Suy giáp

Phụ nữ, đặc biệt khi trên 60 tuổi, có nhiều khả năng bị suy giáp. Suy giáp gây rối loạn sự cân bằng chuyển hóa trong cơ thể bạn. Tình trạng này hiếm khi gây triệu chứng trong giai đoạn đầu, tuy nhiên theo thời gian, suy giáp không được điều trị có thể

Suy giáp là gì?

Suy giáp


Suy giáp (còn gọi là thiểu năng tuyến giáp hay nhược năng tuyến giáp) là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ một vài loại hormone (nội tiết tố) quan trọng cho cơ thể.
Phụ nữ, đặc biệt khi trên 60 tuổi, có nhiều khả năng bị suy giáp. Suy giáp gây rối loạn sự cân bằng chuyển hóa trong cơ thể bạn. Tình trạng này hiếm khi gây triệu chứng trong giai đoạn đầu, tuy nhiên theo thời gian, suy giáp không được điều trị có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe như béo phì, đau khớp, vô sinh và bệnh tim.
Điều đáng mừng là hiện đã có các xét nghiệm giúp kiểm tra khá chính xác chức năng tuyến giáp nhằm chẩn đoán suy giáp. Mặt khác, việc điều trị suy giáp bằng hormone tuyến giáp tổng hợp thường đơn giản, an toàn và hiệu quả một khi đã tìm được liều thuốc phù hợp với cơ thể bạn.

Người bị suy giáp có những triệu chứng gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp thay đổi tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt hormone nhưng nói chung đa phần diễn tiến chậm, thường là trong vài năm.
Lúc đầu, bạn có lẽ ít khi nhận thấy các triệu chứng của suy giáp, chẳng hạn như mệt mỏi và tăng cân, hoặc bạn chỉ nghĩ là do lớn tuổi. Thế nhưng khi sự chuyển hóa trong cơ thể bạn tiếp tục giảm, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sẽ rõ ràng hơn. Dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp có thể bao gồm:
Mệt mỏi
Chịu lạnh kém hơn
Táo bón
Da khô
Tăng cân không rõ lý do
Phù mặt
Khàn giọng
Yếu cơ
Tăng cholesterol trong máu
Đau cơ, căng cơ và cứng cơ
Đau khớp, cứng khớp hoặc sưng khớp
Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường hay chu kỳ kinh nguyệt bất thường
Rụng tóc
Nhịp tim chậm
Trầm cảm
Giảm trí nhớ
Khi không được điều trị, các dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp dần dần có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Việc tuyến giáp bị kích thích liên tục để giải phóng thêm hormone bù vào sự thiếu hụt do tình trạng suy giáp có thể làm tuyến giáp tăng kích thước đưa đến bướu giáp. Ngoài ra, bạn trở nên dễ quên hơn, suy nghĩ chậm hơn, hoặc cảm thấy chán nản.
Chứng phù niêm (suy giáp tiến triển), dạng nặng của suy giáp, tuy hiếm gặp nhưng một khi xảy ra, nó có thể đe dọa tính mạng. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm huyết áp thấp, giảm hô hấp, giảm nhiệt độ cơ thể, không đáp ứng và thậm chí hôn mê. Trong ca bệnh nặng, phù niêm có thể gây tử vong.

Suy giáp ở trẻ sơ sinh

Mặc dù suy giáp chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trung niên và lớn tuổi, bất kỳ ai cũng có thể bị suy giáp bao gồm cả trẻ sơ sinh. Khởi đầu, một trẻ được sinh ra mà không có tuyến giáp hoặc tuyến giáp hoạt động kém có thể chỉ có vài dấu hiệu và triệu chứng như:
Vàng da và tròng trắng mắt (bệnh vàng da). Hầu hết các trường hợp là do gan của bé không thể chuyển hóa bilirubin, một sản phẩm trong quá trình xử lý các tế bào hồng cầu hư hỏng hoặc già.
Mắc nghẹn/sặc thường xuyên
Lưỡi to, thè ra ngoài
Phù mặt
Khi bệnh tiến triển, trẻ sơ sinh có thể sẽ khó ăn và không phát triển bình thường. Bé cũng có thể bị:
Táo bón
Nhão cơ
Ngủ nhiều
Khi suy giáp ở trẻ sơ sinh không được điều trị, dù bệnh nhẹ cũng có thể dẫn đến chậm phát triển thể chất và tâm thần.

Suy giáp ở trẻ em và thanh thiếu niên

Nói chung trẻ em và thanh thiếu niên bị suy giáp có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự người lớn. Ngoài ra còn có các triệu chứng như:
Tăng trưởng kém, dẫn đến vóc người thấp bé
Răng vĩnh viễn chậm phát triển
Dậy thì muộn
Phát triển trí não kém

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn cảm thấy mệt mỏi không lý do hay có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của suy giáp, chẳng hạn như da khô, nhợt nhạt, phù mặt, táo bón hoặc giọng nói khàn khàn.
Bạn cũng cần gặp bác sĩ để kiểm tra định kỳ chức năng tuyến giáp nếu bạn từng phẫu thuật tuyến giáp, điều trị bằng i-ốt phóng xạ và uống thuốc kháng giáp, hoặc đã từng xạ trị ở vùng đầu, cổ hoặc ngực trên. Tuy nhiên, nhiều khi các phương pháp điều trị này chỉ gây bệnh suy giáp sau vài năm hoặc vài chục năm.
Nếu bạn có hàm lượng cholesterol trong máu cao, hãy hỏi bác sĩ xem nguyên nhân có thể là suy giáp hay không. Và nếu bạn điều trị bằng hormone, hãy tuân thủ lịch tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Lúc ban đầu, điều quan trọng là đảm bảo bạn được điều trị đúng liều. Theo thời gian, liều lượng hormone có thể thay đổi.

Nguyên nhân nào gây bệnh suy giáp?

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình bướm nằm ở trước cổ, ngay dưới quả táo Adam(trái khế) của bạn. Hormone do tuyến giáp sản xuất ra – triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4) – có tác động rất lớn đến sức khỏe và ảnh hưởng đến mọi mặt của quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Các hormone này duy trì tốc độ chuyển hóa chất béo và carbohydrate, giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể, ảnh hưởng đến nhịp tim và giúp điều chỉnh việc sản xuất protein.
Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm bệnh lý tự miễn, điều trị cường giáp, xạ trị, phẫu thuật tuyến giáp và một vài loại thuốc.
Bệnh lý tự miễn: Viêm giáp Hashimoto – một loại bệnh lý tự miễn – là nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp. Rối loạn tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể tấn công các mô của chính cơ thể bạn, trong trường hợp này là tuyến giáp. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định chắc chắn tại sao cơ thể lại sản xuất ra kháng thể chống lại chính nó. Một số cho rằng một loại virus hoặc vi khuẩn nào đó đã gây ra các phản ứng tự miễn dịch, trong khi những người khác lại nghĩ sai lệch trong thông tin di truyền là nguyên nhân. Tuy nhiên, khả năng cao nhất đưa đến bệnh tự miễn dịch chính là sự phối hợp từ nhiều yếu tố tác động. Nhưng dù nguyên nhân là thế nào đi nữa, các kháng thể này đều ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp.
Điều trị cường giáp: Bệnh nhân sản xuất ra quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp) thường được điều trị bằng iốt phóng xạ và các thuốc kháng tuyến giáp để làm giảm việc sản xuất hormone và bình thường hóa chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều trị cường giáp có thể dẫn đến suy giáp vĩnh viễn.
Phẫu thuật tuyến giáp: Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn hoặc một phần lớn tuyến giáp có thể làm giảm hoặc dừng hẳn việc sản xuất hormone. Trong những ca bệnh như thế, bạn sẽ phải điều trị bằng hormone tuyến giáp suốt đời.
Xạ trị: tia xạ điều trị ung thư vùng đầu và cổ có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp dẫn đến suy giáp.
Thuốc: Một số thuốc có thể gây ra suy giáp, ví dụ như lithium dùng trong điều trị rối loạn tâm thần. Nếu bạn đang uống thuốc, hãy hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của thuốc trên tuyến giáp.
Các nguyên nhân ít gặp hơn đưa đến suy giáp bao gồm:
Suy giáp bẩm sinh: Nhiều trẻ khi sinh ra đã có tuyến giáp bị khiếm khuyết hoặc không có tuyến giáp. Trong hầu hết các ca bệnh, tuyến giáp phát triển không bình thường không rõ nguyên nhân, nhưng ở một số trẻ, bệnh chỉ dừng lại ở sai lệch thông tin di truyền chứ không biểu hiện triệu chứng. Thông thường, trẻ bị suy giáp bẩm sinh trông vẫn bình thường khi mới sinh ra. Đó là lý do tại sao kiểm tra chức năng tuyến giáp được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh.
Rối loạn tuyến yên: Một nguyên nhân tương đối hiếm của suy giáp là do tuyến yên không sản xuất đủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH), thông thường là do một khối u lành tính của tuyến yên.
Mang thai: Một số phụ nữ bị suy giáp trong hoặc sau khi mang thai (suy giáp sau sinh-postpartum hypothyroidism), thường là do cơ thể họ sản xuất kháng thể chống lại tuyến giáp của chính mình. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và tiền sản giật – một tình trạng gây tăng huyết áp của thai phụ trong ba tháng cuối của thai kỳ. Nó cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.
Thiếu iốt (iodine) : Khoáng vi lượng iốt, được tìm thấy chủ yếu trong hải sản, tảo biển, cây trồng trên đất giàu iốt và muối iốt – rất cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp. Ở một số nơi trên thế giới, hiện tượng thiếu iốt khá phổ biến, nhưng việc bổ sung iốt vào muối ăn cũng đã được quan tâm tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, dùng quá nhiều iốt cũng có thể gây rối loạn chức năng tuyến giáp bao gồm cả suy giáp.

Ai có nguy cơ mắc bệnh suy giáp?

Mặc dù ai cũng có thể bị suy giáp, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn nếu bạn:
Là phụ nữ lớn hơn 60 tuổi
Mắc bệnh lý tự miễn
Có một người thân như cha mẹ hoặc ông bà mắc bệnh lý tự miễn
Từng được điều trị bằng iốt phóng xạ và/hoặc các thuốc kháng giáp
Từng xạ trị ở vùng cổ hoặc ngực trên
Từng phẫu thuật loại bỏ một phần tuyến giáp
Đang có thai hoặc sinh con trong vòng sáu tháng qua

Những biến chứng của bệnh suy giáp

Suy giáp không được điều trị có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe:
Bướu cổ: Việc kích thích liên tục khiến tuyến giáp phải sản xuất nhiều hormone hơn có thể làm tuyến giáp tăng kích thước gây bệnh bướu cổ. Viêm giáp Hashimoto là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh bướu cổ. Mặc dù nhìn chung bệnh không gây khó chịu, bướu cổ lớn có thể ảnh hưởng đến vẻ ngoài của bạn và có thể ảnh hưởng việc nuốt thức ăn hoặc hô hấp.
Bệnh tim: Suy giáp cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim, chủ yếu do hàm lượng lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) – vốn là các cholesterol “xấu” – sẽ tăng cao khi tuyến giáp hoạt động kém. Thậm chí suy giáp cận lâm sàng, dạng bệnh lành tính hơn suy giáp, cũng có thể làm tăng tổng nồng độ cholesterol và làm giảm khả năng co bóp của tim. Suy giáp cũng có thể dẫn đến giãn buồng tim và suy tim.
Các vấn đề sức khỏe tinh thần: Trầm cảm có thể xảy ra sớm trong suy giáp và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Suy giáp cũng có thể làm chậm hoạt động chức năng tâm thần.
Bệnh thần kinh ngoại biên: Suy giáp kéo dài không được chữa trị có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại biên (các dây thần kinh truyền thông tin từ não và tủy sống tới phần còn lại của cơ thể, ví dụ như cánh tay và chân). Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm đau, tê và ngứa ran ở vùng bị ảnh hưởng bởi các tổn thương thần kinh. Nó cũng có thể gây yếu cơ hoặc mất kiểm soát vận động cơ.
Chứng phù niêm (suy giáp tiến triển): Căn bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm đến tính mạng này là kết quả của một tình trạng suy giáp kéo dài mà không được chẩn đoán. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm chịu lạnh rất kém, buồn ngủ, sau đó hôn mê sâu và mất tri giác. Hôn mê do phù niêm có thể xảy ra do thuốc giảm đau, nhiễm trùng hoặc các bệnh khác trên cơ thể. Nếu bạn có dấu hiệu hoặc triệu chứng của phù niêm, bạn cần được chữa trị khẩn cấp ngay lập tức.
Vô sinh. Nồng độ hormone tuyến giáp có thể cản trở sự rụng trứng, làm suy yếu khả năng sinh sản. Ngoài ra, một số nguyên nhân của suy giáp – chẳng hạn như rối loạn tự miễn dịch – cũng làm giảm khả năng sinh sản. Điều trị suy giáp bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp có thể không hoàn toàn phục hồi được khả năng sinh sản mà cần đến các biện pháp can thiệp khác.
Dị tật bẩm sinh. Nếu mẹ có bệnh tuyến giáp mà không điều trị, trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn các trẻ khác và dễ bị các vấn đề nghiêm trọng về trí não và phát triển. Trẻ sơ sinh bị suy giáp không được điều trị kịp thời có nguy cơ kém phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng nếu được điều trị trong vòng vài tháng đầu, cơ hội phát triển bình thường của trẻ là rất cao.
CHUẨN BỊ GÌ KHI GẶP BÁC SĨ?
Thông thường bạn sẽ được khám với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ đa khoa trước. Sau đó tùy trường hợp, bác sĩ đó có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên ngành nội tiết.
Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng cho buổi khám bệnh và biết những gì bạn có thể mong đợi từ bác sĩ.

Những gì bạn có thể làm

Tìm hiểu kỹ về những thủ tục cần làm trước buổi khám bệnh. Khi đặt lịch khám, hãy nhớ hỏi về các thủ tục bạn cần làm trước ngày khám bệnh.
Ghi lại bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải, bao gồm cả những triệu chứng có vẻ không liên quan đến bệnh.
Ghi lại các thông tin cá nhân cơ bản, bao gồm cả những căng thẳng hoặc thay đổi lớn trong cuộc sống gần đây.
Liệt kê danh sách tất cả thuốc men cũng như bất kỳ loại vitamin hay chất bổ sung mà bạn đang dùng.
Đi cùng một thành viên gia đình hoặc bạn bè nếu có thể . Đôi khi bạn sẽ thấy khó khăn để nhớ hết tất cả các thông tin nhận được trong lúc khám bệnh. Người đi cùng có thể sẽ nhớ một vài thứ mà bạn bị quên.
Viết sẵn câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn .
Việc chuẩn bị danh sách các câu cần hỏi sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian gặp bác sĩ. Một số câu hỏi cơ bản để hỏi bác sĩ về suy giáp bao gồm:
Nguyên nhân chính gây ra triệu chứng hoặc tình trạng này là gì?
Những nguyên nhân khác là gì?
Tôi sẽ cần làm những loại xét nghiệm nào?
Bệnh của tôi là tạm thời hay mạn tính?
Phương pháp điều trị tốt nhất là gì?
Còn phương pháp nào khác ngoài phương pháp điều trị bác sĩ vừa đưa ra không?
Tôi còn bị bệnh khác nữa. Làm sao để tôi điều trị hai bệnh cùng lúc?
Tôi có cần phải hạn chế gì không?
Tôi có nên đi khám chuyên gia không?
Có loại thuốc generic nào có thể thay thế thuốc mà bác sĩ đang kê cho tôi không?
Có tài liệu nào về bệnh này mà tôi có thể đem về nhà xem không? Bác sĩ có thể giới thiệu trang web nào cho tôi không?
Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để hỏi bác sĩ, đừng ngần ngại đặt câu hỏi trong buổi khám bệnh bất cứ lúc nào bạn cảm thấy không hiểu điều gì đó.

Những câu hỏi bác sĩ có thể hỏi bạn

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như:
Khi nào bạn bắt đầu có các triệu chứng?
Các triệu chứng xảy ra liên tục hay gián đoạn?
Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng đến mức nào?
Có bất kỳ điều gì có thể cải thiện các triệu chứng không?
Có điều gì có thể làm các triệu chứng tồi tệ thêm không?

Chẩn đoán

Do suy giáp phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi, một số bác sĩ khuyên phụ nữ lớn tuổi nên xét nghiệm suy giáp trong đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Nhiều bác sĩ cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch sinh con nên xét nghiệm suy giáp.
Thông thường, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm suy giáp nếu bạn cảm thấy ngày càng mệt mỏi, da khô, táo bón và tăng cân, hoặc từng có vấn đề về tuyến giáp và bị bướu cổ.

Xét nghiệm máu

Bệnh suy giáp được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và kết quả xét nghiệm máu về hàm lượng TSH (hormone kích thích tuyến giáp) và đôi khi cũng dựa trên hàm lượng hormone thyroxine của tuyến giáp. Hàm lượng thyroxine thấp và hàm lượng TSH cao là dấu hiệu của bệnh suy giáp bởi vì tuyến yên phải sản xuất nhiều TSH hơn để kích thích tuyến giáp sản xuất nhiều hormone hơn.
Trước đây, các bác sĩ chỉ có thể phát hiện bệnh suy giáp khi các triệu chứng suy giáp đã tiến triển khá nhiều. Nhưng với các xét nghiệm TSH khá nhạy hiện nay, bác sĩ đã có thể chẩn đoán bệnh suy giáp từ rất sớm – thường là trước khi bạn có các triệu chứng. Do xét nghiệm TSH là xét nghiệm sàng lọc tốt nhất, bác sĩ sẽ kiểm tra TSH đầu tiên rồi sau đó mới xét nghiệm hormone tuyến giáp nếu cần thiết. Xét nghiệm TSH cũng quan trọng trong chữa trị suy giáp vì nó giúp bác sĩ xác định đúng liều lượng thuốc lúc ban đầu và điều chỉnh dần theo thời gian.
Ngoài ra, xét nghiệm TSH còn được sử dụng để giúp chẩn đoán suy giáp cận lâm sàng, tình trạng này không có dấu hiệu hoặc triệu chứng bên ngoài, biểu hiện chính yếu là bạn có hàm lượng triiodothyronine và thyroxine trong máu bình thường nhưng hàm lượng TSH cao.

Điều trị bệnh suy giáp thế nào?

Phương pháp điều trị cơ bản của suy giáp thường là bổ sung hormone tuyến giáp levothyroxin tổng hợp hàng ngày (ví dụ Levothroid, Synthroid và những thuốc khác). Thuốc uống này giúp phục hồi nồng độ hormone cần thiết, ức chế các dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp.
Một đến hai tuần sau khi bắt đầu điều trị, bạn sẽ cảm thấy ít mệt mỏi hơn. Thuốc cũng dần dần làm giảm nồng độ cholesterol tăng cao gây ra bởi suy giáp đồng thời cân nặng cũng dần giảm về mức bình thường. Điều trị bằng levothyroxine thường kéo dài suốt đời, nhưng vì liều lượng hormone bạn cần có thể thay đổi, bác sĩ có thể phải xét nghiệm hàm lượng TSH hàng năm.

Xác định liều lượng thích hợp có thể mất thời gian

Để xác định đúng liều lượng ban đầu của levothyroxine, bác sĩ thường kiểm tra lại hàm lượng TSH trong máu bạn sau hai đến ba tháng. Quá nhiều hormone có thể gây ra tác dụng phụ như:
Tăng sự thèm ăn
Mất ngủ
Tim đập nhanh
Run rẩy
Nếu bạn có bệnh động mạch vành hoặc suy giáp nặng, ban đầu bác sĩ có thể kê liều lượng hormone nhỏ và dần dần tăng liều lượng. Việc tăng dần liều lượng này giúp tim bạn điều chỉnh để thích nghi với sự tăng quá trình trao đổi chất.
Levothyroxine hầu như không gây ra tác dụng phụ khi sử dụng ở liều lượng thích hợp và tương đối rẻ tiền. Nếu bạn thay đổi thương hiệu thuốc, hãy nói cho bác sĩ biết để đảm bảo bạn vẫn nhận được đúng liều lượng. Ngoài ra, không bỏ liều hoặc ngưng dùng thuốc ngay sau khi bạn cảm thấy khỏe hơn bởi vì các triệu chứng của suy giáp sẽ dần dần trở lại.

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 22-03-2021 -

Bài viết liên quan

  • 04-10-2018

    Nếu van tim bị chít hẹp, lượng máu bơm qua van cho mỗi lần bóp sẽ quá ít. Còn nếu van tim bị hở (đóng không kín), một lượng máu khi vận chuyển qua van sẽ bị trào ngược trở lại vùng tim trước đó trong mỗi nhát bóp. Trong cả hai trường hợp, tim phải làm

  • 29-10-2018

    Sức khỏe tinh thần bao gồm sự khỏe mạnh về cảm xúc, tâm lý, khả năng nhận thức và giao tiếp xã hội. Cũng như sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của bạn có thể bị tổn thương do các bệnh tâm lý – thần kinh. Đây là một bệnh ảnh hưởng đến não

  • 28-05-2018
    Viêm phổi không điển hình là một tình trạng nhiễm trùng phổi gây ra bởi nhóm vi khuẩn gồm Legionella pneumophila, Mycoplasma pneumoniae và Chlamydophila pneumoniae. Viêm phổi không điển hình thường có triệu chứng nhẹ hơn hẳn bệnh viêm phổi điển hình,
  • 28-05-2018
    Viêm cân bàn chân hay còn được gọi là viêm cân gan chân. Đây là tình trạng cơ gân bàn chân bị viêm (sưng) dẫn đến đau gót chân. Cơ gan bàn chân là một dải mô bền giống như dây cao su nằm bên dưới xương chân. Nó được gắn ở phần cuối xương gót chân và
  • 28-05-2018
    Ung thư ruột già là một trong những ung thư thường xuyên và nguy hiểm nhất tại Hoa Kỳ. Mỗi năm trên nước Mỹ hơn 130.000 người bị ung thư ruột già và trong số này gần một nửa sẽ tử vong trong một thời gian ngắn sau khi bệnh được phát hiện. Nếu so với
  • 17-10-2018

    Bại não là một loại khuyết tật ảnh hưởng lên sự vận động, tâm thần, giác quan và hành vi của trẻ (xem hình 1). Bại não xảy ra do tổn thương não của trẻ trước khi sinh, trong khi sinh và cả sau sinh. Không phải toàn bộ não bị tổn thương mà chỉ một số