân để mổ... khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Vậy cần xử trí hạch phản ứng với tiêm ngừa lao như thế nào?

Làm sao để biết hạch ở nách là hạch phản ứng với vaccine ngừa lao hay do bệnh khác?

Hạch của nách của bé là phản ứng với tiêm ngừa lao khi:

  • Hạch ở nách cùng bên với bên chích lao (bên trái)
  • Xuất hiện trong vòng 2 tuần đến 6 tháng kể từ ngày chích lao
  • Tuổi đứa trẻ dưới 2 tuổi
  • Không có triệu chứng toàn thân, không sốt hay sụt kí
  • Không đau tấy trên bề mặt hạch
  • Thường gặp nhất là hạch ở nách tuy nhiên có thể gặp hạch cổ hoặc trên đòn.
  • Không phát hiện các dấu hiệu khác qua thăm khám, không nỏi hạch ở xa (ví dụ hạch bẹn) hoặc to gan, lách…
  • Hạch tròn, nhẵn, chắc, di động và không đau.

Diễn biến của hạch phản ứng với vaccine ngừa lao như thế nào?

Có 3 xu hướng chính. Đa số hạch tự biến mất, một số hóa mủ (sưng tấy đỏ, sờ bùng nhùng và số ít bị vôi hóa.

Xử lý hạch phản ứng với vaccine ngừa lao như thế nào?

- Nếu hạch không hóa mủ, chỉ cần theo dõi, hạch sẽ biến mất một cách tự nhiên trong vòng 4 - 6 tháng. Nếu hạch tồn tại dai dẳng trên 6 - 9 tháng không hết và kích thước lớn hơn 3cm thì cân nhắc phẫu thuật nạo hạch. Trong quá trình theo dõi nếu hạch hóa mủ thì xử trí như tình huống hóa mủ. Nếu xuất hiện các dấu hiệu toàn thân như sốt, sụt cân, hạch nổi vùng xa, gan lách to… cần đi khám ngay.

- Nếu hạch hóa mủ, có thể dùng kim chọc hút dịch mủ ra. Có thể chọc hút 2 lần nếu vẫn thất bại thì cân nhắc phẫu thuật.

Những điều không nên làm

- Kháng sinh: không có chỉ định các kháng sinh chống lao. Nếu bị bội nhiễm do tụ cầu hay liên cầu mới dùng kháng sinh.

- Không nên rạch dẫn lưu mủ thường quy vì có thể dẫn tới làm chậm lành vết thương, kéo dài thời gian chảy mủ và để lại sẹo xấu

- Phẫu thuật cắt bỏ hạch phải thật cân nhắc, sau khi thất bại với liệu pháp chọc hút mủ 2 lần thì cân nhắc phẫu thuật, vì những nguy cơ liên quan tới gây mê và biến chứng của phẫu thuật.

BS Trần Văn Công

Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan