Cấy que tránh thai, bà mẹ suýt mất mạng vì que "lạc trôi" lên tận tim

Cấy que tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai khá phổ biến gần đây. Với hiệu quả tránh thai lên tới 99%, lại có tác dụng kéo dài 3 năm, có thể lấy ra bất cứ lúc nào, cấy que tránh thai ngày càng được nhiều chị em tin dùng. 

Cấy que tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai khá phổ biến hiện nay. (Ảnh minh họa)

Nhưng đối với Deborah Louise (sống tại Anh), chuyện cấy que tránh thai thực sự đã biến thành "cơn ác mộng" đe dọa đến cả tính mạng của cô. 

Ngày 15/5 vừa qua, Deborah đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội như một lời cảnh báo đến chị em phụ nữ. 

Cô viết: "Cảm ơn tất cả mọi người đã chúc mừng sinh nhật tôi. Thật may mắn khi có thể nhận lời sinh nhật của mọi người vì sáng nay ca phẫu thuật loại bỏ que tránh thai ra khỏi cơ thể tôi đã thành công. 

Tôi cấy que tránh thai từ năm 2015, sau đó nó đã "chu du" khắp cơ thể tôi, đi qua cả tim. Sau nhiều lần chụp X quang và siêu âm nhưng không thể xác định vị trí của nó, đến tháng 8/2017 các bác sĩ mới có thể phát hiện chiếc que tránh thai đang nằm tắc tại động mạch phổi bên phải của tôi thông qua chụp CT. Thật may là tôi chưa phải thực hiện phẫu thuật mở lồng ngực để lấy nó ra". 

Deborah cũng cho biết cô là 1 trong 12 trường hợp trên thế giới và trường hợp đầu tiên ở Anh được ghi nhận tình trạng que tránh thai "chạy" đến cơ quan nội tạng và được loại bỏ thành công. Tuy nhiên, những trường hợp que tránh thai lệch ra khỏi vị trí ban đầu sau khi cấy ghép thì không hề ít. 

Các bác sĩ đã mất 2 năm để tìm ra vị trí chính xác của chiếc que. (Ảnh minh họa)

Vì vậy, cô chia sẻ: "Tôi chắc chắn sẽ không khuyên ai cấy que tránh thai sau khi biết được những rủi ro này. Nó thực sự đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và còn suýt cướp đi tính mạng của tôi. Tôi không nói rằng que tránh thai nên bị cấp nhưng tôi muốn mọi người nâng cao nhận thức về những rủi ro có thể gặp phải khi thực hiện biện pháp tránh thai này". 

Những trường hợp nào không được cấy que tránh thai?

Trao đổi về vấn đề que tránh thai di chuyển khỏi vị trí đặt ban đầu, bác sĩ Karin O'Sullivan, Giám đốc y tế của Tổ chức Y tế Sinh sản từ thiện (FPA) cho biết: "Que tránh thai đôi khi có thể di chuyển nhẹ ra khỏi vị trí ban đầu nhưng rất hiếm khi ra hẳn khỏi cánh tay. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu que được cấy nhầm vào mạch máu nhưng nếu là chuyên gia chăm sóc sức khỏe được hướng dẫn đầy đủ thì sẽ khó mắc lỗi cơ bản này". 

Bác sĩ cũng cho biết que tránh thai sẽ nằm ngay dưới da và có thể dễ dàng cảm nhận bằng ngón tay nên nếu sau khi cấy không thấy que thì chị em nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức để kiểm tra vị trí của nó. 

Tuy nhiên, vì que cấy tránh thai là dạng que có chứa nội tiết cấy dưới da nên đòi hỏi phải thực hiện đúng kỹ thuật. Đã có những trường hợp thực hiện “chui” không đúng kỹ thuật nên khi muốn có thai trở lại đã không tìm thấy que để rút ra. Vì vậy, nếu muốn cấy que tránh thai, chị em cần tìm đến trung tâm có uy tín để được tư vấn và thực hiện đúng kĩ thuật.

Que cấy sẽ tác động đến chu kỳ kinh của chị em, vì vậy có đến 70% phụ nữ vô kinh hoàn toàn trong thời gian cấy que, một số người vài ba tháng sau mới có kinh và một số chị em vẫn có kinh đều nhưng lượng kinh ít hơn bình thường. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại, khi tháo que ra vòng kinh sẽ trở về bình thường và khả năng có thai sẽ trở lại ngay, trừ những trường hợp rong kinh cần phải can thiệp. Lúc ấy, cần dùng thuốc cân bằng nội tiết để cơ thể quen dần với que cấy, nếu sau 3 - 6 tháng vẫn không cải thiện thì buộc phải lấy que ra.

Các bác sĩ phụ khoa khuyến cáo, que cấy tránh thai có chứa nội tiết nên những chị em mắc bệnh như huyết áp cao, tim mạch, ung thư vú, bệnh gan cấp tính, u gan, thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, ra máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân thì không được sử dụng phương pháp tránh thai này. 

Theo Eva.vn

- 28-06-2018 -

Bài viết liên quan