Sỏi tiết niệu

Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và một số trường hợp có cả sỏi niệu đạo thường là do sỏi từ bên trên đi xuống. Bệnh hay xảy ra ở người lớn tuổi, ít xảy ra ở trẻ em và thường có tiền sử bệnh lâu dài qua nhiều năm. Ảnh minh họa Bệnh sỏi đường

Tìm hiểu chung

Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và một số trường hợp có cả sỏi niệu đạo thường là do sỏi từ bên trên đi xuống. Bệnh hay xảy ra ở người lớn tuổi, ít xảy ra ở trẻ em và thường có tiền sử bệnh lâu dài qua nhiều năm.

Tổng quan bệnh sỏi đường tiết niệu - ảnh 1

Ảnh minh họa


Bệnh sỏi đường tiết niệu hay xảy ra ở thận nhất, kế đó là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ít gặp hơn còn sỏi kẹt niệu đạo chỉ xảy ra ở đàn ông. Vì niệu đạo của đàn ông dài, sỏi khó thoát ra ngoài theo dòng nước tiểu.

Triệu chứng, biểu hiện

Triệu chứng, biểu hiện của bệnh sỏi đường tiết niệu

Cơn đau quặn thận: Sỏi được hình thành một cách âm thầm và thường chỉ được phát hiện lần đầu bởi cơn đau quặn. Bệnh nhân lên cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng thắt lưng, lan xuống vùng hạ vị, đến vùng bẹn và cơ quan sinh dục.
Cơn đau thường xuất hiện sau khi vận động mạnh (chạy nhảy, đi xe trên đường xấu...), khiến sỏi di chuyển tới chỗ chít hẹp, gây tắc đường niệu. Triệu chứng sẽ lui dần sau khi nghỉ ngơi và đi tiểu được.
Đái buốt, nước tiểu có máu: Tùy theo mức độ tổn thương đường niệu, nước tiểu sẽ có màu từ hồng nhạt đến đỏ toàn bãi.
Viêm đài bể thận do ứ nước tiểu: Bệnh nhân bị đái đục, đau vùng lưng - thắt lưng. Đại đa số trường hợp có sốt cao, rét run; nếu muộn có thể có phù, nôn mửa, ăn không ngon miệng ...Vì khả năng hoạt động bù trừ của thận rất tốt, nên có trường hợp chỉ phát hiện ra bệnh sỏi khi có dấu hiệu của viêm đài bể thận.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh sỏi đường tiết niệu

Sỏi niệu có liên quan khá mật thiết đến tình trạng khí hậu và thời tiết nơi sinh sống: khi khí hậu trở nên nóng bức, mồ hôi ra nhiều và nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa và dễ bị kết tủa tạo sỏi trong thận hoặc bàng quang.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh sỏi đường tiết niệu

  • Khí hậu và thời tiết nơi sinh sống: khi khí hậu trở nên nóng bức, mồ hôi ra nhiều và nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa và dễ bị kết tủa tạo sỏi trong thận hoặc bàng quang.
  • Nghề nghiệp: những người làm việc ở môi trường nắng nóng như thợ luyện kim, công nhân xây dựng, thủy thủ, những người làm việc trí óc căng thẳng như bác sĩ, nhân viên văn phòng... dễ bị mắc bệnh hơn những người làm nghề lao động phổ thông.
  • Chế độ ăn uống: những người uống nhiều loại nước có chất canxi rất dễ bị bệnh, việc uống sữa quá nhiều cùng với các chất pha thêm vào sữa như melamin cũng tăng nguy cơ gây bệnh vì tăng hàm lượng canxi hấp thu vào cơ thể. Uống ít nước, ăn quá mặn, ăn nhiều các thức ăn giàu canxi có mặt tốt nhưng cũng tăng nguy cơ bị bệnh.
  • Giới tính: Sỏi thường xảy ra ở nam giới, với tỷ lệ 5 nam giới mới có 1 phụ nữ mắc bệnh.
  • Tuổi: Tuổi mắc sỏi tiết niệu ở đàn ông trung bình từ 20 - 40 tuổi còn phụ nữ lại từ 25 - 40 tuổi. Tuy nhiên từ 55 tuổi trở lên, phụ nữ lại có nhiều người bị sỏi niệu. Nguyên nhân là do có sự thay đổi về nội tiết tố nữ và tình trạng loãng xương gia tăng ở lứa tuổi mãn kinh. Ở trẻ em, bệnh nhân mắc sỏi niệu thường dưới 10 tuổi, lứa tuổi từ 10 - 18 tuổi lại ít bị sỏi niệu hơn.
  • Vùng địa lý: Sỏi tiết niệu thường xảy ra ở người nông thôn hơn là người thành thị, những người sống ở các vùng ven biển và các vùng núi đá vôi, nguồn nước chứa quá nhiều canxi cũng dễ bị bệnh hơn các vùng khác.

Điều trị

Điều trị bệnh sỏi đường tiết niệu

Thuốc có tác dụng bào mòn, tan sỏi, tống sỏi:
Các thuốc trong nhóm này sẽ làm giảm kết dính các tinh thể. Thuốc có hiệu quả ở những trường hợp sỏi nhỏ, bề mặt sỏi nhẵn, vị trí thấp. Gồm có:
  • Kim tiền thảo với thành phần desmodium styracifolium có tác dụng giảm kết dính, tiêu viêm, giảm đau. Đây là dược liệu được sử dụng lâu đời ở Trung Quốc và Việt Nam, thịnh hành trong điều trị sỏi tiết niệu. Các công ty dược phẩm đã dùng các kỹ thuật bào chế hiện đại để sản xuất kim tiền thảo đơn thuần dưới dạng viên bao đường hoặc viên bao phim.
Phụ nữ có thai, nuôi con bú và trẻ em không nên dùng kim tiền thảo.
Ngoài kim tiền thảo, các lương y còn thêm râu ngô, bông mã đề, rễ cỏ tranh làm thang thuốc cho người bệnh uống hàng ngày.
  • Thuốc có thành phần: cao hạt chuối hột, cao rau om, cao rau mèo, cao hạt lười ươi. Hoặc pinene, camphene cineol, fenchone, borneol, anethol, dầu ôliu. Thuốc có tác dụng thải trừ sỏi, giảm viêm, tăng luồng máu qua thận và làm tăng thể tích nước tiểu, giảm đau, giảm co thắt đường niệu. Vì vậy có tác dụng thuận lợi cho đào thải sỏi cũng như ngăn ngừa sỏi tái phát.
  • Dung dịch hemiacidrin chứa magiê hydroxycarbonat, axít citrat magiê, axít citric, axít anhydrous D gluconic và canxi carbonat được đưa trực tiếp vào niệu quản, thận, tiếp xúc với sỏi qua ống thông niệu quản hoặc qua da để hòa tan sỏi. Ở Việt Nam, chưa có kinh nghiệm về thuốc và phương pháp điều trị này.
Thuốc có tác dụng hạn chế tạo thành sỏi:
  • Thuốc lợi tiểu nhóm thiazid gây tăng đào thải canxi niệu. Thuốc có thể gây mất nước, tụt huyết áp.
  • Dung dịch kiềm natribicarbonat. Pha 5g muối bicarbonat trong 500ml nước đun sôi để nguội uống trong ngày có tác dụng phòng sỏi urat trong bệnh gút.
  • Orthophosphat để đào thải pyrophosphat ra nước tiểu có tác dụng ức chế kết dính phosphat canxi tạo sỏi.
  • Kali citrat để phòng ngừa sỏi axít uric, sỏi cystine.
Thuốc chống co thắt, giảm đau:
Trong sỏi tiết niệu có triệu chứng đau do co thắt niệu quản, do tắc nghẽn. Tùy theo đau ít hay nhiều, có thể chọn một trong các thuốc sau:
  • Papaverin: hiện ít dùng.
  • Alverin citrat (spasmaverin). Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Spasfon (viên 80mg, ống 40mg).
  • Drotaverin (viên 40mg, ống 40mg).
  • Buscopan (viên 10mg, ống 20mg).
Thuốc kháng sinh khi có biến chứng bội nhiễm:
Trong sỏi tiết niệu tái phát, sỏi to san hô có bội nhiễm, các thầy thuốc thường chọn một trong các nhóm sau dựa vào thể trạng người bệnh và kinh nghiệm của thầy thuốc:
  • Nhóm cephalosporin thế hệ 2, thế hệ 3, thế hệ 4.
  • Nhóm quinolon dưới dạng viên hoặc ống: ciprofloxacin, levofloxacin, norfloxacin, ofloxacin.
  • Rất thận trọng khi chỉ định nhóm aminoglycosides vì độc thận.
Việc điều trị nội khoa trong bệnh sỏi tiết niệu cần được tiến hành sớm, kịp thời, hiệu quả và theo dõi định kỳ tốt để tránh chuyển đến suy thận mạn.

Kinh nghiệm dân gian về bệnh sỏi đường tiết niệu

Kinh nghiệm dân gian về bệnh sỏi đường tiết niệu
Ở Việt Nam, bệnh chiếm một tỷ lệ đáng kể, đặc biệt ở lứa tuổi 30 – 50. Chế độ ăn uống không hợp lý, nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc sống ở vùng khô, vùng nhiệt đới là những yếu tố thuận lợi tạo thành sỏi. Sỏi tiết niệu gồm có sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
Chỉ định điều trị bằng thuốc Y học cổ truyền cho các trường hợp sau:
  • Kích thước sỏi 1cm ở niệu quản.
  • Trên phim sỏi tương đối nhẵn.
  • Số lượng sỏi nhiều mà phương pháp phẫu thuật hoặc tán sỏi có thể không lấy hết được.
  • Chống tái phát.
  • Chức năng của thận bình thường hoặc tổn thương nhẹ, sỏi thường một bên.
  • Bệnh nhân không chịu nổi phẫu thuật vì tuổi cao, thể trạng suy yếu.
Thể thấp nhiệt
Nguyên nhân: Do ăn nhiều các thức ăn cay nóng béo ngọt, hoặc nghiện rượu lâu ngày gây thấp nhiệt, thấp nhiệt lâu ngày làm cho cặn trong nước tiểu tụ thành sỏi.
Triệu chứng: Tiểu tiện ra máu, kèm theo đau quặn bụng, tiểu tiện nhiều lần, đái buốt, miệng đắng họng khô, bụng dưới tức trướng, chất lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch huyền hoạt.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, thông lâm bài thạch.
  • Bài 1: Bát chính tán gia giảm gồm: mộc thông 9g, biển súc 12g, hoạt thạch 15g, sơn chi 12g, kim tiền thảo 30g, kê nội kim 9g, tiên hạc thảo 15g, xa tiền tử 15g, cù mạch 12g, đại hoàng 6g (cho vào sau), cam thảo 6g, hải kim sa 15g, hoa hòe 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
  • Bài 2: Kim tiền thảo 40g, tỳ giải 20g, xa tiền tử 20g, uất kim 12g, trạch tả 12g, ngưu tất 12g, kê nội kim 8g.
  • Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
  • Bài 3: Đạo xích tán gia vị gồm: sinh địa 16g, kim tiền thảo 40g, đạm trúc diệp 16g, xa tiền tử 20g, mộc thông 08g, kê nội kim 8g, cam thảo (sao cháy) 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Nếu đái ra máu thêm cỏ nhọ nồi 16g, tiểu kế 12g.
Nếu đau nhiều thêm ô dược 8g, diên hồ sách 8g, uất kim 8g.
Thể can uất khí trệ
Nguyên nhân: Do tinh thần không thư thái, cáu giận tổn thương can, gây nên can uất khí trệ, khí trệ không tuyên thông uất hóa hỏa, hỏa uất ở hạ tiêu, ảnh hưởng khí hóa của bàng quang, dẫn tới tiểu tiện khó, đau, tiểu không hết bãi.
Triệu chứng: Tiểu tiện ra máu, đái buốt, đái rắt, ấn vùng thận đau, ngực sườn đầy trướng, chất lưỡi tối hoặc có ban ứ huyết, mạch huyền sáp.
Pháp điều trị: Hành khí lợi tiểu, thông lâm bài thạch.
  • Bài 1: Thạch vĩ tán gia giảm gồm: thạch vĩ, tang bạch bì, phục linh, xa tiền tử, chi tử, kim tiền thảo đều 12g; hoạt thạch 16g; cam thảo, mộc thông 6g. Sắc uống trong ngày.
  • Bài 2: Tứ vật đào hồng thang gia giảm gồm: đào nhân 12g, xuyên khung 8g, ngưu tất 8g, hoạt thạch 15g; kê nội kim, mộc thông, trạch tả, ô dược, xuyên luyện tử đều 9g; hồng hoa, đương quy, đông quỷ tử đều 12g; kim tiền thảo 30g; hải kim sa, xa tiền tử đều 15g.
  • Bài 3: Kim tiền thảo 40g; xa tiền tử 20g; đào nhân, uất kim, chỉ xác, đại phúc bì, kê nội kim đều 8g, ý dĩ 16g. Sắc uống ngày 1 thang
Thể thận âm hư suy
Nguyên nhân: Sỏi lâu ngày không khỏi, thấp nhiệt gây hao thương chính khí, hoặc tuổi già, bệnh lâu ngày cơ thể bị hư nhược, hoặc tiên thiên bất túc, lao lực quá độ, dẫn tới thận âm suy hư, âm hư hỏa vượng, hư hỏa bức huyết vong hành gây nên tiểu tiện ra máu.
Triệu chứng: Tiểu tiện ra máu, bụng dưới trướng đầy, lưng gối mềm yếu, đầu váng tai ù, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác.
Pháp điều trị: Tư âm giáng hỏa, thông lâm bài thạch.
Bài thuốc: Bổ thận bài thạch thang gồm: tri mẫu, thục địa, trạch tả, đương quy, hoàng bá đều 12g, kê nội kim 9g, mộc thông 9g; cam thảo, sơn thù đều 6g, kim tiền thảo 30g; hải kim sa, xa tiền tử, hoàng kỳ 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
Những điểm cần lưu ý trong quá trình điều trị
  • Uống nhiều nước: 1.500 – 3.000ml/ngày trong thời gian điều trị.
  • Điều chỉnh pH nước tiểu duy trì ở mức 5 - 7.
  • Sỏi urat: Hạn chế ăn thịt, làm nước tiểu kiềm bằng uống thêm bicarbonat.
  • Sỏi oxalat: Hạn chế ăn cua, ốc, cá.
  • Sỏi photphat: Hạn chế ăn trứng, sữa, làm nước tiểu toan bằng uống cam, chanh.
  • Chống nhiễm khuẩn.
Điều trị sỏi tiết niệu bằng thuốc Y học cổ truyền có kết quả tốt nhưng phải theo dõi xét nghiệm chức năng thận và có chỉ định điều trị bảo tồn đúng đắn sẽ giúp người bệnh tránh được phẫu thuật và các nguy cơ tai biến của ca phẫu thuật.

Phòng ngừa

Phòng ngừa bệnh sỏi đường tiết niệu

Chủ động phòng tránh các yếu tố có nguy cơ gây nhiễm trùng đường niệu, uống đủ nước (nhất là vào mùa nóng, khi lao động nặng). Không nén nhịn lâu khi buồn đi tiểu. Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu dắt thì nên dùng sớm các loại lợi tiểu sẵn có như râu ngô, mã đề..
Khi phát hiện bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh, nên uống nhiều nước để mỗi ngày bài tiết được hơn 1,5 lít nước tiểu.
Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị sỏi, tránh các biến chứng.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Mãn kinh là thời điểm phụ nữ không còn hành kinh nữa và không phải do bệnh tật. Mãn kinh là thời kỳ chuyển giao giữa 2 giai đoạn trong cuộc đời một người phụ nữ. Nhiều phụ nữ xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau do sự thay đổi hormon bởi hiện tượng
  • 28-05-2018
    Ung thư nguyên bào võng mạc có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, thường ở trẻ em, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn.
  • 28-05-2018
    Nhiễm Nocardia là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn đất. Đây là một rối loạn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống), phổi hoặc da. Nhiễm Nocardia là bệnh nghiêm trọng và có thể gây chết người.
  • 28-05-2018
    Đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm khô, cườm đá) là sự đục đi của thủy tinh thể nằm bên trong mắt của chúng ta. Thủy tinh thể có cấu trúc giống như một thấu kính trong suốt nằm sau con ngươi. Khi ta nhìn một vật, các tia sáng sẽ đi xuyên qua đồng tử
  • 28-05-2018
    Loét miệng hay lở miệng gây ra bởi tình trạng viêm miệng. Chỗ viêm này gây khó khăn trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn hay còn gọi là chứng kém hấp thu.nNếu bạn bị chứng kém hấp thu, bạn sẽ không đủ vitamin và dinh dưỡng trong chế độ ăn. Việc
  • 28-05-2018
    Sa sút trí tuệ có liên quan đến một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng về trí nhớ, suy nghĩ và ngôn ngữ. Tuy nhiên, mất trí nhớ không đồng nghĩa với việc bị sa sút trí tuệ bởi vì có nhiều nguyên nhân khác cũng gây ra sa sút trí tuệ.