Nên làm gì khi trẻ bị chảy máu cam?

Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ bị chảy máu mũi hay chảy máu cam. 

Chảy máu mũi rất thường gặp ở bé 3-10 tuổi, nguyên nhân của hầu hết trường hợp là do ngoáy mũi hay không khí khô. Nhìn thì có vẻ rất sợ, nhưng thường không nguy hiểm. Hầu hết tự hết được và có thể dễ dàng xử trí ở nhà.

Cha mẹ nên làm gì khi bé chảy máu cam?

Cha mẹ nên làm gì khi bé chảy máu cam? (Ảnh minh họa)

Cần làm gì? 

  • Bình tĩnh và trấn an bé 
  • Cho bé ngồi thẳng trên ghế hay trong lòng bạn, sau đó nghiêng đầu bé về phía trước 
  • KHÔNG để bé ngửa đầu ra sau, vì có thể làm máu chảy ra thành sau họng, có vị khó chịu làm bé ho hay nôn ói 
  • Đè chặt vào hai cánh mũi trong 5-10 phút để đảm bảo ngừng chảy máu

Gọi cấp cứu hoặc đưa bé đến bệnh viện ngay nếu: 

  • Chảy máu mũi rất nhiều, hoặc bé có kèm theo chóng mặt, khó thở, yếu tay chân 
  • Có té trước đó 
  • Tiếp tục chảy máu sau 2 lần đè giữ mũi 10 phút

Gặp bác sĩ nếu: 

  • Bé chảy máu mũi thường xuyên 
  • Nghi ngờ bé bỏ thứ gì vào mũi 
  • Dễ chảy máu nhiều vị trí trong cơ thể 
  • Máu chảy nhiều sau một tổn thương nhỏ 
  • Bé có sử dụng thuốc mới

Nguyên nhân

Ở trẻ em thường gặp nhất là chảy máu mũi từ phía trước, do các mao mạch bị vỡ. Nguyên nhân quan trọng của chảy máu mũi trước là do không khí hanh khô, gây kích ứng và làm khô niêm mạc mũi, có thể kèm theo ngứa, gãi hay ngoáy mũi và sau đó sẽ chảy máu. Cảm lạnh làm bé hỉ mũi, hắt hơi nhiều, cũng dẫn đến chảy máu mũi. Nguyên nhân khác là dị ứng,thuốc giảm ngứa, giảm sổ mũi hay nghẹt mũi, cũng có thể gây khô niêm mạc mũi và chảy máu

Đa phần chảy máu mũi sẽ tự hết được, nhưng nếu bé của bạn chảy máu mũi nhiều hơn lần/ tuần thì cũng nên kiểm tra lại. Thường thì những trường hợp chảy máu mũi thường xuyên cũng có thể điều trị đơn giản nếu mao mạch hay bị kích ứng và khô đặc biệt khi bé đang bị cảm hay dị ứng. Chảy máu mũi sau, ít gặp ở trẻ em, mà thường gặp ở người lớn có cao huyết áp, hay người có chấn thương vùng mũi, mặt. Thường gây chảy máu mũi nhiều, khó cầm được.  Một số ít trường hợp có nguyên nhân là rối loạn đông máu hay dị dạng mạch máu.

Những cách phòng ngừa chảy máu mũi ? 

  • Cắt ngắn móng tay bé để tránh móc mũi gây ra chảy máu 
  • Tránh khô niêm mạc mũi bằng nước mũi sinh lý nhỏ mũi 
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm nếu không khí trong phòng quá khô, vệ sinh máy sạch sẽ để tránh nấm mốc 
  • Bé cần được trang bị dụng cụ bảo hộ nếu chơi những trò chơi có nguy cơ tổn thương mũi

References: 

Bs Lưu Hồng Vân (Bài viết trên Fanpage 11/08/2018) 

- 04-03-2019 -

Bài viết liên quan