Lồng ruột ở trẻ sơ sinh

Lồng ruột

Những trẻ nhũ nhi dưới 2 tuổi có thể mắc một chứng bệnh nguy hiểm là lồng ruột. Bạn hãy tưởng tượng ruột em bé cũng như mớ săm xe, cuộn ngổn ngang trong bụng. Có điều săm xe thì chỗ nào cũng to bằng nhau còn ruột thì khúc to khúc nhỏ. Khi ruột có vấn đề gì đó mà dẫn đến co bóp lung tung chúng có thể chui vào nhau gây ra hiện tượng lồng ruột. Chui vào ít thì có thể tự tháo ra. Chui vào sâu quá thì không tự tuột ra được khi đó phải can thiệp bằng bơm hơi hay phẫu thuật - nếu không ruột sẽ bị hoại tử. 

Về mặt thực tế, ruột có thể chui vào rồi lại chui ra cho nên tại thời điểm này phát hiện lồng ruột (bằng sờ thấy hay siêu âm) nhưng một lúc sau lại hết lồng (không sờ thấy hay không siêu âm thấy nữa) điều này không có nghĩa là bác sĩ chẩn đoán sai.

Ngược lại, tại thời điểm khám bác sĩ sờ không thấy, siêu âm không thấy về nhà trẻ đau bụng, ói và đi chỗ khác kiểm tra lại thấy khối lồng đó là điều hết sức bình thường, không phải bác sĩ chẩn đoán không ra. Điều mấu chốt ở đây là bác sĩ phải dặn dò kĩ và không được chủ quan còn phía phụ huynh cần phải nghe kĩ, không hiểu phải hỏi luôn. 

Dấu hiệu của lồng ruột

Biểu hiện phổ biến nhất của lồng ruột là: “khóc thét - ưỡn bụng - ói vọt“ tái đi tái lại ở nhũ nhi. Tuy nhiên, có những trường hợp bé không khóc, không ưỡn, chỉ thỉnh thoảng nghệt mặt ra và ói vọt, cũng có bé chỉ biểu hiện khóc thét từng cơn ngoài ra không có gì khác.

Với trẻ nhỏ, sờ bụng bé không thể thấy được khối lồng vì bé la hét bụng cứng ngắc. Nhiều người cho rằng thăm trực tràng thấy khối lồng, bóng trực tràng rỗng hay thấy máu... Điều này không đúng. Nếu bạn đút tay vào hậu môn của bé và sờ thấy khối lồng hay thấy máu thì có nghĩa là giai đoạn muộn rồi. Vì vậy, khi nghi ngờ em bé bị đau bụng hay có ói và không đánh rắm thì bác sĩ vẫn có thể chỉ định siêu âm vì kĩ thuật này không xâm lấn và vô hại. 

Thường thì lồng ruột thường gặp vào mùa đông xuân, trẻ nhũ nhi bụ bẫm và không có sốt. Tuy nhiên, trẻ đang bị viêm ruột tiêu chảy hoàn toàn có thể có sốt và lồng ruột sau đó. Với một bé tiêu chảy, có sốt - phân máu cần phân biệt tiêu chảy xâm nhập với lồng ruột thứ phát sau tiêu chảy.

BS Trần Văn Công

Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Quốc té Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan