Bệnh viêm mao mạch dị ứng (HSP) ở trẻ em

HSP hay còn gọi là bệnh viêm mạch máu IgA (IgA là một loại kháng thể), đây là bệnh viêm mạch hệ thống thường gặp nhất ở trẻ em. 90% số ca bệnh HSP xảy ra ở trẻ em. Hầu hết bệnh tự giới hạn, tiên lượng tốt. Cơ chế của bệnh chưa thực sự rõ ràng nhưng có liên quan tới cơ chế miễn dịch, vì khi làm sinh thiết người ta thấy có sự lắng đọng kháng thể IgA trên mẫu sinh thiết mạch máu, da, thận…

Viêm mao mạch dị ứng (HSP) là gì?

HSP hay còn gọi là bệnh viêm mạch máu IgA (IgA là một loại kháng thể), đây là bệnh viêm mạch hệ thống thường gặp nhất ở trẻ em. 90% số ca bệnh HSP xảy ra ở trẻ em. Hầu hết bệnh tự giới hạn, tiên lượng tốt. Cơ chế của bệnh chưa thực sự rõ ràng nhưng có liên quan tới cơ chế miễn dịch, vì khi làm sinh thiết người ta thấy có sự lắng đọng kháng thể IgA trên mẫu sinh thiết mạch máu, da, thận…

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Triệu chứng của HSP

Thường bệnh khởi phát sau một nhiễm trùng, 50% trẻ em có nhiễm trùng hô hấp trên trước đó. Có thể nhận diện HSP dựa vào 4 đặc trưng sau:

  • Ban xuất huyết có thể sờ thấy được (hơi gồ): tuy nhiên trước khi nói ban này do bệnh HSP thì phải loại trừ các bệnh lý của tiểu cầu và các rối loạn đông máu khác. Sự hiện diện của ban này quyết định chẩn đoán HSP, nếu không có ban này thì rất ít khi nghĩ tới HSP. Ban thường xuất hiện ở vùng chịu trọng lực, điển hình là ban đối xứng 2 bên ở cẳng chân. Tuy nhiên ban có thể xuất hiện ở nơi khác: mông, vai, tay, dương vật...
  • Viêm khớp, đau khớp (84%): thường đau, sưng các khớp lớn như khớp gối, cổ chân.
  • Đau bụng (20-30%): thường đau bụng thành cơn, quanh rốn hay thượng vị kèm theo buồn nôn, nôn. Đôi khi có xuất huyết tiêu hóa cao (nôn ra máu, tiêu phân đen). Triệu chứng đau bụng thường xuyên xuất hiện trước khi phát ban do vậy giai đoạn sớm thường chẩn đoán nhầm với các bệnh lý đường tiêu hóa và trẻ hay điều trị khoa tiêu hóa vài ngày khi thấy xuất hiện ban rõ mới có chẩn đoán HSP.
  • Bệnh thận (21-54%): tiểu máu (đại thể hoạc vi thể), tiểu đạm, có thể có phù, tăng huyết áp hoặc suy thận. Biểu hiện bệnh thận nếu có là một yếu tố tiên lượng xấu vì có thể dẫn tới suy thận mạn. Các biểu hiện của bệnh thận có thể biểu hiện muộn 4 - 6 tháng sau khi khởi phát.

Việc chẩn đoán HSP khi có ban điển hình kèm theo các biểu hiện trên sau khi đã loại trừ các bệnh lý khác có biểu hiện tương tự (bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp, viêm mạch máu quá mẫn...). Ngoài ra bệnh có thể có biểu hiện ở nhiều cơ quan khác như thần kinh, mắt, hô hấp...

Khi nào cần đưa bệnh nhân đi nhập viện?

Trường hợp cần đưa bệnh nhân nhập viện:

  • Không ăn, uống được
  • Đau bụng dữ dội
  • Xuất huyết tiêu hóa (nôn máu, tiêu phân đen)
  • Rối loạn tâm thần
  • Có biểu hiện tổn thương thận (tiểu đạm, tiểu máu, phù, tăng huyết áp...)
  • Đau khớp không đi lại được.

Cần thực hiện những xét nghiệm gì?

Các xét nghiệm cần thực hiện khi chẩn đoán, điều trị HSP là:

  • Công thức máu: chủ yếu xem số lượng tiểu cầu, nhằm phân biệt ban xuất huyết này do bệnh HSP hay bệnh xuất huyết khác có nguyên nhân tiểu cầu.
  • Chức năng đông máu: để phân biệt với xuất huyết do các bệnh lí rối loạn đông máu.
  • Xét nghiệm ure, creatinin để đánh giá chức năng thận
  • Phân tích nước tiểu: nhằm phát hiện tổn thương thận biểu hiện qua nước tiểu: có tiểu máu, tiểu đạm hay không.
  • Sinh thiết (biosy) thận hoặc da trong những trường hợp HSP tổn thương thận hoặc chẩn đoán không rõ ràng.
  • Các cận lâm sàng khác để chẩn đoán phân biệt.

Điều trị viêm mao mạch dị ứng

Trước tiên, người bệnh cần:

  • Nghỉ ngơi, bù nước đường uống
  • Giảm đau khớp hoặc đau bụng.

Trường hợp đau nhẹ

Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) như:

  • Naproxen 10-20 mg/kg/ngày uống chia 2 lần
  • Ibuprofen và các NSAIDs khác cũng có hiệu quả tương tự.

Đau nặng hoặc không uống thuốc được 

Prednisolon 1-2 mg/kg/ngày, tối đa 60-80 mg/ngày hoặc Methyprednisolon 0,8-1,6 mg/kg/ngày.

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan