Dấu hiệu và giải pháp cho chứng táo bón ở trẻ nhỏ

Nếu bạn đang là những ông bố, bà mẹ “bỉm sữa”, thì chắc hẳn bạn sẽ quan tâm để ý tới từng tiếng cười, tiếng nấc hay tiếng khóc của con, bé bú như thế nào, lớn ra sao và ngay cả việc bé đi ngoài thế nào... Và chắc chắn bạn sẽ vô cùng lo lắng nếu phát hiện ra bé đang bị táo bón.

Dấu hiệu của táo bón

Trẻ bú mẹ hoàn toàn có thể sẽ không đi đại tiện hàng ngày vì gần như tất cả các chất dinh dưỡng đều đã được hấp thụ. Đây là một hiện tượng khá phổ biến. Ngược lại những trẻ bú sữa công thức, lại có thể sẽ đi đại tiện từ 3-4 lần/ngày. Do vậy, khái niệm về đại tiện bình thường ở trẻ là rất khác nhau, và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi loại sữa trẻ uống, trẻ đã ăn dặm hay chưa và loại thức ăn trẻ đã ăn là gì.

Biết được các dấu hiệu của táo bón có thể giúp bạn phát hiện ra vấn đề sớm hơn, trước khi nó phát triển thành một vấn đề nghiêm trọng.

Dưới đây là các dấu hiệu phổ biến về chứng táo bón ở trẻ:

Đại tiện không thường xuyên

Số lần đại tiện của trẻ trong ngày sẽ thay đổi rất nhiều, đặc biệt là khi trẻ được cho ăn các loại thức ăn mới. Nếu trẻ đã không đi đại tiện trong vòng một vài ngày (hoặc nhiều hơn), thì có thể trẻ đã bị táo bón.

Rặn

Nếu khi đi đại tiện, trẻ phải rặn rất mạnh thì rất có thể, đó là dấu hiệu của táo bón. Trẻ bị táo bón thường có phân rất cứng, giống như đất sét. Phân cứng sẽ khó mà thoát ra khỏi đường tiêu hóa được, do vậy, trẻ phải rặn và tạo ra một áp lực lớn hơn bình thường thì mới có thể tống phân ra ngoài được. Trẻ cũng có thể sẽ quấy khóc trong khi đi đại tiện.

Dấu hiệu và giải pháp cho chứng táo bón ở trẻ nhỏ
Có máu trong phân

Nếu bạn nhận thấy có những vệt máu đỏ trong phân của trẻ, thì đó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ đã phải rặn rất mạnh khi đi đại tiện. Rặn có thể làm niêm mạc hậu môn bị nứt, tạo ra những vết máu xuất hiện trong phân.

Cứng bụng

Cứng bụng có thể là một dấu hiệu của táo bón. Chướng bụng và áp lực gây ra do táo bón có thể làm bụng trẻ căng cứng.

Không ăn

Trẻ sẽ cảm thấy no rất nhanh nếu trẻ bị táo bón. Trẻ sẽ từ chối không ăn vì cảm thấy khó chịu.

Giải pháp cho chứng táo bón ở trẻ

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của táo bón, bạn sẽ có rất nhiều giải pháp để làm giảm chứng táo bón của trẻ. Những giải pháp này bao gồm:

Đổi sữa

Nếu trẻ đang được bú mẹ hoàn toàn, bạn có thể thử thay đổi chế độn ăn của trẻ. Trẻ có thể bị nhạy cảm với thứ gì đó mà trẻ đã ăn vào, từ đó gây ra táo bón. Nếu trẻ đang dùng sữa công thức, bạn có thể nên đổi loại sữa công thức khác cho trẻ. Nhạy cảm với một số thành phần trong sữa có thể gây ra chứng táo bón ở trẻ.

Dùng đồ ăn rắn

Một số loại đồ ăn dạng rắn trong chế độ ăn dặm của trẻ có thể là nguyên nhân gây ra táo bón, nhưng ngược lại, một số loại đồ ăn khác sẽ có tác dụng cải thiện chứng táo bón ở trẻ. Nếu gần đây, bạn bắt đầu cho trẻ ăn dặm, bạn nên bổ sung các loại đồ ăn giàu chất xơ vào chế độ ăn dặm cho trẻ, ví dụ như:

  • Bông cải xanh
  • Mận khô
  • Đào
  • Táo không vỏ

Sử dụng thực phẩm đã xay nhuyễn

Nếu trẻ chưa đến giai đoạn ăn thức ăn rắn, bạn có thể sử dụng một số loại thực phẩm kể trên dưới dạng xay nhuyễn. Bạn nên luôn luôn nhớ rằng, trái cây và rau xanh có rất nhiều chất xơ tự nhiên và có thể có tác dụng rất lớn trong việc giúp trẻ đi đại tiện. Một số loại thậm chí còn có thể kích thích nhu động ruột, khiến trẻ đại tiện dễ dàng hơn.

Dấu hiệu và giải pháp cho chứng táo bón ở trẻ nhỏ
Tăng lượng nước

Có đủ nước là rất cần thiết để có thể đi đại tiện thường xuyên. Nước và sữa là 2 nguồn thực phẩm tốt nhất để giúp trẻ có đủ nước. Nước ép mận và lê có thể giúp tăng nhanh việc co thắt của ruột già và giúp trẻ đại tiện nhanh hơn. Nếu những loại nước ép này là quá ngọt hoặc không phù hợp với chế độ ăn của trẻ, bạn có thể pha loãng với một cốc nước lọc.

Hoạt động

Hoạt động sẽ làm tăng tốc độ tiêu hóa, có thể giúp mọi thứ di chuyển trong cơ thể dễ dàng hơn. Nếu trẻ chưa biết đi, bạn có thể cho trẻ ngồi lên xe đạp của trẻ, đặt chân lên pê đan và đẩy xe của trẻ đi. Hoặc bạn cũng có thể khiến trẻ hoạt động bằng những cách khác, thay vì tập đi.

Mát xa

Mát xa nhẹ nhàng vùng bụng và bụng dưới của trẻ có thể giúp kích thích nhu động ruột. Mát xa cho trẻ vài lần một ngày, cho đến khi trẻ đi đại tiệnd dược.

Dấu hiệu và giải pháp cho chứng táo bón ở trẻ nhỏ
Nếu các biện pháp trên không hiệu quả?

Nếu bạn đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không hiệu quả, có rất nhiều kỹ thuật khác bạn có thể áp dụng (tại nhà) để kích thích trẻ đi đại tiện. Nhưng nếu đây là lần đầu tiên bạn áp dụng những kỹ thuật này, bạn nên được bác sỹ tư vấn và hướng dẫn trước. Các kỹ thuật bao gồm:

Kích thích trực tràng

Dùng ngón tay, nhiệt kế trực tràng hoặc một miếng bông gạc, ấn nhẹ vào trực trạng của bé. Sự kích thích này có thể nhanh chóng tạo ra nhu động ruột ở trẻ.

Thuốc đạn đặt Glycerin

Nếu trẻ có dấu hiệu nứt rách trực tràng (có máu trong phân), thì việc đặt thuốc đạn Glycerin có thể sẽ có ích để kích thích nhu động ruột và giúp trẻ tống phân ra ngoài. Loại thuốc này có thể mua được mà không cần kê đơn, miễn là bạn tuân thủ đúng hướng dẫn ghi trên vỏ thuốc hoặc hỏi ý kiến bác sỹ về việc dùng loại thuốc này trong lần đầu tiên sử dụng.

Thuốc nhuận tràng

Thuốc nhuận tràng dành cho trẻ em, không cần kê đơn có thể sẽ giúp ích khi các kỹ thuật khác không hiệu quả với trẻ. Thuốc nhuận tràng làm từ chiết xuất lúa mạch hoặc bột cây mã đề có thể làm mềm phân của trẻ và khiến việc đại tiện trở nên dễ dàng hơn.

Trao đổi với bác sỹ nhi khoa

Nếu bạn vẫn cảm thấy lo lắng về bất cứ điều gì, đừng ngần ngại, hãy gọi cho bác sỹ nhi khoa của trẻ. Trong đa số các trường hợp, tình trạng táo bón của trẻ sẽ tự biến mất khi áp dụng một hoặc hai phương pháp điều trị tự nhiên. Nếu tất cả những phương pháp trên đều không có tác dụng với trẻ, bạn nên xin lời khuyên từ bác sỹ. Bác sỹ có thể sẽ tìm ra các dấu hiệu khác (ví dụ như sốt) có thể là dấu hiệu chỉ báo của một vấn đề khác, nghiêm trọng hơn, và cần được chăm sóc y tế.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan