U xơ tử cung

U xơ tử cung có thể phát hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ tuổi từ 30 – 40 tuổi. Đặc biệt với phụ nữ Mỹ gốc Phi, u xơ tử cung xuất hiện ở độ tuổi tương đối trẻ và phát triển khá nhanh nên tỉ lệ mắc u xơ tử cung của phụ nữ Mỹ gốc Phi

U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung

U xơ tử cung là một khối tăng trưởng lành tính (không phải ung thư) phát triển từ mô cơ của tử cung, còn được gọi là u mềm cơ trơn hay u cơ. Kích thước, hình dạng và vị trí của u xơ rất đa dạng. Chúng có thể xuất hiện bên trong, trên bề mặt bên ngoài, trong thành tử cung, cũng có khi chúng gắn bên ngoài tử cung với cấu trúc như một thân cây. Một người phụ nữ có thể chỉ có một u xơ hoặc nhiều u xơ với kích thước khác nhau. Kích thước u xơ có thể rất nhỏ trong một thời gian dài sau đó đột nhiên tăng lên nhanh chóng, hoặc tăng lên từ từ trong nhiều năm.

U xơ tử cung có những triệu chứng gì?

U xơ tử cung có thể có các triệu chứng sau đây:

 Những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt

  • Hành kinh dài hơn, thường xuyên hơn, hoặc ra nhiều máu hơn
  • Đau bụng kinh (do co thắt)
  • Chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt
  • Thiếu máu (do mất máu)

Đau

  • Đau bụng hoặc đau lưng dưới (thường đau âm ỉ, nặng bụng nhưng cũng có khi đau nhói)
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Chèn ép
  • Gây khó tiểu hoặc đi tiểu thường xuyên hơn
  • Táo bón, đau trực tràng, hoặc đi tiêu khó khăn
  • Đau co thắt bụng

Tăng kích thước tử cung và bụng

Sẩy thai

Vô sinh

U xơ tử cung cũng có khi không biểu hiện bất kì triệu chứng nào. U xơ tử cung có thể tình cờ phát hiện trong khi khám phụ khoa định kỳ hoặc trong quá trình kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác.

U xơ tử cung thường gặp ở đối tượng nào?

U xơ tử cung có thể phát hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ tuổi từ 30 – 40 tuổi. Đặc biệt với phụ nữ Mỹ gốc Phi, u xơ tử cung xuất hiện ở độ tuổi tương đối trẻ và phát triển khá nhanh nên tỉ lệ mắc u xơ tử cung của phụ nữ Mỹ gốc Phi cao hơn so với phụ nữ da trắng.

U xơ tử cung có thể gây ra các biến chứng gì?

Dạng u xơ phát triển như một thân cây gắn bên ngoài tử cung có thể xoắn và gây đau, buồn nôn, hay sốt. Những u xơ đang phát triển nhanh chóng hay những u xơ bắt đầu bị thoái hóa đều có thể gây đau. Hiếm khi u xơ tử cung dẫn đến ung thư tuy nhiên một khối u quá lớn có thể gây chướng bụng, điều này làm cho việc khám phụ khoa kỹ lưỡng trở nên khó khăn hơn. U xơ tử cung có thể gây vô sinh nhưng đây không phải là nguyên nhân phổ biến, có rất nhiều yếu tố khác cần được tìm hiểu rõ trước khi kết luận u xơ tử cung là nguyên nhân gây vô sinh của một cặp vợ chồng. Khi u xơ tử cung là nguyên nhân gây vô sinh thì sau khi điều trị, có khá nhiều phụ nữ có thể mang thai trở lại.

Chẩn đoán u xơ tử cung như thế nào?

Các dấu hiệu đầu tiên của u xơ tử cung có thể được phát hiện trong quá trình khám phụ khoa định kỳ. Để chẩn đoán chính xác, cần phải làm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác:
  • Siêu âm: sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh của tử cung và các cơ quan vùng chậu khác.
  • Nội soi buồng tử cung: sử dụng một thiết bị nhỏ, mảnh (các ống soi tử cung) để xem bên trong tử cung. Thiết bị được đưa qua âm đạo và cổ tử cung, từ đó bác sĩ có thể nhìn thấy u xơ bên trong buồng tử cung.
  • Chụp X-quang tử cung vòi trứng: là một phương pháp chụp X-quang đặc biệt, có thể phát hiện những thay đổi bất thường về kích thước và hình dạng của tử cung và ống dẫn trứng.
  • Siêu âm bơm nước lòng tử cung: là phương pháp siêu âm sử dụng một chất lỏng đưa vào tử cung thông qua cổ tử cung, sau đó dùng sóng siêu âm để quan sát các hình ảnh bên trong, có thể quan sát rõ ràng hình ảnh nội mạc tử cung nhờ sự có mặt của chất lỏng trên.
  • Nội soi ổ bụng: một thiết bị nhỏ, mảnh (ống nội soi) được đưa vào bụng qua các đường rạch da rất nhỏ ở dưới rốn hoặc ngay rốn. Với ống nội soi, bác sĩ có thể nhìn thấy u xơ bên ngoài tử cung.
  • Các thủ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính hiếm khi được sử dụng trong chẩn đoán u xơ tử cung, mà thường sử dụng để theo dõi sự phát triển của u xơ theo thời gian.

Khi nào u xơ tử cung cần điều trị?

Những u xơ không gây ra triệu chứng, u xơ nhỏ, hoặc u xơ xuất hiện ở phụ nữ sắp mãn kinh thường không cần điều trị. Một số dấu hiệu và triệu chứng báo hiệu cần phải điều trị:

  • Hành kinh đau nhiều gây cản trở các hoạt động bình thường hoặc mất nhiều máu dẫn đến thiếu máu
  • Chảy máu giữa các kỳ kinh nguyệt
  • Không chắc chắn sự tăng trưởng bất thường là u xơ hay là một loại khối u khác, có thể là khối u buồng trứng.
  • U xơ tử cung phát triển nhanh
  • Vô sinh
  • Đau vùng chậu

Có thể sử dụng thuốc để điều trị u xơ tử cung hay không?

Điều trị bằng thuốc cũng là một giải pháp cho một số phụ nữ có u xơ tử cung. Thuốc có thể làm giảm ra máu nhiều và giảm đau khi hành kinh tuy nhiên không hoàn toàn ngăn chặn sự phát triển của u xơ, sau đó vẫn cần phải phẫu thuật. Thuốc điều trị u xơ tử cung bao gồm các nhóm sau:

  • Thuốc tránh thai và các loại phương pháp tránh thai dùng hormone: các thuốc này thường được sử dụng để kiểm soát chảy máu quá nhiều và làm giảm thời gian đau trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Chất đồng vận của hormone giải phóng gonadotropin (GnRH): các chất này có thể ngăn chu kỳ kinh nguyệt, thu nhỏ u xơ tử cung và đôi khi được sử dụng trước phẫu thuật để làm giảm nguy cơ chảy máu. Những chất này có nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian ngắn (dưới 6 tháng). Sau khi dừng sử dụng chất đồng vận GnRH, u xơ tử cung thường trở về kích thước ban đầu.
  • Dụng cụ tử cung phóng thích progestin: đây là một giải pháp cho phụ nữ có u xơ tử cung nhưng không làm biến dạng lòng tử cung, giúp làm giảm chảy máu và đau đớn nhưng không điều trị u xơ tử cung.

Điều trị u xơ tử cung cần thực hiện những phẫu thuật nào?

  • Phẫu thuật bóc u xơ tử cung: tử cung được giữ lại và bệnh nhân vẫn có thể có con. U xơ đã được bóc sẽ không mọc lại sau khi phẫu thuật, nhưng u xơ tử cung mới có thể phát triển và cần phải tiến hành phẫu thuật tiếp.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: cắt bỏ tử cung, có thể giữ lại hoặc cắt luôn hai buồng trứng. Phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung khi những phương pháp điều trị khác không đáp ứng hoặc khi u xơ tử cung quá lớn. Sau khi cắt bỏ tử cung, người phụ nữ không còn khả năng có con.

Ngoài dùng thuốc và phẫu thuật, còn có những phương pháp nào điều trị u xơ tử cung?

Có thể lựa chọn một số điều trị khác như sau:

  • Nội soi buồng tử cung: kỹ thuật này được sử dụng để loại bỏ các u xơ nhô vào lòng tử cung. Một dao cắt điện hoặc laser được luồn qua ống soi tử cung vào bên trong tử cung để phá hủy các u xơ. Kỹ thuật này tuy không thể loại bỏ u xơ nằm sâu trong thành tử cung nhưng vẫn được tiến hành vì có thể kiểm soát chảy máu do u xơ tử cung gây ra. Nội soi buồng tử cung khá nhanh chóng và an toàn nên bệnh nhân có thể đăng kí mổ ngoại trú (không cần phải ở lại qua đêm trong bệnh viện).
  • Cắt bỏ nội mạc tử cung: thủ thuật này phá hủy niêm mạc tử cung, được sử dụng để điều trị u xơ có kích thước nhỏ (< 3 cm). Có nhiều cách để thực hiện cắt bỏ nội mạc tử cung.
  • Thuyên tắc động mạch tử cung (UAE): trong thủ thuật này, các hạt nhỏ (bằng hạt cát) được tiêm vào mạch máu dẫn đến tử cung nhằm làm giảm lưu lượng máu đến các khối u và làm cho nó co lại. UAE có thể được thực hiện ngoại trú trong nhiều trường hợp.
  • Phẫu thuật bằng sóng siêu âm dưới hướng dẫn của chụp cộng hưởng từ: trong phương pháp còn khá mới mẻ này, sóng siêu âm được sử dụng để phá hủy u xơ tử cung. Sóng siêu âm xuyên qua da tác động trực tiếp vào các u xơ tử cung với sự trợ giúp của cộng hưởng từ. Nghiên cứu cho thấy, sau khi thực hiện thủ thuật này, các triệu chứng do u xơ gây ra có thể được cải thiện trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, liệu thủ thuật này có giúp giảm đau lâu dài hay không vẫn còn đang được nghiên cứu.

Biên dịch - Hiệu đính:

Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 16-04-2019

    Hồng ban đa dạng (erythema multiforme) là tình trạng tổn thương da với các ban đỏ, sẩn, mày đay, và điển hình là các tổn thương hình bia bắn (target lesion) hay hình mắt (iris - shaped), thường phân bố đối xứng ở các đầu chi, lòng bàn tay bàn chân, thân mình, niêm mạc miệng. Virus là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh, ngoài ra còn có thể do vi khuẩn, hóa chất, thuốc … Bệnh có thể tự khỏi sau 2 – 4 tuần.

  • 28-05-2018
    Cơ thể con người ta được cấu tạo từ nhiều loại tế bào. Trong điều kiện bình thường, các tế bào lớn lên, phân chia và tạo ra nhiều tế bào khác khi cơ thể cần đến chúng. Quá trình này giúp cho cơ thể khoẻ mạnh. Tuy nhiên đôi khi các tế bào vẫn phân chia
  • 18-09-2018

    Màng não là các lớp lót bảo vệ não,bao bọc xung quanh não trong hộp sọ và quanh tủy sống trong ống sống.

  • 28-05-2018
    Mụn cơm là những nốt sùi nhỏ lành tính trên da do một loại vi-rút gọi là papilloma vi-rút người (HPV) gây ra. vi-rút khiến cho các tế bào ở lớp ngoài cùng của da tăng sinh nhanh. Mụn cơm khác với nốt ruồi, không gây ung thư và thường tự khỏi.
  • 28-05-2018
    Đau xương cẳng chân, hay hội chứng căng xương chày, là tình trạng đau dọc mặt trước hoặc mặt trong ống đồng. Các cơ bắp, gân và xương mô trở nên làm việc quá tải bởi các hoạt động gia tăng. Biểu hiện nhẹ có thể là viêm phần mềm hoặc cơ, trong khi những
  • 17-10-2018

    Trật khớp háng bẩm sinh (hình 1) là dị tật trong đó đầu trên xương đùi không khớp một cách chính xác với ổ khớp trên xương chậu hoặc nằm trật ra phía ngoài ổ khớp. Khớp háng có thể bị trật bên đùi trái hoặc phải.