Có những kiểu ngôi thai nào?

Ngôi thai là gì?

Ngôi thai là phần thai trình diện ngay khung chậu của mẹ, là phần sẽ đi vào ống sinh dục và ra ngoài cơ thể mẹ đầu tiên. Ngôi thai được chia thành ba dạng: Ngôi đầu, ngôi mông và ngôi ngang (hoặc xiên).

(Hình minh họa)

Ngôi đầu

Ngôi đầu là tư thế thuận lợi nhất để sinh thường. Ở tư thế đầu quay xuống, tùy theo độ ngửa đầu mà bé có các tư thế như ngôi chỏm, ngôi thóp trước, ngôi trán, ngôi mặt. Tuy thuận lợi nhưng các kiểu ngôi trán, ngôi mặt vẫn có thể gây khó khăn cho mẹ lúc sinh vì diện tích tiếp xúc ở phần này lớn và khó đi lọt qua ngã âm đạo. Đặc biệt, nếu thai nhi ngôi mặt và cằm quay về phía lưng của người mẹ thì phải sinh mổ.

Ngôi mông

Ngôi mông là dạng ngôi ngược, đầu bé hướng lên, phần mông hoặc chân lọt vào khung chậu của mẹ. Có hai dạng:

  • Ngôi mông đủ: bé có tư thế gần như ngồi xếp bằng trong tử cung, nếu bác sĩ khám sẽ thấy cả mông và chân bé.
  • Ngôi mông thiếu: bé vắt chân lên cao, chỉ sờ được mông; bé thả chân xuống, chỉ sờ được chân và khi bé quỳ gối, chỉ sờ được đầu gối.

Ngôi ngang

Thai nhi nằm chắn ngang hoặc xiên cổ tử cung do chỉ xoay được nửa chừng. Trường hợp này xảy ra khi nhau thai nằm thấp hoặc sản phụ mang thai đôi.

Cách sinh đối với mỗi ngôi thai

(Hình minh họa)

Ngôi đầu

Khi xác định ngôi chỏm và ngôi mặt, thai phụ có thể sinh bằng phương pháp tự nhiên. Nếu thai nhi ngôi mặt nhưng có cằm xoay về phía lưng mẹ, trường hợp này phải sinh mổ.

Trường hợp thai nhi ngôi thóp trước và ngôi trán thì nên sinh mổ. Lý do là đầu em bé ngửa lưng chừng nên đường kính đầu đi qua khung chậu lớn, không đi qua được.

Ngôi mông

Trong các trường hợp xác định là ngôi mông, bác sỹ thường chỉ định sinh mổ có chọn lọc, tức là không phải trường hợp ngôi mông nào cũng phải sinh mổ. Tùy vào sức khỏe của mẹ và khả năng xoay trở của thai nhi trong quá trình sinh mà bác sỹ sẽ tư vấn cho mẹ giải pháp phù hợp. Ở trường hợp ngôi mông kiểu chân, mẹ sẽ được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, nếu sinh đôi, tử cung có vết mổ cũ hay con so nặng trên 3kg thì mẹ cũng nằm trong diện chỉ định sinh mổ.

Ngôi ngang hoặc xiên

Đây là trường hợp bắt buộc phải sinh mổ, vì cơ thể bé không thể qua được khung chậu.

Trong thời gian chuyển dạ, mẹ có thể áp dụng một số kỹ thuật để tác động đến ngôi thai, giúp việc sinh nở thuận lợi hơn:

- Cố gắng đứng thẳng càng lâu càng tốt, nghiêng người về phía trước khi có các cơn gò.

- Nhờ người massage lưng và đung đưa hông khi có cơn gò để giúp bé đổi hướng.

- Tránh nằm ngửa hay ngồi ghế.

- Nên nằm nghiêng và dạng chân để hông mở rộng.

Thực hiện xoay ngôi thai và các lưu ý

Khi phát hiện ngôi thai không thuận, có thể lúc khám bác sĩ sử dụng các phương pháp xoay ngôi thai, có thể phân thành phương pháp xoay ngoài và phương pháp xoay trong.

- Điều kiện: khi áp dụng phương pháp này cần chuẩn bị các điều kiện như thai và tử cung bình thường; không có tiền sử mổ tử cung hoặc tiền sử sảy thai; xương chậu không hẹp; thai nhi chưa lọt vào xương chậu; mẹ không có hội chứng cao huyết áp trong khi mang thai.

- Thời gian thuận lợi nhất để xoay thai là trước tuần thai thứ 32 vì càng về sau, thai nhi khá to, xoay chuyển sẽ khó khăn. Nếu sang tuần 36, thậm chí sau khi chuyển dạ, thai nhi vẫn chưa lọt xuống xương chậu, tử cung co lại không nhiều thì cần phải áp dụng phương pháp xoay ngôi thai.

- Trước khi thực hiện xoay thai, mẹ bầu nên giữ tinh thần thoải mái, đi tiểu tiện, nên hít thở sâu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Những lưu ý khi thực hiện xoay ngôi thai

Có nhiều nguyên nhân gây ra ngôi thai không thuận. Nếu ngôi ngược do dây rốn ngắn hoặc dây rốn quấn cổ, càng xoay, dây rốn càng dễ đứt, gây bong nhau hoặc chảy máu trong tử cung. Trường hợp ngôi ngược do tử cung dị dạng, việc xoay thai dễ gây vỡ tử cung.

Như vậy, với hiện tượng ngôi ngược hoặc ngôi ngang, việc xoay thai là không cần thiết. Nếu không cẩn thận có thể gây nguy hại cả mẹ lẫn con. Tốt nhất, bạn nên đi khám định kỳ và bác sỹ sẽ có chỉ định hợp lý.

Wellcare tổng hợp

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan