Cơn hoảng sợ ban đêm, cơn lú lẫn ban đêm và cơn ác mộng ban đêm ở trẻ em

Ngoài tình trạng cơn hoảng sợ ban đêm, cơn lú lẫn ban đêm, cơn ác mộng ban đêm... còn có các trạng thái xuất hiện trong giấc ngủ khác như mộng du. Cơn hoảng sợ, cơn lú lẫn và mộng du đôi khi có tính chất gia đình, một đứa trẻ có thể có một hoặc cả hai, ba tình trạng này.

Cơn hoảng sợ ban đêm là gì?

Là cơn mà đứa trẻ sẽ thức dậy một cách đột ngột lúc nửa đêm và có những hành động rất khó chịu. Chúng có thể la hét, nhảy ra khỏi giường, giống như chạy trốn một điều gì đó rất đáng sợ, chúng có thể bị vã mồ hôi, thở nhanh, hồi hộp đánh trống ngực. Trong suốt cơn hoảng sợ ban đêm bạn sẽ không thể trấn an đứa trẻ được dù bạn có cố gắng thế nào đi chăng nữa. Một cơn hoảng sợ ban đêm có thể kéo dài 10 – 20 phút, một đứa trẻ có thể bị 2 - 3 cơn trong 1 tuần.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cơn lú lẫn ban đêm là gì?

Là những cơn mà trong đó đứa bé hành động một cách lộn xộn vì chúng đang ở trong khoảng thời gian giao thoa giữa thức và ngủ. Chúng ngồi lên giường, rên rỉ và khóc lóc. Trong suốt cơn này bạn cũng không thể làm trẻ bình tĩnh lại được dù có cố gắng. Một cơn như vậy kéo dài khoảng 10 – 30 phút.

Cả cơn hoảng sợ và cơn lẫn lộn thường xảy ra vào đầu đêm. Chúng cũng có thể xuất hiện khi đứa trẻ bị sốt hay ngủ không đủ.

Thật đáng sợ khi bạn chứng kiến cơn hoảng sợ hay cơn lú lẫn của trẻ vào ban đêm, nhưng bạn cần hiểu rằng chúng không có hại gì. Và trẻ sẽ chẳng nhớ gì vào ngày hôm sau.

Cơn ác mộng ban đêm là gì?

Ác mộng là những giấc mơ đáng sợ, khủng khiếp và khó chịu đánh thức ai đó khỏi giấc ngủ. Sau một cơn ác mộng thường đứa trẻ khó khăn để có thể ngủ lại. Ác mộng thường xảy ra vào nửa sau của đêm.

Ngoài tình trạng cơn hoảng sợ ban đêm, cơn lú lẫn ban đêm, cơn ác mộng ban đêm... còn có các trạng thái xuất hiện trong giấc ngủ khác như mộng du: là tình trạng mà đứa trẻ đi lại, nói chuyện trong khi chúng đang ngủ.

Cơn hoảng sợ, cơn lú lẫn và mộng du đôi khi có tính chất gia đình, một đứa trẻ có thể có một hoặc cả hai, ba tình trạng này.

Trẻ bị các tình trạng trên có cần làm những xét nghiệm nào?

Thường thì không cần làm xét nghiệm gì cả, nếu các tình trạng này không xảy ra quá thường xuyên và không ra bất kì rắc rối nào khác cho đứa trẻ.

Một số trẻ có những cơn này quá thường xuyên hoặc có các triệu chứng sau cơn thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định một vài thăm dò để chắc chắn rằng không có bệnh lí nào gây ra các tình trạng trên. Các triệu chứng theo sau các cơn mà bác sĩ quan tâm có thể là:

  • Ngáy to hoặc thở hổn hển trong suốt giấc ngủ
  • Đái dầm (nếu đứa trẻ trước đó không đái dầm)
  • Co giật.

Cách xử trí tình trạng rối loạn giấc ngủ

Nếu con bạn có những cơn hoảng sợ hay lú lẫn ban đêm, bạn nên ở lại trong phòng cùng con cho đến khi cơn kết thúc, bạn không nên cố gắng đánh thức chúng dậy. Khi cơn kết thúc, trẻ sẽ ngủ lại bình thường.

Nếu con bạn bị ác mộng, thì bạn có thể:

  • Động viên con, đó chỉ giấc mơ chứ không phải sự thật.
  • Hướng con tới một suy nghĩ, vấn đề khác để con quên đi cơn ác mộng mới trải qua.
  • Vẽ một bức tranh hay viết về một giấc mơ nhẹ nhàng, không đáng sợ.

Điều trị tình trạng rối loạn giấc ngủ

Nếu số cơn ít chỉ tầm 1 - 2 lần/tháng thì không cần điều trị gì thêm. Hầu hết trẻ em có thể vượt qua các tình trạng này theo thời gian, sau 1 - 2 năm.

Nếu tình trạng này quá thường xuyên hoặc chúng dẫn tới những rắc rối khác, hãy nói với bác sĩ. Đối với cơn hoảng sợ, cơn lú lẫn bác sĩ có thể cho con bạn một số liệu pháp như:

  • Thuốc
  • Một kế hoạch can thiệp hành vi, gọi là "kế hoạch đánh thức " – tức là sẽ hướng dẫn ba mẹ đánh thức con dậy một vài phút vào 1 giờ nhất định trong đêm, thường là trước khi cơn lú lẫn hay hoảng sợ xảy ra.
  • Còn nếu con bạn bị ác mộng quá nhiều, bác sĩ có thể sẽ giới thiệu con bạn tới bác sĩ chuyên khoa tâm lí trị liệu.

Phòng ngừa rối loạn giấc ngủ

Dường như trẻ bị tình trạng này khi trẻ gặp một số rắc rối như sốt, ngủ không đủ.

Do đó bạn có thể phòng ngừa các cơn trên bằng cách đảm bảo đứa trẻ được ngủ đầy đủ, để làm được điều này cố gắng lên lịch ngủ cho trẻ đều đặn. Nhìn chung một trẻ từ 3 - 5 tuổi nên ngủ từ 10 - 13 giờ mỗi ngày (bao gồm cả những giấc ngủ ngắn ban ngày), trẻ lớn hơn thì nên ngủ từ 9 - 12 tiếng/ngày. Thiếu niên thì 8 - 10 giờ/ngày.

Nếu con bạn khó vào giấc hoặc khó đạt được một giấc ngủ sâu, bạn có thể thử :

  • Giữ cho giờ đi ngủ và giờ thức dậy cố định mỗi ngày, kể cả những ngày đến trường và không đến trường
  • Một giờ trước khi đi ngủ nên giữ yên tĩnh, tránh các hoạt động tiêu hao năng lượng nhiều
  • Giữ phòng ngủ của con yên tĩnh và tối, nếu con bạn sợ bóng tối thì dùng đèn ngủ nhưng không quá sáng
  • Không được để tivi, điện thoại... trong phòng ngủ của con.

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan