Bảo quản sữa mẹ vắt ra như thế nào?

Có nhiều lý do mà người mẹ không thể cho bé bú trực tiếp được, từ phía mẹ hay từ phía bé. Thay vào đó, họ sẽ vắt sữa và trữ đông để sử dụng khi cần...

Có nhiều lý do mà người mẹ không thể cho bé bú trực tiếp được, từ phía mẹ hay từ phía bé. Thay vào đó, họ sẽ vắt sữa và trữ đông để sử dụng khi cần.

Bảo quản sữa sau khi vắt như thế nào?

Rửa tay thật sạch trước khi vắt sữa dù bạn vắt bằng máy hay bằng tay. Sữa vắt ra nên được trữ trong những dụng cụ sạch bằng thủy tinh hay bằng nhựa cứng không chứa BPA, có nắp đậy. Bạn có thể dùng những túi trữ sữa chuyên dụng. Tuy nhiên, túi trữ sữa mẹ có thể bị rách, rò rỉ và bị ô nhiễm dễ dàng hơn các hộp đựng cứng. Để bảo vệ thêm, hãy đặt túi vào hộp đựng bằng nhựa cứng với nắp đậy kín.

Sử dụng nhãn và mực không thấm nước, ghi ngày vắt sữa lên nhãn. Nếu bạn gửi vào trường cho bé, nhớ ghi thêm tên của bé. Đặt hộp ở nơi có nhiệt độ mát nhất trong tủ lạnh hay tủ đá. Nếu bạn không có tủ lạnh hoặc tủ đá, hãy giữ sữa tạm thời trong túi cách nhiệt.

(Ảnh minh họa)

Cho lượng sữa vào từng túi đủ cho một lần ăn. Bạn có thể bắt đầu 60 - 120ml, và sau đó điều chỉnh nếu cần. Cũng nên cân nhắc lưu trữ một vài phần nhỏ hơn, cỡ 30 - 60ml đối với các tình huống bất ngờ. Sữa mẹ sẽ dãn nở khi đóng băng, do đó không cho đầy sữa vào các túi trữ.

Rã đông sữa như thế nào?

Sử dụng sữa cũ nhất trước. Rã đông từ từ bằng cách cho vào ngăn mát tủ lạnh vào đêm trước khi bạn định dùng. Cách nhanh hơn là làm ấm sữa bằng cách chảy dưới vòi nước ấm hoặc cho vào chén nước ấm. Không rã đông bằng cách cho vào lò vi sóng hay đặt trên bếp. Làm ấm sữa quá nhanh có thể làm mất đi kháng thể vốn có trong sữa mẹ. Nên bỏ sữa rã đông nếu quá 24 giờ không sử dụng tới. Không trữ đông lại sữa đã rã đông rồi.

Sữa mẹ có mùi và màu tùy thuộc vào chế độ ăn của mẹ. Sữa mẹ rã đông có mùi khác một chút nhưng vẫn an toàn khi cho bé sử dụng. Khi sữa được lưu trữ càng lâu, lượng vitamin C bị mất càng nhiều.

Sữa mẹ đã vắt có thể được bảo quản trong bao lâu tùy vào phương pháp lưu giữ. Thời gian để tối đa với nhiệt độ phòng là 6 giờ, nếu phòng nóng thì chỉ nên để trong 4 giờ. 

Trong túi giữ nhiệt: để tối đa 24 giờ và phải có đá dự trữ để đảm bảo lạnh.

Trong tủ lạnh: 5 ngày nếu sữa để ở vùng mát nhất của tủ lạnh. Tuy nhiên, tối ưu vẫn là 3 ngày. 2 tuần nếu để ở ngăn đá. 

Tủ đông chuyên dụng: tối đa 12 tháng. Tối ưu trong 6 tháng.

Xem thêm:

>>> Cách bảo quản sữa cho bé khi mẹ đi làm trở lại

>>> Mẹ cần chuẩn bị gì để có thể duy trì sữa mẹ khi đi làm?

Nguồn tham khảo:
Breastmilk storage: do’s and don’ts https://www.mayoclinic.org/…/breast-milk-stora…/art-20046350
Expressing and storing breast milk https://www.nhs.uk/…/pregna…/expressing-storing-breast-milk/

BS Lưu Hồng Vân

Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

- 30-11-2018 -