Viêm loét đại trực tràng chảy máu

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính, hay tái phát, có tính chất tự miễn, gây loét và chảy máu đại trực tràng, gây tổn thương lan tỏa lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, vị trí chủ yếu ở trực tràng và giảm dần cho đến đại tràng phải. Thời

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là gì?

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính, hay tái phát, có tính chất tự miễn, gây loét và chảy máu đại trực tràng, gây tổn thương lan tỏa lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, vị trí chủ yếu ở trực tràng và giảm dần cho đến đại tràng phải.
Thời điểm khởi phát bệnh hay gặp nhất là từ 15-40 tuổi. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào, có khoảng > 15% số bệnh nhân ở thời điểm chẩn đoán có tuổi trên 60 tuổi.

Triệu chứng viêm loét đại trực tràng chảy máu

Triệu chứng viêm loét đại trực tràng chảy máu

Lâm sàng

  • Dấu hiệu cơ năng
    • Bệnh có thể khởi phát từ từ hoặc đột ngột với các triệu chứng lâm sàng rầm rộ như đại tiện phân lỏng nhiều lần trong ngày, có thể kem theo phân nhày máu, đau bụng, sốt.
    • Tăng số lần đại tiện trong ngày: trong đợt tiến triển, có thể tới 20 lần/ngày. Tuy nhiên có khoảng 30% trường hợp viêm loét đại trực tràng chảy máu với viêm loét trực tràng hoặc viêm loét trực tràng và đại tràng sigma có triệu chứng đại tiện phân táo.
    • Đau bụng: trường hợp tổn thương ở trực tràng bệnh nhân thương có biểu hiện của hội chứng lỵ với các triệu chứng đau quặn mót rặn, đỡ đau sau khi đi ngoài.
  • Tình trạng toàn thân
    • Sốt: trong các đợt tiến triển, bệnh nhân có thể có sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy theo tình trạng bệnh.
    • Gày, sút cân: Bệnh nhân thường có cảm giác mệt mỏi, chán ăn và không ăn được nhiều, gày sút cân thường xảy ra ở những bệnh nhân có tổn thương rộng và trên cao.
    • Rối loạn nước và điện giải: do tình trạng đại tiện phân lỏng hoặc phân nhày máu với số lượng nhiều và kéo dài gây nên. Đây là những dâu hiệu phản ánh tình trạng nặng của bệnh. Giảm kali má gây chướng bụng, liệt ruột cơ năng và có thể tăng nguy cơ phình giãn đại tràng nhiễm độc.
    • Thiếu máu: khoảng 1/3 số bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu có dấu hiệu thiếu máu. Mất máu mạn tính qua đường tiêu hóa dẫn tới thiếu máu thiếu sắt...

Biểu hiện ngoài đường tiêu hóa

  • Biểu hiện ở khớp: gặp ở 25% bệnh nhân bị bệnh viêm ruột mạn tính tự phát. Có thể biểu hiện đau khớp hoặc viêm khớp.
  • Biểu hiện ở da, niêm mạc: gặp ở 15% bệnh nhân, mức độ nặng của tổn thương da và niêm mạc tương quan với mức độ hoạt động của bệnh.
    • Hồng ban nút: gặp ở 3-8% bệnh nhân, thường xuất hiện ở nữ giới, có thể khỏi không để lại sẹo. Một số hiếm trường hợp vẫn còn tổn thương dai dẳng, kể cả khi đã cắt ở đại tràng.
    • Viêm da mủ hoại tử: gặp ở 12% bệnh nhân, tổn thương loét thường thấy ở chân, không đau, sau khi khỏi để lại sẹo.
    • Loét áp-tơ ở miệng: gặp ở 5-10% bệnh nhân, loét áp-tơ thường xuất hiện trong thời gian bệnh hoạt động. Loét áp-tơ sẽ khỏi cùng với sự thuyên giảm triệu chứng của bệnh trong quá trình điều trị.
  • Biểu hiện ở mắt: gặp ở 10% bệnh nhân, là biểu hiện nặng của bệnh. Tổn thương gồm có: viêm mống mắt tái diễn, viêm màng mạch nho. Tổn thương mắt thường đi kèm với tổn thương da và khớp.
  • Biểu hiện ở gan: Gan nhiễm mỡ gặp ở 30 trường hợp viêm ruột mạn tính tự phát.
  • Cũng có thể gặp xơ gan mật nguyên phát trên bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu nhưng rất hiếm.
  • Biểu hiện ở thận: Sỏi thận trên bệnh nhân viêm loét chảy máu thường là sỏi oxalat canxi do tăng hấp thu axalat ở ruột.
  • Tắc mạch: huyết khối tĩnh mạch cửa, huyết khối tĩnh mạch sâu, nhồi máu phổi…

Ngoài ra, viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể còn kèm theo các bệnh và hội chứng liên quan đến miễn dịch hệ thống khác như: viêm tụy tự miễn, bệnh lý tuyến giáp, hội chứng Raynaud, …

Yếu tố nguy cơ viêm loét đại trực tràng chảy máu

Yếu tố nguy cơ viêm loét đại trực tràng chảy máu

Trước đây, viêm loét đại trực tràng chảy máu ít gặp ở Việt Nam, nhưng gần đây bệnh đang có xu hướng gia tăng. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh: các yếu tố gia đình hoặc di truyền, nhiễm khuẩn, miễn dịch và tâm lý, môi trường.

Gen

Khoảng 20% bệnh nhân có người trong gia đình bị bệnh viêm ruột mạn tính tự phát. Trong một nghiên cứu ở Nhật, các tác giả nhận thấy những người có gen HLA – DRB1*1502 (DR2) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người có gen DR4.

Vi khuẩn

Nhiễm khuẩn có thể liên quan đến sự khởi phát hay đợt tái phát của bệnh. Bệnh tái phát thường liên quan đến nhiễm trùng đường ruột, gồm Clostridium dificile, E.Coli và Salmonella, Shigella, Campylobacter.

Miễn dịch

Hai tự kháng thể: pANCA (perinuclear antimeutrophil cytoplasmic antibodies) và ASCA (anti – Sacharomyces cerevisiae antibodies).

Môi trường

pANCA dương tính ở 40% bệnh nhân Crohn và 80% bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu. Tỷ lệ pANCA dương tính cao hơn ở những bệnh nhân có kết hợp viêm xơ chít hẹp đường mật tiên phát.
Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc viêm loét đại trực tràng chảy máu thấp hơn những người không hút thuốc lá 40%, do nicotine có tác dụng ức chế hoạt động của TB Th2 dẫn tới giảm nồng độ của IL-1 và IL-8. Thậm chí, hút thuốc lá còn được coi là một yếu tố làm thuyên giảm triệu chứng bệnh trong những đợt tiến triển. Tuy nhiên, hút thuốc lá lại tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn.

Tâm lý, sinh lý

Căng thẳng về thể lực, stress tinh thần, hoạt động tình dục quá mức cũng là những yếu tố góp phần làm nặng bệnh.
Những người phụ nữ dùng thuốc tránh thai có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần so với những phụ nữ không dùng thuốc tránh thai.

Biến chứng viêm loét đại trực tràng chảy máu

Biến chứng viêm loét đại trực tràng chảy máu
  • Ung thư hóa: nguy cơ ung thư hóa ở bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu tăng lên theo thời gian bị bệnh. Tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng trong 10 năm đầu của bệnh là 2%, sau 20 năm bị bệnh là 8% và sau 30 năm là 18%.
  • Phình giãn đại tràng nhiễm độc: khi đại tràng ngang có đường kính > 6cm và xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc.
  • Suy dinh dưỡng: do quá trình viêm mạn tính lâu ngày, do mất albumin qua đường tiêu hóa…
  • Chảy máu: chảy máu ồ ạt không đáp ứng với điều trị nội khoa. Trong trường hợp này phải đặt ra chỉ định phẫu thuật ngoại khoa can thiệp, cắt toàn bộ đại tràng.

Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Tùy theo mức độ nặng và phạm vi tổn thương của bệnh mà lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau. Ưu tiên điều trị nội khoa.
Điều trị gồm 2 giai đoạn: tấn công và duy trì.

Điều trị nội khoa

* Các thuốc điều trị bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu:

  • Dẫn xuất của 5-ASA.
  • Gluccorticoid.
  • Thuốc ức chế miễn dịch

* Điều trị viêm loét trực tràng (mức độ nhẹ):

  • Điều trị tấn công: kết hợp 5-ASA đường uống. 5-ASA tại chỗ và kháng sinh đường uống. Có thể kết hợp thêm steroid tại chỗ.
  • Điều trị duy trì: Duy trì ít nhất 2 năm. Điều trị duy trì mesalamine 1g/ngày chia hai lần giảm tỷ lệ tái phát trong vòng 1 năm so với 0,5g x 1 lần/ngày (10% so với 30%).

* Điều trị viêm loét trực tràng và đại tràng sigma (hoặc mức độ vừa):

  • Điều trị tấn công: kết hợp 5-ASA đường uống, 5-ASA tại chỗ và kháng sinh đường uống. Có thể kết hợp thêm steroid tại chỗ.
  • Điều trị duy trì: Thời gian điều trị duy trì càng lâu càng tốt.

* Điều trị viêm loét đại tràng phải hoặc toàn bộ đại tràng:

  • Điều trị tấn công: kết hợp 5-ASA đường uống, steroid đường uống hoặc tĩnh mạch và kháng sinh.
  • Điều trị duy trì: Điều trị duy trì bằng 5-ASA đường uống: dò liều duy trì bằng cách giảm dần liều mỗi 4-6 tuần. Thời gian điều trị duy trì: suốt đời.

* Điều trị phình giãn đại tràng nhiễm độc (hoặc thể tối cấp):

  • Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch.
  • Steroid tiêm tĩnh mạch.
  • 5-ASA đường uống.
  • Kháng sinh đường tĩnh mạch.
  • Theo dõi sát các dấu hiệu lâm sàng, bilan viêm và Xquang bụng không chuẩn bị.

Điều trị ngoại khoa

  • Cắt toàn bộ đại tràng.

Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Chớ nên coi thường!

Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Chớ nên coi thường!

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh về đường tiêu hóa. Trong những năm gần đây, bệnh có xu hướng tăng ở các nước phát triển, trong đó có Việt Nam.

Triệu chứng viêm loét đại trực tràng chảy máu

Đau bụng là triệu chứng hay gặp của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu
Tùy theo từng mức độ tổn thương mà bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu sẽ có những biểu hiện khác nhau.

  • Trường hợp điển hình, bệnh nhân tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có nhiều nhầy máu, nếu bệnh nặng có khi chỉ toàn nhầy máu mà không có phân. Đau bụng là triệu chứng hay gặp, đau bụng làm bệnh nhân phải đi đại tiện ngay. Bệnh nhân có triệu chứng mót rặn khi đại tiện. Giai đoạn đầu của bệnh thường bị nhầm là bệnh lỵ và tự điều trị nhưng không có kết quả hoặc có giảm bớt triệu chứng nhưng sau bệnh ngày càng tăng dần.
  • Ở các thể nhẹ, người bệnh bị viêm loét đại trực tràng chảy máu sẽ không có thay đổi về thể trạng, triệu chứng đại tiện nhầy máu chỉ kéo dài dưới 4 ngày, không có thay đổi thể trạng, không có thiếu máu hoặc giảm protein máu. Bệnh thường chỉ khu trú ở trực tràng hoặc đại tràng sigma, hiếm khi có tổn thương cao hơn ở phía trên. Các biểu hiện ngoài ruột là rất hiếm. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể diễn tiến thành nặng.
  • Ở trường hợp nặng hơn, người bệnh thường khởi đầu bằng đau quặn bụng, rồi đại tiện phân máu, có thể xảy ra vào ban đêm nhưng số lần đại tiện thường dưới 6 lần/ngày. Thường kèm theo sốt, giảm protein máu, làm bệnh nhân mệt mỏi.
  • Bệnh trở nên trầm trọng khi người bệnh đại tiện có máu hơn 6 lần/ngày và thường xảy ra về ban đêm. Thường có cảm giác đau rát, buốt hậu môn và mót rặn. Cơ thể suy sụp với nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốt cao, bụng trướng. Nếu không được điều trị kịp thời thì tiến triển rất nặng dẫn đến tử vong do xuất huyết trầm trọng hoặc giãn đại tràng nhiễm độc.
  • Bệnh nhân có thể sốt, thiếu máu, biểu hiện bằng hoa mắt chóng mặt, nhất là khi ngồi xuống và đứng lên; có thể có phù chân do giảm protein máu khi mắc bệnh lâu ngày.
  • Ở thể nặng, người bệnh có biểu hiện mất nước: khát nước, môi khô, người hốc hác, thậm chí có triệu chứng sốc như: mạch nhanh, huyết áp tụt, đau bụng dữ dội do viêm đại tràng nhiễm độc. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng như sưng đau các khớp, đau vùng thắt lưng và cùng chậu do viêm khớp cùng chậu...

Biến chứng nguy hiểm do viêm loét đại trực tràng chảy máu

Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh.
Người bệnh cần đi khám sớm và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển thành ung thư
Dưới đây là những biến chứng thường gặp:

  • Người bệnh bị suy kiệt, thiếu máu, sốc do nhiễm độc, có thể thủng đại tràng nếu bệnh nặng.
  • Những biến chứng nhẹ của ruột là giả polyp (chỉ xảy ra trong 20% trường hợp).
  • Những biến chứng ít gặp hơn là nứt hậu môn, rò và áp-xe hậu môn. Nặng thì người bệnh có thể bị chảy máu trầm trọng, hẹp đại tràng, phình đại tràng nhiễm độc, thủng và dẫn đến ung thư.
  • Viêm quanh mật quản, viêm khớp, hồng ban nút, viêm da mủ hoại thư, viêm xơ đường mật tiên phát, viêm thận bể thận và sỏi, trong đợt cấp nặng của viêm loét đại trực tràng chảy máu lan rộng có thể có biến chứng đông máu rải rác nội mạc.

Ngay khi phát hiện triệu chứng viêm loét đại trực tràng chảy máu, người bệnh cần đi khám sớm và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển thành ung thư.

(Nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 13-05-2022

    Thông liên nhĩ (Atrial Septal Defect) là bệnh tim bẩm sinh, xảy ra khi buồng trên tim của bé (tâm nhĩ) xuất hiện lỗ thông. Lỗ thông này làm tăng lượng máu chảy qua phổi.

  • 28-05-2018
    Khi cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu thì cơ vùng cơ tim ấy sẽ hoại tử, gây triệu chứng đau ngực dữ dội. Đồng thời tim là nơi co bóp để duy trì lưu lượng máu đến các cơ quan khác, do đó khi không còn cung cấp máu sẽ tạo ra mất ổn điện học và tim
  • 28-05-2018
    U mạch máu là một khối u lành tính gây ra do sự phát triển bất thường của mạch máu. Đây là một tình trạng bẩm sinh. U mạch máu thường xuất hiện như một u đỏ ở trên da và có thể ở bất kì bộ phận nào trên cơ thể.nU mạch máu có thể xảy ra ngay khi trẻ đang
  • 17-10-2018

    Nổi hạch, hay còn gọi là sưng hạch, là hiện tượng xuất hiện các khối u nhỏ bằng hạt đậu trên cơ thể. Các khối u này phát triển dọc theo các khớp cổ tay, bàn tay, mắt cá chân hoặc bàn chân. Các khối u này có hình bầu dục hoặc hình tròn và thường có chất

  • 28-05-2018
    Sa sút trí tuệ không phải một căn bệnh chuyên biệt mà là một nhóm gồm nhiều triệu chứng khác nhau, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ và năng lực xã hội, đủ để gây trở ngại cho hoạt động sống hàng ngày.