Đảm bảo an toàn cho trẻ trong chính căn nhà của bạn

Có những ông bố bà mẹ trẻ, háo hức có con, háo hức mua nhà xây tổ ấm, nhưng chưa bao giờ để ý tạo một ngôi nhà an toàn cho con mình. Hiện nay, có không ít những ca bệnh về các tai nạn đáng tiếc như: nuốt con kì lân trang sức vào bụng, nuốt đồng xu, dị vật mũi, tai, bỏng bô xe, bỏng nước sôi… Cha mẹ hãy cùng tham khảo những thông tin bổ ích dưới đây và suy ngẫm liệu nhà mình đã an toàn cho con chưa nhé, từ đó bắt tay vào khắc phục ngay những điểm nguy hiểm ngay chính trong căn nhà của mình. 

Ảnh minh họa

Trước hết, hãy đặt mình vào vị trí của trẻ, bạn hãy quỳ xuống và bò khắp nơi trong căn nhà mình để tìm những vật nhỏ, những dây treo lủng lẳng, những đồ dễ vỡ… bằng cách này bạn sẽ thấy và loại trừ tối đa khả năng gây hại cho trẻ trong chính căn nhà.Dưới đây là gợi ý những việc cần lưu ý để chăm sóc trẻ ngay trong ngôi nhà của mình:

1. Lắp máy phát hiện khói và khí CO trên sàn nhà và phía ngoài phòng ngủ ở tất cả các tầng và phòng ngủ, kiểm tra định kì xem chúng có hoạt động hay không. Cần có phương án thoát hiểm khi có cháy hay tình huống nguy cấp xảy ra. 
2. Bịt tất cả các ổ cắm điện không sử dụng lại bằng các nút che ổ cắm (loại không có nguy cơ gây tắc thở cho trẻ), hoặc thiết kế ổ cắm thật cao chỉ người lớn mới với tới, hoặc kê tủ, đồ đạc chắn ổ cắm để trẻ không đút tay hay đút đồ chơi kim loại vào ổ điện. Các loại dây điện cũng cần để xa khỏi tầm mắt và tầm với của trẻ. 
3. Trải thảm cầu thang ở tất cả những chỗ có thể trải được để chống trượt ngã cho trẻ, phải đảm bảo thảm bám chắc vào mặt bậc thang.
4. Trong giai đoạn trẻ tập bò hay tập đi cần lắp các thanh chặn ở đầu và cuối cầu thang.
5. Đặt bình cứu hỏa trong bếp và một bình ở đầu cầu thang mỗi tầng. Cứ vài tháng bạn nên tập dượt lại phương án thoát hiểm cho thuần thục, đồng thời huấn huyện cho trẻ thao tác: "dừng lại, ngồi thụp xuống và lăn" khi quần áo của trẻ bị bắt lửa.
6. Có những loại cây cảnh đặt trong nhà có thể có độc và trẻ ăn phải, vì vậy trước khi rước cây cảnh về nhà bạn cần biết rõ đặc tính của nó. Tốt nhất việc trồng cây trong nhà nên trì hoãn cho đến khi trẻ đủ lớn hoặc ít nhất là đặt chúng ngoài tầm với của trẻ.
7. Thường xuyên kiểm tra sàn nhà để tìm những vật nhỏ mà trẻ có thể nuốt phải như: đồng xu, khuy áo, các hạt xâu vòng, ốc vít… Việc này rất quan trọng vì tai nạn ở trẻ em do nuốt dị vật hay nghẹt thở có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
8. Không nên cho trẻ đi vớ và chạy chơi trên sàn gỗ, rất dễ té.
9. Hãy kiểm tra thường xuyên những đồ vật lớn như: quạt trần, đèn chum, quạt hay tivi gắn tường, tủ đồ... có bám chắc chắn vào bệ đỡ hay khôn... Một cú rơi mạnh từ trên cao hay đổ tủ có thể gây thương tích cho trẻ.
10. Bạn nên để ý tới dây kéo rèm hay mành cửa, nếu dây dài lòng thong – chúng có thể thít cổ trẻ đến chết. Luôn luôn buộc chặt dây kéo rèm hay mành cửa với đế giữ dưới sàn để chúng luôn được căng hoặc  buộc chúng trên giá đỡ trên cao để trẻ không với tới được. 
11. Bạn cũng nên đặc biệt chú ý tới cánh cửa giữa các căn phòng: bạn không nên làm cửa kính trong, trẻ chạy và có thể đâm sầm vào chúng rất nguy hiểm. Một tai nạn thường xảy ra với loại cửa một cánh kéo là trẻ bị kẹt ngón tay, loại cửa có 2 cánh 2 bên lấp lửng có thể khiến trẻ bị đập người vào khi chạy chơi và té. 
12. Thường xuyên kiểm tra đồ đạc trong nhà để phát hiện những đồ đạc có cạnh cứng sắc , mũi nhọn, chẳng hạn các cạnh hay góc bàn uống nước mà nhọn cũng nguy hiểm, bạn nên chọn bàn góc tù hay trong, hoặc di chuyển khỏi nơi trẻ chơi đùa nhất là khi trẻ đang chập chứng tập đi. Tuyệt đối không để trẻ nhìn thấy – chạm tới dao gọt trái cây, kéo, những vật sắc nhọn khác.
13. Đặt các loại máy vi tính ra xa tầm với của trẻ để tránh tình trạng chúng sẽ lôi máy tính đi, các loại dây điện cũng cần để xa tầm với của chúng.
14. Bạn chỉ nên mở những cửa sổ trên cao, không được mở cửa sổ dưới cùng vì trẻ có thể ngã. Không được để các loại ghế, sofa, bàn thấp hoặc bất cứ thứ gì khiến trẻ có thể kê và leo lên cửa sổ được, bạn cũng có thể lắp thêm các loại khung hoặc lưới sắt bảo vệ cho cửa sổ.
15. Không được vất lung tung những túi nhựa, túi ni lông trong nhà, trẻ có thể chui vào hoặc đút đầu vô túi đó mà không biết cách lấy ra khiến trẻ ngạt thở.
16. Bạn nên biết cách phân loại rác vào các thùng khác nhau, với những loại rác có thể gây nguy hiểm như: mảnh thủy tinh, dao cạo râu hay thức ăn ôi thịu bạn phải dùng thùng đựng rác có nắp đậy làm sao mà trẻ không thể mở được.
17. Tai nạn do bỏng thường xuyên xảy ra ngay trong nhà: nếu trẻ còn nhỏ, không bao giờ cho xuống bếp – nơi có dao kéo, lửa và nước sôi. Bạn hãy chuẩn bị nước tắm cho con một mình, xong xuôi hết hãy đưa bé vào tắm, tai nạn khi trẻ nhúng tay hay nhảy vào chậu nước sôi khi mẹ đnag pha nước tắm rất phổ biến, phích nước nóng trong nhà luôn luôn để ngoài tầm mắt và tầm với của trẻ, trẻ chạy chơi làm đổ phích nước hay ấm trà nóng dẫn đến bỏng rất thường gặp , bạn cũng nên chú ý tới các nguồn nhiệt làm trẻ bị bỏng khô như: bô xe, bàn ủi, lò sưởi... Bỏng bô xe là một trong những tình huống thường gặp nhất.
18. Hãy cất tất cả các đồ uống có cồn hay xăng dầu vào tủ và khóa lại. Tai nạn do uống xăng , dầu hỏa ở Việt Nam không hiếm.
19. Đặt một danh sách các số điện thoại khẩn cấp ngay cạnh tất cả các điện thoại cố định trong nhà trong đó ó số bác sĩ Nhi khoa của bé, số trung tâm chống độc, số khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất, số nhà hàng xóm, số của người mà bạn tin tưởng nhất... để khi có việc khẩn cấp.

BS Trần Văn Công

Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

- 19-09-2018 -

Bài viết liên quan