Một số nguyên tắc chích ngừa cần lưu ý

Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là cách tốt nhất giúp trẻ phòng tránh bệnh tật. Dưới đây là một số nguyên tắc chích ngừa cho trẻ cần lưu ý... Bệnh cảm nhẹ hay rối loạn tiêu hóa nhẹ không phải là chống chỉ định của chủng ngừa. Thậm chí, khi bé đang điều trị với kháng sinh, vừa mới tiếp xúc với người bệnh hay vừa mới hồi phục sau một đợt bệnh, vẫn có thể chủng ngừa được...

Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là cách tốt nhất giúp trẻ phòng tránh bệnh tật. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiêm chủng cho trẻ đúng độ tuổi, liều lượng vaccine, cha mẹ cũng nên trang bị thêm kiến thức cơ bản, những nguyên tắc tiêm chủng cần lưu ý... trước khi đưa trẻ đi tiêm ngừa để chăm sóc bé trước, sau khi tiêm, hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.

Một số lưu ý khi đưa trẻ đi chích ngừa. (Ảnh minh họa)

Dưới đây là một số nguyên tắc chích ngừa cho trẻ do BS Lưu Hồng Vân (chuyên khoa Nhi, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare) chia sẻ: 

1. Bệnh cảm nhẹ hay rối loạn tiêu hóa nhẹ không phải là chống chỉ định của chủng ngừa. Thậm chí, khi bé đang điều trị với kháng sinh, vừa mới tiếp xúc với người bệnh hay vừa mới hồi phục sau một đợt bệnh, vẫn có thể chủng ngừa được.

2. Hầu như tất cả các loại vaccine đều có thể được tiêm cùng một thời điểm, trong cùng một đợt khám sức khỏe của bé. Cần lưu ý hai điểm sau: 

- Nếu hai vaccine sống giảm độc lực (thông thường bé sẽ được tiêm đồng thời hai vaccine sởi - quai bị - Rubella và thủy đậu) không được tiêm vào cùng một thời điểm thì chúng cần được tiêm cách nhau ít nhất 28 ngày, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm này không được gần hơn 28 ngày.

- Vaccine bất hoạt (hầu như tất cả các loại vaccine đường chích hiện có mặt tại Việt Nam đều là vaccine bất hoạt, ngoại trừ sởi - quai bị - Rubella, thủy đậu, lao) có thể được tiêm vào bất cứ thời điểm nào trước hay sau khi tiêm vaccine sống giảm độc lực hay giữa các mũi vaccine bất hoạt với nhau, không cần tính khoảng cách 4 tuần. Nói dễ hiểu là tốt nhất bé nên được tiêm đầy đủ các mũi cùng một lúc nếu được. Giả sử trường hợp bị thiếu vaccine, 1 - 2 tuần sau có thuốc thì bé nên đi tiêm ngay, không nhất thiết phải đợi sau 1 tháng mới được tiêm ngừa tiếp, không có nguyên tắc là "chỉ được tiêm 1 mũi trong 1 tháng”.

3. Bé nên được tiêm ngừa ngay khi đủ tuổi cho phép của mỗi loại vaccine. Không nên tiêm sớm hơn tuổi quy định. Với mũi tiêm nhắc, khoảng cách thời gian tối thiểu giữa các mũi thông thường là 4 tuần lễ hoặc xa hơn nữa tùy vào mỗi loại vaccine. Không nên tiêm mũi nhắc trước thời hạn quy định. Tuy nhiên, khi bé không chích ngừa đúng hẹn (do vấn đề sức khỏe cần hoãn chích chẳng hạn) thì bé sẽ tiếp tục chích các mũi tiếp theo khi sức khỏe cho phép, không cần lặp lại từ đầu.

4. Thai kỳ: vaccine sống giảm độc lực (sởi - quai bị - rubella và thủy đậu) cần tiêm ít nhất 1 tháng trước khi mang thai, không nên tiêm những vaccine này trong thời gian mang thai. Trong thai kỳ, nên tiêm đầy đủ vaccine cúm mùa, uốn ván. Hiện tại, vaccine ho gà cũng được khuyến cáo tiêm phòng cho phụ nữ mang thai để giảm nguy cơ mắc bệnh cho em bé mới sinh.

5. Chỉ có ba chống chỉ định vĩnh viễn với việc chích ngừa: 

- Phản ứng phản vệ nặng sau khi chích ngừa.

- Bệnh lý não không xác định được nguyên nhân trong vòng 7 ngày sau khi chủng ngừa ho gà. 

- Bệnh lý suy giảm miễn dịch nặng.

Nguồn tham khảo:

1. Immunizations: Vaccinations in General http://pedsinreview.aappublications.org/content/36/6/249 

2. Common immunization myths and Misconceptions:http://www.immunize.org/catg.d/s8035.pdf 

3. Should immunization be postponed if my child is sick? https://www.babycenter.com/404_should-immunizations-be-post

BS Lưu Hồng Vân

Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

- 30-11-2018 -

Bài viết liên quan