Ti thụt - tui dẹt

Khi ti, bé ngậm mô ngực mẹ, không chỉ ngậm đầu ti, bé nào chỉ ngậm đầu ti thì khớp ngậm không đúng và bú không hiệu quả. Vậy trong hầu hết các trường hợp ti thụt/dẹt, nếu ngậm đủ mô ngực trong miệng thì bé vẫn bú tốt...

Khi ti, bé ngậm mô ngực mẹ, không chỉ ngậm đầu ti, bé nào chỉ ngậm đầu ti thì khớp ngậm không đúng và bú không hiệu quả. Vậy trong hầu hết các trường hợp ti thụt/dẹt, nếu ngậm đủ mô ngực trong miệng thì bé vẫn bú tốt.

Thế nào là ti thụt - ti dẹt thật sự?

 Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, có khi không xác định được chính xác thế nào là ti thụt hay dẹt.

Phương pháp xác định đầu ti thụt/dẹt

Mẹ dùng ngón trỏ và ngón cái, đặt phía sau chân ti khoảng 2,5cm (khoảng vùng rìa quầng đen) và nhẹ nhàng bóp xem đầu ti có trồi ra hay không. 

  • Nếu đầu ti trồi ra được thì đầu ti không thực sự dẹt/tụt, mẹ không cần can thiệp gì về mặt y khoa.
  • Nếu đầu ti lúc này ngang với mặt da, thi đó là ti dẹt.
  • Nếu đầu ti bị tụt vào thì mới thực sự là ti thụt.

Đầu ti này không trồi ra mà nằm ngang mặt da khi dùng tay bóp, đây là ti dẹt. (Ảnh minh họa)

Đầu ti này mới nhìn thì nghĩ là ti dẹt nhưng khi bóp tay đầu ti trồi ra, nên đầu ti này không thực sự dẹt. (Ảnh minh họa)

Hai người mẹ này đều gặp khó khăn ban đầu khi tập con ti, nhưng cuối cùng đều thành công, con bú mẹ trực tiếp hoàn toàn, trong đó có một bé hiện tại bú mẹ đã được 3 tuổi.

Phân loại ti thụt - ti dẹt

Ti dẹt/thụt một phần

Chỉ một phần ti hơi bị tụt vào trong, vẫn còn một phần trồi ra. Mẹ có thể kéo ti ra được, nhưng khi buông tay thì nó lại tụt vào.

Ti dẹt/thụt một bên ngực

Chỉ một bên ngực bị ti thụt hay dẹt, bên còn lại đầu ti bình thường. 

Các mức độ ti thụt

  • Nhẹ: bé vẫn có thể bú  để kéo đầu ti ra. Các bé sinh đủ tháng, lực nút mạnh sẽ không gặp khó khăn mấy. Riêng các bé sinh non hay các bé có lực hút yếu sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu, nếu kiên trì mẹ vẫn tập cho bé được.
  • Trung bình đến nặng: là khi bóp quầng vú mà ti vẫn còn tụt sâu ở bên trong quầng vú. Trường hợp này thường gây khó khăn cho các bé ngậm ti mẹ. Cần phải chú ý đến kỹ thuật cho bú để có khớp ngậm đúng và kết hợp với một số kỹ thuật y khoa hỗ trợ.

Cách khắc phục và nguyên tắc chung

1. Luôn ghi nhớ: Tư thế bú và cách ngậm ti đúng là mấu chốt quan trọng giúp các mẹ ti thụt/ti dẹt cho con bú thành công. 
Tích cực áp dụng da kề da, khi bé tự ngậm ti mẹ, bé sẽ dễ vào khớp ngậm đúng hơn.

2. Vào 1 - 2 ngày đầu tiên, sữa mẹ chưa về nhiều, lúc này ngực còn mềm, mẹ tranh thủ tập bé ti mẹ nhiều lần trong ngày, mỗi 2 - 3 giờ. Việc tập ti nhiều lần, giúp bé có nhiều cơ hội luyện tập, sẽ quen dần với cách ngậm ti bị thụt/dẹt. Khi đến ngày 3 - 5, sữa về nhiều, bé sẽ dễ thích nghi hơn. Giả sử ngực quá căng, mẹ nên vắt bớt sữa ra, giúp quầng vú mềm hơn, bé sẽ dễ ngậm ti hơn.

3. Quá trình tập bé ti mẹ thường sẽ căng thẳng. Nếu bé quấy, hãy dừng lại, nghỉ ngơi, giúp bé bình tĩnh bằng cách: bế bé đi vòng vòng, hay cho bé nút ngón tay mẹ một lúc (nhớ rửa tay sạch). Khi bé dịu lại, tiếp tục tập ti mẹ.

4. Nếu việc tập bé ti mẹ quá khó khăn, căng thẳng, mẹ và bé đều mệt, mẹ hãy vắt sữa ra và đút thìa/ly cho bé, tuyệt đối không dùng bình vì dùng bình vào giai đoạn này sẽ khiến bé dễ sai khớp ngậm, việc tập ti mẹ càng khó khăn hơn. Khi bé dịu lại, mình lại tập tiếp. Nếu vẫn không được, đút thìa/ly cho bé no, rồi cữ sau lại tập.

5. Ít khi cả hai ti đều thụt/dẹt, sẽ có một bên ti bé dễ bú hơn, mẹ có thể cho bé bú bên đó trước và tập dần cho bé bú bên còn lại. Thậm chí đến cuối cùng bé chỉ chịu bú một bên thì không vấn đề gì, chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ trong quá trình cho con bú, mẹ có thể độn bên còn lại để tự tin hơn khi đi ra ngoài. Một bên vẫn hoàn toàn đủ khả năng nuôi bé. Hãy tự tin vì nhiều mẹ trên thế giới cũng nuôi bé bằng một bên ngực. Sau khi cai sữa hai bên ngực sẽ lại bình thường. 

6. Trong trường hợp bé hoàn toàn không hợp tác, mẹ bắt buộc phải tạm thời vừa tập bé bú mẹ, vừa phải vắt/hút sữa, mẹ nên vắt/hút sữa ít nhắt 8 - 12 lần/1 ngày, nghĩa là sẽ vắt/hút sữa mỗi 2 - 3 giờ.

Một số phương pháp giúp đầu ti trồi ra hơn

Trước cữ bú của bé

Dùng dụng cụ hút sữa hay bơm tiêm tự tạo (sẽ nói ở phần sau), lợi dụng áp lực để rút bớt sữa làm mềm quầng vú và giúp đầu ti trồi ra nhiều hơn. (2)

Kích thích đầu ti: dùng ngón cái và ngón trỏ vân vê vùng đầu ti 1 - 2 phút, sau đó dùng miếng gạc ướt lạnh (có thể cho cục đá bên trong) áp lên vùng đầu ti, tuy nhiên không làm lâu, vì sẽ làm vùng quầng vú đầu ti bị tê cóng gây ức chế phản xạ xuống sữa.

Dùng dụng cụ tạo núm vú (sẽ nói ở phần sau) 30 - 60 phút trước khi cho bé bú.

Nếu mẹ có người hỗ trợ, có thể dùng bơm tiêm 1ml, bơm một ít sữa mẹ vào khóe miệng bé trong khi bé đang tập ti mẹ, giúp bé có thêm động lực để tập ti.

Khi bé bú

Trong lúc giữ bầu ngực: ngón cái ở trên, các ngón còn lại phìa dưới và nằm phía sau quầng vú. Các ngón tay đẩy ép nhẹ về phía thành ngực để giúp đầu ti trồi ra.

Một số dụng cụ hỗ trợ

Hiện tại, các chuyên gia trên thế giới vẫn tranh cãi về việc có nên kiểm tra và xử lý ngay tình trạng ti thụt/ti dẹt từ giai đoạn mẹ còn mai thai hay không vì sự thay đổi hóc môn trong thai kỳ sẽ giúp cho ti của mẹ trồi ra hơn một cách tự nhiên hơn. Mặc dù việc điều trị đầu ti thụt/dẹt vẫn còn được tranh cãi khá nhiều, nhưng một số cách dưới đây mẹ có thể tham khảo và áp dụng thử.

1. Dụng cụ tạo dáng núm vú

 

Đây là một trong số dụng cụ tạo dáng núm vú thường thấy tại Việt Nam. Cách gắn và đặt vào ngực như trong hình, lưu ý đầu ti nằm trung tâm của lỗ khi áp vào ngực, vùng nhiều lỗ nhỏ hướng lên trên để tạo thông thoáng cho ngực. Mẹ sẽ mặc áo ngực để giữ dụng cụ không rơi. Nên chọn áo ngực lớn hơn một số so với cỡ áo mẹ hay mặc. Dùng áo ngực như bình thường có thể khiến cho dụng cụ đè ép lên ngực quá nhiều gây khó chịu và dễ bị tắc tia, viêm vú. 

Sử dụng trước cữ bú của bé 30 - 60 phút.

Nếu dùng trong thời kỳ mang thai: dùng vào khoảng tuần thứ 32 trở đi, bắt đầu dùng từ 1 giờ/1 ngày tăng dần lên 8 giờ/1 ngày.

Một số mẹ sử dụng bị đau, khó chịu, nổi mẩn, rỉ sữa. (1)

Lưu ý: không phải mẹ nào dùng dụng cụ này cũng hiệu quả. Một số nghiên cứu cho thấy nó không có hiệu quả dù sử dụng trước khi sanh. (1,4) 

2. Kỹ thuật Hoffman

 

Ở chân ti, đặt hai ngón cái đối diện nhau, dùng lực vừa phải kéo căng vùng chân ti (hai ngón cái kéo căng ra xa nhau), đổi hướng xung quanh chân ti.

Dùng kỹ thuật này khoảng 5 lần/1 ngày giúp làm lỏng lẻo các mô liên kết ở chân ti, giúp đầu ti dễ trồi ra hơn.

Thực hiện trong thai kỳ cũng như sau sinh.

Lưu ý: không phải mẹ nào dùng phương pháp này cũng hiệu quả. Một số nghiên cứu không ủng hộ và thấy phương pháp này không hiệu quả. (1,3)

3. Dụng cụ tự tạo từ bơm tiêm kéo núm vú ra ngoài

Dụng cụ này tiện lợi, tự tạo dễ dàng, rẻ tiền.

Dùng ngay sau sinh, trước mỗi cữ bú của bé.

Đầu ti nhỏ - trung bình có thể dùng bơm tiêm 10ml, đầu ti to thì dùng bơm tiêm 20ml.

Hiện tại phương pháp này được cho thấy là có hiệu quả (2), dĩ nhiên không thể thành công ở tất cả các mẹ.

Cách thực hiện

Hình 1: bơm tiêm nhỏ là 10ml, lớn là 20ml, tùy kích thước đầu ti của mẹ

Hình 2: rút piston bên trong ra, dùng kéo cắt đầu có gắn kim

Hình 3: sau khi đã cắt xong

Hình 4: lắp piston vào đầu vừa cắt

Hình 5: đặt đầu còn lại vào quầng vú, rút ngược piston tạo áp lực cao nhất mà mẹ không thấy đau và giữ nguyên áp lực này từ 30 - 60 giây.

Dụng cụ làm sẵn giúp tạo hình dáng núm ti Philips Avent Niplette:

 Dụng cụ làm sẵn tạo núm ti Lasinoh Latch Assist:

4. Máy hút sữa

Có tác dụng như dụng cụ bơm tiêm tự tạo ở trên, dùng áp lực để kéo núm ti ra ngoài.

Khi hút sữa mẹ nhớ tạo phản xạ xuống sữa trước và trong khi hút. (Xem bài Phản xạ xuống sữa)

5. Trợ ti

Là phương án cuối cùng khi đã thử các cách mà bé vẫn không bú mẹ trực tiếp được.

Thuận lợi

  • Bé có thể bú trực tiếp từ ngực mẹ, không cần phải vắt/hút sữa, đỡ tốn sức, đỡ tốn thời gian
  • Đỡ tốn thời gian tập bé chuyển từ ti bình hay cách bú khác sang bú mẹ trực tiếp.

Lưu ý

Nếu dùng không đúng cách, trợ ti sẽ càng làm tình hình trầm trọng hơn, bé không nhận đủ lượng sữa. Vì vậy, khi sử dụng cần quan sát:

  • Kiểm tra xem có sữa đọng ờ đầu ti của trợ ti không (vì sợ bé bú không hiệu quả, cách lắp trợ ti sai, bé không nhận được sữa mẹ)?
  • Ngực có xẹp bớt sau khi bé bú?
  • Các dấu hiệu bú đủ ở bé có không?

Cách chọn trợ ti

 Cần phải phù hợp với cả bé và mẹ (5)

  • Phù hợp với bé: đầu trợ ti quá dài -> bé dễ nôn ọe, quá ngắn -> không kích thích tốt phản xạ nút. Để xác định chiều dài đầu ti phù hợp, mẹ dùng ngón tay cắt ngắn móng, cho bé nút ngón tay, phần móng ở dưới, phần mềm ngón tay áp sát nóc họng bé, đi sâu vào phần cao của nóc họng (nơi khẩu cái cứng và khẩu cái mềm giao nhau - nơi kích thích động tác nút). Khi thấy bé tự nút, dùng viết đánh dấu ngón tay nơi môi bé ngậm lại, sau đó đo chiều dài từ đầu ngón tay đến chỗ đánh dấu. Đây là chiều dài đầu ti cần khi chọn trợ ti.
  • Phù hợp với mẹ: kích thước của trợ ti phải phù hợp với đầu ti mẹ.
  • Nếu một trong hai yếu tố không thỏa, tốt nhất là không dùng trợ ti.
  • Vì vậy khi dùng trợ ti, mẹ cần có người hướng dẫn, nếu tìm được một tư vấn viên sữa mẹ chuyên nghiệp là tốt nhất.

Một số dụng cụ trợ ti quen thuộc như của Medela, Avent, Bebecomfort... Một số loại viền tròn đầy đủ, một số lại để hở, mục đích tăng cơ hội bé tiếp xúc với mẹ, mũi bé có thể thở ngửi thấy mùi của mẹ. 

 Khi bé ngậm, vẫn tuân theo các bước để bé có khớp ngậm đúng, bé không chỉ ngậm ở đầu trợ ti, miệng bé vẫn phải há thật to, môi bé bám sát phần trợ ti úp vào quầng vú mẹ, giống như bé đang bú mẹ trực tiếp vậy. 

Hướng dẫn lắp trợ ti

Mẹ nhớ lau qua bầu ngực để ngực hơi ẩm, như vậy trợ ti sẽ hít vào ngực dễ dàng hơn.

Cai trợ ti

Thường thì khi bé lớn hơn bé sẽ hợp tác tốt hơn, biết cách nút ti hơn. Đa số các bé thực sự cần đến trợ ti vài cữ trong ngày, vài ngày, vài tuần, rất hiếm khi vai tháng.

Ngay từ đầu khi dùng trợ ti, mẹ hãy sử dụng khi thực sự cần, có thể thử vài cữ không dùng, hay sau khi bé nút được vài phút thì thử gỡ trợ ti ra cho bé nút trực tiếp ti mẹ. Nễu gỡ trợ ti ra bé vẫn không bú được thì mẹ lại gắn trợ ti vào dùng tiếp. Không nhất thiết cữ nào cũng gỡ trợ ti ra, không cần phải áp lực và căng thằng, hãy lực chọn thời điểm mẹ và bé đều thoải mái vui vẻ mà tập bỏ trợ ti từ từ.

Mỗi ngày tập vài cữ như thế, từ từ bé sẽ quen dần với việc ti mẹ trực tiếp.

Chăm sóc ti dẹt thụt giúp hạn chế đau đầu ti

Trong quá trình các mô liên kết ở chân ti được kéo dãn để đầu ti trồi ra, mẹ sẽ bị đau đầu ti. Mặc khác, sau cữ bú đầu ti có thể quay về vị trí trước đó là thụt vào lại bên trong gây ầm ướt, dễ bị nứt hay hoặc dễ bị nấm.

Bú đúng tư thế, đúng khớp ngậm sẽ giúp hạn chế.

Sau khi cho bé bú xong lau sạch đầu ti và lau khô.

Sau đó, có thể bôi một ít kem có chiết xuất từ mỡ cừu (wool wax), trên thị trường có hai sản phẩm thông dụng là Pureland và Lansinoh. (an toàn cho bé)

Nếu đau đầu ti nhiều và thường xuyên, mẹ có thể dùng máy hút sữa xen kẽ để hút sữa ra cho bé. Quá trình hút sữa sẽ giúp đầu ti trồi ra tốt hơn, bé dễ bắt ti mẹ hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Alexander, J. et al. Randomised controlled trial of breast shells and Hoffman's exercises for inverted and non-protractil nipples. Br Med J. 1992,304:1030-32

2. Kesaree, N. et al. Treatment of inverted nipples using a disposable syringe. J Human Lact 1993; 9(1):27-29.

3. Lawrence, R. and Lawrence, R. Breastfeeding: A guide for the medical profession, 5th ed. St. Louis: Mosby 1999, p. 248

4. MAIN  Trail Collaborative Group. Preparing for breastfeeding: treatment of inverted and non-protractile nipples in pregnancy. Midwifery 1994; 10:200-14.

5. Wilson-Clay, B. and Hoover, K. The breastfeeding atlas, 2nd ed. Austin, Texas: LactNews Press 2002, p. 34-39.

Xem thêm:

>>> Kỹ thuật vắt sữa bằng tay

>>> Kỹ thuật hút sữa bằng máy

BS Lê Ngọc Anh Thy

Chuyên viên tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan