Làm gì khi trẻ bị chốc lở ngoài da?

Chốc là một bệnh nhiễm khuẩn da hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi các tổn thương cơ bản là bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hóa mủ, dập vỡ đóng vẩy tiết.

Chốc lở là một bệnh nhiễm trùng ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi các tổn thương cơ bản là bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hóa mủ, dập vỡ đóng vẩy tiết. Nguyên nhân thường do vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu hoặc phối hợp cả hai. 

Bệnh chốc lở ở trẻ
Dấu hiệu của bệnh chốc lở ở trẻ (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu của bệnh chốc lở là gì?

Khởi phát là dát đỏ xung huyết đường kính 0,5 – 1 cm, sau đó bọng nước nhanh chóng phát triển trên các dát đỏ. Bọng nước có thể hóa mủ rồi vỡ ra, rỉ nước trong vài ngày sau đó tạo thành vảy cứng màu vàng nâu hoặc nâu nhạt giống màu mật ong. Nếu ở đầu, vảy tiết làm bết tóc. Khoảng 7-10 ngày sau, vảy tiết bong đi để lại dát hồng, ẩm ướt, ít lâu sau lành hẳn, không để lại sẹo hoặc chỉ để lại dát tăng sắc tố.

Tổn thương thường ở vùng da hở như tay, mặt, cổ, chi dưới. Trẻ thường không sốt, đôi khi có hạch viêm do phản ứng. Trẻ có thể ngứa nhiều hoặc ít.

Chốc lở có lây không? 

Mặc dù không nguy hiểm nhưng bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác vì vậy bệnh còn được gọi là “chốc lây”. Tuyệt đối không gãi hoặc tiếp xúc với chất dịch rỉ ra từ các nốt lở loét. 

Chăm sóc tại nhà

Nếu tạm thời chưa có điều kiện đưa trẻ đến các cơ sở y tế, bạn nên:

  • Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, có thể dùng nước thuốc tím pha loãng 1/10.000, hoặc sử dụng một số loại nước tắm trong dân gian như nước chè xanh làm khô se thương tổn.
  • Chốc dễ lây lan do thương tổn thường gây ngứa, trẻ sờ gãi vào những thương tổn ở chỗ này, rồi lại làm lây lan ra chỗ khác ngay trên cơ thể. Bởi vậy, khi trẻ bị chốc, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tạm nghỉ ở nhà để kiểm soát tốt hơn sự lan rộng của bệnh trên cơ thể trẻ và ngăn ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp hạn chế bệnh lây sang các bạn khác.
  • Gọi thoại - gọi video tư vấn với bác sĩ Nhi Khoa để được tư vấn về thuốc điều trị và phòng ngừa các biến chứng.  

Điều trị chốc lở như thế nào?

Những nốt lở loét là dạng nhẹ của nhiễm khuẩn, thường lành mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, bệnh có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tại chỗ

  • Ngâm tắm ngày một lần bằng nước thuốc tím loãng 1/10.000 hoặc các dung dịch sát khuẩn khác.
  • Nếu xuất hiện các bọng nước hoặc bọng mủ: chấm dung dịch thuốc vùng da bị chốc vào buổi sáng (dung dịch Milian, Castellani, eosin 2%..)
  • Trường hợp nhiều vảy tiết: đắp nước muối sinh lý 9‰, nước thuốc tím 1/10.000 lên tổn thương, đắp liên tục đến khi bong hết vảy, hoặc bôi mỡ kháng sinh như mupirocin hoặc kem axit fucidic, erythromycin … 2-3 lần/ngày.
  • Nếu nhiều tổn thương ở một dùng da và/hoặc lan tỏa toàn thân thì bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh đường uống trong khoảng 5-7 ngày và điều trị các biến chứng nếu có.
  • Nếu bé ngứa nhiều bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng histamine tổng hợp.
  • Điều quan trọng là cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn để đảm bảo điều trị thành công. Gọi thoại - Gọi video cho bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn. 

Các phương pháp dự phòng

Giữ vệ sinh da sạch sẽ là cách tốt nhất để cho làn da khỏe mạnh. 

  • Luôn giữ cho cơ thể trẻ được thoáng mát, quần áo thấm hút mồ hôi tốt, tránh để hở da nhiều làm phát sinh bệnh và lây lan. 
  • Nhẹ nhàng rửa sạch vùng da bị chốc lở bằng xà phòng và nước sạch, sau đó thấm khô. 
  • Tránh ở nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, bụi bặm. Hạn chế chơi gần vật nuôi, tránh côn trùng đốt để bảo vệ da trẻ không bị xây xát. 
  • Tắm rửa thường xuyên cho trẻ bằng nước sạch để luôn giữ cho trẻ trong tình trạng vệ sinh sạch sẽ. Thay và giặt sạch quần áo mỗi ngày. Không dùng chung khăn với trẻ.
  • Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. 
  • Cắt tóc để da không bị đọng chất tiết, mồ hôi dễ gây nhiễm trùng. Cắt móng tay để tránh gây trầy xước do trẻ gãi. 
  • Đảm bảo cho trẻ uống nước đầy đủ, ăn nhiều rau xanh và trái cây.
  • Điều trị sớm và tích cực, tránh chà xát, gãi dễ gây biến chứng

ThS. BS Nguyễn Thị Hồng Ngọc

- 19-03-2019 -

Bài viết liên quan