Chảy máu mũi ở trẻ em

Khi bỗng nhiên con bạn có máu chảy ra từ mũi, bạn có thể sẽ cảm thấy vô cùng hoảng hốt. Tìm hiểu các thông tin do Viện Y học ứng dụng Việt Nam cung cấp để bình tĩnh xử lý kịp thời bạn nhé.

May mắn là, trong khi việc chảy máu mũi ở trẻ em trông có vẻ đáng sợ thì tình trạng này thường không nghiêm trọng.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu mũi ở trẻ em, cách tốt nhất để điều trị chảy máu mũi và những gì bạn có thể làm để ngăn chặn việc chảy máu mũi xảy ra thêm lần nữa.

Chảy máu mũi từ đâu ra?

Chảy máu mũi có thể là trước hoặc sau. Chảy máu mũi trước là loại phổ biến nhất, khi máu chảy ra từ phía trước mũi. Nguyên nhân là do sự đứt các mạch máu nhỏ bên trong mũi (các mao mạch).

Chảy máu mũi sau xảy ra ở phần sâu hơn của mũi. Loại chảy máu này thường ít gặp ở trẻ em, trừ khi có một chấn thương vùng mặt hoặc mũi.

Nguyên nhân chảy máu mũi ở trẻ em?

Có một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu mũi ở trẻ em:

Không khí khô: Cho dù đó là do không khí trong nhà quá nóng hay do thời tiết khô hanh, thì nguyên nhân chính gây chảy máu mũi ở trẻ em là do không khi khô, gây kích ứng và mất nước các màng trong mũi

Cào gãi hoặc ngoáy mũi: Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây chảy máu mũi. Kích thích mũi bằng cách gãi, cào hoặc ngoáy mũi có thể làm các mạch máu dễ tổn thương hơn, dẫn đến chảy máu

Chảy máu mũi ở trẻ em
Chấn thương: Khi trẻ em bị chấn thương vùng mũi thì trẻ có thể sẽ bị chảy máu mũi. Đa phần các trường hợp sẽ không gây ra các vấn đề, nhưng bạn nên đưa trẻ đi khám bác sỹ nếu sau 10 phút tình trạng chảy máu không thể cầm lại được hoặc nếu bạn lo lắng về chấn thương, hoặc cả hai.

Cảm lạnh, dị ứng hoặc viêm xoang: Bất kỳ căn bệnh nào có triệu chứng là ngạt mũi và kích thích mũi cũng có thể gây chảy máu mũi.

Nhiễm vi khuẩn: Nhiễm vi khuẩn có thể gây sưng, đỏ và đóng vảy cứng ở vùng da ngay bên trong mũi, phía trước lỗ mũi. Tình trạng nhiễm trùng này có thể sẽ dẫn đến chảy máu mũi.

Trong những trường hợp hiếm gặp, nếu trẻ thường xuyên bị chảy máu mũi, thì nguyên nhân có thể là do các vấn đề liên quan đến đông máu hoặc bất thường về mạch máu. Nếu trẻ bị chảy máu mũi mà không liên quan đến các vấn đề ở trên, bạn hãy trao đổi với bác sỹ về lo ngại của mình.

Điều trị chảy máu mũi ở trẻ em

Bạn có thể làm chậm việc chảy máu mũi ở trẻ bằng cách cho trẻ ngồi trên một chiếc ghế. Sau đó, làm theo các hướng dẫn sau để cầm máu:

  • Giữ trẻ ngồi thẳng, hơi cúi đầu về phía trước. Ngửa đầu ra sau có thể khiến máu chảy xuống cổ họng, khiến trẻ cảm thấy mùi vị khó chịu, làm trẻ ho, nôn khan hoặc nôn mửa.
  • Ấn nhẹ vào phần mềm của mũi, ngay dưới sống mũi. Trong khi bạn làm như vậy, hãy bảo trẻ thở bằng miệng (nếu trẻ đủ lớn để có thể làm như vậy)
  • Cố gắng ấn và duy trì áp lực ấn trong khoảng 10 phút. Nếu bạn bỏ tay ra quá sớm có thể sẽ làm mũi trẻ chảy máu trở lại. Bạn cũng có thể chườm lạnh lên sống mũi để làm giảm lượng máu chảy ra.
Chảy máu mũi ở trẻ em
Nếu tình trạng chảy máu mũi tái phát?

Một số trẻ chỉ bị chảy máu mũi 1-2 lần/năm, trong khi một số trẻ khác sẽ bị chảy máu mũi thường xuyên hơn. Việc này sẽ xảy ra thường xuyên nếu như niêm mạc mũi bị kích thích quá nhiều, làm lộ ra các mạch máu, do vậy, mũi có thể bị chảy máu, kể cả với những hành động nhỏ nhất.

Điều trị chảy máu mũi thường xuyên

Nếu trẻ thường xuyên bị chảy máu mũi, hãy tìm cách để làm ẩm niêm mạc mũi. Bạn có thể thử các cách sau:

  • Dùng thuốc xịt mũi làm từ muối xịt vào mũi vài lần một ngày
  • Dùng bông có Vaseline hoặc lanolin thoa vào vùng da ngay bên trong lỗ mũi
  • Dùng máy làm ẩm không khí trong phòng ngủ của trẻ
  • Cắt móng tay gọn gàng cho trẻ để tránh việc trẻ tự làm xây xát hoặc kích ứng mũi do ngoáy mũi

Khi nào nên gọi bác sỹ

Bạn nên gọi bác sỹ nếu

  • Trẻ bị chảy máu mũi là do trẻ đã đút thứ gì đó vào mũi
  • Gần đây, trẻ mới sử dụng một loại thuốc mới
  • Ngoài chảy máu mũi, trẻ cũng chảy máu ở các vị trí khác, ví dụ như nướu (lợi).
  • Trẻ có những vết bầm tím nặng trên cơ thể.

Bạn nên liên lạc với bác sỹ ngay nếu trẻ vẫn tiếp tục chảy máu sau hai lần bạn ấn nhẹ vào mũi trẻ, mỗi lần khoảng 10 phút. Bạn cũng nên đến gặp bác sỹ ngay nếu chảy máu mũi là do hậu quả một cú đánh vào đầu (không phải vào mũi) hoặc nếu trẻ bị đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.

Chảy máu mũi trông có vẻ như trẻ sẽ mất rất nhiều máu, nhưng thực ra, rất hiếm khi chảy máu mũi ở trẻ em gây nguy hiểm. Bạn có thể sẽ không cần phải đưa trẻ đến bệnh viện. Giữ bình tĩnh và làm theo các bước trên đây để làm chậm quá trình chảy máu và cầm máu ở trẻ.

Cố gắng giữ trẻ nghỉ ngơi hoặc chơi nhẹ nhàng sau khi bị chảy máu mũi. Tránh để trẻ xì mũi hoặc ngoáy mũi quá mạnh. Luôn luôn nhớ rằng, chạy máu mũi không gây hại gì cho trẻ em cả. Hiểu được cách cầm máu và làm giảm tốc độ chảy máu là kỹ năng cần thiết mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng nên biết.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan