Sa sút trí tuệ (Dementia)

Sa sút trí tuệ không phải một căn bệnh chuyên biệt mà là một nhóm gồm nhiều triệu chứng khác nhau, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ và năng lực xã hội, đủ để gây trở ngại cho hoạt động sống hàng ngày.

Sa sút trí tuệ là gì?

Sa sút trí tuệ (Dementia)
Sa sút trí tuệ không phải một căn bệnh chuyên biệt mà là một nhóm gồm nhiều triệu chứng khác nhau, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ và năng lực xã hội, đủ để gây trở ngại cho hoạt động sống hàng ngày.
Giảm trí nhớ rất hay gặp trong sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần giảm trí nhớ, không có nghĩa là bạn bị sa sút trí tuệ. Sa sút trí tuệ đòi hỏi có sự hiện diện ít nhất hai vấn đề trong chức năng não bộ, chẳng hạn như giảm trí nhớ, phán đoán sai lầm, hay có vấn đề về ngôn ngữ, và người bệnh không thể thực hiện các sinh hoạt hằng ngày như thanh toán hóa đơn, hay không thể lái xe. Sa sút trí tuệ có thể làm bạn lẫn lộn và không thể nhớ ra người hay tên. Bạn cũng có thể cảm thấy bản thân có những thay đổi về nhân cách và thái độ ứng xử với xã hội.
Sa sút trí tuệ liên quan đến sự hủy hoại các tế bào thần kinh hiện diện ở vài vùng của não. Tùy từng vùng não bị tổn thương mà ảnh hưởng của sa sút trí tuệ lên từng người là khác nhau.
Sa sút trí tuệ có thể được phân loại theo nhiều cách và thông thường được phân loại dựa trên vùng não bị ảnh hưởng hoặc dựa trên tính chất có tiến triển xấu dần theo thời gian hay không.

Triệu chứng của sa sút trí tuệ

Triệu chứng của sa sút trí tuệ thay đổi thùy theo từng nguyên nhân, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Giảm trí nhớ.
  • Khó khăn trong giao tiếp.
  • Khó khăn trong các việc phức tạp.
  • Khó khăn trong lập kế hoạch và tổ chức công việc.
  • Khó khăn trong các chức năng phối hợp và vận động.
  • Gặp vấn đề trong định hướng, chẳng hạn như trở nên lạc lõng, mất phương hướng.
  • Thay đổi nhân cách.
  • Không thể suy luận.
  • Hành vi không thích hợp.
  • Hoang tưởng.
  • Kích động.
  • Ảo giác.

Khi nào nên đi khám bệnh?

Hãy đi khám bệnh nếu bạn hoặc người thân cảm thấy có vấn đề về trí nhớ hay có các triệu chứng khác của sa sút trí tuệ. Một vài bệnh lý gây sa sút trí tuệ là có thể điều trị được, vì thế việc xác định được nguyên nhân của sa sút trí tuệ là rất quan trọng.
Bệnh Alzheimer và một vài thể sa sút trí tuệ khác sẽ tiến triển xấu đi theo thời gian. Chẩn đoán sớm sẽ cho bạn có thời gian để lập kế hoạch cho tương lai trong lúc bạn vẫn còn năng lực đưa ra quyết định.

Các nguyên nhân và các thể sa sút trí tuệ thường gặp

Có nhiều nguyên nhân gây ra sa sút trí tuệ, trong đó bệnh Alzheimer là nguyên nhân thường gặp nhất của thể sa sút trí tuệ tiến triển.
Tuy nhiên, có một vài nguyên nhân của sa sút trí tuệ là có thể điều trị và thậm chí có thể hồi phục, chẳng hạn sa sút trí tuệ do thuốc hay do nhiễm trùng.

Những nguyên nhân sa sút trí tuệ có thể điều trị khỏi

Một vài nguyên nhân sa sút trí tuệ hay triệu chứng giống sa sút trí tuệ là có thể hồi phục. Bác sĩ của bạn sẽ nhận ra và điều trị các nguyên nhân này:

  • Nhiễm trùng và các rối loạn miễn dịch: Sa sút trí tuệ có thể do sốt hoặc hậu quả của việc cơ thể nổ lực để chống lại một tình trạng nhiễm trùng. Bệnh nhân bị nhiễm trùng ở não (viêm não- màng não, giang mai không điều trị, bệnh Lyme), hoặc vài bệnh lý khác gây tổn thương hoàn toàn hệ miễn dịch như bệnh bạch cầu, có thể bị sa sút trí tuệ.
    • Các bệnh lý gây ra do hệ miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào thần kinh, chẳng hạn như xơ cứng rải rác, cũng có thể gây sa sút trí tuệ.
  • Các vấn đề chuyển hóa và các bất thường nội tiết: Người có bệnh lý tuyến giáp, có mức đường trong máu quá thấp, natri hay calci máu quá thấp hoặc quá cao, hay giảm hấp thu vitamin B12 có thể bị sa sút trí tuệ hoặc thay đổi nhân cách.
  • Thiếu dinh dưỡng: Triệu chứng sa sút trí tuệ có thể xuất hiện do thiếu nước, thiếu vitamin B1, tình trạng này hay gặp ở người nghiện rượu; và có thể gặp ở người không được cung cấp đủ vitamin B6, B12 trong khẩu phần ăn.
  • Do thuốc: Sa sút trí tuệ có thể xuất hiện do một phản ứng với một loại thuốc đơn độc, hay do tương tác của vài loại thuốc.
  • Máu tụ dưới màng cứng: Máu tụ dưới màng cứng, khối máu đông hình thành trong trong khoang dưới màng cứng, khoảng giữa hai lớp màng não, có thể gây sa sút trí tuệ.
  • Nhiễm độc: Các triệu chứng sa sút trí tuệ có thể xuất hiện do nhiễm độc kim loại nặng như đồng, hay các độc chất khác như thuốc trừ sâu. Các triệu chứng sa sút trí tuệ cũng có thể xuất hiện ở người nghiện rượu hay các thuốc kích thích. Các triệu chứng thường biến mất sau điều trị, nhưng trong vài trường hợp, các triệu chứng có thể vẫn còn tồn tại sau điều trị.
  • Các u não: Tổn thương não do u não hiếm khi là nguyên nhân của sa sút trí tuệ.
  • Thiếu oxy não: Thiếu oxy có thể do hen phế quản, bệnh tim, ngộ độc carbon monoxide hay các nguyên nhân khác.
    • Nếu bạn bị thiếu oxy nặng, sự hồi phục thường kéo dài. Các triệu chứng như lẫn lộn và giảm trí nhớ thường xuất hiện trong quá trình hồi phục.
  • Các bệnh lý tim, phổi: Não của bạn không thể sống được nếu thiếu oxy. Các triệu chứng sa sút trí tuệ có thể xuất hiện ở người có bệnh phổi mạn tính hay bệnh tim, gây thiếu oxy não.
  • Não úng thủy áp lực bình thường: Não úng thủy áp lực bình thường (NPH) là tình trạng tăng tích tụ dịch não tủy làm hệ thống não thất trong não dãn rộng, với ít hoặc không có gia tăng áp lực. Bệnh lý này gây đi lại khó khăn, rối loạn đi tiểu và giảm trí nhớ. Phẫu thuật đặt ống thông (shunt) để chuyển hướng dịch não tủy dư thừa ra khỏi não đến một nơi khác, thường đến một khoang cơ thể (bụng hoặc tim) có thể giúp cải thiện triệu chứng.

Các yếu tố nguy cơ của sa sút trí tuệ

Có nhiều yếu tố cuối cùng có thể dẫn đến sa sút trí tuệ. Vài yếu tố không thể thay đổi, ví dụ như tuổi. Những yếu tố khác có thể được giải quyết để giảm nguy cơ của bạn.

Những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

  • Tuổi: Nguy cơ bị bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ mạch máu và vài thể sa sút trí tuệ khác tăng theo tuổi, đặc biệt là sau 65 tuổi. Tuy nhiên, sa sút trí tuệ không phải là một phần của quá trình lão hóa, và sa sút trí tuệ có thể xuất hiện cả trên người trẻ.
  • Tiền sử gia đình: Nếu gia đình bạn có người bị sa sút trí tuệ, bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh này cao hơn. Tuy nhiên, nhiều người có tiền sử gia đình có sa sút trí tuệ nhưng không bao giờ có triệu chứng của sa sút trí tuệ, và nhiều người không có tiền sử gia đình sa sút trí tuệ nhưng lại bị bệnh này.
    • Nếu bạn có những đột biến gen chuyên biệt, bạn sẽ có nguy cơ rất cao bị một thể sa sút trí tuệ nhất định.
    • Có những xét nghiệm giúp kiểm tra xem bạn có những đột biến gen này hay không, nhưng bác sĩ không chỉ định làm rộng rãi vì những xét nghiệm này không phải luôn chính xác.
  • Hội chứng Down: Ở độ tuổi trung niên, nhiều người bị hội chứng Down có các mảng và búi sợi trong não liên quan bệnh Alzheimer. Vài người có thể phát triển thành sa sút trí tuệ.

Những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát

  • Uống rượu: Người uống nhiều rượu có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ. Dù có vài nghiên cứu cho thấy uống một lượng rượu vừa phải là một yếu tố bảo vệ thì nghiện rượu vẫn là yếu tố làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ.
  • Xơ vữa động mạch: Sự thành lập các mảng xơ vữa (plaques) trên thành động mạch của bạn có thể làm giảm lưu lượng dòng máu đến nuôi não và dẫn tới đột quỵ. Lưu lượng tưới máu não giảm có thể gây sa sút trí tuệ mạch máu. Vài nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa bệnh lý mạch máu và bệnh Alzheimer.
  • Huyết áp: Vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng huyết áp cao hay thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
  • Cholesterol: Nếu bạn có mức LDL- cholesterol (low-density lipoprotein cholesterol) cao, bạn sẽ có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ mạch máu hay bệnh Alzheimer. Những nghiên cứu về vấn đề cholesterol ảnh hưởng đến sa sút trí tuệ như thế nào còn đang được tiếp tục tiến hành.
  • Trầm cảm: Dù chưa được hiểu rõ, người ta nhận thấy những tình trạng trầm cảm khởi phát trễ, đặc biệt ở nam giới, thường chỉ điểm cho sự phát triển sủa sa sút trí tuệ liên quan bệnh Alzheimer.
  • Đái tháo đường . Nếu bạn bị bệnh đái tháo đường, bạn có nguy cơ cao bị bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ mạch máu.
  • Mức estrogen cao: Phụ nữ uống estrogen và progesterone những năm sau mãn kinh có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ.
  • Mức homocysteine máu cao: Homocysteine, một loại amino acid do cơ thể tạo ra, tăng trong máu có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ mạch máu của bạn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho các kết quả khác nhau về việc tăng homocysteine có làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ hay không.
  • Béo phì: Dư cân hoặc béo phì ở độ tuổi trung niên có thể làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ khi bạn già.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ và bệnh lý mạch máu.

Các biến chứng của sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Dinh dưỡng không hợp lí: Nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ thường ăn uống ít hoặc không chịu ăn uống. Họ quên ăn hoặc nghĩ là mình đã ăn rồi. Những thay đổi về giờ giấc bữa ăn hay những tiếng ồn làm xao lãng từ môi trường cũng ảnh hưởng đến việc họ ăn như thế nào.
    • Người bị sa sút trí tuệ giai đoạn cuối thường mất khả năng điều khiển các cơ nhai và nuốt. Điều này khiến bạn dễ bị nghẹn hoặc sặc thức ăn vào phổi gây tắc nghẽn đường thở hoặc gây viêm phổi. Bạn cũng có thể mất đi cảm giác đói và không còn muốn ăn.
    • Trầm cảm, các tác dụng phụ của thuốc, táo bón và vài tình trạng khác cũng có thể làm giảm sự hứng thú của bạn trước thức ăn.
  • Vệ sinh không đảm bảo: Người bị sa sút trí tuệ giai đoạn từ trung bình đến nặng thậm chí sẽ mất cả khả năng hoàn thành các hoạt động sống hàng ngày một cách độc lập. Bạn không thể tự tắm, mặc quần áo, chải đầu, đánh răng hay sử dụng toilet một mình.
  • Uống thuốc khó khăn: Vì trí nhớ của bạn đã bị ảnh hưởng, bạn có thể sẽ quên liều thuốc và giờ uống thuốc.
  • Suy thoái tinh thần: Sa sút trí tuệ khiến bạn thay đổi về tính cách và thái độ, có thể do những thay đổi thực sự trong não hoặc do sự phản ứng của cảm xúc trước bệnh của mình. Sa sút trí tuệ có thể dẫn đến trầm cảm, kích động, hỗn loạn, lo lắng, mất khả năng ức chế, rối loạn định hướng.
  • Khó khăn trong giao tiếp . Khi bệnh tiến triển, bạn thường mất khả năng nhớ tên người hay đồ vật. Bạn có thể gặp rắc rối khi giao tiếp hay hiểu người khác. Điều này thường khiến bạn cảm thấy dễ bị lay động, cô lập và trầm cảm.
  • Ảo tưởng và ảo giác: Bạn có thể có những ảo tưởng sai lầm về người hay về cảnh. Vài người có thể có những ảo thị, đặc biệt là ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ với thể Lewy.
  • Khó ngủ . bạn có thể bị khó ngủ, chẳng hạn hay bị thức dậy sớm vào buổi sáng. Vài bệnh nhân sa sút trí tuệ còn bị hội chứng chân không yên hay rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh), điều này cũng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Những thách thức sự an toàn cá nhân: Vì bị giảm khả năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, những tình huống diễn ra hàng ngày có thể ảnh hưởng sự an toàn của bệnh nhân sa sút trí tuệ, như lái xe, nấu ăn, té, bị mất mát, hay khi vượt những trở ngại.

Các xét nghiệm và chẩn đoán

Giảm trí nhớ và các triệu chứng khác trong sa sút trí tuệ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, vì thế việc chẩn đoán sa sút trí tuệ và các bệnh liên quan là một thách thức và đòi hỏi bác sĩ phải thăm khám vài lần.
Để chẩn đoán, bác sĩ của bạn sẽ xem xét lại bệnh sử và các triệu chứng của bạn, và tiến hành thăm khám. Bác sĩ sẽ lần lượt làm các xét nghiệm để chẩn đoán sa sút trí tuệ và loại trừ những bệnh khác.

Các test kiểm tra nhận thức và tâm lý thần kinh

  • Bác sĩ dùng các test này để đánh giá chức năng nhận thức của bạn. Một số test dùng để lượng giá các kĩ năng nhận thức như trí nhớ, định hướng, lí lẽ, kĩ năng phán đoán, ngôn ngữ và sự chú ý.
  • Các test này sẽ giúp bác sĩ quyết định xem bạn có bị sa sút trí tuệ không, bị ở mức độ nào và phần nào của não bộ bị ảnh hưởng.

Đánh giá về thần kinh

Khi đánh giá thần kinh, bác sĩ sẽ đánh giá về vận động, cảm giác, sự cân bằng, các phản xạ,… từ đó sẽ có những chẩn đoán bệnh khác nhau.

Chụp cắt lớp não

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hay chụp cộg hưởng từ (MRI Scan) não để tìm bằng chứng của đột quỵ thiếu máu não hay xuất huyết não và loại trừ u não.

Các xét nghiệm

Làm các xét nghiệm máu đơn giản để loại trừ các vấn đề sinh lý có thể ảnh hưởng đến chức năng não như thiếu hụt vitamin B-12 hoặc suy giảm hoạt động tuyến giáp.

Đánh giá tâm thần kinh

Bạn có thể tìm đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần (nhà tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần), người có thể đánh giá liệu có phải trầm cảm hoặc bệnh khác về tâm lý đã gây ra các triệu chứng của bạn hay không.

Phương pháp điều trị và thuốc

Hầu hết các thể bệnh sa sút trí tuệ là không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ giúp bạn điều trị các triệu chứng. Việc điều trị có thể làm chậm hoặc giảm thiểu sự phát triển của các triệu chứng.

  • Ức chế cholinesterase . Các loại thuốc này – bao gồm donepezil (Aricept), rivastigmine (Exelon) và galantamine (Reminyl) – làm tăng mức độ dẫn truyền hóa học các thông tin liên quan đến trí nhớ và khả năng phán xét. Tác dụng phụ có thể gặp: buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Mặc dù chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh Alzheimer, các loại thuốc này cũng có thể điều trị sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ trong bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ với thể Lewy.
  • Memantine . Memantine (Namenda) hoạt động bằng cách điều chỉnh hoạt động của glutamate. Glutamate là một chất hóa học có liên quan đến các chức năng não như học tập và trí nhớ. Một tác dụng phụ thường gặp của memantine là chóng mặt. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng kết hợp memantine với một chất ức chế cholinesterase có thể cho kết quả có lợi.
  • Các thuốc khác. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc khác để điều trị các triệu chứng hay các bệnh khác, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ.

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc

  • Liệu pháp nghề nghiệp. Bác sĩ có thể đề nghị lao động trị liệu nhằm giúp bạn điều chỉnh để có thể sống chung với tình trạng sa sút trí tuệ. Trị liệu này dạy cho bạn những thái độ để đối phó và cách để thích nghi với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày khi tình trạng của bạn đã thay đổi.
  • Điều chỉnh môi trường sống: Giảm sự lộn xộn và tiếng ồn để làm cho người bị mất trí nhớ dễ tập trung hơn. Nó cũng có thể làm giảm sự nhầm lẫn và cảm giác lạc lõng.
  • Điều chỉnh những đáp ứng của bạnvới người bệnh: tránh sửa sai hay thách đố một người bị sa sút trí tuệ. Làm cho họ thấy yên tâm và xác nhận các mối quan tâm của họ có thể giúp xoa dịu họ. Khi nói chuyện với họ, bạn nên duy trì giao tiếp bằng mắt, nói chậm những câu đơn giản, và không vội vàng phản ứng.
  • Sửa đổi nhiệm vụ: sửa các cộng việc hay nhiệm vụ thường ngày của người bệnh thành các bước dễ dàng hơn, chú ý đến sự thành công và không nhắc đến thất bại. Hình thành các thói quen thường ngày cũng giúp giảm bớt sự nhầm lẫn ở những người bị sa sút trí tuệ.
  • Khuyến khích tập thể dục. Lợi ích tập thể dục tất cả mọi người, kể cả những người bị sa sút trí tuệ. Những lợi ích chính của bài tập bao gồm cải thiện sức mạnh và sức khỏe tim mạch. Một số nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động thể chất có thể làm chậm sự tiến triển của suy giảm nhận thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ. Tập thể dục cũng có thể làm giảm triệu chứng trầm cảm, giúp duy trì kỹ năng vận động và tạo ra một tác dụng làm êm dịu.
  • Khuyến khích tham gia các trò chơi và hoạt động tư duy. Tham gia các trò chơi, câu đố ô chữ và các hoạt động khác trong đó mọi người đang sử dụng kỹ năng tư duy (nhận thức) có thể giúp làm chậm đi sự suy giảm tâm thần ở những người sa sút trí tuệ.
  • Vào ban đêm, tình trạng rối loạn hành vi của một số bệnh nhân sa sút trí tuệ thường nặng hơn. Vì thế, chúng ta cần chú ý tạo thói quen cho việc đi ngủ, tránh sự xáo trộn để người bệnh được bình tĩnh, tránh xa sự ồn ào của truyền hình cũng như hoạt động của các thành viên khác trong gia đình. Để đèn sang khi ngủ giúp bệnh nhân giảm tình trạng mất phương hướng.
  • Hạn chế uống caffeine trong ngày, khuyến khích ngủ trưa ngắn và việc tập thể dục trong ngày cũng giúp ngăn ngừa sự bồn chồn trong giấc ngủ về đêm (hội chứng chân không yên).
  • Khuyến khích việc có một lịch nhắc nhở: điều này có thể giúp người bệnh nhớ được các sự kiện sắp tới, các hoạt động hàng ngày và lịch trình dùng thuốc. Nên xem xét việc chia sẻ lịch này với người than để họ nhắc nhở bạn.
  • Kế hoạch cho tương lai: cùng với người thân của bạn lập ra mục tiêu cho việc chăm sóc trong tương lai. Một số nhóm hỗ trợ, tư vấn pháp luật, các thành viên gia đình và những người khác có thể giúp bạn. Bạn sẽ cần phải xem xét các vấn đề tài chính và pháp lý, an toàn và những quan tâm trong cuộc sống hàng ngày và cả loại hình chăm sóc dài hạn
  • Một số trị liệu khác như:
    • Âm nhạc trị liệu: như nghe những bài nhạc êm dịu
    • Trị liệu vật nuôi: liên quan đến việc dùng một con vật ví dụ nuôi chó, giúp cải thiện tâm trạng và hành vi ở bệnh nhân sa sút trí tuệ.
    • Liệu pháp dùng hương thơm, thường là tinh dầu thực vật.
    • Liệu pháp xoa bóp.

Thuốc bổ sung

  • Vitamin E. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, vitamin E có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer.
  • Các axit béo Omega -3. Omega-3, một loại axit béo không bão hòa có trong cá và các loại hạt, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và suy giảm nhận thức nhẹ. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu, omega-3 dường như không làm chậm lại sự suy giảm về nhận thức trong bệnh Alzheimer nhẹ đến trung bình.
  • Coenzyme Q10. Chất chống oxy hóa này xuất hiện tự nhiên trong cơ thể, cần thiết cho các phản ứng tế bào bình thường.
  • Ginkgo. Chiết xuất từ lá của cây có tính chống oxy hóa và chống viêm (cây bạch quả), có thể bảo vệ các tế bào trong bộ não của bạn khỏi bị phá hủy. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất này có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer hoặc các loại khác của sa sút trí tuệ.

Tự giúp bản thân mình để đối phó với sa sút trí tuệ như thế nào?

Nhận được một chẩn đoán sa sút trí tuệ có thể làm suy sụp bản thân bạn hay những người thân yêu của bạn. Nhiều chi tiết cần phải được xem xét để đảm bảo rằng những người xung quanh bạn và bạn được chuẩn bị tốt để đối phó với một sự thật là bệnh lý này là không thể đoán trước và liên tục thay đổi.
Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn đối phó:

  • Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về mất trí nhớ, sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
  • Tham gia một nhóm hỗ trợ địa phương.
  • Nhận tư vấn cá nhân hoặc gia đình.
  • Sống năng động, tập thể dục và tình nguyện tham gia vào các hoạt động dành cho những người sa sút trí tuệ,
  • Duy trì liên lạc và dành thời gian cho bạn bè và gia đình.
  • Tham gia vào một cộng đồng trực tuyến của người bạn có những trải nghiệm tương tự.
  • Tìm các cách thức mới để thể hiện bản thân, chẳng hạn như thông qua: hội họa, ca hát, văn thơ.
  • Tìm ai đó mà bạn tin tưởng để giúp bạn đưa ra quyết định.
  • Hãy kiên nhẫn với chính mình.

Giúp đỡ bệnh nhân sa sút trí tuệ như thế nào?

  • Lắng nghe, khiến họ yên tâm rằng họ vẫn có thể tận hưởng cuộc sống, khích lệ họ, cố gắng giúp người bệnh giữ được phẩm giá và lòng tự trọng.
  • Chăm sóc cho một người bị sa sút trí tuệ đòi hỏi phải có tình cảm thực sự. Thường thì người chăm sóc là vợ hoặc chồng, hay một thành viên trong gia đình.
  • Hãy hỏi bạn bè hoặc các thành viên khác trong gia đình để được giúp đỡ khi bạn cần nó.
  • Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về căn bệnh này.
  • Hãy xin tư vấn từ các bác sĩ, nhân viên xã hội và những người khác tham gia chăm sóc của người thân yêu của bạn.
  • Tham gia một nhóm hỗ trợ.
  • Tìm hiểu về các dịch vụ hỗ trợ trong cộng đồng: chẳng hạn như chăm sóc thay thế hoặc chăm sóc ban ngày dành cho người lớn…

Biên dịch - Hiệu đính:

Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Hội chứng đau cơ xơ hóa (fibromyalgia syndrome – FMS), thường được gọi là đau cơ xơ hóa, là một rối loạn gây ra bởi sự tác động từ bộ não của bạn tới việc xử lý tín hiệu đau. Đau cơ xơ hóa được đặc trưng bởi đau cơ xương lan tỏa.
  • 28-05-2018
    Thiếu máu do thiếu sắt, hay còn gọi là thiếu máu thiếu sắt, là một dạng phổ biến của bệnh thiếu máu. Bệnh xảy ra khi cơ thể không có đủ chất sắt lượng cung cấp hồng cầu cần thiết cho cơ thể. Hồng cầu là các tế bào trong máu giúp mang oxy đến các mô của
  • 28-05-2018
    Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng hoại tử một vùng cơ tim, hậu quả của thiếu máu cục bộ cơ tim. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng nhồi máu cơ tim cấp vẫn là một loại bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng nguy hiểm
  • 28-05-2018
    Theo tổ chức Y tế thế giới, đẻ non là một cuộc chuyển dạ xảy từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng.
  • 18-04-2022

    Bệnh đảo gốc động mạch (transposition of the great arteries) là một bệnh tim bẩm sinh, nếu không phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến bé.

  • 28-05-2018
    Nếu bệnh nhân thừa hưởng lỗi di truyền liên quan đến gen bệnh trong bệnh Wilson, cơ thể sẽ không thải đồng ra được. Đồng là một nhân tố vi lượng, có trong nhiều loại thực phẩm. Cơ thể con người chỉ cần một lượng đồng rất nhỏ để duy trì sức khỏe. Bình