Viêm amidan

1. Khái niệm Amiđan là một đôi hạch lymphô đặc biệt nằm ở hai bên họng, phía sau trên của lưỡi. Amiđan là một phần hệ miễn dịch của cơ thể giúp bảo vệ bạn khỏi vi khuẩn gây bệnh - bằng cách chứa các tế bào bạch cầu, nhấn chìm vi khuẩn và virus khi các

Viêm amidan là gì?

Khái niệm

Amiđan là một đôi hạch lymphô đặc biệt nằm ở hai bên họng, phía sau trên của lưỡi. Amiđan là một phần hệ miễn dịch của cơ thể giúp bảo vệ bạn khỏi vi khuẩn gây bệnh - bằng cách chứa các tế bào bạch cầu, nhấn chìm vi khuẩn và virus khi các tác nhân này xâm nhập vào qua mũi và miệng.
Khi tế bào bạch cầu nhấn chìm vi khuẩn và virus, chúng gây ra nhiễm khuẩn nhẹ ở amiđan. Viêm nhiễm nhẹ này sau đó kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể hình thành kháng thể chống lại nhiễm trùng như vậy trong tương lai. Nhưng đôi khi amiđan có thể bị áp đảo bởi vi khuẩn và virus, bị sưng và viêm. Hậu quả là viêm amiđan.
Viêm amiđan là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Viêm amiđan có thể là viêm cấp, viêm tái phát cấp hoặc viêm mạn tính.
Viêm amiđan là một bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm, cần được điều trị sớm

Phân loại

Nhìn chung, viêm amiđan được phân thành 2 loại:

  • Viêm Amiđan cấp tính

Là viêm xung huyết và xuất tiết của Amiđan khẩu cái, thường gặp ở trẻ từ 3 - 4 tuổi trở lên, do vi khuẩn hoặc virus gây nên, thường thấy ở thời kỳ xâm lấn của nhiều bệnh viêm nhiễm vì vậy có người coi Amiđan là cửa vào của một số vi khuẩn hay virus như: viêm khớp cấp, bại liệt, dịch viêm não, viêm màng não…

  • Viêm Amiđan mạn tính

Viêm Amiđan mạn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần. Tuỳ theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể, Amiđan có thể (quá phát) thường gặp ở trẻ em hay người trẻ tuổi, hoặc Amiđan có thể nhỏ lại (xơ chìm).

Triệu chứng, biểu hiện của viêm amidan

Triệu chứng, biểu hiện viêm amidan

Viêm amidan cấp tính

  • Triệu chứng toàn thân: Bắt đầu đột ngột với cảm giác rét hoặc rét run rồi sốt 38-39oC. Người mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, nước tiểu ít và thẫm màu. Đại tiện thường táo.
  • Triệu chứng cơ năng: Cảm giác khô, rát, nóng ở trong họng, nhất là thành bên họng vị trí amidan, mấy giờ sau biến thành đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên rõ rệt khi nuốt, khi ho.
  • Thường kèm theo viêm V.A, viêm mũi hoặc ở trẻ em có amidan to thở khò khè, đêm ngáy to, nói giọng mũi.
  • Viêm nhiễm có thể lan xuống thanh quản, khí quản gây nên ho từng cơn, đau và có đờm nhầy, giọng khàn nhẹ.

Khám thấy: Lưỡi trắng, miệng khô, niêm mạc họng đỏ, amidan sưng to và đỏ, có khi gần sát nhau ở đường giữa, một số tổ chức lympho ở thành sau họng to và đỏ: đó là thể viêm amidan ban đỏ thường do vi-rút gây nên.
Có khi thấy hai amidan sưng đỏ và có những chấm mủ trắng ở miệng các hốc, dần biến thành một lớp mủ phủ trên bề mặt amidan, không lan đến các trụ, không dính chắc vào amidan, dễ chùi sạch không chảy máu để lộ niêm mạc amidan đỏ và nguyên vẹn: đó là thể viêm amidan mủ do vi khuẩn gây nên (liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn).
Xét nghiệm: Thể viêm do vi khuẩn có bạch cầu tăng cao, nhiều bạch cầu đa nhân (10.000-12.000 bạch cầu).

Viêm amidan mãn tính

Triệu chứng toàn thân:

  • Triệu chứng nghèo nàn
  • Có khi không có triệu chứng gì ngoài những đợt tái phát hoặc hồi viêm có triệu chứng giống như viêm amidan cấp tính.

Đôi khi có toàn trạng gầy yếu, da xanh, sờ lạnh, ngây ngấy sốt về chiều.
Triệu chứng cơ năng:

  • Thường có cảm giác nuốt vướng ở họng đôi khi có cảm giác đau như có dị vật trong họng, đau lan lên tai.
  • Hơi thở thường xuyên hôi mặc dù vệ sinh răng miệng thường xuyên.
  • Thỉnh thoảng có ho và khàn tiếng, trẻ em có thở khò khè, ngủ ngáy to.

Triệu chứng thực thể: Trên bề mặt amidan có nhiều khe và hốc. Các khe và hốc này chứa đầy chất bã đậu và thường có mủ màu trắng.
Thể quá phát: amidan to như hai hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng lấn vào làm hẹp khoang họng, trụ trước đỏ, thường gặp ở trẻ em.
Thể xơ chìm: Thường gặp ở người lớn, amidan nhỏ, mặt gồ ghề, lỗ chỗ hoặc chằng chịt xơ trắng, biểu hiện bị viêm nhiễm nhiều lần. Màu đỏ sẫm, trụ trước đỏ, trụ sau dầy. amidan mất vẻ mềm mại bình thường, ấn vào amidan có thể thấy phòi mủ hôi ở các hốc.
Hạch góc hàm hay sưng to.

Viêm amidan ở người lớn có nguy hiểm không?

Viêm amidan ở người lớn có nguy hiểm không?

Viêm amidan ở người lớn nếu bị biến chứng sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh.

Triệu chứng viêm amidan ở người lớn

Các triệu chứng viêm amidan bao gồm: sốt cao, rét run, đau họng, vướng họng...

  • Triệu chứng viêm amidan ở người lớn xuất hiện là do tổn thương viêm sung huyết và xuất tiết hoặc viêm mủ của tuyến amidan khẩu cái, thường do vi-rút hoặc vi khuẩn gây nên. Nếu do vi-rút gây bệnh thì thường là nhẹ; trái lại, nếu do vi khuẩn thì tình trạng viêm nặng hơn. Có 2 loại viêm amidan ở người lớn là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính.
  • Các triệu chứng viêm amidan bao gồm: sốt cao, rét run, đau họng, vướng họng, ăn uống khó khăn, hơi thở hôi, sưng hạch dưới hàm, hạch cổ trước, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp, nước tiểu có màu đỏ. Ngoài ra, bệnh thường phát đột ngột với cảm giác rét và gai rét sau đó sốt 38-39oC. Khi viêm nhiễm lan xuống thanh khí phế quản, gây ho từng cơn có đờm nhầy, khàn tiếng và đau tức ngực…
  • Triệu chứng viêm amidan thể hiện rõ nét hơn khi người bệnh đi khám bác sĩ sẽ thấy niêm mạc họng đỏ rực, khối amidan sưng to và đỏ, các tổ chức bạch huyết xung quanh cũng sưng to và đỏ. Các triệu chứng đi kèm như chảy mũi nước, ho, khàn tiếng, trên bề mặt có những chấm mủ trắng hoặc mảng bựa trắng…

Nguyên nhân viêm amidan ở người lớn

Viêm amidan ở người lớn nếu bị biến chứng sẽ rất nguy hiểm
Các nguyên nhân cơ bản gây viêm amidan ở người lớn:

  • Do vệ sinh răng miệng không đúng cách dẫn đến vi khuẩn, vi-rút tích tụ, ẩn náu trong mũi họng là tác nhân gây bệnh khi cơ thể suy giảm sức đề kháng.
  • Do không giữ ấm cho cơ thể dẫn đến bị nhiễm lạnh, khi sức đề kháng yếu là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi trùng phát triển.
  • Do cấu trúc của amidan: có nhiều khe hốc, là nơi vi khuẩn dễ trú ẩn và phát triển. Mặt khác, amidan nằm ở giao điểm của đường ăn và đường thở, là cửa ngõ cho vi khuẩn, vi-rút xâm nhập gây bệnh.
  • Do tác động của môi trường xung quanh như bụi, khói than, hóa chất, sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp tới sức căng bề mặt màng tế bào biểu mô, khiến vi khuẩn, vi-rút dễ xâm nhập gây viêm amidan ở người lớn. Vi khuẩn gây viêm amidan có thể là nhóm vi khuẩn Streptococcus A. Viêm amidan do vi-rút có thể được gây ra bởi nhiều loại vi-rút, chẳng hạn như vi-rút Epstein - Barr nguyên nhân gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân hay vi-rút Coxsackie.
  • Viêm amidan cũng có thể là do sự siêu nhiễm trùng của xoắn khuẩn Spirochaeta và Treponema. Trong trường hợp này được gọi là chứng viêm họng Vincent hay viêm họng Plaut - Vincent.

Viêm amidan ở người lớn có nguy hiểm không?

  • Giữ ấm để cơ thể không bị nhiễm lạnh, tránh viêm amidan
  • Viêm amidan là bệnh lý thông thường, có thể tự khỏi sau 3-5 ngày nhưng có trường hợp gây biến chứng tại chỗ, kế cận hoặc toàn thân.
  • Biến chứng tại chỗ: Viêm tấy và áp-xe quanh amidan: Thường xảy ra với viêm amidan cấp không được điều trị, nhiễm khuẩn lan dần và thành mủ giữa amidan và bao amidan. Lúc này bệnh gây đau đớn và việc ăn, nuốt rất khó khăn.
  • Biến chứng kế cận: Viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản…
  • Biến chứng toàn thân: Nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận cấp, viêm khớp, viêm tim, khó nuốt, khó thở, khó phát âm…
  • Viêm amidan ở người lớn có thể tiến triển thành từng đợt, có thể tự khỏi. Tuy nhiên cũng không nên chủ quan, đề phòng biến chứng gây nguy hiểm.

Cách phòng ngừa viêm amidan ở trẻ

Cách phòng ngừa viêm amidan ở trẻ
Viêm amidan gây ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ. Biết cách phòng ngừa viêm amidan để có cách phòng tránh, điều trị kịp thời, tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Cách phòng ngừa viêm amidan cho trẻ

  • Vệ sinh răng miệng, vệ sinh mũi sạch sẽ giúp phòng ngừa viêm amidan
  • Cách phòng ngừa viêm amidan đầu tiên và quan trọng nhất cho trẻ là giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thường xuyên vệ sinh mũi. Với trẻ nhũ nhi, bố mẹ có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để vệ sinh mũi và dụng cụ hút mũi cho trẻ khi bé bị sổ mũi. Sau khi trẻ bú, uống sữa xong, cần được rơ miệng bằng gạc y tế.
  • Với những trẻ lớn hơn, đã có thể tự súc miệng, đánh răng, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách. Đặc biệt là sau mỗi bữa ăn, vào mỗi buổi sáng và trước khi đi ngủ. Không nên cho trẻ đưa tay vào miệng, hạn chế cho trẻ chơi, ngậm đồ vật, thổi bong bóng để tránh trường hợp vi khuẩn có hại từ bên ngoài xâm nhập vào miệng gây viêm amidan.
  • Trời lạnh nên giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng cổ, ngực và tay chân. Việc cho trẻ ngồi trong phòng điều hòa có nhiệt độ quá thấp cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây viêm amidan cho trẻ. Chính vì vậy, bố mẹ nên giữ nhiệt độ máy điều hòa khoảng 25oC - 28oC. Đây là khoảng nhiệt độ phù hợp nhất đối với trẻ.
  • Ngoài ra, một cách phòng ngừa viêm amidan hiệu quả nữa là nên đảm bảo các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt trong gia đình luôn sạch sẽ, tránh bụi bẩn, nhà cửa thoáng mát, tránh khói thuốc. Đây là cách để bảo vệ sức khỏe đường hô hấp cho trẻ và cả gia đình.
  • Mùa đông, trẻ cần được sống trong phòng kín gió, có nhiệt độ đủ ấm và thông thoáng.
  • Với những trẻ có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp, bạn nên hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh ra. Trước khi cho trẻ ăn, bạn nên ngâm qua nước ấm hoặc để thực phẩm ra ngoài một lúc cho đỡ lạnh rồi mới cho trẻ ăn. Không cho trẻ ăn, uống thực phẩm chung với đá lạnh.

Cách phòng ngừa viêm amidan: dễ nhưng không thể chủ quan
Trời lạnh nên giữ ấm cho trẻ, nhất là vùng cổ, ngực, tay chân
Ở trẻ em, nếu không biết cách phòng ngừa viêm amidan ngay từ đầu, khi bị biến chứng nhiều trường hợp gây viêm nội mạc cơ tim, viêm khớp. Đặc biệt, ở miền Bắc thời tiết lạnh như hiện nay là điều kiện để vi trùng, siêu vi trùng gây viêm amidan hoạt động mạnh.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây bệnh viêm amidan là do vi trùng, siêu vi trùng hoặc cả hai gây nên. Trong đó, các loại vi trùng gây viêm amidan thường là: liên cầu trùng nhóm A củaStreptococci (GABHS) với tỉ lệ chiếm trên 40% các trường hợp ở người lớn và trên 75% ở trẻ em; ngoài ra còn có thêm các loại khác như Staphylococcus, Moraxella catarrhalis, Hemophilus Influenza, Mycoplasma pneumonia... cũng chiếm với tỉ lệ khoảng trên 10%.
Bên cạnh vi trùng, còn có khoảng 10 loại siêu vi trùng khác nhau gây viêm amidan. Trong số đó có 3 loại siêu vi trùng thường hay gặp hơn cả (chiếm 10%-20%) đó là Adenovi-rút, Rhinovi-rút và EpsteinBar vi-rút.

Điều trị viêm amidan

Điều trị viêm amidan

Trong những năm gần đây, điều trị viêm amidan có sự thay đổi đột ngột. Mục tiêu chính là không phẫu thuật cắt amidan nữa. Đó là vì hiện nay người ta đã biết rằng amidan đảm nhận chức năng miễn dịch quan trọng trong cơ thể. Hơn nữa, quan điểm cũ là hầu hết trẻ được cắt amidan ít nhạy cảm với cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp khác đã lỗi thời. Thực tế là ngược lại. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể vẫn là lựa chọn tốt nhất đối với một số trẻ.

Sử dụng thuốc

Viêm amidan do nhiễm liên cầu thường được điều trị bằng kháng sinh như penicillin. Đôi khi, đặc biệt ở trẻ nhỏ khó nuốt, penicillin được dùng đường tiêm. Kháng sinh điển hình cần dùng ít nhất 10 ngày. Mặc dù trẻ cảm thấy khá hơn trong 1 - 2 ngày, vẫn cần phải dùng kháng sinh đầy đủ đến hết đợt. Dừng kháng sinh sớm sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. Hơn nữa, có thể bị viêm lại, có khả năng gây biến chứng nặng.
Đáng tiếc, hiện này chưa điều trị được virus gây viêm amidan. Điều này có nghĩa là cần tập trung vào các biện pháp bổ trợ trong đợt nhiễm virus. Có thể kéo dài từ 7 - 14 ngày cho tới khi trẻ bình phục hoàn toàn.

Phẫu thuật

Khi bị viêm amidan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị hoặc chỉ định cắt amiđan nếu cần thiết.
Nên cắt amiđan trong các trường hợp sau đây

  • Amiđan quá phát gây bít tắc đường thở, đường ăn
  • Nghi ngờ ung thư amiđan.
  • Viêm amiđan tái phát cấp hơn 6 lần trong một năm, hoặc 3 lần mỗi năm trong 2 năm
  • Viêm amiđan tái phát cấp do liên cầu trùng tan huyết Bêta nhóm A ở người có kèm theo bệnh van tim hậu thấp hoặc ở trẻ có kèm theo tiền sử thường bị sốt cao co giật.
  • Viêm amiđan mạn tính hoặc viêm amiđan tái phát cấp ở người mang mầm bệnh Liên cầu trùng mà không đáp ứng điều trị bằng thuốc.
  • Viêm amiđan mạn tính đã được điều trị nội khoa tích cực nhưng người bệnh vẫn đau họng dai dẳng, viêm đau hạch cổ , hơi thở hôi.
  • Mưng mủ quanh amiđan ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.
  • Viêm amiđan gây biến chứng viêm cầu thận hoặc gây mưng mủ hạch cổ.

Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên hạn chế cắt amidan. Cắt vào mùa nào cũng được vì hiện nay có nhiều phương pháp hiện đại cắt amidan an toàn và không chảy máu.
Nếu có các bệnh khác kèm theo như: cao huyết áp, tim mạch, đái đường... thì chỉ định lại hạn chế.
 

(Nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 05-07-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Trẻ bị khe hở môi (sứt môi) có một khe hở ở môi trên, khe này có thể kéo dài từ môi trên đến lỗ mũi (hình 1).
  • 28-05-2018
    Đây là bệnh gây ra do vi khuẩn Neisseria meningitidis - là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não do vi khuẩn và là một nguyên nhân quan trọng gây ra nhiễm trùng huyết, đó là tình trạng các vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây tổn thương
  • 26-10-2018

    Bệnh rubella là bệnh truyền nhiễm do virut gây ra. Khi người phụ nữ bị nhiễm vi rút rubella trong giai đoạn đầu trong 3 tháng đầu của quá trình mang thai, có tới 90% số trường hợp người mẹ có thể truyền vi rút sang thai nhi. Hậu quả thai nhi bị chết

  • 04-07-2018
    Vẩy nến là bệnh da mãn tính thường xuất hiện và sau đó tự hết. Những tế bào da tái tạo quá nhanh, tích tụ và tạo thành những vảy óng ánh như bạc trên bề mặt da. Bệnh có thể nhẹ, nhưng cũng có thể diễn tiến nghiêm trọng.
  • 28-05-2018
    Tình hình dịch trên thế giới trong thời gian gần đây Từ 1997, sự bùng phát của virut H5N1 đã làm nhiễm bệnh và chết hàng chục triệu gia cầm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ tháng 12/2003 đến 19/6/2008, đã có 243 người tử vong do cúm gia cầm trong số 385
  • 28-05-2018
    Viêm giác mạc có thể do nhiều nguyên nhân gây nên; nếu không được điều trị có thể dẫn đến giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí là mù lòa. Giác mạc là lớp màng trong suốt, có hình vòm ở phía trước của mắt, bao phủ đồng tử và mống mắt. Viêm giác