7 mẹo khuyến khích các thói quen ăn uống tốt của trẻ

Khi trẻ em được học cách thực hiện những thói quen ăn uống tích cực ở tuổi nhỏ, các bé sẽ biết cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh khi trưởng thành. Dưới đây là 7 mẹo khuyến khích thói quen ăn uống của trẻ...

Khi trẻ em được học cách thực hiện những thói quen ăn uống tích cực ở tuổi nhỏ, các bé sẽ biết cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh khi trưởng thành.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, trái cây và món ăn

(Ảnh minh họa)

Dưới đây là 7 mẹo khuyến khích thói quen ăn uống của trẻ:

1. Người lớn làm gương! Cha mẹ phải là tấm gương sáng để con cái noi theo. Mỗi một khi cha mẹ có lối sống lành mạnh như lựa chọn thực phẩm thông minh, ăn uống có khoa học và tập thể dục đều đặn, thì chắc chắn rằng trẻ sẽ hình thành được những hành vi ăn uống tích cực.

2. Lên kế hoạch ăn uống cùng bé yêu. Cùng đọc sách hướng dẫn nấu ăn, cùng lên danh sách thực phẩm cần mua và cùng đi siêu thị, đi chợ. Hướng dẫn cho con lựa chọn các món ăn tốt và tránh thực phẩm không tốt cho sức khỏe, khuyến khích bé phụ giúp mẹ trong việc cân đong các nguyên liệu khi nấu nướng…

3. Cố định các cử ăn trong ngày. Điều này rất tốt vì sẽ tạo ra một phản xạ có điều kiện trong nếp ăn uống, giúp bé hình thành suy nghĩ có trách nhiệm hơn về buổi ăn của mình: “Tới giờ ăn rồi, ngưng chơi thôi” …

4. Ăn cùng gia đình. Nghiên cứu cho thấy ăn cùng với gia đình thường xuyên sẽ có những tác động tích cực trong sự phát triển của bé. Ngoài ra, các khoảng thời gian cùng với gia đình giúp cả nhà gắn kết, hiểu nhau, thương yêu nhau hơn. Và trong lúc ăn, cả nhà nhớ phải tắt tivi nhé!

5. Xây dựng những quy tắc trong giờ ăn. Các bé đang trong giai đoạn khám phá thế giới xung quanh rất khó ngồi yên để tập trung vào việc ăn. Đôi khi những hình ảnh đơn giản về các quy tắc được vẽ trên tủ lạnh hoặc bàn ăn to, rõ ràng, dễ hiểu nhưng cực kỳ có hiệu quả với trẻ. Ví dụ như:

  • Rửa tay sạch trước khi ăn
  • Ăn chậm nhai kỹ
  • Nuốt rồi hãy nói
  • Nhớ ăn rau
  • Không nói khi đang nhai
  • Lau sàn, xếp ghế sau ăn.

6. Sáng tạo. Những món ăn nhiều màu sắc, hình dạng đáng yêu, được sắp xếp trên đĩa ăn một cách thu hút, sẽ làm cho bé có cảm giác muốn thử món ăn đó hơn là tránh né nó.

7. Không ép bé ăn. Bố mẹ nên đóng vai quan tòa quyết định trẻ nên ăn gì, khi nào, và giao cho các bé đóng vai người quyết định nên ăn bao nhiêu. Phải giúp cho bé hiểu thức ăn được sử dụng để nuôi dưỡng, chứ không phải là phần thưởng hay hình phạt. Bởi vì, về lâu về dài, những phần thưởng bằng thức ăn thường tạo ra nhiều rắc rối hơn là giải quyết vấn đề.

Cách xử trí những vấn đề thường gặp khi cho bé ăn

Cữ ăn phụ 

Chỉ cho bé ăn những bữa phụ lành mạnh và không cho ăn cữ phụ quá gần với giờ ăn chính (các bữa ăn nên cách nhau khoảng 3 giờ).
Hãy cho bé ăn những gì bé muốn nếu những món đó tốt cho sức khỏe.
Hãy kiên nhẫn. Sau vài ngày, bé sẽ muốn thử những món khác cho xem.

Từ chối ăn những món đã làm

Bé bắt mẹ làm thêm những món khác trong giờ ăn, nhưng khi làm xong rồi, bé chỉ ăn một ít rồi bỏ!

Giải pháp:

  • Phải chắc rằng trẻ đói khi giờ ăn đến. Chỉ cho ăn những bữa phụ lành mạnh và không cho ăn cữ phụ quá gần với giờ ăn chính
  • Để sẵn rau, món mặn, cũng như trái cây vào mỗi bữa ăn chính, từ đó chúng sẽ là những lựa chọn mà bé thích.
  • Đừng quá lo sợ trẻ sẽ bị đói nếu bé không ăn những gì chúng ta làm. Vì, nếu bé không ăn món này, bé sẽ ăn thực phẩm khác. An tâm!

Thói quen xem TV hoặc sử dụng smartphone khi ăn

Phải nói “KHÔNG” với xem tivi và thói quen sử dụng smartphone trong suốt bữa ăn. Vì những thói quen này sẽ gây xao lãng, làm cản trở sự tương tác của các thành viên trong gia đình và gây trở ngại trong việc ăn uống của trẻ. Giờ ăn là khoảng thời gian quý báu mà gia đình có thể ngồi cùng nhau.

Nỗi sợ về những thức ăn mới

Bé luôn từ chối thử những món ăn mới.

Giải pháp:

  • Hãy làm mẫu cho bé xem ba mẹ thích thú trong việc thử món mới vào mỗi bữa ăn như thế nào.
  • Khuyến khích trẻ thử từng chút một hơn là ép bé ăn hết cả một phần của món mới.
  • Hãy kiên nhẫn! Sẽ phải mất rất nhiều lần thử trước khi bé chịu nếm một món ăn mới và nhiều lần nếm trước khi bé chịu thích món đó.

BS Lê Phạm Anh Vy 

Khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Trong thai kỳ, mục tiêu quan trọng hàng đầu đối với chế độ ăn là lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng và tránh những loại thực phẩm “calo rỗng” (lượng calo từ chất béo bão hòa và đường trong thực phẩm). Như vậy, nếu bạn ăn nhiều thức ăn vặt không
  • 07-06-2018

    Bé đã bắt đầu khám phá tay mình cách đây vài tuần và bây giờ bé mới thực sự mê mẩn chúng. Bé ngắm nghía, nghiên cứu hai bàn tay, đưa tay vào miệng ngậm và cố gắng mút các đầu ngón tay. Bạn đừng quá lo lắng nếu con cứ mải mê với những ngón tay vừa mới được khám phá như thế.

  • 28-05-2018

    Đa phần suyễn ở trẻ em là suyễn do virus thúc đẩy, thường lên cơn suyễn sau nhiễm siêu vi với biểu hiện viêm long hô hấp trên, sau đó trẻ mới khò khè, mà là khò khè kéo dài, liên tục chứ ít thành cơn điển hình, khò khè dài có khi hàng tuần kèm theo xuất tiết đàm phế quản là cơ hội cho vi khuẩn phát triển gây ra chứng viêm phế quản nhiễm trùng thậm chí viêm phổi mà các bác sĩ hay nói là hen bội nhiễm.

  • 28-05-2018

    Bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) là do các tác nhân vi sinh vật lây truyền từ người này sang người khác chủ yếu qua tiếp xúc tình dục. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm: Lậu: Gây tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh; Giang mai: Gây biến chứng nặng về thần kinh nếu không được điều trị kịp thời; Chlamydia: Gây viêm vùng chậu làm cho bạn đau âm ỉ vùng hạ vị; HIV...