Lao cột sống

Lao cột sống là một bệnh lao xương khớp nặng, chiếm tỉ lệ cao trong các bệnh lao xương khớp. ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế
Lao cột sống là một bệnh lao xương khớp nặng, chiếm tỉ lệ cao trong các bệnh lao xương khớp.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế

Triệu chứng bệnh lao cột sống

Triệu chứng bệnh lao cột sống

Giai đoạn khởi phát
Dấu hiệu cơ năng chủ yếu là đau:
Đau tại chỗ: Đau ở vùng cột sống bị tổn thương, cố định ở một vị trí không thay đổi. Đau liên tục cả ngày đêm, tăng khi vận động, đi lại, giảm khi nghỉ ngơi; dùng thuốc giảm đau ít hiệu quả.
Đau kiểu rễ: Do tổn thương chèn ép vào một vài nhánh của rễ thần kinh, đau lan theo đường đi của rễ và dây thần kinh, ở cổ lan xuống vai và gáy, ở lưng lan theo dây thần kinh liên sườn, ở thắt lưng lan theo thần kinh tọa. Đau tăng khi ho, hắt hơi, rặn mạnh.
Thăm khám:
Cột sống: Thấy một đoạn cột sống cứng đờ, hạn chế các động tác không giãn ra khi cúi. Cơ 2 bên cột sống có thể co cứng, gõ vào vùng gai sau của đoạn tổn thương thấy đau rõ.
Toàn thân: Có thể thấy dấu nhiễm lao, có tổn thương lao phối hợp > 50% trường hợp (phổi, màng phổi, hạch...).
Xquang và xét nghiệm:
Xquang: Rất quan trọng giúp chẩn đoán.
Đĩa đệm hẹp so với các đoạn khác. Thân đốt sống bị nham nhở, mờ phần trước và mặt trên. Phần mềm quanh đốt sống mờ đậm hơn. Để phát hiện sớm tổn thương cần chụp cắt lớp, cắt lớp tỉ trọng.
Xét nghiệm:
Công thức máu: bạch cầu Lympho tăng.
Tốc độ lắng máu tăng trong 95% trường hợp.
Phản ứng nội bì lao (IDR) dương tính trong 90% trường hợp.
Chọc kim cạnh cột sống hút để xét nghiệm: có thể tìm thấy trực khuẩn lao (BK).
Tìm tổn thương lao phổi phối hợp: chụp phổi, tìm BK trong đàm, sinh thiết hạch.
Giai đoạn toàn phát
Sau nhiều tháng bệnh tiến triển, tổn thương phá hủy đốt sống và đĩa đệm nhiều gây biến dạng cột sống, áp xe và dấu hiệu chèn ép.
Lâm sàng:
Cơ năng: Đau cố định, liên tục, có hội chứng rễ thần kinh thường xuyên và rõ rệt.
Thăm khám:
Lồi đốt sống ra sau: Nhìn nghiêng thấy một đốt sống lồi ra phía sau. Dùng ngón tay miết nhẹ dọc theo các gai sau từ dưới lên trên sẽ thấy rõ dấu hiệu này.
Áp xe lạnh: Có vị trí khác nhau tùy vị trí tổn thương:
Cột sống cổ: Túi áp xe đi ra phía trước ngay thành sau họng, có thể nhìn thấy khi khám họng, hoặc đi xuống theo các cơ cạnh cổ đến hõm thượng đòn.
Cột sống lưng: Túi áp xe có thể để ra phía sau nổi lên ngay dưới da.
Cột sống thắt lưng: áp xe nổi ngay dưới da vùng thắt lưng, vùng mông hoặc đi ra phía trước xuống bẹn, có khi xuống tới khoeo chân.
Các áp xe lạnh thường mềm, không đau, một số có thể vỡ ra chảy nước vàng và bã đậu để lại các vết loét và lỗ dò dai dẳng không liền.
Hội chứng chèn ép: là hậu quả xấu nhất của bệnh, do đốt sống và đĩa đệm bị phá hủy nhiều, di lệch, lún và có xu hướng trượt ra phía sau chèn ép vào tủy, đuôi ngựa. Tùy vị trí tổn thương, bệnh nhân có các dấu hiệu:
Liệt tứ chi: Tổn thương đoạn cổ.
Liệt 2 chân: Tổn thương đoạn lưng, thắt lưng trên.
Hội chứng đuôi ngựa: Tổn thương đoạn thắt lưng dưới.
Mức độ từ rối loạn cảm giác, giảm cơ lực đến mức độ nặng liệt cứng, rối loạn cơ vòng.
Dấu hiệu toàn thân: gầy, suy mòn, sốt, có thể loét mông do nằm lâu. Tổn thương lao lan rộng ra các bộ phận khác như phổi, màng phổi, hạch.
X quang và xét nghiệm:
X quang: Đĩa đệm bị phá hủy gần như hoàn toàn. Thân đốt sống bị phá hủy nhiều, nhất là phần trước tạo nên hình chêm, di lệch trượt ra phía sau.
Hình ảnh áp xe lạnh: trên phim chụp thẳng thấy hình mờ quanh tổn thương, có thể không đồng đều, có chỗ vôi hóa đậm hơn.
Xét nghiệm:
Tốc độ lắng máu tăng.
Chọc kim cạnh cột sống dễ tìm thấy tổn thương lao điển hình.
Chọc dịch não tủy để chẩn đoán ép tủy và viêm màng não tuỷ.
Giai đoạn cuối
Không được điều trị hoặc cơ thể quá suy yếu: bệnh nặng dần, liệt nặng, bội nhiễm, lao lan sang bộ phận khác như lao màng não, lao màng tim, màng phổi và chết vì suy kiệt.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế
 

Nguyên nhân gây bệnh lao cột sống

Nguyên nhân gây bệnh lao cột sống

Lao cột sống là một bệnh thứ phát, chỉ xuất hiện khi cơ thể đã bị lao tiên phát (thường là lao phổi), đôi khi sau cả một lao thứ phát khác, như bệnh lao đường tiết niệu – sinh dục. Đường truyền từ ổ lao tiên phát sang lao cột sống là đường máu (tuần hoàn).
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế
 

Biến chứng bệnh lao cột sống

Biến chứng bệnh lao cột sống

Ổ lao xương, ban đầu thường cư trú ở thân đốt sống, lan sang đĩa đệm kề bên, phá hủy và làm tiêu xương. Đốt sống bị yếu mà bệnh nhân vẫn ngồi, đi đứng và lao động nên dễ gãy xương, thường gập góc ra trước tạo ra biến dạng gù lưng rất nặng, vẫn ít khi chén ép tủy sống, gây liệt. Gù nhiều sẽ làm biến dạng luôn cả lồng ngực, nhất là gây gù cả xương ức ở phía trước, dễ lầm và bệnh vùng trước ngực.
Apxe lạnh còn có thể lan ngoài vùng xương, hoặc đi đọc các cơ hai bên cột sống dưới, tạo ra các túi Apxe lạnh ở các vị trí điển hình: túi ở hạ họng trong lao cốt sống cổ, túi hình con thoi hoặc hình trái lê ở hai bên trong lao cột sống thắt lưng có thể tạo ra Apxe lạnh ở vùng tam giác petit hay ở hai bên thắt lưng, apxe ở các vùng hố chậu, nếp bẹn mặt trong góc đùi (vùng nấu chuyển nhỏ, nơi bán tận ở cơ lưng – chậu) hoặc xa hơn nữa, apxe lao đi chuyển theo động mạch đùi tạo ra túi apxe lạnh ở kheo chân. Apxe lạnh cũng có thể len vào trong ống tủy gân chèn ép trực tiếp tủy sống hoặc làm cho màng cứng, màng tủy, thậm chí tủy sống bị viêm lao.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế
 

Chẩn đoán bệnh lao cột sống

Chẩn đoán bệnh lao cột sống

Chẩn đoán xác định
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và Xquang. Để chẩn đoán sớm cần chụp cắt lớp và chọc hút cạnh đốt sống. Trong giai đoạn toàn phát chẩn đoán dễ vì đầy đủ các dấu hiệu, nhất là Xquang.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm cột sống do vi khuẩn mủ (Ví dụ: tụ cầu): Dấu nhiễm trùng nặng, điều kiện khởi phát (nhọt, hậu bối), Xquang không có áp xe lạnh.
Các tổn thương u: ung thư, di căn, u máu... dựa vào các dấu hiệu toàn thân, Xquang không có hình ảnh áp xe lạnh. Nếu nghi ngờ, tiến hành chọc hút để xác định chẩn đoán.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế
 

Điều trị bệnh lao cột sống

Điều trị bệnh lao cột sống

Việc bất động và phẫu thuật có chỉ định riêng cho một số trường hợp.
1. Nội khoa
Dùng các thuốc chống lao theo nguyên tắc sau:
Điều trị càng sớm càng tốt.
Phối hợp tối thiểu 3 thuốc chống lao: Rimifon, Streptomycine, Pyrazynamide, Ethambutol, Rifampicine trong 3 tháng, sau đó giảm bớt một loại và tiếp tục dùng thuốc từ 6 - 12 tháng.
Lưu ý vấn đề kháng thuốc ở Đông Á.
Nên dùng thuốc 1 lần trong ngày, buổi sáng, bụng đói.
Theo dõi tình trạng toàn thân, tổn thương tại chỗ, tác dụng phụ của thuốc.
Thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
Phục hồi chức năng
Xoa bóp nhẹ nhàng các cơ kèm tập luyện cốt tránh teo cơ cứng khớp.
Sau khi hết đau, hết dấu hiệu viêm bắt đầu vận động cột sống từ từ và tăng dần.
Vấn đề bất động
Trước đây khi chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị chủ yếu là bất động từ 6 tháng đến 1 năm. Hiện nay bất động có chọn lọc, tùy trường hợp thời gian từ 3 - 6 tháng.
Bất động trong suốt thời gian bệnh tiến triển nhưng không hoàn toàn, không liên tục. Tốt nhất là dùng giường bột để bệnh nhân có thể thay đổi tư thế nhiều lần trong ngày, tránh hiện tượng cứng khớp teo cơ.
Trường hợp tổn thương nặng ở cột sống có di lệch nhiều đe dọa chèn ép thì cần bó bột.
Những tổn thương nhẹ, được chẩn đoán và điều trị sớm không cần bất động bằng bó bột.
2. Ngoại khoa
Được chỉ định trong các trường hợp sau:
Lao cột sống có nguy cơ chèn ép tủy hoặc đã ép tủy.
Lao có ổ áp xe lạnh tại chỗ hoặc di chuyển xa.
Theo dõi
Hằng tháng trong năm đầu, mỗi 3 tháng trong năm thứ hai và mỗi 6 tháng trong các năm sau:
Tác dụng phụ của thuốc: lâm sàng, sinh học.
Hiệu quả của thuốc kháng lao được đánh giá lâm sàng và Xquang mỗi 2 tháng.
Tiêu chuẩn đánh giá lành bệnh:
Hết đau.
Tổng trạng tốt.
Tái lập khả năng làm việc, học tập.
Không còn dò mủ, áp xe.
Tái sinh xương thấy trên Xquang.
Thất bại điều trị
Sau 4 tháng điều trị triệu chứng lâm sàng và Xquang vẫn tồn tại. Nguyên nhân thất bại là:
Kháng thuốc tiên phát.
Thiếu sự hợp tác của bệnh nhân.
Dùng thuốc sai.
Tổ chức điều trị không đúng mức, kiểm soát điều trị kém:
Không thăm khám lâm sàng.
Thuốc không đủ liều.
Thời gian điều trị không đủ.
Thuốc cung cấp không đều.
Không giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân.
Thiếu theo dõi y khoa đều đặn.
Thiếu theo dõi bệnh nhân đã ngưng thuốc.
Bị tác dụng phụ của thuốc mà không được phát hiện.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế
 

Chế độ chăm sóc bệnh nhân lao cột sống

Chế độ chăm sóc bệnh nhân lao cột sống

- Nếu người bệnh đau nhức nhiều ở cột sống, nên hạn chế các hoạt động thể lực nặng, tránh khuân vác vật nặng, tránh các động tác thể dục thể thao có tác động đến cột sống, nghỉ ngơi thường xuyên và có thể dùng thêm thuốc giảm đau.- Nếu bị gù vẹo cột sống nhưng chưa bị yếu liệt chi, người bệnh có thể được dùng các loại máng bột, nẹp bột để cố định, giúp làm vững cột sống trong khi chờ đợi tổn thương lao ở cột sống lành lại.
Khi có yếu chi hoặc liệt chi, bí tiểu... trong khi chờ đợi các biện pháp điều trị triệt để, cần chú ý chăm sóc bệnh nhân bị liệt hết sức cẩn thận, giữ vệ sinh tốt chỗ tiêu tiểu để tránh nhiễm trùng, xoay trở thường xuyên để tránh bị loét do nằm lâu (sẽ làm việc điều trị thêm phức tạp). Ngoài ra, cũng cần nắn bóp, tập co duỗi thụ động chi bị liệt, tránh để chân co quắp và tránh cứng khớp do bất động lâu ngày, gây khó khăn rất nhiều cho việc phục hồi hoạt động, đi lại sau này.
Nếu có khối áp-xe cạnh cột sống rò ra da, song song với việc điều trị lao, cần đến các cơ quan y tế để mở rộng lỗ rò và dẫn lưu mủ nhằm giúp vết rò có thể lành tốt và tránh sẹo xấu.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế
 

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Khái niệm tật không nhãn cầu và mắt nhỏ thường được sử dụng thay thế cho nhau. Mắt nhỏ là bệnh lý trong đó một hoặc cả hai mắt nhỏ bất thường, còn tật không nhãn cầu là tình trạng thiếu một hoặc cả hai mắt. Những rối loạn hiếm gặp này phát triển trong
  • 28-05-2018
    Đau khi giao hợp là hiện tượng thường thấy – khoảng 3 trong 4 phụ nữ bị đau khi giao hợp trong suốt quãng đời của họ. Với vài người, sự đau đớn chỉ là nhất thời nhưng những người khác thì lại là vấn đề dai dẳng.
  • 28-05-2018
    Viêm bờ mi gồm nhiều tổn thương cấp tính và mạn tính. Đây là một bệnh thường gặp, gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân, việc điều trị có khi rất dai dẳng vì khó xác định được nguyên nhân. Tỷ lệ bệnh nhân bị viêm bờ mi hiện nay tương đối cao. Tuy chưa có
  • 27-09-2021
    Hệ thống tim mạch, còn được gọi là hệ thống tuần hoàn, là hệ thống di chuyển máu đi khắp cơ thể con người. Nó bao gồm tim, động mạch, tĩnh mạch, và mao mạch. Nó vận chuyển máu ôxy từ phổi và trái tim trong suốt toàn bộ cơ thể thông qua các động mạch.
  • 28-05-2018
    Viêm da tiếp xúc hay còn gọi là viêm da. Đây là một dạng kích ứng da phổ biến. Viêm da tiếp xúc không gây hại tới sức khỏe nhưng sẽ gây khó chịu. Bệnh gây ra do da tiếp xúc với chất gây kích ứng, thường gặp nhất là hóa mỹ phẩm hoặc các loại cây độc.
  • 17-10-2018

    Chợt giác mạc hay còn gọi là trầy xước giác mạc hoặc biểu mô giác mạc bị chợt. Đây là vết trầy trên bề mặt giác mạc do dị vật gây ra. Giác mạc là lớp thủy dịch trong suốt nằm ngoài cùng của nhãn cầu, có vai trò như “tấm chắn” bảo vệ, đồng thời kết hợp