Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 13

Mới vài ngày tuổi bé đã có thể nhận ra bạn, nhưng đến tận bây giờ bé mới có khả năng thể hiện điều đó ra bên ngoài. Khoảng một nửa số trẻ ở độ tuổi này bắt đầu có những biểu hiện cho thấy bé nhận ra những người xung quanh.

Bé phát triển như thế nào?

Con nhận ra mẹ rồi!

Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 13

Mới vài ngày tuổi bé đã có thể nhận ra bạn, nhưng đến tận bây giờ bé mới có khả năng thể hiện điều đó ra bên ngoài. Khoảng một nửa số trẻ ở độ tuổi này bắt đầu có những biểu hiện cho thấy bé nhận ra những người xung quanh.
Có thể bé vẫn cười với những người lạ, đặc biệt khi họ nhìn thẳng vào mắt bé, thủ thỉ hay trò chuyện cùng bé. Nhưng bé đã bắt đầu phân loại ai là người gắn bó với mình và luôn dành tình cảm nhiều hơn cho cha mẹ và một vài người thân thay vì những người xa lạ khác.
Bé sẽ im lặng và giao tiếp bằng ánh mắt với bạn, hoặc tìm kiếm bạn quanh quẩn trong phòng, sau đó quơ tay một cách phấn khích hay đơn giản là mỉm cười khi bé tìm ra bạn. Thậm chí bé có thể nhận ra mùi hương đầy dịu dàng và thoải mái phát ra từ bạn.
Tại thời điểm này, trí não của bé có sự phát triển bứt phá, dẫn đến những thay đổi lớn về mặt hành vi. Bé trở nên hòa hợp hơn với thế giới bên ngoài đồng thời cũng nhạy cảm hơn với sự thay đổi của môi trường xung quanh.
Một phần của não bộ có chức năng điều khiển sự phối hợp giữa tay và mắt giúp bé nhận biết các sự việc đang phát triển nhanh chóng. Thính giác, ngôn ngữ và khướu giác cũng có khả năng tiếp nhận nhiều hơn và nhanh nhạy hơn. Trong những ngày này, khi nghe thấy giọng nói của bạn, bé có thể nhìn trực tiếp vào bạn và bắt đầu líu lo, cố gắng trò chuyện lại với bạn.

Phát triển ngôn ngữ sớm

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bé thường xuyên được bố mẹ trò chuyện cùng sẽ có IQ cao và lượng từ vựng nhiều hơn đáng kể so với những bé khác khi trưởng thành, vì thế chuyện trò tương tác cùng con ngay thời điểm này là vô cùng quan trọng. Hãy tạo một nền tảng vững chắc cho con  bằng cách đưa ra một loạt các từ vựng phong phú.
Hãy nói về mọi thứ xung quanh khi dạy bé tập đi, chỉ và gọi tên các đồ vật khi cho bé đi dạo loay quanh trong các cửa hàng bách hóa. Dù chưa thể lập lại các từ bạn nói ngay lập tức, nhưng bé sẽ lưu lại các thông tin này trong bộ nhớ đang phát triển nhanh chóng của mình.
Nếu gia đình bạn đang sử dụng song song hai ngôn ngữ, bé sẽ hưởng lợi từ việc tiếp xúc đồng thời hai thứ tiếng được nói thường xuyên. Đừng quá lo lắng nếu ban đầu con có vẻ chậm nói, vì sau này không những bắt kịp các bé khác mà khả năng ngôn ngữ của bé có thể còn nổi trội hơn rất nhiều.

Hãy nhớ rằng, em bé bây giờ là một cá thể độc lập

Mỗi đứa trẻ là duy nhất và sẽ có tốc độ phát triển riêng của mình. Các thông tin liên quan đến sự phát triển trên đây chỉ đơn giản mô tả những gì bé sẽ thực hiện - nếu không phải là ngay hôm nay, thì cũng sẽ là một ngày gần đây. Nếu bé được sinh sớm (>3 tuần trước ngày dự sinh), hãy nhớ rằng những em bé sinh non thường cần thêm một chút thời gian để đáp ứng với điều kiện sống bên ngoài. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về sự phát triển của bé, hãy tư vấn với bác sĩ nhi nhé.

Tìm hiểu về hăm tã

Nguyên nhân bé bị hăm tã

Dành cho năm đầu đời của bé – Tuần 13

Sự ẩm ướt và cọ xát giữa da bé và bề mặt tã là nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất hiện các mảng đỏ nhạt-dấu hiệu của hăm tã. Nước tiểu và phân bị mắc kẹt trong thời gian dài gây ra hiện tượng kích ứng đồng thời cũng kéo theo sự phát triển của vi khuẩn và nấm men. Đôi lúc nó còn dẫn đến nhiễm trùng da (viêm da). Trường hợp kích ứng do mùi hương của tã hoặc khăn ướt trẻ em là rất hiếm.

Làm thế nào để hăm tã biến mất?

Giữ khô là cách làm thông thường nhất trong việc điều trị hăm tã.  Thường xuyên thay tã cho bé – đừng để tã trong tình trạng dơ và ướt quá lâu. Thoa kem chống hăm để tạo ra một lớp màng bảo vệ giữa da bé với tã lót. Sử dụng các loại kem có chứa kẽm oxit (ZnO)– một dạng chất dày hơn mỡ bôi trơn, giữ được lâu trên da, giúp bảo vệ tốt hơn, mà không cần phải lau sạch mỗi lần thay tã.
Thay vì sử dụng khăn ướt, hãy dùng nước ấm cho vào bình xịt để làm sạch khu vưc mặc tã mà không cần chà xát nhiều vào da bé. Khi muốn làm sạch kĩ càng hơn, bạn nên dùng khăn mềm hoặc miếng bông cotton để lau thật nhẹ nhàng. Bạn cũng có thể sử dụng xà phòng nhẹ không mùi hương. Sau đó để cho da bé khô tự nhiên hoặc dùng máy sấy được điều chỉnh ở mức thấp. Một gợi ý khác: khi bé chơi trong giường cũi bạn có thể cho bé thoải mái không mặc tã mà thay vào đó có thể đặt miếng bông thấm nước xuống phía dưới đáy giường cũi.
Trong trường hợp hăm nặng do nấm mốc, bạn có thể trực tiếp sửa dụng thuốc trị nấm cho bé, nhưng tốt nhất thông qua sự hướng dẫn của bác sĩ. Liên hệ với bác sĩ ngay khi triệu chứng hăm tã có những diễn biến xấu, kéo dài vài ngày và kèm theo đau đớn.

Ngăn chặn hăm tã như thế nào?

Luôn giữ cho bé yêu của bạn khô thoáng, mát mẻ và sạch sẽ. Đổi tã thường xuyên, nhẹ nhàng và kĩ lưỡng. Nhưng đừng lau quá sạch với khăn giấy để tránh gây kích ứng da. Hãy luôn đảm bảo tã không quá chặt mà để chừa khoảng trống cho không khí dễ lưu thông.
Nếu bạn đang cho con bú, hãy cứ tiếp tục, vì sữa mẹ làm thay đổi độ pH trong phân và nước tiểu của bé, hăm tã sẽ ít xảy ra hơn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng: những bé được nuôi bằng sữa mẹ và mặc loại tã dùng một lần sẽ có ít nguy cơ bị hăm hơn.

Cuộc sống của bạn: Khi Hội chứng “baby blues” không mất đi sau sinh.

Dành cho năm đầu đời của bé – Tuần 13

Bạn luôn cảm thấy lo lắng và ủ rũ nhưng lại nghĩ đơn giản đó là tình trạng của những bà mẹ mới sinh? Nhiều tuần trôi qua, chồng và bạn bè luôn thắc mắc tại sao hội chứng “baby blues” của bạn ngày càng trở nên nghiêm trọng? Đừng vì ngại ngùng hay chủ quan mà không đến gặp bác sĩ. Khoảng 10 - 15 % phụ nữ mới sinh có những triệu chứng của trầm cảm hoặc bất an, lo lắng. (“Baby blues” là tình trạng khóc lóc và ủ rũ, tâm trạng bất ổn vài tuần đầu sau khi sinh bé của một số bà mẹ, “baby blues”  nhẹ hơn so với trầm cảm.) Nếu bạn cảm thấy bản thân khác lạ trong vòng ba tháng sau khi sinh, hãy tự kiểm tra bằng các câu hỏi dưới đây:
Bạn có:

  • Gặp các vấn đề về giấc ngủ ?
  • Lúc nào cũng thấy lo lắng, bồn chồn?
  • Mất dần cảm giác thèm ăn?
  • Bận tâm vì những vấn đề nhỏ nhặt mà trước đây bạn không bao giờ để tâm?
  • Sợ rằng mình không còn thời gian dành riêng cho bản thân?
  • Nghĩ rằng con bạn sẽ tốt hơn nếu không có bạn?
  • Lo lắng chồng mình sẽ mệt mỏi vì tình trạng ủ rũ của bản thân?
  • Thường xuyên cáu kỉnh với chồng con?
  • Nghĩ rằng những người khác làm mẹ tốt hơn mình?
  • Khóc vì những việc nhỏ nhặt?
  • không còn hứng thú với những thứ mình đã từng rất thích?
  • Cô lập bản thân với bạn bè và hàng xóm?
  • Sợ hãi khi rời khỏi nhà hoặc ở một mình?
  • Lo lắng sẽ bị tấn công?
  • Nổi giận vô cớ?
  • Khó tập trung?
  • Nghĩ tiêu cực về chính mình?
  • Luôn nghĩ rằng tình trạng này sẽ không bao giờ tốt lên được?...

(Các câu hỏi này được biên soạn bởi Trung tâm chuyên về trầm cảm sau sinh ở Rosemont, Pennsylvania)
Nếu bạn trả lời “Có” từ ba hay nhiều câu hỏi trở lên thì tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để nhận những lời khuyên và phương pháp điều trị.

(Nguồn tham khảo: babycenter)

Biên dịch bởi Wellcare

- 08-06-2018 -

Bài viết liên quan