Sa sinh dục

Sa sinh dục còn gọi là sa tử cung, nhưng gọi sa sinh dục thì đúng hơn, vì trong nhiều trường hợp không những chỉ sa tử cung, mà còn sa cả thành trước âm đạo kèm theo có sa bàng quang và sa cả thành sau âm đạo kèm theo trực tràng. Sa sinh dục là một bệnh

Sa sinh dục là gì?

Sa sinh dục còn gọi là sa tử cung, nhưng gọi sa sinh dục thì đúng hơn, vì trong nhiều trường hợp không những chỉ sa tử cung, mà còn sa cả thành trước âm đạo kèm theo có sa bàng quang và sa cả thành sau âm đạo kèm theo trực tràng.
Sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt nam, nhất là phụ nữ ở nông thôn, trong lứa tuổi từ 40 - 50 trở lên chiếm khoảng 5 - 8%.
Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Bệnh thường gặp ở những người chửa đẻ nhiều, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không không được đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật.

Hình minh họa

 

Triệu chứng, biểu hiện sa sinh dục

Triệu chứng cơ năng

Triệu chứng cơ năng tuỳ thuộc mức độ sa nhiều hay ít, thời gian sa mới hay đã lâu, sa đơn thuần hay còn có tổn thương phối hợp. Các triệu chứng cơ năng của sa sinh dục gồm có:
- Khối sa lồi ở vùng âm hộ, tầng sinh môn:

  •  Ban đầu kích thước khối sa nhỏ, sa không thường xuyên, xuất hiện khi lao động hoặc đi lại nhiều, nằm nghỉ thì khối sa tụt vào trong âm đạo hoặc tự đẩy lên được.
  •  Càng về sau khối sa càng to, sa thường xuyên, không đẩy lên được nữa.

- Tức nặng bụng dưới, cảm giác vướng víu khó chịu vùng âm hộ - tầng sinh môn, ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
- Các triệu chứng rối loạn tiểu tiện (do bàng quang và niệu đạo bị sa): Đái khó, đái buốt, són đái, đái ra máu khi có viêm bàng quang hoặc có sỏi bàng quang hình thành do sự ứ trệ nước tiểu lâu ngày. Đôi khi bệnh nhân đến viện vì bí đái cấp.
- Rối loạn đại tiện (do sa trực tràng): đại tiện khó, táo bón, bệnh nhân hay có cảm giác mót rặn, tức nặng vùng hậu môn. Các triệu chứng này ít gặp hơn so với rối loạn tiểu tiện.
- Chảy máu, dịch từ cổ tử cung do cổ tử cung bị viêm nhiễm, cọ sát.
- Sa sinh dục ở người trẻ có thể vẫn có thai nhưng dễ bị sảy thai hoặc đẻ non.

Triệu chứng thực thể

Cần thăm khám cẩn thận, tỉ mỉ. Đánh giá kích thước, mức độ và các thành phần trong khối sa sinh dục:
Kích thước khối sa sinh dục có thể to nhỏ khác nhau tuỳ thuộc vào mức độ và thời gian sa sinh dục. Nếu có bí đái, phải thông tiểu để đánh giá kích thước khối sa sinh dục được chính xác.
Mức độ sa sinh dục: có 3 độ như đã nói ở trên.
Các thành phần trong khối sa sinh dục: thường là sa thành trước âm đạo (kèm theo sa bàng quang), sa thành sau âm đạo (có thể kèm sa trực tràng), sa cổ tử cung và thân tử cung. Cần đánh giá cổ tử cung có tổn thương viêm loét, phì đại hay không?

  •  Cho bệnh nhân ngồi rặn hoặc ho để khối sa sinh dục xuất hiện rõ hơn (nếu sa không thường xuyên).
  •  Khám tiểu khung: đẩy khối sa vào âm đạo, thực hiện thao tác thăm âm đạo kết hợp với nắn bụng để đánh giá kích thước, độ di động của tử cung và hai phần phụ, đánh giá mức độ dính của chúng trong trường hợp có vết mổ cũ, từ đó tiên lượng và dự kiến phương pháp phẫu thuật.
  •  Thăm trực tràng: mục đích để đánh giá mức độ sa trực tràng và độ dày của phên trực tràng - âm đạo giúp cho việc thực hiện phẫu thuật an toàn, đề phòng tổn thương trực tràng.
  •  Đánh giá tình trạng tầng sinh môn và cơ nâng hậu môn.

Nguyên nhân sa sinh dục

  • Chửa đẻ nhiều lần, đẻ dày, đẻ không được đỡ đẻ an toàn đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn không khâu.
  • Lao động nặng hoặc quá sớm sau đẻ làm tăng áp lực ổ bụng, đè vào đáy chậu còn mềm yếu dễ gây nên sa sinh dục.
  • Các nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên: mang vác, gánh gồng nặng, táo bón trường diễn, ho kéo dài, những người bán hàng rong thường xuyên ngồi bệt trên lề đường…
  • Rối loạn dinh dưỡng ở người già, hệ thống treo và nâng đỡ tử cung suy yếu.

Ngoài ra có thể do cơ địa bẩm sinh ở người chưa đẻ lần nào.

Biến chứng sa sinh dục

Nói chung, sa sinh dục tiến triển chậm. Theo thời gian, nếu không được xử trí thì ngày càng sa nhiều hơn, mức độ sa nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào tuổi tác và mức độ lao động nặng hay nhẹ.
Các biến chứng do sa sinh dục gây nên gồm:
  • Viêm loét, chảy máu cổ tử cung kéo dài (do bị cọ sát), làm cho việc vệ sinh chăm sóc hàng ngày rất bất tiện.
  • Thành âm đạo sa dễ bị viêm, khô, rát, có thể xuất huyết do bị cọ sát; người bệnh đau đớn khó chịu, mất dần khả năng sinh hoạt tình dục.
  • Tử cung – phần phụ dễ bị viêm ngược dòng do viêm cổ tử cung.
  • Bàng quang và niệu đạo bị sa (theo thành trước âm đạo) gây rối loạn tiểu tiện, bí đái, lâu ngày dẫn đến viêm bàng quang, sỏi bàng quang, xuất huyết bàng quang, rò bàng quang - âm đạo, thận ứ niệu.
  • Khi thành sau âm đạo sa nhiều sẽ kéo theo sa trực tràng gây rối loạn đại tiện (ỉa khó, mót rặn, són phân…).

Chẩn đoán sa sinh dục

Chẩn đoán xác định:

Đặc điểm của bệnh là thường gặp ở người từ 40 – 50 tuổi trở lên, bệnh tiến triển chậm, có thể từ vài năm đến hàng chục năm.
Tiền sử thường đẻ nhiều, đẻ dày, không được đỡ đẻ an toàn, sau đẻ lao động nặng sớm.
Triệu chứng cơ năng gồm khối sa vùng âm hộ, tức nặng bụng dưới, kèm theo có thể có rối loạn đại, tiểu tiện.
Khám thực thể xác định kích thước, mức độ, nội dung khối sa; tình trạng tầng sinh môn; đánh giá vùng tiểu khung có khối u, có dính hay không?

Chẩn đoán phân biệt:

Chẩn đoán sa sinh dục thường dễ, dẫu sao chúng ta cũng nên chú ý tới hai bệnh dễ nhầm với sa sinh dục, đó là:
  • Lộn tử cung.
  • Cổ tử cung dài và phì đại đơn thuần.

Điều trị sa sinh dục

Điều trị nội khoa

* Chỉ định:

Với sa sinh dục độ I.
Sa độ II, III nhưng bệnh nhân quá già, hoặc có bệnh toàn thân chống chỉ định phẫu thuật, hoặc bệnh nhân quá trẻ.

* Cách điều trị:

  • Cho đeo dụng cụ đỡ tử cung bằng chất dẻo (pessarium).
  • Dùng Estrogen tác dụng đơn thuần ở âm đạo.
  • Thể dục liệu pháp.
  • Ngâm tầng sinh môn và khối sa sinh dục hàng ngày trong các dung dịch sát trùng, nước chè xanh, nước sắc lá trầu không có tác dụng làm săn se niêm mạc âm đạo, chống viêm.
  • Điều trị các biến chứng nếu có.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu trong điều trị sa sinh dục.

* Chỉ định: Sa sinh dục độ II và độ III, nghĩa là những trường hợp sa sinh dục có triệu chứng cơ năng mới cần phẫu thuật.

* Trước phẫu thuật cần đánh giá đầy đủ các yếu tố sau:

  • Tuổi, thể trạng và các bệnh lý toàn thân:

Bệnh nhân sa sinh dục thường cao tuổi nên thể trạng thường không tốt, có thể quá béo, quá gầy; có thể có các bệnh toàn thân như thiếu máu, bệnh tim mạch, hô hấp, huyết áp cao, tiểu đường…Đôi khi các yếu tố này sẽ là yếu tố chống chỉ định mổ hoặc cần điều trị trước khi mổ.
Không nên mổ cho những bệnh nhân quá trẻ hoặc quá già, trừ khi sa quá nhiều và thể trạng cho phép.

  • Mức độ sa sinh dục.

Ảnh hưởng của sa sinh dục đến các cơ quan lân cận: tình trạng sa bàng quang, sa trực tràng; rối loạn tiểu tiện, đại tiện?.
Tình trạng âm đạo, cổ tử cung bình thường hay viêm nhiễm. Nếu có viêm cổ tử cung, âm đạo cần đặt thuốc và vệ sinh hàng ngày trước mổ.
Tử cung, hai phần phụ có u cục không?
Bụng có vết mổ cũ không? tiên lượng mức độ dính vùng tiểu khung?
Bệnh nhân còn nhu cầu sinh đẻ không? còn quan hệ tình dục không?
Điều kiện trang bị của cơ sở y tế và trình độ phẫu thuật viên.
Lưu ý: cần khám phát hiện các bệnh lý toàn thân như bệnh tim, phổi mãn tính, huyết áp cao… để điều trị nội khoa ổn định trước khi phẫu thuật sa sinh dục.

Phòng ngừa sa sinh dục

  • Không nên đẻ sớm quá, đẻ nhiều quá, đẻ dày quá. Phải đẻ ở nơi có điều kiện đỡ đẻ an toàn, đỡ đẻ đúng kỹ thuật.
  • Không nên để chuyển dạ quá dài, không để rặn đẻ quá lâu.
  • Các thủ thuật sản khoa phải làm đúng chỉ định, đúng kỹ thuật và đủ điều kiện tránh gây sang chấn cho âm đạo và tầng sinh môn.
  • Nếu rách tầng sinh môn, dù nhỏ cũng phải khâu lại.
  • Sau đẻ không nên lao động quá sớm và quá nặng.
  • Cần phát hiện và điều trị sớm các bệnh mãn tính gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên (táo bón trường diễn, ho kéo dài…) là nguyên nhân dẫn đến sa sinh dục.

(Nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 31-05-2022

    Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ rằng trẻ bị viêm tai giữa thì phải dùng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, đa số trường hợp trẻ bị viêm tai giữa không cần điều trị bằng kháng sinh. Cùng tìm hiểu khi nào nên dùng kháng sinh cho trẻ bị viêm tai giữa.

  • 28-05-2018
    Mộng thịt là một mô thịt phát triển theo hình tam giác hoặc hình cánh trên giác mạc. Nó thường xuất hiện ở góc trong hoặc góc bên ngoài của mắt. Đó là một tổn thương lành tính, phát triển chậm, và hầu như không có hại. Tuy nhiên trong một số trường hợp,
  • 28-05-2018
    Ghi chú: MSA còn gọi là hội chứng Parkinson không điển hình ( atypical Parkinsonian syndromes) hay hội chứng Parkinson-Plus (Parkinsonism-Plus syndrome).
  • 17-10-2018

    Nang gan hay những tổn thương dạng nang ở gan là một nhóm những rối loạn khá phức tạp, tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ phổ biến và những đặc tính lâm sàng. Hầu hết các nang gan đều được phát hiện một cách tình cờ qua những chẩn đoán hình ảnh và thường

  • 28-05-2018
    Vô sinh hay còn gọi là hiếm muộn, là một thuật ngữ mô tả tình trạng không thể thụ thai ở các cặp vợ chồng, mặc dù đã quan hệ tình dục thường xuyên sau một năm hoặc 6 tháng ở phụ nữ trên 35 tuổi.
  • 04-07-2018

    Ban đỏ nhiễm khuẩn (erythema infectious) là một bệnh truyền nhiễm dạng nhẹ, gây nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, thường gặp nhất ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 14 tuổi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bệnh cũng thấy xuất hiện ở người trưởng thành, và có thể gây nguy hiểm đặc biệt cho phụ nữ có thai.