Bệnh thủy đậu ở trẻ

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu

  • Sốt hoặc không sốt.
  • Ban trên da: đa hình thái, đa lứa tuổi, nhiều vị trí:
    • Đa hình thái (hình thái trên da rất đa dạng): hồng ban phẳng, hồng ban dạng sẩn gồ lên, bóng nước to nhỏ khác nhau, bóng đục bóng trong. Những bóng nước lớn thường có đỉnh lõm xuống (đây là điểm đặc trưng của bóng nước thuỷ đậu để phân biệt các bệnh khác), có bóng nước vỡ...
    • Đa lứa tuổi: trên một vùng da có đầy đủ các loại tổn thương từ trẻ đến già. Trẻ là các hồng ban, bóng nước trong - nhỏ. Già là những bóng nước lớn, lõm đỉnh, bóng vỡ, vết loét, đóng mày...
    • Đa vị trí: xuất hiện toàn thân, nhiều ở bụng, ngực, lưng, mặt... ít hơn ở tay chân. Lòng bàn tay bàn chân càng ít. Nếu ban hay bóng nước tập trung chủ yếu ở tay chân, lòng bàn tay bàn chân thì cần phân biệt với bệnh tay chân miệng.
  • Diễn biến của tổn thương da: hồng ban - bóng nước - bóng xẹp hay vỡ, có thể tạo sẹo.
  • Nếu nước trong bóng nước chuyển đục, trẻ kèm sốt (hoặc không) là bóng nước bị bội nhiễm, dễ vỡ tạo sẹo. Cần uống kháng sinh.
  • Ngứa: thường ngứa nhiều. Cần cắt móng tay, rửa xà bông sạch tránh cào gãi nhiều sẽ làm vỡ bóng nước - nhiễm trùng.
  • Toàn trạng: tốt, trẻ vẫn lanh, ăn chơi bình thường.

(Ảnh minh họa)

Thủy đậu ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Thường xảy ra theo mùa, thường gặp ở trẻ em đi học.

Điều trị thủy đậu ở trẻ

Điều trị thủy đậu tại chỗ

  • Thoa xanhmethylen lên bóng nước ngày 3 lần, có thể dùng Acyclovir thoa lên tổn thương da. Tắm rửa nhẹ nhàng tránh làm vỡ bóng nước, vệ sinh tay - cắt móng cho trẻ.
  • Chống ngứa: uống thuốc kháng histamin, nên chọn thế hệ 2 để tiện theo dõi tri giác trẻ.
  • Thuốc kháng virus: Acyclovir liều 20 mg/kg/lần, ngày 4 lần. Hiệu quả cao nếu dùng sớm trong 48 giờ đầu. 

Khuyến cáo của thế giới về dùng Acyclovir

Không khuyến cáo cho trẻ dưới 12 tuổi khỏe mạnh.

Chỉ định dùng khi:

  • Trẻ từ 13 tuổi trở lên chưa tiêm chủng
  • Ca bệnh tiếp theo trong gia đình có người bị thủy đậu trước đó
  • Người có bệnh da hay bệnh phổi mạn
  • Người dùng Corticoid kéo dài
  • Người dùng Pspirin kéo dài.

Ngoài ra:

  • Không dùng Corticoid: Prednison, Medrol...
  • Không kiêng khem ăn uống
  • Không tới nơi đông người.

Dự hậu

Hầu hết lành tính tự khỏi sau 7 - 14 ngày.

Số ít có biến chứng: viêm phổi, viêm não. Nên nếu trẻ xuất hiện rối loạn tri giác, nôn ói, sốt cao, ho, khó thở... cần cho nhập viện.

Sau khi khỏi bệnh, virus không bị loại trừ ra khỏi cơ thể hoàn toàn. Nó sẽ cư ngụ ở các hạch thần kinh.

Sau này nếu trẻ có cơ hội tiếp xúc lại với bệnh nhân thuỷ đậu hay zona và cơ thể trẻ lúc đó đang yếu, đề kháng kém. Thậm chí không cần tiếp xúc nguồn lây, nếu trẻ stress, đề kháng suy giảm... thì virus này tái hoạt động trở lại gây ra bệnh cảnh Zona thần kinh (giời leo).

Phòng bệnh thủy đậu đặc hiệu

Chích ngừa cho trẻ trên 1 tuổi chưa bị thuỷ đậu. Thường chỉ cần chích hai mũi, mũi 1 lúc đủ 1 tuổi, mũi 2 lúc 4 - 6 tuổi. Tuy nhiên nếu chích nhắc lại một mũi sau mũi 1 khoảng 2 tháng thì hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ hơn. Nên chọn thời điểm chích vào khoảng 1 tháng trước khi vào mùa bệnh.

Nếu trẻ chưa chích ngừa mà lỡ tiếp xúc với người bệnh: Đưa đi chích ngay vẫn có hiệu quả bảo vệ nếu chích sớm trong vòng 5 ngày sau tiếp xúc hoặc có thể trẻ vẫn bị nhưng bệnh cảnh nhẹ hơn nhiều và không biến chứng... nói chung sau tiếp xúc với người bệnh mà trẻ chưa mọc ban thì cứ đi chích.

Phòng ngừa không đặc hiệu: vệ sinh thân thể, rửa tay, tránh tiếp xúc với người bị bệnh.

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare

- 05-07-2018 -

Bài viết liên quan