Cách cai sữa cho bé khoa học và hiệu quả

Bạn chính là người thích hợp nhất suy xét tình hình và quyết định thời điểm cai sữa cho bé. Đừng bao giờ đặt ra một thời hạn cụ thể nào đó để cai sữa mà bản thân bạn cũng như bé đều chưa thực sự sẵn sàng.

Cai sữa là gì?

Cai sữa là khi bé dừng hẳn việc bú sữa mẹ và tất cả những dinh dưỡng mà bé nhận được đều đến từ những nguồn khác ngoài sữa mẹ.

cai sữa
(Ảnh: New age pregnancy)

Thời điểm nào thích hợp để bắt đầu việc cai sữa?

Bạn chính là người thích hợp nhất suy xét tình hình và quyết định thời điểm cai sữa cho bé. Đừng bao giờ đặt ra một thời hạn cụ thể nào đó để cai sữa mà bản thân bạn cũng như bé đều chưa thực sự sẵn sàng.Viện Nhi khoa Hoa Kì khuyến cáo: Mẹ nên cho bé bú sữa mẹ ít nhất là 1 năm và cũng khuyến khích cho bé bú lâu hơn nếu cả mẹ và bé đều muốn như vậy. Và dù cho người thân, bạn bè, hay một người lạ nào đó có thể nói với bạn làm như vậy là cai sữa không đúng cách, thì bạn cũng đừng hoang mang, điều bạn cần làm lúc này là kiên định thực hiện những gì tốt nhất cho cả bé và bạn  Hãy lắng nghe bản năng làm mẹ của mình và để bé bỏ bú một cách tự nhiên khi bé lớn hơn chút nữa.

Cai sữa theo ý bé

Cai sữa sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bé bắt đầu mất dần hứng thú với việc bú mẹ. Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau khi bé bắt đầu ăn thức ăn rắn (trong khoảng 4 đến 6 tháng). Một số bé thích ăn thức ăn rắn hơn sữa mẹ khi được 12 tháng, đến lúc này bé đã được mẹ cho ăn rất nhiều loại thức ăn và có thể uống sữa từ cốc.Và đến khi bé chập chững biết đi, bé dường như không còn thích bú mẹ nữa, bởi bé không đủ kiên nhẫn ngồi một chỗ để mẹ cho bú, bé đã năng động hơn rất nhiều và chỉ muốn cà kê chơi đùa thôi! Nếu bé quấy là không kiên nhẫn hoặc phân tâm khi đang bú, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng cai sữa.

Cai sữa theo ý mẹ

Khi trở lại làm việc, bạn có thể sẽ phải cân nhắc và quyết định bắt đầu cai sữa cho bé hoặc đơn giản là bạn tự cảm thấy đây là thời điểm thích hợp cho cả hai mẹ con để làm điều đó. Trong trường hợp chỉ có mình bạn sẵn sàng còn bé thì không, bạn vẫn có thể tác động làm cho bé từ từ bỏ bú.Khi bé chưa sẵn sàng, thì quá trình cai sữa sẽ trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn, đòi hỏi bạn phải vô cùng kiên nhẫn. Nó cũng phụ thuộc vào tuổi và khả năng điều chỉnh thích nghi với thay đổi của bé.Tốt nhất bạn không nên theo phương pháp “xa mặt cách lòng”, ví dụ, do quá nôn nóng cai sữa cho bé, bạn gửi bé cho ông bà vài ngày với ý nghĩ làm như vậy bé sẽ dễ dàng quên vú mẹ. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng việc đột ngột bỏ bú mẹ như vậy có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý cho bé, đồng thời có thể gây tắc ống dẫn sữa hoặc gây nhiễm trùng vú đối với bạn.

Làm thế nào để cai sữa cho bé đúng cách?

Bạn cần cai sữa cho bé một cách chậm rãi, từng bước một, chú ý phản ứng phản kháng hay khó chịu từ bé. Và để giảm thiểu cảm giác bất an cho bé khi phải thay đổi thói quen của mình, bạn có thể sử dụng như một số phương pháp sau:

Bỏ một cữ bú

Bỏ qua một cữ bú trong ngày và quan sát xem bé sẽ phản ứng như thế nào nếu bạn cho bé uống sữa bằng cốc hoặc bằng bình thay vì cho bé bú mẹ. Bạn có thể lựa chọn cho bé bú sữa mẹ (sau khi bạn tự bơm sữa ra và cho vào bình), sữa công thức hoặc sữa bò nguyên kem (chỉ khi bé đã tròn năm). Cho bé bú như vậy liên tục mỗi ngày trong 1-2 tuần để bé có thời gian thích nghi với thay đổi. Cách này cũng rất tốt đối với cơ thể mẹ, nó giúp nguồn cung cấp sữa của mẹ tự điều chỉnh và giảm đi theo, tránh được nguy cơ căng sữa và viêm tuyến vú.

Giảm thời gian cho bú

Bạn nên bắt đầu cai sữa cho bé bằng cách giới hạn lại thời gian cho bé bú trong mỗi cữ. Nếu bình thường mỗi cữ bé bú trong 10 phút, giờ bạn hãy thử chỉ cho bé bú trong 5 phút thôi. Tùy thuộc vào độ tuổi của bé, bạn có thể điều chỉnh và cho bé ăn thêm sữa chua hay một cốc sữa bò hoặc sữa công thức (một số bé nhỏ hơn 6 tháng vẫn chưa thể ăn thức ăn rắn). Chỉ nên thay thế sữa bằng thức ăn rắn khi bé đã được 1 tuổi.Cữ bú tối trước khi đi ngủ là khó thay đổi nhất, vì vậy bạn hãy kiên nhẫn, bé sẽ không thể ngon giấc nếu không được bú đủ.

Trì hoãn và làm trẻ phân tâm

Hãy cố gắng hoãn lại việc cho bú nếu bây giờ bạn chỉ cho bé bú tầm 2 cữ mỗi ngày.Cách này chỉ áp dụng khi con bạn đã lớn (hơn 1 tuổi). Nếu bé yêu cứ nằng nặc đòi bú, trước hết bạn nên trấn an bé, có thể giải thích rằng bạn đang bận việc, một lát nữa sẽ cho bé bú, sau đó, hãy cố gắng làm bé phân tâm bằng những hoạt động vui chơi thú vị khác. Còn nếu bé đòi bú vào buổi chiều, hãy cố gắng dỗ và hứa rằng bạn sẽ cho bé bú trước giờ đi ngủ.Để cho bé nhanh chóng làm quen với việc bú bình, bạn có thể cho một vài giọt sữa mẹ lên môi hoặc lưỡi bé, rồi sau đó mới đút núm bình bú vào miệng bé.


Ảnh minh họa

Liệu bé có nhận được đầy đủ dinh dưỡng?

Ngay cả những bé được bú sữa mẹ hoàn toàn trong những năm tháng đầu đời thì vẫn cần được bổ sung các chất dinh dưỡng mà sữa mẹ không có như Vitamin D. Dù bạn muốn cai sữa cho bé trước 1 tuổi nhưng bé vẫn cần được tiếp tục uống sữa mẹ (mẹ bơm sẵn ra bình) hoặc sữa công thức có bổ sung chất sắt cho tới khi bé chính thức 1 tuổi. Và khi bé đã có thể chập chững đi được, thì lúc này, bạn cần phải bổ sung cho bé nhiều chất dinh dưỡng hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu phát triển, giúp bé lớn lên vui khỏe, thông minh!

Khi việc cai sữa trở nên khó khăn

Nếu bạn đã thử mọi cách mà chẳng đem lại kết quả khả quan nào, có lẽ bạn đã chọn sai thời điểm để cai sữa. Một số sự kiện diễn ra trong thời gian này có thể làm cho quá trình cai sữa trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn bé đang trải qua một mốc phát triển khác và không thể thích nghi được việc bỏ bú lúc này, bé bị bệnh hay gia đình bạn phải chuyển nhà đến nơi khác hoặc thậm chí là trục trặc trong quan hệ vợ chồng của bạn… Đừng quá lo lắng và nản lòng, bạn có thể thử cai sữa lại cho bé sau một tháng nữa. Sớm muộn gì thì bé cũng sẽ cai sữa được thôi!

Những lưu ý quan trọng trong việc cai sữa cho bé

Không cai sữa đột ngột

Mẹ không nên cai sữa đột ngột vì dễ làm cho trẻ bị sang chấn tinh thần và dễ sinh biếng ăn. Với trẻ nhỏ, bú mẹ không chỉ là một nhu cầu ăn uống mà còn là một nhu cầu tình cảm, muốn được mẹ ôm ấp, bế ẵm. Vì vậy, đột ngột ngừng hẳn việc cho con bú có thể khiến trẻ bị sốc. Tốt nhất là nên giảm từ từ, nếu vẫn cho bú 4-5 lần một ngày thì giảm thành 3, sau đó thành 2, rồi 1.

Cho bé làm quen với nhiều món ăn hấp dẫn

Khi cai sữa cho bé, bên cạnh việc giảm bú từ từ, bạn hãy cho bé làm quen với nhiều món ăn mới. Khi bé đã có những món ăn khoái khẩu của mình thì việc cai sữa cũng trở nên dễ dàng hơn, lại đảm bảo được dinh dưỡng cho bé.

Không cai sữa cho bé khi thời tiết xấu

Không nên cai sữa cho bé vào mùa hè trời quá nóng hoặc mùa đông quá rét, khi mà ngay cả người lớn cũng thấy mệt mỏi khó chịu. Thời tiết xấu có thể khiến trẻ mệt mỏi cộng với sự thay đổi thói quen ăn uống dễ làm trẻ ốm.

Không cai sữa khi bé bị bệnh

Tuyệt đối không cai sữa khi bé bị bệnh vì đây là lúc bé thường hay biếng ăn nên sẽ khó thích nghi với chế độ ăn mới. Đặc biệt, với bé bị tiêu chảy thì càng bất lợi vì hệ tiêu hóa của bé vốn non yếu, khả năng hấp thụ thức ăn giảm sút, bệnh tiêu chảy dễ nặng thêm, bé sẽ càng biếng ăn và dẫn đến suy dinh dưỡng. Lúc này sữa mẹ chính là thực ẩm an toàn và tốt nhất cho bé.Mặt khác, khi bé bệnh, bé có nhu cầu tình cảm được mẹ ôm ấp, bế nựng và bú mẹ. Bú mẹ sẽ giúp bé bớt quấy khóc và ngủ ngon hơn.

9 dấu hiệu có thể cai sữa cho bé:

  • Có thể tự kiểm soát được những hoạt động của đầu. Khi bế bé đầu đã cứng cáp, không cần dùng tay đỡ sau gáy.
  • Trẻ có thể ngồi vững, mà không cần sự trợ giúp.
  • Có sự vận động cơ hàm (nhai).
  • Trọng lượng cơ thể bé tăng gấp đôi so với khi mới sinh ra.
  • Có những biểu hiện không hài lòng như quấy khóc mặc dù đã được bú no sữa mẹ.
  • Bú mẹ lâu hơn so với bình thường.
  • Cho những vật mà bé tìm thấy vào miệng.
  • Giấc ngủ ban đêm bị gián đoạn, bé thức giấc và quấy khóc do đói.
  • Biểu lộ sự tò mò khi trông thấy người khác ăn.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan