Sàng lọc ung thư cổ tử cung

Hiện nay còn rất nhiều người hiểu chưa đúng về việc sàng lọc ung thư cổ tử cung. Hầu hết ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây nên, HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục.

Image result for sàng lọc ung thư cổ tử cung

Sàng lọc ung thư cổ tử cung giúp phát hiện sớm ung thư. (Ảnh minh họa)

Các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung

Vì vậy, xét nghiệm đầu tay là HPV và phết tế bào. Nếu không có HPV thì hầu như không bị ung thư cổ tử cung.

Tuy nhiên việc phết tế bào có 2 loại, một loại là cổ điển (gọi là papsmear mà ta quen gọi là páp) và loại hiện đại (gọi là pap thinprep hay còn gọi là pap nhúng dịch).

Phân biệt phương pháp sàng lọc cổ tử cung hiện đại và cổ điển 

Phương pháp hiện đại chính xác đến trên 90%, còn phương pháp cổ điển chỉ từ 40 - 50% mà thôi (Độ chính xác khác nhau vì cách thực hiện khác nhau). Vì vậy, có người xét nghiệm “páp” 3 năm liên tục với kết quả bình thường nhưng vẫn bị ung thư. Điều đó có nghĩa là cả 3 lần pap trước đó thực sự đã có dấu hiệu tiềm ẩn ung thư nhưng không phát hiện ra.

Nếu khi bạn làm xét nghiệm tế bào mà có bất thường thì dẫn tới bước 2 đó là soi cổ tử cung. Nếu soi cổ tử cung phát hiện bất thường thì tiếp tục thực hiện bấm sinh thiết chỗ bất thường đó. Bấm sinh thiết có nghĩa là cắt lấy mẩu thịt có biểu hiện bất thường mang đi xét nghiệm. Nếu xét nghiệm chẩn đoán ung thư thì sau đó mới cắt tử cung hoặc xạ trị (điều trị bằng tia xạ).

Nhiều người, kể cả nhân viên y tế không hiểu cho nên thường hay yêu cầu soi cổ tử cung, điều đó là không đúng vì chúng ta đã bỏ qua bước quan trọng đầu tiên là xét nghiệm tế bào và HPV.

Nếu xét nghiệm không có HPV thì hầu như không có ung thư cổ tử cung. Vì vậy, có thể tóm tắt lại như sau:

Nếu có HPV => có thể sẽ gây biến đổi tế bào, vì vậy nên làm xét nghiệm tế bào => Nếu tế bào bất thường thì mới tiến hành soi cổ tử cung => Nếu soi cổ tử cung thấy bất thường thì mới lấy kềm bấm miếng bất thường đó dưới sự hướng dẫn của máy soi => Nếu xét nghiệm mẩu thịt đó mà có bất thường thì mới cắt tử cung hoặc điều trị tia xạ.

Tóm lại: Nếu bạn có điều kiện thì nên sàng lọc (tầm soát) ung thư cổ tử cung bằng phương pháp hiện đại, để tránh bỏ sót tổn thương. Bởi vì nếu bạn làm bằng phương pháp cổ điển thì chỉ phát hiện ra 50% số người bị bệnh mà thôi. Bạn xét nghiệm phương pháp cổ điển âm tính nhưng vẫn có thể bị ung thư cổ tử cung là do độ chính xác thấp của phương pháp này.

Phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiện đại mới được áp dụng tại Việt Nam khoảng 3 năm trở lại đây cho nên nhiều người, kể cả nhân viên y tế vẫn không biết là vì thế.

Bác sĩ Sản phụ khoa được cập nhật bằng những buổi hội thảo, hội nghị liên tục, vì thế họ là người nắm bắt sớm nhất. Kiến thức y khoa là vô cùng phức tạp và thay đổi hàng ngày vì thế mỗi người muốn biết để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình thì bạn cũng phải cập nhật liên tục, không còn cách nào khác là bạn phải đọc.

BS Lường Thị Thiềm

Bệnh viện Quận Thủ Đức

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan