U lạc nội mạc tử cung

Theo BS Dương Phương Mai, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý đặc biệt và thường gặp ở người trẻ.

U lạc nội mạc tử cung là gì ?


Theo BS Dương Phương Mai, Bệnh viện Từ Dũ Tp.HCM, lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý đặc biệt và thường gặp ở người trẻ.
Bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, gây hậu quả nghiêm trọng và có nguy cơ dẫn đến vô sinh.
Hành kinh ngược chiều.
Thông thường khi hành kinh, lớp nội mạc tử cung sẽ bong tróc và được “tống” ra ngoài. Khi những mảng niêm mạc tử cung bong tróc, không thoát ra ngoài mà bị chảy ngược trở lại buồng trứng, khoang bụng, bàng quang, trực tràng... được gọi là lạc nội mạc tử cung.
Khi bị lạc nội mạc tử cung, phần lớn bệnh nhân đều không có triệu chứng rõ ràng. Nếu thấy đau bụng dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt thì rất có thể bạn bị lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung có thể gây vô sinh nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng, biểu hiện U lạc nội mạc tử cung

Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí lạc nội mạc tử cung, mỗi cá thể có bệnh cảnh khác nhau.
Thông thường có chung một dấu hiệu nổi bật là đau vùng tiểu khung, có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, đau trước hoặc sau khi hành kinh, những cơn đau quặn rất khó chịu, đau khi quan hệ tình dục, đau khi có khoái cảm đỉnh điểm, đau vùng thắt lưng và có thể lan xuống cẳng chân, đau vùng bàng quang hoặc tiểu nhiều, mỏi mệt.
Những người mắc bệnh lạc nội mạc tử cung thường ra máu kinh nhiều, kinh nguyệt không đều, thường khó có thai. Điều ngạc nhiên là mức độ nghiêm trọng của lạc nội mạc tử cung không hề liên quan đến mức độ đau mà người phụ nữ trải nghiệm.
Một số phụ nữ không hề có triệu chứng gì và thậm chí không biết mình bị bệnh cho tới khi phát hiện hiếm muộn. Cho tới nay, cách thức duy nhất để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung là soi ổ bụng, chẩn đoán bằng quan sát có thể nhầm lẫn, cho nên trường hợp nghi ngờ lạc nội mạc tử cung vẫn thường được sinh thiết để làm xét nghiệm tế bào.
Vì vậy khi có dấu hiệu đau bụng dữ dội vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt, lượng kinh thất thường lúc ít lúc nhiều thì phải nghĩ tới bệnh lạc nội mạc tử cung.

Nguyên nhân gây U lạc nội mạc tử cung

Nguyên nhân thực sự của lạc nội mạc tử cung chưa được chỉ rõ nhưng có một số ý kiến cho rằng tất cả những yếu tố làm cho máu kinh chảy ngược là nguyên nhân.
  •  Ở con gái, có thể do trong chu kỳ kinh nguyệt, cổ tử cung đóng kín nên khi tử cung co bóp đẩy máu kinh ra thì máu chảy ngược lại. Ở phụ nữ có gia đình, đa số nguyên nhân là do giao hợp khi có kinh, dương vật đã đẩy máu kinh đi ngược lại.
  • Cũng có ý kiến cho rằng căn bệnh này cũng có thể là do các yếu tố di truyền gây ra. Một số ít nêu một vài giả thuyết khác như khi con người sinh ra, một số nội mạc tử cung đã nằm lạc chỗ hay do dị sản, tế bào phôi còn tồn tại biệt hóa thành tổ chức như nội mạc, hoặc cũng có thể do đặt vòng, do tắc nghẽn đường sinh dục lúc bẩm sinh.
Cơ chế bệnh sinh
Ở nơi lạc chỗ, nội mạc tử cung tiếp tục chịu ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục nên đến chu kỳ kinh, khi nội mạc tử cung phát triển dầy lên và những mảnh lạc này cũng dầy lên (khoảng hơn 10 lần), trương lên, chứa đầy máu, chèn ép và gây đau trước khi hành kinh. Rồi khi nội mạc tử cung chảy máu, các mảnh lạc này cũng chảy máu mà không có đường thoát ra gây đau dữ dội khi hành kinh.
Máu ứ sẽ tạo cơ hội cho viêm nhiễm, rất dễ gây dính ở các cơ quan này.
Hết kinh, những mảnh lạc tạo thành những mô sẹo.
Đến chu kỳ sau lại thế. Số lượng các mô lạc chỉ có tăng lên chứ không có giảm đi, bệnh ngày càng nặng.

Các yếu tố, nguy cơ U lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một trong số những yếu tố khiến chị em vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung. Bạn hãy xem mình có thuộc nhóm những chị em có nguy cơ cao bị lạc nội mạc tử cung như dưới đây không nhé.

Chị em bị thừa cân, béo phì

Những người béo phì thường có lượng mỡ tích trữ trong cơ thể khá lớn, điều này có thể làm tăng estrogen trong máu, làm mất cân bằng nội tiết và tác động đến dòng chảy của kinh nguyệt. Từ đó, lượng nội mạc tử cung cũng tăng lên theo, khả năng nội mạc đi 'lạc' cũng dễ xảy ra hơn và dẫn đến triệu chứng lạc nội mạc tử cung.

Chị em thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là cụm từ để chỉ những bất thường của kinh nguyệt về chu kỳ kinh, thời gian hành kinh, lượng máu kinh… Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường ở tuổi bắt đầu hành kinh, tuổi mãn kinh, quá sớm hoặc quá muộn, về chu kỳ và số ngày hành kinh quá dài hoặc quá ngắn, về số lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít, về những triệu chứng đau đớn hoặc khó chịu trong khi hành kinh, về tình trạng không phóng noãn trong kỳ kinh…
Chu kì kinh nguyệt không ổn định, nhất là trong trường hợp kéo dài có thể tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn tấn công, gây nên các bệnh viêm nhiễm 'vùng kín' như viêm âm đạo, u nội mạc tử cung, viêm buồng trứng... Tất cả những yếu tố này đều có thể góp phần làm cho máu kinh chảy ngược trở lại và gây ra lạc nội mạc tử cung.

Những người ít vận động

Những người ít vận động là những người có xu hướng tích tụ nhiều chất béo trong cơ thể, do đó, nhóm đối tượng này có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung cao gấp 2 lần so với những người thường xuyên vận động thể chất.
Ngoài ra, hấp thụ và tích trữ quá nhiều chất béo có thể dẫn đến sự gia tăng các bệnh sản phụ khoa, làm thay đổi lượng estrogen và mất cân bằng nội tiết. Sự mất cân bằng nội tiết có thể làm tăng sự phát triển của nội mạc tử cung, gây ảnh hưởng đến dòng chảy của kinh nguyệt, làm cho kinh nguyệt dễ chảy ngược trở lại và tăng nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung.

Những người có tiền sử gia đình liên quan đến bệnh này

Lạc nội mạc tử cung là bệnh theo gen di truyền vì vậy, nếu trong gia đình bạn có người bị lạc nội mạc tử cung thì bạn cũng có nguy cơ bị bệnh này. Do đó, tiền sử gia đình là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ khiến người phụ nữ dễ mắc ung thư nội mạc tử cung.

Chẩn đoán bệnh U lạc nội mạc tử cung

 U lạc nội mạc tử cung
Chẩn đoán U lạc nội mạc tử cung (Hình minh họa)

Các phương pháp dùng trong chẩn đoán U lạc nội mạc tử cung.

Chẩn đoán bệnh bằng cách khám khung chậu.

Bác sĩ sẽ khám khung chậu để kiểm tra buồng trứng, tử cung, và cổ tử cung nhằm phát hiện bất thường. Đôi khi khám cũng có thể phát hiện ra được u nang buồng trứng hoặc sẹo bên trong có thể là do lạc nội mạc tử cung gây ra. Bác sĩ cũng tìm các bệnh ở khung xương chậu khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như lạc nội mạc tử cung.

Chẩn đoán bệnh bằng cách chụp cắt lớp khung xương chậu.

Mặc dù người ta không thể xác định bệnh lạc nội mạc tử cung bằng kỹ thuật chụp cắt lớp đơn lẻ, nhưng bác sĩ cũng có thể yêu cầu siêu âm, chụp cắt lớp, hoặc chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) để giúp chẩn đoán.
Các thủ thuật này có thể phát hiện ra được khối u ở màng trong dạ con hoặc các nang lớn hơn. Kỹ thuật chụp cắt lớp sử dụng sóng âm thanh, tia X, hoặc từ trường kết hợp với xung tần số vô tuyến để tạo hình.

Chẩn đoán bệnh bằng cách soi ổ bụng

Soi ổ bụng là cách chắc chắn duy nhất để xác định xem liệu bạn có bị bệnh lạc nội mạc tử cung hay không. Bác sĩ phẫu thuật bơm hơi vào bụng qua một vết rạch nhỏ ở rốn. Ống soi ổ bụng là ống nhòm (dụng cụ để nhòm) được chèn vào chỗ rạch.
Bác sĩ phẫu thuật có thể lấy nhiều mẩu mô nhỏ để kiểm tra trong phòng thí nghiệm – đây được gọi là sinh thiết – nhằm để xác thực chẩn đoán được lạc nội mạc tử cung.

Điều trị U lạc nội mạc tử cung

Mặc dù không có các cách chữa cụ thể, song vẫn có một số giải pháp để điều trị lạc nội mạc tử cung.
Cách thức điều trị cho bạn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, vị trí và kích thước của khối nội mạc tử cung, và kế hoạch mang thai của bạn. Tuổi của bạn cũng là một yếu tố, vì các triệu chứng có thể nặng thêm khi bạn lớn tuổi hơn, tuy nhiên, sau khi mãn kinh, bệnh sẽ có thể giảm dần.

Các giải pháp điều trị bệnh nếu bạn đang có ý định mang thai

  • Nếu bạn bị lạc nội mạc tử cung ở mức độ tối thiểu hoặc nhẹ, bạn sẽ có 30-60% cơ hội có thể mang thai trong vòng 2 năm hoàn thành điều trị. Nếu bạn ở mức độ vừa phải, bạn sẽ có 60% cơ hội, và nếu bạn ở mức độ nghiêm trọng, bạn sẽ có 35% cơ hội.
  • Một giải pháp là để bác sĩ loại bỏ các khối bất thường, các mô bằng tia laser hoặc dụng cụ phẫu thuật trong quá trình nội soi - một quy trình tương đối đơn giản. Sau đó, bạn sẽ có 40% khả năng thụ thai. Khả năng có thai của bạn sẽ cao nhất trong vòng 1 năm điều trị, vì lạc nội mạc tử cung thường tái phát mặc dù đã được phẫu thuật.
    Nếu bạn ở trường hợp lạc nội mạc tử cung nhẹ và đang cố gắng để có thai, bác sĩ có thể đề nghị bạn chưa điều trị vội trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng. Nếu bạn không có thai trong thời gian đó, bác sỹ có thể xem xét các phương pháp điều trị của bạn.
  • Bạn cũng có thể bắt đầu thực hiện điều trị bổ sung cho các vấn đề khác được phát hiện trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản. Một số phương pháp điều trị bổ sung bao gồm dùng thuốc giúp làm tăng khả năng sinh sản kết hợp với kỹ thuật cấy tinh hoặc làm thụ tinh ống nghiệm.

Các phương pháp điều trị nếu bạn không có ý định mang thai

  • Nếu bạn đang không có ý định có thai và các triệu chứng ở mức độ nhẹ đến trung bình, cần phải kiểm tra thường xuyên để theo dõi tình trạng của bạn, nhưng có thể không cần điều trị bằng thuốc. Lạc nội mạc tử cung rất có thể sẽ biến mất hầu hết khi bạn đến tuổi mãn kinh và ngừng rụng trứng hay có kinh. Nếu bạn bị đau nhẹ trước hoặc trong kỳ kinh và khả năng sinh sản của bạn không phải là một yếu tố đáng quan tâm, thì dùng thuốc giảm đau thông thường có thể đủ để làm giảm sự khó chịu.
  • Thuốc tránh thai hoặc progesterone cũng có thể làm giảm các triệu chứng của bạn bằng cách ngăn chặn sự rụng trứng, do đó khiến niêm mạc tử cung và nội mạc tử cung ngừng chảy máu mỗi tháng. Điều này ngăn cản nang mới và mô sẹo hình thành, từ đó ngăn sự tiến triển của lạc nội mạc tử cung mà không cần chữa trị.
  • Cũng có các loại thuốc khác làm giảm các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung. Ví dụ, các chất đồng vận hormon hướng sinh dục, các thuốc này bắt chước những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ mãn kinh, nó làm giảm nồng độ estrogen, làm các khối nội mạc tử cung thu nhỏ lại và các triệu chứng giảm bớt.
    Nhược điểm là những loại thuốc này ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung phát triển nhưng không chữa khỏi nó. Một khi bạn ngừng dùng các loại thuốc này, bệnh có thể tái phát. Các loại thuốc này cũng đắt tiền và thường tạo ra triệu chứng mãn kinh, là tác dụng phụ của thuốc, như nóng ran người, khô âm đạo, mất mật độ xương. Do vậy, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên điều trị bằng phương pháp này chỉ trong 6 tháng hoặc ít hơn.

Biến chứng

Bệnh thường tiến triển âm thầm có thể trong nhiều năm, lành tính nhưng gây hậu quả tai hại nhất là vô sinh (30-50%).
Cơ chế gây vô sinh do lạc nội mạc tử cung chính xác vẫn chưa được xác định rõ, có thể là:
  • Các mảnh lạc gây dính vùng chậu khiến cho các cơ quan sinh sản hoạt động không tốt, vòi trứng có thể bị tắc, viêm dính khiến tinh trùng không thể đến thụ tinh với trứng, hoặc thụ tinh được cũng khó di chuyển đến tử cung gây thai ngoài tử cung.
  • Lạc nội mạc vào cơ tử cung sẽ làm biến đổi môi trường nội tiết khiến nội mạc tử cung không thuận lợi cho phôi làm tổ, gây suy hoàng thể sớm, khiến phôi không phát triển được (Hoàng thể là cấu trúc sản xuất các chất nội tiết để hỗ trợ cho thai kỳ trong 3 tháng đầu), làm rối loạn sự phát triển của các nang trứng và rối loạn rụng trứng.
  • Làm giảm chất lượng của trứng khi các mảnh nội mạc tử cung cắm vào buồng trứng, chúng chảy máu rồi tạo ra những vết dầy dính, co kéo thì dù hormone LH có tác động mạnh thế nào cũng không giúp trứng thoát nang được.
  • Cơ chế miễn dịch tế bào làm tăng số lượng đại thực bào, tế bào lympho trong dịch ổ bụng, tăng khả năng thực bào của các tế bào này, tinh trùng có thể bị thực bào, gây độc cho giao tử. Cơ chế miễn dịch dịch thể: Kháng thể tự miễn làm ảnh hưởng đến sự thụ tinh và làm tổ của phôi, gây sảy thai sớm.
  • Hơn nữa, bệnh còn có khả năng phát triển thành một số loại ung thư. Vì thế, mọi sinh hoạt, học tập, làm việc của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng vì những sự phiền muộn này gây ra.

Phòng ngừa U lạc nội mạc tử cung

  • Để sớm phát hiện bệnh, phụ nữ từ tuổi 25 trở đi nên có thói quen đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.
  • Theo dõi chặt chẽ chu kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt, nếu thấy có hiện tượng đau bụng quá nhiều trong lúc hành kinh, khi gần gũi vợ chồng thường có cảm giác đau thì nên gặp bác sĩ để kiểm tra sớm.
  • Vệ sinh, giữ vùng kín luôn sạch sẽ, khô ráo. Cần vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài âm đạo, không nên xối nước hay thụt rửa sâu bên trong âm đạo để tránh vi khuẩn có điều kiện ngược lên trên tử cung gây tái viêm loét, khó khăn trong việc điều trị viêm nhiễm. Không lạm dụng rửa bằng các dung dịch vệ sinh phụ nữ vì có thể gây mất cân bằng môi trường âm đạo, làm vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển.

Chế độ chăm sóc U lạc nội mạc tử cung

 U lạc nội mạc tử cung
Phòng tránh U lạc nội mạc tử cung (Hình minh họa)

  • Nếu chủ động ăn uống đúng cách, chị em có thể phòng được bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc giảm thiểu ảnh hưởng do bệnh gây ra. Chế độ ăn uống là một phần quan trọng của cuộc sống. Sức khỏe của bạn cũng phụ thuộc rất nhiều vào những gì bạn ăn. Nếu chọn các thức ăn lành mạnh, bạn hoàn toàn có thể phòng được bệnh tật, bao gồm cả các bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản.
  • Chắc chắn bạn đã từng nghe nhiều đến việc ăn uống lành mạnh, đặc biệt là ăn để giảm cân. Nhưng bạn có biết rằng bạn cũng hoàn toàn có thể phòng bệnh phụ khoa, cụ thể là bệnh lạc nội mạc tử cung nhờ ăn uống đúng cách. Lạc nội mạc tử cung là một rối loạn phổ biến gây ảnh hưởng không nhỏ đến nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Nó xảy ra khi lớp mô nội mạc tử cung bình thường (lớp niêm mạc của tử cung) phát triển bên ngoài tử cung.
    Điều này có nghĩa là mô đặt không đúng chỗ có thể phát triển ở bất cứ nơi nào trong ổ bụng.
Ở một số phụ nữ, lạc nội mạc tử cung có thể có chỉ là một vài mô đơn lập, không lan rộng hoặc phát triển, trong khi ở những người khác, lạc nội mạc tử cung có thể lây lan khắp xương chậu và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí gây vô sinh nếu không được điều trị hiệu quả. Nhưng chị em cũng không nên lo lắng quá vì nếu chủ động trong ăn uống, chị em có thể phòng được bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc giảm thiểu ảnh hưởng do bệnh gây ra.

  1. Uống đủ nước
    Uống đủ nước mỗi ngày là việc không thể thiếu với bất kì ai. Uống nước có tác dụng thải các tạp chất trong cơ thể ra ngoài theo đường tiểu để làm sạch hệ tiêu hóa và tuần hoàn.
    Bạn nên uống nhiều nước lọc và giảm các loại đồ uống có đường như nước trái cây ngọt, cà phê có đường và nước soda... Đây là cách đơn giản nhưng có tác dụng điều trị viêm nội mạc tử cung một cách tự nhiên.
    Chính nhờ nước làm sạch hệ thống và cung cấp đủ nước cho cơ thể mà các cơ quan trong cơ thể mới hoạt động tốt, tránh được tình trạng các lớp niêm mạc tử cung bị bong ra mà không tan, đóng cục và đi lạc vào ổ bụng gây lạc nội mạc tử cung.
  2. Chọn các thực phẩm giàu protein
    Ăn ít chất béo và lựa chọn thực phẩm giàu protein như thịt cá, thịt gà... cũng là một cách để phòng bệnh lạc nội mạc tử cung.
    Protein (chất đạm) là thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất cấu tạo nên các bộ phận của cơ thể, có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Chúng có mặt trong thành phần nhân và chất nguyên sinh của các tế bào.
    Để các tế bào trong cơ thể khỏe mạnh, việc cung cấp protein cho chúng là cần thiết. Các thực phẩm giàu protein còn góp phần duy trì sự cân bằng của các hormone trong cơ thể, nhờ đó giảm được tình trạng rối loạn nội tiết ở nữ giới và nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung cũng được hạn chế.
    Các thực phẩm giàu protein có thể kể đến như thịt nạc, cá, thịt gia cầm, các thực phẩm chế biến từ bơ sữa, lạc, các sản phẩm chế biến từ đậu tương...
  3. Ăn trái cây và rau quả tươi, lành mạnh
    Ăn trái cây tươi và rau quả là một cách tuyệt vời để điều trị lạc nội mạc tử cung tự nhiên. Các loại rau lá xanh và trái cây có màu sậm thường tốt hơn cả vì chúng chứa nhiều chất chống ôxy hóa và vitamin mà cơ thể cần. Các vitamin và chất chống ôxy hóa này có tác dụng lọc máu và thải tạp chất ra ngoài cơ thể, giữ cho máu và cơ thể khỏe mạnh.
    Ăn nhiều trái cây và rau quả tươi có hiệu quả trong việc làm giảm các phản ứng để tạo estrogen trong cơ thể, cân bằng hormone trong cơ thể và giảm nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung hoặc làm cho tình trạng bệnh dễ chịu, nhanh khỏi hơn.
  4. Loại bỏ thực phẩm giàu chất béo
    Các loại thực phẩm chiên ran, đồ ăn nhanh... thường rất giàu chất béo và không có lợi cho sức khỏe của bạn, đặc biệt là sức khỏe sinh sản.
    Nếu ăn nhiều những thực phẩm này, bạn sẽ nhanh chóng tăng cân và bị béo phì. Béo phì hay thừa cân là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mỡ tích trữ trong cơ thể khá lớn. Điều này có thể làm tăng estrogen trong máu, làm mất cân bằng nội tiết và tác động đến dòng chảy của kinh nguyệt. Từ đó, lượng nội mạc tử cung cũng tăng lên theo và dẫn đến triệu chứng lạc nội mạc tử cung.

(nguồn mobifone)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Sốt là khi có sự tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời do phản ứng lại với bệnh. Nhiệt độ cơ thể chúng ta không bằng nhau ở các thời điểm trong ngày, thường là cao hơn vào buổi chiều. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ vượt quá 38oC, bạn đã bị sốt.
  • 28-05-2018
    U sợi thần kinh là một bệnh thuộc dạng di truyền. Bệnh biểu hiện bằng nhiều u dạng sợi mềm mọc ra từ dây thần kinh, cùng nhiều đốm màu nâu nhạt xuất hiện trên da thân người và vùng chậu. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện được ít nhất 8 typ của
  • 28-05-2018
    Viêm nhiễm theo những con đường như đặt vòng tránh thai tử cung, hoặc tiến hành cạo, nạo tử cung, là điện cổ tử cung, châm radium mà bị viêm nhiễm.
  • 28-05-2018
    Thuật ngữ đau thắt lưng chỉ những cơn đau ở phần phía dưới của cột sống. Lưng được cấu thành từ các đốt của xương sống, đĩa đệm giữa các đốt sống, tủy sống (chức các dây thần kinh), cơ và dây chằng. Cơ ở vùng lưng và bụng giúp nâng đỡ cột sống. Chấn
  • 05-09-2018

    Hầu hết các trường hợp sưng hạch bạch huyết ở trẻ nhỏ không quá nghiêm trọng, chúng sẽ trở lại kích thước như cũ sau khi nguyên nhân gây sưng đã hết.

  • 28-05-2018
    Thận là hai cơ quan hình hạt đậu trong cơ thể người với chức năng chính là lọc chất thải từ máu và tạo ra nước tiểu. Nang đơn thận là những túi tròn chứa chất lỏng nằm ở vùng vỏ hoặc vùng tủy của thận. Tuy nhiên, nang đơn thận là loại nang không gây